GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN - ẤN ĐỘ TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ SONG PHƯƠNG

Đăng ngày: 4-09-2014, 01:43

Ngày 26/5/2014, với việc ông Narendra Modi chính thức trở thành thủ tướng, Ấn Độ bước vào một giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh quốc tế mới. Ông Modi tuyên bố sẽ quyết tâm tạo ra tương lai huy hoàng cho Ấn Độ bằng việc phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, xử lý tốt các vấn đề xã hội, tăng cường công tác  ngoại giao. Trong đó, tăng cường quan hệ với Nhật Bản là điểm chính mà chính phủ này rất coi trọng. Ông Modi từng năm lần đến thăm Nhật Bản, có quan hệ tốt với cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe, thậm chí có quan điểm cho rằng họ có vẻ giống nhau về tính cách, chí hướng và ủng hộ lẫn nhau. Về mặt kinh tế, chính quyền Modi khẳng định sẽ đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Nhật Bản bởi Ấn Độ cần đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Nhật Bản hiện nay đang có ưu thế về năng lực đầu tư và kỹ thuật mà các nền kinh tế lớn khác không thể bằng được. Mặc dù Trung Quốc và một số nước khác rất hào hứng với việc đầu tư và nhận thầu các công trình của Ấn Độ, nhưng do hai bên thiếu lòng tin chính trị nên gặp nhiều trở ngại trong quá trình thực thi. Về mặt chính trị, Ấn Độ và Nhật Bản không có tranh chấp, bất đồng lớn về lợi ích, do đó cơ sở hợp tác khá tốt. Mặc khác, trong vài năm gần đây, quan hệ Nhật – Trung trở nên căng thẳng, giá nhân công Trung Quốc ngày càng tăng, Nhật Bản có xu hướng giản dần đầu tư vào Trung Quốc. Một số doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Trung Quốc đã chuyển dịch đầu tư sang nước khác, và Ấn Độ đã trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, đầy tiềm năng. Trong tình hình đó, để thực hiện chính sách tăng trưởng vượt trội, Modi quyết định Ấn Độ phải tập trung tăng cường phát triển quan hệ với Nhật Bản[1].

Với quan điểm ngoại giao này, từ ngày 30/08 đến 3/9/2014 Thủ tướng Ấn Độ Modi cùng với một phái đoàn hùng hậu gồm các doanh nhân Ấn Độ đã tới thăm Nhật Bản. Ngày 1/9, Thủ tướng Modi đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và sau đó là buổi hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida. Ngoại trưởng Kishida đã hoan nghênh Thủ tướng Modi trong chuyến thăm đầu tiên tới Nhật với cương vị Thủ tướng Ấn Độ. Ngoại trưởng Kishida nói ông tin rằng sự hợp tác giữa Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản và Thủ tướng Modi của Ấn Độ sẽ nâng mối quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới. Đáp lời, Thủ tướng Modi nói rằng từ khi lên nhậm chức thủ tướng, ngoài các nước láng giềng với Ấn Độ ra, thì ông vẫn mong muốn được tới thăm Nhật Bản đầu tiên. Ông nói bản thân ông trong nhiều năm qua vẫn nỗ lực vì mối quan hệ giữa hai nước và Nhật Bản với Ấn Độ đang tăng cường quan hệ ngoại giao. Ông bày tỏ sẵn sàng nỗ lực hơn nữa để củng cố mối quan hệ hai nước vì tương lai của châu Á[2].

Có thể thấy rằng Ấn Độ và Nhật Bản hiện có những mối quan ngại chung về an ninh, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại biển Đông và biển Hoa Đông do các hành động quyết đoán của Trung Quốc làm phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải và việc khai thác các nguồn tài nguyên phù hợp với luật quốc tế. Cả New Delhi và Tokyo đều nhận thấy Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành cái “hồ của Bắc Kinh” là một bước để tiến tới mục tiêu thiết lập vai trò bá chủ của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Do đó Nhật Bản và Ấn Độ nhất trí tăng cường quan hệ song phương để duy trì tính nguyên trạng của khu vực[3].

Trong các cuộc gặp giữa Thủ tướng Modi và các nhà lãnh đạo Nhật Bản, hai bên đều không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, song qua những phát biểu của ông Modi, người ta có thể hiểu rằng ông đang ám chỉ Trung Quốc hiện nay: “Hiện tồn tại những cách suy nghĩ và hành động giống như trong thế kỷ 18, khi một nước này tìm cách mở rộng lãnh thổ bằng cách chiếm đất của nước kia và vươn ra các vùng biển. Nếu châu Á trở thành “nhà lãnh đạo” thế kỷ 21 thì Nhật Bản và Ấn Độ nên đảm nhân vai trò này và thúc đẩy một con đường phát triển hòa bình”. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp cấp cao ở Tokyo, Thủ tướng Abe và Thủ tướng Modi đã bày tỏ sự hài lòng về mối quan hệ hợp tác ba bên gần đây giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi hi vọng mối quan hệ này sẽ đưa đến những dự án cụ thể và rõ ràng nhằm thúc đẩy lợi ích chung. Chúng tôi quyết định sẽ nghiên cứu khả năng tổ chức một cuộc đối thoại giữa ngoại trưởng ba nước và khả năng mở rộng các cuộc tham vấn với các nước khác trong khu vực vào thời điểm thích hợp”[4].

Dường như Thủ tướng Modi còn mong muốn biến ý tưởng “Tứ giác kim cương an ninh dân chủ ở châu Á” mà ông Abe đưa ra trong nhiệm kỳ trước thành hiện thực. Trước đây, Ấn Độ không xúc tiến khái niệm “Tứ giác kim cương an ninh dân chủ ở châu Á” do sức ép của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay Ấn Độ đang phải đối mặt với các vụ xâm nhập của Trung Quốc tại khu vực biên giới và Trung Quốc tiếp tục tham gia các hoạt động dọc biên giới cùng với Pakistan, tăng cường sự có mặt tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Bên cạnh việc xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối khu vực Tây Tạng và Ấn Độ Dương, có tin nói rằng Trung Quốc đang xây dựng đường ống dẫn khí tự nhiên tới cảng Gwadar của Pakistan[5].

Bên cạnh an ninh, chính trị, thách thức quan trọng và cấp bách nhất mà chính phủ của ông Modi phải đối mặt là xây dựng lại nền kinh tế Ấn Độ. Tiêu dùng cá nhân, yếu tố chính cho sự tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đang mất động lực. Lạm phát, trong đó chủ yếu là việc giá thực phẩm tăng cao, là yếu tố lớn nhất. Kinh tế Ấn Độ vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Các điều kiện thời tiết như mưa có thể đẩy giá thực phẩm tăng cao và cuối cùng sẽ ảnh hướng đến toàn bộ nền kinh tế. Vì thế, cơ cấu của nền kinh tế khá yếu. Ấn Độ đang mong muốn thay đổi cơ cấu của nền kinh tế sao cho ngành sản xuất sẽ là ngành chính dẫn dắt nền kinh tế. Ông Modi hy vọng Nhật Bản sẽ trở thành đối tác tốt của Ấn Độ. Việc ông Modi để nhiều doanh nhân tháp tùng trong chuyến đi này nhằm thuyết phục các doanh nghiệp Nhật Bản là Ấn Độ có các đối tác kinh doanh hấp dẫn và tiềm năng. Thị trường Ấn Độ được cho là rất hấp dẫn, nhưng việc tiến vào thị trường này của các công ty Nhật Bản chậm chạp do gặp nhiều trở ngại. Nằm trong số đó là những tiêu chuẩn khắt khe đối với việc đầu tư vốn của nước ngoài và các quy định về lao động khiến khó có thể sa thải nhân công. Ngoài ra, một trở ngại khác là những khó khăn cho các công ty để có thể kiếm được đất. Một số công ty Ấn Độ thậm chí còn phải từ bỏ kế hoạch kinh doanh vì điều này.

Nhật Bản rất hy vọng có thể xuất khẩu kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như đường xá và tàu điện cao tốc. Trong lĩnh vực khai thác mỏ, việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm trước đây gây tác động tiêu cực đối với kinh tế Nhật Bản. Nếu Nhật Bản có thể cùng với các công ty liên quan đến ngành khai thác mỏ của Ấn Độ khai thác trữ lượng đất hiếm lớn của Ấn Độ, thì Nhật Bản có thể đa dạng hóa nguồn cung cấp loại tài nguyên thiên nhiên này. Việc thiếu các chuyên gia về công nghệ thông tin cũng là một vấn đề cấp bách của Nhật Bản. Ấn Độ có nguồn nhân lực kỹ sư công nghệ thông tin dồi dào, vì thế các công ty Nhật Bản có thể hy vọng vào việc cắt giảm chi phí và cải thiện năng suất lao động nếu có thể hợp tác với các công ty Ấn Độ có các kỹ sư tay nghề cao[6].

 

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Về chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Modi, Tạp chí “Hòa bình và phát triển”, Trung Quốc, số 3/2014, bản dịch của TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt 29-08-2014, tr.16

[2] Website NHK ngày 1/9, http://www3.nhk.or.jp/nhkworld/

[3] Những mục tiêu chính trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ, Thời báo Ấn Độ, Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới ngày 30-08-2014, tr.10

[4] Xung quanh chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ, AFP ngày 1/9, bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới ngày 03/9/2014, tr.6

[5] Những mục tiêu chính trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ, Thời báo Ấn Độ ngày 29/8, Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới ngày 30/08/2014, tr.11

[6] Bài phỏng vấn ông Nishihama Toru, chuyên viên nghiên cứu kinh tế cao cấp thuộc Viện nghiên cứu của công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi, Website NHK ngày 1/9, http://www3.nhk.or.jp/nhkworld/

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn