GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHÌN LẠI NHỮNG ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý TRONG QUAN HỆ NGOẠI GIAO CỦA NHẬT BẢN NĂM 2014

Đăng ngày: 5-01-2015, 21:24

Trong năm 2014, Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục thực hiện chiến lược ngoại giao toàn cầu. Tính đến Hội nghị APEC ngày 10/11/2014 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Shinzo Abe đã công du 50 nước để thực hiện chiến lược ngoại giao của mình, nhiều nhất trong số các thủ tướng Nhật Bản. Sau đây là những điểm đáng chú ý trong ngoại giao của Nhật Bản năm 2014.

Củng cố liên minh song phương Nhật – Mỹ

Ngày 24/4/2014, cuộc gặp thượng đỉnh giữa thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã diễn ra tại Tokyo. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống Mỹ đến Nhật Bản kể từ khi Tổng thống Bill Clinton tới Nhật Bản cách đây 18 năm. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ đang khá tốt đẹp song hai bên bắt đầu có thái độ hoài nghi. Các chính trị gia Nhật Bản không muốn thấy Mỹ chỉ là người đứng quan sát thờ ơ mà phải thực sự có hành động trước Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra quả quyết tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Mặt khác, Mỹ cho rằng Nhật Bản đang muốn xích lại gần Nga và đã không đưa ra biện pháp mạnh để trừng phạt Nga trong vấn đề khủng hoảng Ukraina. Quan chức Mỹ dường như nghĩ rằng Nhật lo sợ ảnh hưởng của Mỹ đang yếu đi và bắt đầu tự mình hành động.

Sau hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố chung Nhật - Mỹ được công bố. Tuyên bố nói, Mỹ và Nhật Bản cam kết thực hiện các biện pháp mạnh mẽ cần thiết để hoàn thiện một thỏa thuận TPP toàn diện. Mỹ và Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cả tự do hàng hải và hàng không. Mỹ sẽ nỗ lực để thực hiện cam kết của Mỹ dựa trên hiệp định an ninh Nhật-Mỹ. Tuyên bố nói, những cam kết này áp dụng với toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản kiểm soát, bao gồm quần đảo Senkaku.

Như vậy, lần đầu tiên một vị tổng thống Mỹ khẳng định quân đội Mỹ có bổn phận bảo vệ quần đảo Senkaku. Điều này khẳng định quan hệ liên minh song phương Nhật – Mỹ được củng cố, thắt chặt hơn nữa.

Xu hướng hình thành tam giác Mỹ - Nhật – Úc

Tháng 11 năm 2014, lãnh đạo ba nước Mỹ, Nhật Bản và Úc đã gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane, Úc và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền và bảo đảm tự do hàng hải. Trước đó 4 tháng, ngày 7/7/2014, phái đoàn Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe dẫn đầu đã tới Úc để củng cố quan hệ an ninh và ký kết một thỏa thuận hợp tác về công nghiệp quốc phòng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật tới Úc kể từ năm 2002.

Sau cuộc hội đàm ba bên Mỹ - Nhật - Úc, tuyên bố chung được đưa ra hối thúc tự do hàng hải và các chuyến bay (trên khu vực có tranh chấp), giải quyết hòa bình những tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế. Lãnh đạo ba nước cam kết sẽ làm sâu sắc sự hợp tác an ninh vốn đã bền chặt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo cũng thống nhất trong việc phản đối Nga sáp nhập Crimea và những hành động của Moskva gây bất ổn cho miền Đông Ukraina, và đưa những kẻ gây ra vụ bắn rơi máy bay MH17 ra xét xử trước công lý.

Cuộc họp tay ba giữa Tổng thống Obama, Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Tony Abbott được cho là sẽ củng cố thêm quan hệ vốn đã chặt chẽ giữa ba nước, với Mỹ và Úc là đồng minh thân thiết về cả quân sự lẫn chính trị, với quan hệ Mỹ-Nhật ngày càng củng cố và mở rộng.

Cải thiện quan hệ  và tăng cường kiềm chế với Trung Quốc

Hội nghị thượng đỉnh Nhật – Trung sau 2 năm 6 tháng

Quan hệ Nhật - Trung vốn đã căng thẳng từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tháng 9/2012. Quan hệ hai nước đã bị sứt mẻ nhiều do bất đồng quanh những vấn đề lịch sử và dường như những bất đồng đó khó có khả năng được hàn gắn trong một sớm một chiều.

Ngày 10/11/2014 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, gọi tắt là APEC. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa 2 lãnh đạo của Nhật Bản và Trung Quốc sau 2 năm 6 tháng.

Mục đích cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên, căng thẳng này có thể tạo ra nguy cơ xảy ra xung đột, hơn nữa có thể kích động tình cảm chủ nghĩa dân tộc của hai quốc gia giàu có nhất châu Á này. Thủ tướng Nhật Bản cho biết, ông hy vọng ông Tập Cận Bình thúc đẩy kế hoạch thiết lập đường dây nóng giữa hai nước, từ đó tránh khỏi việc tàu thuyền hai nước tiếp cận quá gần nhau trên biển Hoa Đông, gây ra tình trạng nguy hiểm. Những hình ảnh tại hội nghị cho thấy cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình còn gượng gạo nhưng việc gặp gỡ trực tiếp giữa hai lãnh đạo có ý nghĩa lớn cho tiến trình cải thiện quan hệ hai nước vốn đang nguội lạnh.

Tiếp tục kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Bản đã thăm và có cuộc gặp thượng đỉnh tại hai quốc gia Nam Á Bangladesh và Sri Lanka từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 9 năm 2014. Mục đích của ông là tăng cường ngoại giao với hai quốc gia Nam Á Bangladesh và Sri Lanka, đầu tư cơ sở hạ tầng tại hai quốc gia này và qua đó kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc khu vực Ấn Độ Dương.

Ngày 30/08 đến 3/9/2014, Thủ tướng Ấn Độ Modi cùng với một phái đoàn hùng hậu gồm các doanh nhân Ấn Độ đã tới thăm Nhật Bản. Ngày 1/9, Thủ tướng Modi đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và sau đó là buổi hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida. Ấn Độ và Nhật Bản hiện có những mối quan ngại chung về an ninh, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại biển Đông và biển Hoa Đông do các hành động quyết đoán của Trung Quốc làm phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải và việc khai thác các nguồn tài nguyên phù hợp với luật quốc tế. Cả New Delhi và Tokyo đều nhận thấy Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành cái “hồ của Bắc Kinh” là một bước để tiến tới mục tiêu thiết lập vai trò bá chủ của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Do đó Nhật Bản và Ấn Độ nhất trí tăng cường quan hệ song phương để duy trì tính nguyên trạng của khu vực.

Đồng thời Nhật Bản tăng cường sự hiện diện tại các nước Mỹ Latinh, đặc biệt là tranh thủ các nước đồng minh của Mỹ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực này. Từ ngày 27/7 đến ngày 3/8, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công du 5 nước Trung Nam Mỹ: Mexico, Trinidad và Tobago, Colombia, Chile và Braxin. Chính quyền Abe đang nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, tranh thủ nguồn tài nguyên phong phú của các nước Trung Nam Mỹ. Mexico là đất nước có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn, giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường năng lượng thế giới. Trinidad và Tobago có nguồn cung khí đốt dồi dào, Chile có mỏ đồng và lithium để Nhật Bản có thể hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư khai thác. Colombia là quốc gia thứ 1 về sản lượng than, thứ 3 về sản lượng dầu ở Nam Mỹ và có lượng Nikel dồi dào. Đối với Braxin, Nhật Bản có thể hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu ở vùng biển sâu phía nam Đại Tây Dương. Chuyến đi của Thủ tướng Abe diễn ra ngay sau chuyến thăm các nước Mỹ Latinh của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Quan hệ Nhật - Hàn chưa ấm lên

Từ lúc lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe nỗ lực tăng cường ngoại giao với nhiều quốc gia, song mối quan hệ giữa Nhật Bản và nước láng giềng Hàn Quốc vẫn lạnh nhạt. Khi nhậm chức vào tháng 2 năm 2013, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã từ chối đàm phán với Thủ tướng Abe và chỉ trích quan điểm lịch sử cũng như thái độ của Nhật Bản đối với quá khứ. Trong khi đó, Mỹ với tư cách là đồng minh quan trọng của cả Nhật Bản và Hàn Quốc đã nỗ lực đóng vai trò trung gian nhằm cải thiện quan hệ giữa hai bên.

Ngày 25/03/2014, ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tổ chức tại thành phố La Haye, Hà Lan, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park  Geun-hye đã diễn ra. Trong khoảng 45 phút, ba nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến về những vấn đề an ninh chung tại khu vực Đông Á, trong đó có cả vấn đề phát triển tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Những vấn đề khúc mắc mang tính lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không được đề cập trong cuộc gặp này.

Tuy nhiên, tại cuộc họp có những hình ảnh cho thấy thái độ phía Hàn Quốc vẫn chưa cởi mở, thể hiện quan hệ lạnh nhạt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Có lẽ để cuộc gặp thượng đỉnh song phương diễn ra trong tương lai, vẫn cần sự nỗ lực tích cực từ hai phía Nhật Bản và Hàn Quốc.

Biến động quan hệ Nhật – Nga

Năm 2014 là năm diễn ra những sự kiện quốc tế liên quan đến hai nước khiến mối quan hệ ngoại giao Nhật – Nga đầy biến động. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Putin tại Sochi vào tháng 2 năm 2014, mối quan hệ Nhật - Nga tưởng chừng sẽ khởi sắc, song việc Nga sáp nhập Crimea khiến mọi thứ diễn ra theo chiều hướng khác. Có thể nhìn nhận biến động trong quan hệ ngoại giao Nhật – Nga qua những diễn biến sau.

Ngày 8/2/2014

Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe đã có cuộc hội đàm nhân dịp khai mạc Olimpic Sochi

Ngày 18/3/2014

Nga sáp nhập bán đảo Crimea

Ngày 17/4/2014

Ngày 29/4

Ngoại trưởng Fumio Kishida tuyên bố hoãn chuyến thăm Nga.

Nhật Bản tuyên bố lệnh trừng phạt cấm thị thực 23 công dân Nga có liên quan với chính quyền Putin.

Ngày 17/7/2014

Chuyến bay MH-17 của hãng hàng không Malaixia bị rơi tại miền Đông Ucraina mà nguyên nhân theo Kiev và Washington là do tên lửa của phe ly khai thân Nga bắn hạ.

Ngày 5/8/2014

 

 

 

Ngày 22/8/2014

Nhật Bản gia tăng biện pháp trừng phạt Nga gồm phong tỏa tài sản tại Nhật Bản của 40 cá nhân và 2 tổ chức được cho là có liên quan trực tiếp đến vụ Nga sáp nhập Crimea.

Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ sự quan ngại đối với Nga về vấn đề sáp nhập Crimea, tập trận gần quần đảo tranh chấp và phi cơ Nga bay sát không phận.

Nga tuyên bố biện pháp trả đũa, hạn chế cấp thị thực với một số nghị sĩ Nhật Bản

Ngày 10/9/2014

Cựu thủ tướng Nhật Bản Mori thăm Nga, hội đàm với Tổng thống Putin và trao thư của Thủ tướng Abe.

Ngày 21/9/2014

Thủ tưởng Abe và Tổng thống Putin có cuộc điện đàm

Ngày 24/9/2014

Nhật Bản bổ sung biện pháp trừng phạt Nga. Trừng phạt tài chính đối với 5 ngân hàng của Nga, hạn chế xuất khẩu vũ khí.

Ngày 17/10/2014

Ông Abe và ông Putin nói chuyện trong khoảng 10 phút tại Milan, Italia, khi đến đây tham dự Diễn đàn hợp tác Á-Âu ASEM. Hai ông bày tỏ mong muốn có cuộc gặp thượng đỉnh tại Bắc Kinh vào tháng 11.

Ngày 9/11/2014

Trong cuộc gặp gỡ lần này diễn ra tại Bắc Kinh, hai bên đã thảo luận về thời điểm cho Tổng thống Putin tới thăm Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hoãn lại kế hoạch Tổng thống Putin sẽ thăm Nhật dự định vào mùa Thu năm 2014, và tiến hành thảo luận để sắp xếp cho chuyến thăm vào một thời điểm nào đó trong năm 2015.

Nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 16-19/03/2014. Ngày 18 tháng 3 năm 2014, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc Hội đàm cấp cao. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, hai bên quyết định nâng cấp Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới thành Quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á. Hai nhà Lãnh đạo cho rằng việc nâng cấp quan hệ lần này thể hiện tin cậy về chính trị và phản ánh sự phát triển sâu rộng của quan hệ của hai nước trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thành quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Tuyên bố chung nêu rõ, lãnh đạo hai nước nhất trí nâng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thành quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, theo đó vạch những định hướng lớn và biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới, thiết thực phục vụ sự phát triển của mỗi nước cũng như thắt chặt, làm sâu sắc, bền vững hơn mối quan hệ gắn kết giữa hai dân tộc Việt Nam -Nhật Bản.

 

Tổng hợp tin: Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á.

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn