GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Những sự kiện xã hội nổi bật của Nhật Bản năm 2013

Đăng ngày: 31-12-2013, 15:39

Những sự kiện xã hội nổi bật của Nhật Bản năm 2013

Năm 2013 đã qua đi với rất nhiều sự kiện xã hội nổi bật của Nhật Bản. Trong đó có những điều đáng lo ngại, thậm chí đau buồn, nhưng có cả những yếu tố tích cực đem lại động lực, khí thế cho đất nước xứ sở Hoa anh đào. Sau đây là 4 sự kiện nổi bật được xem là có sự ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội Nhật Bản trên các khía cạnh khác nhau.

Chuyện buồn đầu năm: 10 công dân Nhật Bản bị giết ở Algeri. Sáng sớm ngày 16 tháng 1 năm 2013, một nhóm phiến quân Hồi giáo đã tấn công hai chiếc xe buýt chở nhân viên nhà máy khí đốt đang trên đường đi ra sân bay In Amenas. Những kẻ bắt cóc sau đó lái ít nhất ba xe tới Tigantourine, miền đông Algeria, đưa các công nhân bản địa cũng như ngoại quốc tới khu vực nhà ở và cơ sở chính của nhà máy khí đốt In Amenas. Những tên phiến quân này được trang bị súng phóng lựu đạn và nói với các con tin rằng chúng đã đặt mìn quanh nhà máy, theo lời một nhân chứng. Động cơ của hành động bắt cóc con tin là nhằm buộc Pháp ngừng can thiệp quân sự tại nước láng giềng của Algeria, Mali. Trong số những công nhân ngoại quốc có các công dân Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cắt ngắn chuyến công du Đông Nam Á tại thời điểm đó để trở về để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ông ra lệnh cho chính phủ "làm mọi điều có thể" để đảm bảo an toàn cho tính mạng các công dân Nhật đang ở trong tay những kẻ bắt cóc. Sau 4 ngày khủng hoảng, ngày 19/1, quân đội Algeri đã đột kích nhà máy khí đốt để chấm dứt cuộc bắt giữ con tin. Nhưng 10 người công dân Nhật Bản đã thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng làm rúng động dư luận quốc tế này. Sự kiện kinh hoàng đã gây nên không khí đau buồn trong xã hội Nhật Bản, buộc chính phủ phải xem xét lại việc bảo vệ an toàn công dân tại các khu vực bất ổn.

Số lượng thanh niên NEET cao nhất từ trước đến nay. Hiện tượng thanh niên không học hành, không đào tạo, không làm việc, hay còn gọi là thanh niên Neet là vấn đề xã hội của Nhật Bản ngày nay. Khái niệm Neet bắt nguồn từ cụm từ tiếng Anh viết tắt “Not in Education, Employment or Training”. Theo thống kê, số lượng thanh niên dạng Neet năm 1994 là khoảng 400.000 người, năm 2010 tăng gấp rưỡi lên 600.000 người. Điều tra mới nhất do “Sách trắng về thanh niên và trẻ em” công bố ngày 18 tháng 9 năm 2013 cho thấy số lượng thanh niên Neet ở Nhật Bản đã lên đến 630.000 người, cao nhất từ trước đến nay. Điều tra cụ thể với 558.853 đối tượng là những sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào mùa xuân năm 2013 vừa qua, có 75.928 người (13,6%) chưa đi làm và cũng không học lên tiếp. Trong đó, số lượng người tiếp tục tìm việc và chuẩn bị học tiếp lên cao là 45.158, còn lại 30.770 người không có ý định tìm việc cũng như kế hoạch đi học tiếp. Nhóm 30.770 người này gồm 16.882 nam và 13.888 nữ bị coi là thanh niên dạng Neet.

Thanh niên dạng Neet đang là vấn đề xã hội bức xúc của Nhật Bản hiện nay bởi nhóm thanh niên này không có thu nhập, không đóng thuế, không đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Để giải quyết được vấn đề này cần phải có sự phối hợp giữa các tổ chức xã hội và gia đình nhằm đưa ra các giải pháp tác động tích cực tới  thị trường lao động và cách suy nghĩ của bản thân nhóm thanh niên Neet ở Nhật Bản.

Núi Phú Sỹ được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngày 22 tháng 6 năm 2013, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh núi Phú Sĩ của Nhật Bản vào danh sách di sản văn hóa thế giới. Di sản thế giới gồm 3 hạng mục là di sản thiên nhiên, di sản văn hóa và di sản phức hợp. Tính cho đến nay, Nhật Bản đã có tổng cộng 17 di sản thế giới.

Núi Phú Sĩ trải dài trên địa phận tỉnh Shizuoka và tỉnh Yamanashi, ở phía Tây Nam Tokyo. Đây là một núi lửa còn hoạt động và là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản với độ cao tuyệt đối: 3.776 mét. Đỉnh núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ, tạo nên một vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ. Dưới chân núi có 5 hồ nước ngọt lớn, đó là: Kawaguchi, Yamanaka, Sai, Motosu và Shoji. Cùng với Hồ Ashi ở gần đó, chúng tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp cho ngọn núi. Đây là một phần trong công viên Quốc gia Phú Sĩ-Hakone-Izu.

Năm 2012, Chính phủ Nhật Bản đăng ký xin công nhận di sản văn hóa cho núi Phú Sĩ, trong đó đặc biệt chú trọng đến giá trị văn hóa do ngọn núi xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học và hội họa và cũng là nơi mà từ xa xưa, du khách thập phương leo núi vì lý do tín ngưỡng. Ủy ban tượng đài và địa danh quốc tế (ICOMOS) đã thừa nhận núi Phú Sĩ “có tầm ảnh hưởng vượt qua khỏi biên giới Nhật Bản”. Để có được sự công nhận như ngày hôm nay, hai tỉnh Shizuoka và Yamanashi, nơi núi Phú Sỹ tọa lạc, đã mất 20 năm vận động đưa ngọn núi này vào danh sách di sản thế giới.

Tokyo được chọn đăng cai Olympic và Paralympic 2020. Ngày 8 tháng 9 năm 2013, Nhật Bản đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc sau khi thành phố Tokyo lội ngược dòng vượt qua Madrid (Tây Ban Nha) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu đăng cai Olympic và Paralympic 2020 tại Buenos Aires, Argentina.

Chiến thắng của Tokyo được xem là “cuộc ngược dòng” bởi ngay trước thời điểm bỏ phiếu, cơ hội chiến thắng của thủ đô đất nước mặt trời mọc bị ảnh hưởng trầm trọng do những quan ngại mới nhất về rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima được loan tải trên phương tiện truyền thông. Nhà máy Fukushima chỉ cách Tokyo 150km và bị đóng cửa sau thảm hỏa sóng thần và động đất năm 2011 khiến 180.000 người thiệt mạng. Thông tin trên đã đưa Madrid trở thành ứng viên hàng đầu do Istanbul cũng xuất hiện những quan ngại ảnh hưởng từ cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria. Tuy nhiên, trong 45 phút thuyết trình, phía ban đấu thầu Tokyo đã cam kết về đảm bảo không ảnh hưởng từ phóng xạ, đồng thời cho biết nếu giành quyền đăng cai tổ chức Olympic và Paralympic 2020, điều này sẽ đem lại nguồn cảm hứng và sự an ủi cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em bị ảnh hưởng bởi thảm họa trên. Trước đó, ở vòng 1, Tokyo giành được 42 phiếu bầu, còn Madrid và Istanbul có cùng số phiếu là 26. Tình thế này buộc Madrid và Istanbul phải “đấu nhau” thêm ở vòng “tie-break” và thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ chiến thắng với số phiếu 49, hơn đối thủ 4 phiếu. Tại vòng bỏ phiếu thứ 2, Tokyo đã nhận được 60 phiếu bầu, hơn gần gấp đôi Istanbul (36 phiếu). Ngay sau khi kết quả được thông báo, nhiều người dân Nhật Bản đã ăn mừng trong niềm vui sướng tột độ. Đây là lần thứ 2 Nhật Bản đăng quang tổ chức Olympic kể từ lần đăng cai vào năm 1964 và là sự kiện thể thao lớn đầu tiên sau Olympic mùa đông ở Nagano vào năm 1998. Chiến thắng này của Tokyo không thuần túy là một sự kiện thể thao mà còn đem lại ý nghĩa kinh tế chính trị sâu sắc đối với Nhật Bản trên trường quốc tế./.

 

Nguồn tài liệu:

-         Tổng hợp từ website báo Nikkei:

www.nikkei.com/article/DGXNASDG1800V_Y3A610C1CR0000/

www.nikkei.com/article/DGXNASDG07056_X00C13A8CC1000/

-         Website báo Asahi

http://www.asahi.com/special/2020hostcity/articles/TKY201309080015.html

-         Ngô Hương Lan (2013), Một số vấn đề xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XXI, tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8 năm 2013, trang 38-45.

 

-         Tin tức từ website NHK:

www3.nhk.or.jp/nhkworld/

Tổng hợp tài liệu: Phan Cao Nhật Anh

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn