GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

PHƯƠNG THỨC TỪ CHỐI TRỰC TIẾP TRONG TIẾNG NHẬT VÀ TIẾNG VIỆT (Phần 2)

Đăng ngày: 23-07-2014, 12:10

    Phương thức biểu hiện từ chối trực tiếp chỉ chứa thành phần cốt lõi

    1.1. Phương thức biểu hiện TCTT chứa thành phần cốt lõi là động từ ngôn hành

    Như trên đã phân tích, người Nhật Bản tránh nói thẳng việc từ chối. Chính vì vậy mà hình thức biểu hiện TCTT bằng động từ ngôn hành “Tôi từ chối” rất hiếm gặp. Thường thì cách nói này dùng trong trường hợp từ chối mạnh với ý nghĩa cự tuyệt.

    (1) 「男をお断りする。」 (Tôi xin kiếu bọn đàn ông!)

    (2) 「なんとかしてコミュニケーションをとりたいな…」

    「面倒なのでお断りしますわ。」

    (- Mình muốn làm mọi cách để có thể giao tiếp được quá!

    - Phiền toái lắm nên mình xin từ chối thôi.)

    Trong tiếng Việt cũng vậy, việc sử dụng động từ ngôn hành làm thành phần cốt lõi của câu từ chối rất hiếm gặp. Theo quan điểm của các nền văn hoá phương Đông như Việt Nam và Nhật Bản, việc nói thẳng thừng: “Tôi từ chối” dễ làm “mất mặt”, tổn thương người đối thoại, do đó nó được tránh sử dụng, hoặc nếu có, thì chỉ dùng trong trường hợp từ chối người có địa vị xã hội thấp hơn người nói, hoặc trong quan hệ thân thiết như gia đình, bạn thân... Ví dụ:

    (3) - Tuần sau, bọn em muốn mời anh đi picnic cùng với tổ công đoàn ạ.

    - Tiếc quá, tuần sau mình có lịch đi công tác rồi nên đành từ chối các bạn vậy.

    Trong ví dụ trên, khi từ chối lời mời “đi picnic cùng tổ công đoàn” của nhân viên, người sếp đã dùng động từ nguyên cấp “từ chối” để thực hiện một HVTC trực tiếp. Nhưng cho dù vậy, cùng với thành phần cốt lõi “mình đành từ chối” là hàng loạt các thành phần mở rộng đi kèm như: “Tiếc quá” (bày tỏ sự đáng tiếc), “Tuần sau mình có lịch đi công tác rồi” (nêu lý do), “đành... vậy” (diễn tả sự không mong muốn thực hiện hành động này), tất cả đều nhằm làm giảm bớt “gánh nặng” của lời từ chối trực tiếp.

    Bảng 1: Phương thức biểu hiện TCTT bằng động từ ngôn hành

    PT biểu hiện

    Tiếng Nhật

    Tiếng Việt

    Động từ ngôn hành

    お断りします

    Tôi từ chối

     

    1.2. Phương thức biểu hiện TCTT chứa thành phần cốt lõi là từ phủ định

    Phương thức biểu hiện TCTT chỉ chứa thành phần cốt lõi là từ phủ định 「いいえ」(Không),「いや」(Thôi/không) về lý thuyết là có tồn tại, nhưng trên thực tế rất ít khi sử dụng. Có chăng, cũng chỉ sử dụng trong trường hợp người đối thoại có quan hệ ruột thịt, thân thiết.

    () 兄:「お菓子と飲み物適当に買ってきてくれない。僕今レポート忙しんだけど。」

    弟:「いや。」

    兄:「だめか。そこを何とかしてよ。お願い。

    弟:「いやだ。なんで僕が行かなきゃいけないんだよ。自分でいけよ。」

    (- Đi mua hộ tao bánh với nước uống cái, tuỳ mày, loại nào cũng được. Tao đang bận viết báo cáo quá.

    - Thôi.

    - Không được à? Hộ tao cái. Nhờ mày đấy!

    - Ghét quá! Tại sao tôi lại phải đi? Ông tự đi đi chứ!)

    Trong ví dụ (4), người anh trai nhờ em trai đi mua bánh và đồ uống, nhưng bị người em từ chối thẳng thừng: “Thôi”. Tuy nhiên, trong lượt lời tiếp theo, người em đã trách móc và đưa ra phương án thay thế. Trên thực tế, người Nhật rất ít khi sử dụng phương thức TCTT chỉ chứa một thành phần cốt lõi là từ phủ định “không”, hoặc nếu có, cũng chỉ dùng trong quan hệ thân thích như trên. Qua khảo sát 84 sinh viên Nhật Bản trong 8 tình huống từ chối lời cầu khiến, chúng tôi thu được 670 phát ngôn từ chối, nhưng trong số này không có phát ngôn nào chỉ chứa một thành phần cốt lõi là từ phủ định “không” (0%).

    Đối chiếu với tiếng Việt, có thể thấy trong tiếng Việt có khá nhiều từ phủ định như: không, thôi, chẳng, chả, ứ, chịu... Những từ này được dùng như thành phần cốt lõi để biểu hiện hành vi TCTT, nhưng chúng ít khi đứng độc lập, mà thường đi kèm với một kết cấu mở rộng khác biểu thị sự xin lỗi, hoặc nêu lý do TC...

    (5) - Chủ nhật này mấy nhà đi picnic đâu đó đi!

    - Chủ nhật à? Thôi, nhà cậu cứ đi đi. Nhà mình phải về quê ăn giỗ mất rồi.

    - Thế à? Để khi khác vậy.

    (6) - Anh mua cho bé cái vòng này nhé!

    - Ứ đâu! Vòng này rởm chết đi được.

    (7) - Thày có xơi cháo đậu, để u con nấu?

    - Không ăn.

    (8) - Chúng em biếu bác hai bộ phản mang về nằm. Của thiên hạ, mình là người tốt không được hưởng, để bọn xấu nó hưởng thì xót xa lắm.

    - Không được đâu. Gỗ này thuộc quyền sở hữu của ông Thuyết rồi.

    Bốn ví dụ trên đây đều cho thấy phương thức TCTT có chứa thành phần cốt lõi là từ phủ định “thôi/ ứ/ không/ không được” trong tiếng Việt. Trong 4 ví dụ thì có tới 3 trường hợp (5), (6), (8) là phương thức biểu hiện TCTT có chứa từ phủ định kèm với 1 thành phần mở rộng khác: ở ví dụ (4) đi kèm với TP cốt lõi - từ phủ định “Thôi” là TP mở rộng chỉ lý do “Nhà mình phải về quê ăn giỗ mất rồi”; ví dụ (5), cùng với từ phủ định “Ứ đâu” là TP mở rộng phê phán “Vòng này rởm chết đi được”; ví dụ (8) cũng chứa TP mở rộng nêu lý do “Gỗ này thuộc quyền sở hữu của ông Thuyết rồi”. Chỉ có ví dụ (7) là phương thức TCTT chỉ chứa TP cốt lõi  là từ phủ định “không” (“không ăn”).

     

    Bảng 2: Phương thức biểu hiện TCTT bằng từ phủ định

    PT biểu hiện

    Tiếng Nhật

    Tiếng Việt

    Từ phủ định

    いいえ、いや

    Không, thôi, chẳng, chả, ứ, chịu

     

    1.3. Phương thức biểu hiện TCTT chứa thành phần cốt lõi là từ mang ý nghĩa phủ định (biểu hiện sự “bất khả” (不可表現))

    Phương thức TCTT chứa thành phần cốt lõi là từ mang nghĩa phủ định, hay nói cách khác, “biểu hiện bất khả” (不可表現) là phương thức TCTT điển hình trong tiếng Nhật. Nếu như người Nhật kỵ việc dùng từ phủ định để TCTT như「いいえ」 (không), 「いや」 (thôi), thì việc sử dụng các từ mang ý nghĩa phủ định, thể hiện việc “không có khả năng làm được” như: 「無理」(vô lý/không thể), 「だめ」(không được),「できない」(không thể làm được),「そう思わない」(không nghĩ thế),「いやだ」(ghét quá), 「難しい」(khó lắm) và các động từ dạng thức phủ định là khá phổ biến. Theo kết quả điều tra phỏng vấn sau điều tra anket (follow up interview) thực hiện với 84 sinh viên đại học Nhật Bản, trong số các “biểu hiện bất khả”, 「無理」(không thể),「できない」(không thể làm được/không có khả năng làm/không đủ năng lực làm)... được sử dụng nhiều hơn cả, và điều này là do người Nhật “cảm thấy cách nói này lịch sự hơn chỉ đơn thuần nói “không”.

    (9) 先輩:「お菓子と飲み物適当に買ってきてくれない。お金を渡すから。」

    後輩:「忙しいから無理です。すみません。」

    (Sinh viên khoá trên: - Mua hộ anh bánh và đồ uống gì được không? Anh đưa tiền đây.

    Sinh viên khoá dưới: - Em đang bận quá nên không được rồi. Em xin lỗi).

    Ở đây, khi sinh viên khoá dưới sử dụng phương thức TCTT để từ chối lời nhờ của sinh viên khoá trên, cùng với từ mang nghĩa phủ định「無理です」(không được rồi) còn có các chiến lược TC khác như: nêu lý do “em bận quá” và xin lỗi để làm giảm mức độ “đe doạ thể diện” đối với người đối thoại.

    (10) 先生:え~と、5月30日に学会があって、ちょっと手伝ってほしいんだけど、空いている時間でいいから手伝ってくれないか。

    学生:あのう~、ちょっとできないのですが、すみません。武田君はその日大丈夫と思いますが、頼んでみましょうか?

    (Giáo viên: À này, ngày 30/5 này có cuộc họp hội nghiên cứu, thày muốn em giúp một chút, lúc nào có thời gian rỗi em giúp thày được không?

    Sinh viên: À, dạ, em hơi... không thể ạ. Em xin lỗi thày. Nhưng em nghĩ là ngày hôm đó cậu Takeda không bận, hay em thử nhờ cậu ấy nhé?)

    Trong ví dụ (II.13), khi thực hiện hành vi TCTT 「できないのですが」(Em không thể ạ) đối với người thày giáo, sinh viên đã sử dụng các cách nói giảm nhẹ「あのう~、ちょっと」 “dạ, em hơi...”, kèm theo lời xin lỗi「すみません」(em xin lỗi) và đưa ra phương án thay thế 「武田君はその日大丈夫と思いますが、頼んでみましょうか?」(“Nhưng em nghĩ là ngày hôm đó cậu Takeda không bận, hay em thử nhờ cậu ấy nhé?”).

    (11) 彼女が座るか座らないうちに、彼は突然芸者を世話してくれと言った。

    「世話するって?」

    「分かってるじゃないか。」

    「いやあねえ。私そんなことと頼まれるとは夢にも思って来ませんでしたわ。」と、彼女はぷいと窓へ立って行って国境の山々を眺めたが、そのうちに頬を染めて、

    「ここにはそんな人ありませんわよ。」

    「嘘をつけ。」

    「ほんとうよ。」と、くるっと向き直って、窓に腰をおろすと…

    (Cô chưa kịp ngồi, anh đã nhờ cô gọi cho anh một geisha.

    - Gọi một geisha? Cho ông?

    - Vâng... Cô hiểu rất rõ tôi muốn nói gì?

    - Tôi đến gặp ông không phải để nghe một lời yêu cầu như thế. Cô phản đối, mặt đỏ bừng. Bằng một động tác nóng nảy, cô ra đứng trước cửa sổ nhìn về phía các ngọn núi.

    - Ở đây không có loại phụ nữ ấy, - không ngoảnh lại, cô nói.

    - Cô đừng nói vớ vẩn.

    - Nhưng thật thế đấy.

    Lần này cô xoay người đối diện anh, nửa đứng nửa ngồi trên bệ cửa sổ.)

    (“Xứ tuyết”, Kawabata Yasunari, tr.19-20).

    Trong đoạn hội thoại trên, cô gái đã dùng nhiều phương thức, cả TCTT lẫn TCGT để từ chối lời đề nghị “tìm một geisha (gái bán hoa)” cho người khách trọ. Đầu tiên, cô gái dùng phương thức TCGT “hỏi lại” để tỏ ý nghi ngờ lời cầu khiến, sau đó là lời tường minh “Tôi đến gặp ông không phải để nghe một lời yêu cầu như thế” để ngụ ý về tính bất cập của điều được cầu khiến. Cuối cùng, cô dùng phương thức TCTT với thành phần cốt lõi là từ phủ định 「ここにはそんな人ありませんわよ。」 (“Ở đây không có loại phụ nữ ấy”).

    Trong tiếng Việt, việc thể hiện “không có khả năng” để từ chối là phương thức TC khá phổ biến và có nhiều hình thức phong phú. Trước hết, có một hệ thống từ vựng phong phú thể hiện việc “không có khả năng” bao gồm từ phủ định “không” kết hợp với một từ chỉ khả năng như: không được, không thể, không xong, không có khả năng, không lại...; hoặc các từ biểu hiện trực tiếp việc “không có khả năng” như: chịu thôi, bí lắm, gay đấy, khó lắm, tiêu rồi, bó tay, đầu hàng; và cuối cùng là hình thức kết hợp cụm từ phủ định “không... được” hoặc “không... đâu” với động từ: không làm được, không đi được, không ăn đâu, không đến đâu, không chơi đâu... Ví dụ:

    (12) - Cho anh hôn một cái nữa, anh sẽ nói.

    - Đừng hòng, đã sợ người ta nhìn trộm lại còn đòi nữa. Nếu anh không nói, em vào đây. - Tôi giả vờ dỗi.

    (Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, NXB. Hội nhà văn, 2001, tr.303)

    (13) - Muốn làm phiền cậu đây. Thằng nhỏ nhà này học yếu quá, muốn cậu giúp một tay trong kỳ thi này.

    - Ấy, việc này thì khó lắm, mong chị thông cảm cho. Chị thử đi hỏi người khác xem.

    (14) Vang reo lên khe khẽ

    - Nhà em kia kìa, anh vào nhé?

    Tôi trả lời:

    - Thôi để dịp khác, muộn rồi.

    Vang khẽ gật đầu, mặt đỏ bừng.

    (15) - Tối mai chị tổ chức tiệc sinh nhật, em đến dự cho vui nhé!

    - Tối mai hả chị? Mai em không đến được rồi, em có giờ dạy thêm buổi tối.

    Bảng 3: Phương thức TCTT bằng biểu hiện “không có khả năng”

    PT biểu hiện

    Tiếng Nhật(不可表現)

    Tiếng Việt (Không có khả năng)

    Từ vựng

    いや、無理、だめ、めんどくさい、難しい、できない、そう思わない

    Không được, không thể, không có khả năng, chịu thôi, bí quá, khó lắm, bó tay, đầu hàng, đừng hòng

    PT ngữ pháp

    V-ない

    (できない、行かない、食べない、買わない…)

    V-可能性+ない

    (食べられない、行けない、買えない)

    Không + Động từ + được

    Không + Động từ + đâu

    (không làm được, không đi được, không ăn được, không chơi đâu, không mua đâu)

     

    Ngô Hương Lan, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

    Trích từ Đề tài cấp Viện năm 2014.

    Tin tức khác

    CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
    CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

    Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

    GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
    GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

    Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

    GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
    GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

    Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

    GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
    GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

    Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

    • Đọc nhiều

      • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
        Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
      • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
        Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
      • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
        II. Trợ từ 「が」(ga)
    • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
      2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
      3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    • Đang online:


      Lượt truy cập

        Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


     
    7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
    Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
    E-mail: cjs@inas.gov.vn