GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO ĐỐI TRỌNG VÀ PHÒNG NGỪA CỦA NHẬT BẢN VỚI TRUNG QUỐC (phần 1)

Đăng ngày: 17-06-2015, 00:38

Mục tiêu trở thành cường quốc biển đã và đang là sự theo đuổi của nhiều thế hệ chính trị Trung Quốc. Xây dựng cường quốc biển đã trở thành chiến lược quốc gia được báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã có những hành động quyết đoán trên biển Hoa Đông và biển Đông, làm mất đi sự ổn định và hòa bình khu vực. Trước thực tế này, Tokyo phải có những bước ngoại giao thích hợp đối với Bắc Kinh.

Hành động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông

Đầu tiên là những sự kiện diễn ra vào đầu năm 2013 khi một máy bay chiến đấu của Trung Quốc được cho là trong trạng thái sẵn sàng tấn công bám theo các máy bay trinh sát của Nhật Bản. Tiếp đó là các tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc cũng trong trạng thái tấn công đe dọa tàu khu trục nhỏ của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản lên án Chính phủ Trung Quốc vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc về việc cấm đe dọa bằng vũ lực.

Ngày 23/11/2013, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập “Vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền, và mở rộng về phía Đông, cách đảo chính Okinawa hơn 120km. Như vậy, vùng ADIZ của Trung Quốc bao trùm không chỉ vùng trời phía trên quần đảo đang tranh chấp mà còn chồng lấn lên một phần diện tích rất lớn trong vùng ADIZ của Nhật Bản được thiết lập từ năm 1969. Cùng với thông báo trên là những qui định nhận diện máy bay cho Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, trong đó có cả lời cảnh báo rằng “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” sẽ được áp dụng để đối phó với máy bay không tuân theo những chỉ dẫn[1].

Mới đây, có thông tin cho rằng Bắc Kinh đang cân nhắc sử dụng máy bay không người lái để giám sát vùng biển Hoa Đông đang tranh chấp. Máy bay không người lái sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các phi vụ do thám bằng máy bay không người lái của Mỹ và đối phó với những tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Nhật Bản[2]. Những thông tin này có thể gây thêm căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Hành động của Trung Quốc trên biển Đông

Năm 2009, Trung Quốc đệ trình đường chín đoạn bao trùm 80% biển Đông gây bất bình trong dư luận quốc tế. Năm 2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam và đóng một đơn vị đồn trú quân để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông. Đầu tháng 5 năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đồng thời huy động một lực lượng lớn tàu hộ tống các loại, bao gồm cả tàu quân sự, có máy bay yểm trợ, liên tục tấn công các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam tại khu vực này. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đi ngược lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, trái với các thỏa thuận cấp cao Việt Nam. Mục đích của hành động này không hẳn là sự tranh giành năng lượng và nguồn lợi thủy sản bởi Trung Quốc phải mất những khoản chi phí khổng lồ để có thể duy trì giàn khoan. Mục đích chính của Bắc Kinh là xác lập chủ quyền trên biển Đông, vùng biển có vai trò kết nối thương mại giữa Trung Quốc và Đông Bắc Á, giữa Trung Quốc với các hòn đảo ở Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ, Iran,…

Trong năm 2015, những hình ảnh được vệ tinh chụp cho thấy Trung Quốc đang tăng tốc việc xây dựng trên qui mô rộng lớn và nhanh chóng các đảo nhân tạo tại những vùng biển có tranh chấp. Trên một số đảo nhân tạo này hoàn toàn đủ chỗ cho những đường băng lớn, có khả năng tiếp nhận máy bay chiến đấu hiện đại. Có thể thấy rõ Trung Quốc đang dự định triển khai sức mạnh quân sự của mình đến tất cả các điểm trong khu vực biển Đông. Điều này rõ ràng là trái với DOC năm 2002 và không giúp gì cho việc tiến tới thông qua Bộ qui tắc ứng xử ở biển Đông (COC), bộ qui tắc đã bước sang năm đàm phán thứ 2 để tiến hành ký kết nhưng ngày càng khó trở thành hiện thực. Trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc không hề giấu giếm ý đồ xây dựng đường băng hiện đại, lắp đặt hệ thống radar và đặt những khẩu đội tên lửa, xây dựng hải cảng. Theo dự báo của các chuyên gia, việc xây dựng sân bay quân sự với qui mô hoàn chỉnh có khả năng tiếp nhận tất cả các loại máy bay sẽ được hoàn thành trong giai đoạn 2017-2018[3].

CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO ĐỐI TRỌNG VÀ PHÒNG NGỪA CỦA NHẬT BẢN VỚI TRUNG QUỐC (phần 1)

Sách trắng Quốc phòng "Chiến lược quân sự Trung Quốc" công bố vào tháng 5 năm 2015 của Trung Quốc cũng đề cập đến vấn đề xây dựng lực lượng quân sự, nhấn mạnh phương châm chủ động phòng vệ và tăng cường hợp tác an ninh quốc tế. Theo báo cáo được công bố hai năm một lần này, một số “nước ngoại bang bận rộn can dự vào Biển Nam Trung Hoa” và rằng “một số ít nước liên tục áp sát vùng biển và không phận để tiến hành giám sát và do thám chống lại Trung Quốc”. Báo cáo nói, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ tập trung chuẩn bị cho “mọi cuộc chiến quân sự trên biển” mà sẽ bảo vệ vững chắc lãnh thổ nước này. Báo cáo không nêu đích danh tên những nước này, nhưng những lời cáo buộc dường như nhắm vào Mỹ. Một số chính phủ trong khu vực tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh quanh các bãi đá và bãi bồi.

Tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua ở Singapore, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ông Tôn Kiến Quốc, cho rằng việc bồi đất ở đảo Spratly (tức Trường Sa theo cách gọi của Việt Nam) không chỉ cần thiết để phòng vệ về mặt quân sự, mà còn giúp Trung Quốc thực hiện được các nghĩa vụ quốc tế về cứu hộ trên biển và các hoạt động khác. Việc làm này là hợp lý, hợp pháp, và tốc độ cũng như quy mô của nó phù hợp đối với một nước lớn. Ông Tôn cảnh cáo các nước khác không nên can thiệp hoặc khuấy động đối đầu, nói rằng công bằng và khách quan là những nguyên tắc cốt yếu trong các vấn đề quốc tế. Phát biểu của ông Tôn dường như nhắm vào Mỹ và Nhật Bản, giữa lúc quốc tế chỉ trích các hoạt động bồi đất của Trung Quốc.

Trung Quốc là quốc gia đáng lo ngại nhất đối với Nhật Bản

Theo thuyết cân bằng và đe dọa, quốc gia đáng lo ngại là quốc gia có ý đồ xâm chiếm, có sức mạnh tấn công, gần về mặt địa lý, tiềm năng kinh tế cũng như qui mô dân số, diện tích lãnh thổ lớn. Trong đó, ý đồ xâm chiếm là ý đồ thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Phân tích sức mạnh tấn công của các nước xung quanh Nhật Bản, có thể thấy Mỹ, Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên là những nước có vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo có tầm bắn có thể tấn công Nhật Bản. Trong vài năm gần đây, Hàn Quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo có tầm bắn 800km để có thể bắn vào phía tây Nhật Bản.

Đánh giá về ý đồ tấn công, Mỹ là đồng minh thân cận nên không thể có ý đồ xâm chiếm Nhật Bản. Nga đang có tranh chấp lãnh thổ phương Bắc với Nhật Bản nhưng không có ý đồ tấn công làm thay đổi hiện trạng. Trung Quốc liên tục xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku và có ý đồ tấn công làm thay đổi hiện trạng. Bắc Triều Tiên bắt cóc người Nhật, xâm phạm chủ quyền Nhật Bản nhưng mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Bắc Triều Tiên là duy trì hiện trạng chế độ Kim Chính Nhật. Hàn Quốc có tranh chấp quần đảo Takeshima, xâm phạm chủ quyền Nhật Bản nhưng không có ý đồ tấn công thay đổi hiện trạng.

Xem xét về khía cạnh địa lý, Mỹ cách xa Nhật Bản khoảng 1 vạn km, trong khi Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc chỉ cách Nhật Bản từ vài chục đến vài trăm km. So sánh về mặt diện tích, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc nhỏ hơn Nhật Bản, nhưng Mỹ, Nga và Trung Quốc có diện tích lãnh thổ gấp hơn 20 lần Nhật Bản. Về dân số, qui mô của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ít hơn, dân số Mỹ nhiều gấp 3 lần, Nga cũng nhiều hơn so với Nhật Bản. Trung Quốc nhiều gấp 10 lần Nhật Bản. Về tiềm lực kinh tế, GDP Nga, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc nhỏ hơn Nhật Bản. GDP Mỹ và Trung Quốc lớn hơn Nhật Bản[4].

Trong các quốc gia xung quanh, Trung Quốc là nước có diện tích, dân số, tiềm lực kinh tế lớn hơn, gần về mặt địa lý, có khả năng và ý đồ tấn công đối với Nhật Bản. Do đó, quốc gia đáng lo ngại nhất đối với Nhật Bản là Trung Quốc.

 

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Tài liệu tham khảo đặc biệt 6-1-2014, tr.6-7

[2] Bắc Kinh cân nhắc triển khai máy bay không người lái tại biển Hoa Đông, bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo đặc biệt ngày 15/6/2015.

[3] Xung quanh căng thẳng tại biển Đông, bản dịch của TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 15/6/2015, tr.13

[4] 中国との均衡こそ取るべき道だ,

http://www.sankei.com/column/news/150113/clm1501130001-n1.html

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn