GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN CÔNG DU 5 NƯỚC MỸ LATINH

Đăng ngày: 3-08-2014, 22:58

Từ ngày 27/7 đến ngày 3/8, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công du 5 nước Trung Nam Mỹ: Mexico, Trinidad và Tobago, Colombia, Chile và Braxin. Đây là chuyến công du thể hiện nỗ lực của chính quyền Abe trong lĩnh vực ngoại giao nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, tranh thủ nguồn tài nguyên phong phú của các nước Trung Nam Mỹ. Mexico là đất nước có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn, giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường năng lượng thế giới. Trinidad và Tobago có nguồn cung khí đốt dồi dào, Chile có mỏ đồng và lithium để Nhật Bản có thể hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư khai thác. Colombia là quốc gia thứ 1 về sản lượng than, thứ 3 về sản lượng dầu ở Nam Mỹ và có lượng Nikel dồi dào. Đối với Braxin, Nhật Bản có thể hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu ở vùng biển sâu phía nam Đại Tây Dương [1].

Cùng đi với thủ tướng Abe là các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các doanh nghiệp, gọi tắt là Keidanren, và của nhiều công ty lớn khác của Nhật Bản. Đây không phải là chuyến đi thăm xã giao của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Mục đích của họ là tích cực đề xuất những dự án cụ thể để có thể tham gia và tăng cường xuất khẩu cho các công ty Nhật Bản.

Trong quan hệ với Mexico, Nhật Bản đang hướng tới cung cấp cho nước này công nghệ năng lượng hạt nhân với độ an toàn đã được nâng cao dựa trên những bài học rút ra từ sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Đồng thời sẽ đẩy nhanh đàm phán để ký kết thỏa thuận song phương về năng lượng hạt nhân. Tại buổi hội đàm với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto ngày 27/7, Thủ tướng Abe đã bày tỏ hy vọng hai bên sẽ hợp tác để sớm ký kết hiệp định tự do thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Phía Mexico cũng bày tỏ sự ủng hộ đề xuất của ông Abe và hoan nghênh sự tin cậy Nhật Bản dành cho Mexico[2].

Tại chặng dừng chân thứ hai ở Trinidad và Tobago, trong cuộc gặp với người đồng cấp Kamla Persad-Bisessar, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo kêu gọi lãnh đạo nước Cộng hòa Trinidad và Tobago ủng hộ Nhật Bản trong cuộc bỏ phiếu bình chọn thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2015. Bên cạnh đó, năm nay kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Trinidad và Tobago, Nhật Bản đề nghị mở Đại sứ quán Trinidad và Tobago tại Tokyo[3].

Ngày 29/7, Thủ tướng Abe đã hội đàm với tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tại thủ đô Bogota và một lần nữa xác nhận hai nước sẽ đẩy nhanh thương lượng thỏa thuận đối tác kinh tế. Ông Abe cũng sẽ yêu cầu ông Santos ủng hộ cải thiện môi trường đầu tư ở Colombia. Liên quan đến việc Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực Trung Nam Mỹ, ông Abe cho rằng tình hình tại biển Đông và biển Hoa Đông là mối quan ngại chung của khu vực, song điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế. Tổng thống Colombia Santos bày tỏ sự ủng hộ lập trường của Nhật Bản[4].

Ngày 30/7, thủ tướng Abe đã tới Chile và tham dự lễ khởi công khai thác mỏ đồng Caserones, 100% vốn đầu tư là của doanh nghiệp Nhật Bản. Tại lễ khởi công ông Abe phát biểu việc khai thác này sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản và Chile, đồng thời muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai thác mỏ giữa hai nước. Dự kiến bắt đầu từ năm sau, mỏ đồng Caserones sẽ cung cấp cho Nhật Bản 180.000 tấn trong 1 năm, khoảng hơn 10% nhu cầu của Nhật Bản[5].

Ngày 1/8, Thủ tướng Abe đã hội đàm với Tổng thống Braxin Dilma Rousseff tại thủ đô Brasilia. Hai bên thống nhất nên giải quyết những tranh chấp quốc tế, bao gồm cả tranh chấp trên biển Hoa Đông, một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế không phải bằng đe dọa vũ lực. Thủ tướng Nhật Bản đề nghị hợp tác trên nhiều lĩnh vực như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho Braxin, khai thác tài nguyên biển,…. và hướng tới việc trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc[6].

Trong bối cảnh tình hình Trung Đông không ổn định, nỗi lo tụt hậu trong cuộc cạnh tranh khai thác tài nguyên thế giới, có thể thấy chính quyền Abe đang cố gắng đảm bảo nguồn cung ổn định cho nhu cầu năng lượng to lớn của Nhật Bản, đặc biệt sau thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011. Điều này cũng được thể hiện trong chuyến thăm các nước Châu Đại Dương diễn ra đầu tháng 7, khi thủ tướng Abe đã đạt được những thỏa thuận với lãnh đạo các nước về việc cung cấp ổn định nguồn năng lượng. Đồng thời ông Abe tìm cách lôi kéo sự ủng hộ Nhật Bản của các nước vùng biển Caribê đối với đề xuất cải tổ Liên Hợp Quốc trong tương lai.

Ngoài ra, với sự hiện diện của Trung Quốc tại các nước châu Mỹ Latinh đang ngày càng gia tăng những năm gần đây, Nhật Bản muốn tăng cường hơn nữa sự hiện diện của mình tại khu vực này. Như đã biết, tháng 6 năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du châu Mỹ thăm các nước Trinidad và Tobago, Costa Rica và Mexico. Sau đó 1 năm, từ ngày 13 đến 20 tháng 7 vừa qua, ông Tập Cận Bình lại thực hiện chuyến thăm Braxin, Argentina, Venezuela và Cuba. Những chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình đã gửi đi thông điệp rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm lợi ích ở Tây Bán cầu, ngoại giao Trung Quốc đang hướng tới vùng đất mới và xây dựng quan hệ toàn cầu kiểu mới cân bằng hơn. Dường như đây cũng là hành động phản ứng trước việc Mỹ không ngừng cổ vũ Nhật Bản, Philippin,… liên tục gây sức ép đối với Trung Quốc ở cửa nhà của nước này[7]. Ngay sau chuyến đi của ông Tập Cận Bình là chuyến đi lần này của Thủ tướng Shinzo Abe. Có thể nhận thấy Trung Quốc chú ý đến các nước có khuynh hướng chống Mỹ như Cuba, Venezuela, còn Nhật Bản tranh thủ các nước đồng minh của Mỹ. Phải chăng đang có có cuộc cạnh tranh mới tại khu vực Mỹ Latinh giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Ở một khía cạnh khác, các nước Trung Nam Mỹ mà thủ tướng Abe ghé thăm là những quốc gia có nhiều nhà lãnh đạo là phụ nữ, vấn đề bình đẳng nam nữ được coi trọng. Tại buổi hội đàm với tổng thống Colombia tại thủ đô Bogota, trong 16 quan chức đón tiếp thủ tướng Abe có đến 9 người là phụ nữ, trong khi phía Nhật Bản cả 10 người đều là đàn ông. Điều này khiến ông Abe đã nói rằng “cần phải có sự thay đổi”[8]. Trong những nguyên thủ của năm quốc gia mà ông Abe ghé thăm, có Thủ tướng Trinidad và Tobago Kamla Persad-Bisessar, Tổng thống Braxin Dilma Rousseff là phụ nữ. Chuyến đi lần này là cơ hội tốt để ông Abe kêu gọi nội các cần cải cách nhằm huy động phụ nữ Nhật Bản tham gia lao động, biến sức mạnh của họ thành động lực phát triển đất nước.

 

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

 

[1] 安倍首相、中南米で資源外交に奔走、http://sankei.jp.msn.com/politics/news/140730/plc14073015270011-n1.htm

[2] Tin NHK ngày 26/7/2014, http://www3.nhk.or.jp/nhkworld/

[3] Tin NHK ngày 27/7/2014, http://www3.nhk.or.jp/nhkworld/

[4]中国の影響力拡大を牽制 日コロンビア首脳会談http://sankei.jp.msn.com/politics/news/140730/plc14073010120009-n1.htm

[5] 安倍首相、チリに到着、銅鉱山開所式に出席、http://www.yomiuri.co.jp/politics/20140731-OYT1T50087.html

[6]価値観共有で中国牽制 国連安保理改革でも連携 日ブラジル首脳会談, http://sankei.jp.msn.com/politics/news/140802/plc14080200370001-n1.htm

[7] Những tín hiệu phát đi từ việc Trung Quốc mở mặt trận ngoại giao mới ở châu Mỹ, TTXVN - Tin Kinh tế tham khảo ngày 23/7/2014, tr.4

[8] 安倍首相、中南米歴訪で“輝く女性”をアピール 内閣改造への刺激にも, http://sankei.jp.msn.com/politics/news/140730/plc14073020590018-n1.htm

 

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn