GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN CẢI THIỆN QUAN HỆ VÀ TĂNG CƯỜNG KIỀM CHẾ VỚI TRUNG QUỐC

Đăng ngày: 21-06-2015, 01:48

Từ khi trở lại nắm quyền lần thứ 2 vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện chiến lược ngoại giao toàn cầu. Tính đến Hội nghị APEC ngày 10/11/2014 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Shinzo Abe đã công du 50 nước để thực hiện chiến lược ngoại giao của mình, nhiều nhất trong số các thủ tướng Nhật Bản. Tại các cuộc gặp gỡ, Nhật Bản luôn giải thích và tuyên truyền về chủ nghĩa Hòa bình tích cực. Trong ngoại giao với Trung Quốc, tư tưởng chủ nghĩa hòa bình tích cực thể hiện trên hai khía cạnh. Thứ nhất là cải thiện quan hệ và thứ hai là kiềm chế Trung Quốc đảm bảo hòa bình khu vực.

Chủ nghĩa Hòa bình tích cực trong ngoại giao toàn cầu

Sách Xanh năm 2015 của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh rằng, Nhật Bản tiếp tục cam kết hòa bình như đã từng làm kể từ khi Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc 70 năm trước. Nhật Bản đã kiên trì tỏ ra sẵn sàng đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới[1]. Ở đây, khái niệm hòa bình được mở rộng hơn so với cách nghĩ trước kia và được nâng lên thành tư tưởng ngoại giao.

Trong chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia được công bố vào tháng 12 năm  2013, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra quan điểm cơ bản là “Chủ nghĩa hòa bình tích cực”. Đó là chủ nghĩa hòa bình tích cực dựa trên chủ nghĩa hợp tác quốc tế, thay cho chủ nghĩa hòa bình thụ động vẫn tồn tại từ trước đến nay. Chủ nghĩa hòa bình thụ động là suy nghĩ Nhật Bản càng phi vũ trang thế giới càng hòa bình. Thời điểm bản Hiến pháp được viết ra năm 1946, có lẽ phần lớn các nước đồng minh đã suy nghĩ như vậy. Nhưng Nhật Bản là một trong những nước có được sự tin tưởng trên thế giới hiện nay. Nhật Bản được kì vọng sẽ đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới, chứ không phải chỉ tuyên bố không làm điều xấu[2].

Từ “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần đầu tiên sử dụng vào tháng 9 năm 2013, sau đó chính phủ Nhật Bản sử dụng từ này nhằm truyền đạt ý tưởng trong phát ngôn đối ngoại. Ngay trong các buổi hội đàm cấp cao, văn kiện, từ này luôn được sử dụng rất nhiều. Mặt khác, trong đối nội và đối ngoại, từ này không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa đen của nó.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản chú trọng chính sách phát triển kinh tế duới thể chế đảm bảo ninh Nhật – Mỹ. Trong ngoại giao cũng như vấn đề đảm bảo an ninh, Nhật Bản lựa chọn con đường là quốc gia phi vũ trang, không tham gia tích cực vào ổn định và hòa bình quốc tế, đảm bảo sức mạnh ở mức chỉ để tự vệ. Có thể nói rằng việc không tham gia vào hòa bình và ổn định quốc tế là sự chứng nhận Nhật Bản là quốc gia hòa bình. Nếu gọi tình trạng này là “chủ nghĩa hòa bình thụ động” hay “chủ nghĩa hòa bình tiêu cực” thì “chủ nghĩa hòa bình tích cực” được hình thành với ý nghĩa trái ngược lại. Trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến đổi mạnh mẽ, chủ nghĩa hòa bình tích cực mang ý nghĩa là khái niệm chính sách được dùng trong chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia.

Sự hình thành quan điểm “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” dựa trên thực tế khó có thể chấp nhận là Nhật Bản đạt được những thành tựu kinh tế thần kỳ, gia tăng vị thế trên trường quốc tế nhưng không đóng góp gì cho hòa bình quốc tế. Chủ nghĩa hòa bình tích cực mới được đưa ra trong chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia là định hướng của chính phủ nhằm xây dựng và thực hiện biện pháp chính sách phát huy vai trò phù hợp của Nhật Bản trên trường quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia Nhật Bản. Những định hướng này có sự khác biệt so với trước đây[3].

Để thể hiện vai trò của Nhật Bản trong việc đóng góp cho hòa bình quốc tế phải kể đến hai thay đổi quan trọng trong bộ luật của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe là nới lỏng chính sách xuất khẩu vũ khí và diễn giải lại Hiến Pháp cho phép sử dụng quyền phòng thủ tập thể.

Nới lỏng chính sách xuất khẩu vũ khí

Ngày 1/4/2014, Nội các chính phủ Nhật Bản đã quyết định thông qua ba nguyên tắc chuyển giao thiết bị phòng vệ. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là không xuất khẩu thiết bị phòng vệ sang những nước có liên quan đến xung đột vũ trang, hoặc vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nguyên tắc thứ hai là chính phủ kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc chuyển giao thiết bị phòng vệ là vì an ninh quốc gia của Nhật Bản, đóng góp cho hòa bình và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Nguyên tắc thứ ba là phải đảm bảo quản lý khi các thiết bị chuyển giao sang nước thứ ba hoặc sử dụng ngoài mục đích đã thỏa thuận.

Diễn giải lại Hiến Pháp cho phép sử dụng quyền phòng thủ tập thể

Ngày 1/7/2014, Nội các Nhật Bản đã thông qua "Quyết định của Nội các về Phát triển Luật an ninh để đảm bảo sự tồn tại của Nhật Bản và bảo vệ người dân". Các chính phủ Nhật Bản trước đây duy trì quan điểm là Nhật Bản có quyền phòng thủ tập thể, nhưng với điều 9 từ bỏ chiến tranh ở trong Hiến pháp đồng nghĩa là Nhật Bản không được phép dùng quyền phòng thủ tập thể. Nội các tuyên bố, chính phủ kết luận rằng, Hiến pháp nên được diễn giải là được phép sử dụng lực lượng chỉ khi cần thiết, để tự vệ trong những tình huống nào đó. Ví dụ như một vụ tấn công vũ trang nhằm vào quốc gia có quan hệ thân thiết với Nhật Bản, hay khi xảy ra mối nguy hiểm đe dọa rõ ràng đến sự sống còn của Nhật Bản và đảo lộn cơ bản quyền của người dân. Đây là sự thay đổi lớn trong chính sách hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản và là thành quả của Thủ tướng Shinzo Abe qua hai nhiệm kỳ. Những thay đổi này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Nhật Bản tham gia vào các hoạt động quân sự cùng với các nước khác ngoài Mỹ.

Cải thiện quan hệ với Trung Quốc

Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản năm 2015 hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh hai nước tổ chức hồi tháng 11 năm 2014, coi đây là bước đầu trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước[4]. Quan hệ Nhật - Trung vốn đã căng thẳng từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tháng 9/2012. Quan hệ hai nước đã bị sứt mẻ nhiều do bất đồng quanh những vấn đề lịch sử và dường như những bất đồng đó khó có khả năng được hàn gắn trong một sớm một chiều. Thực tế, tư tưởng của ông Abe khi trở lại nắm quyền là muốn Trung Quốc và Nhật Bản thiết lập mối quan hệ chiến lược và cùng có lợi. Ý nghĩa tích cực của khái niệm này là trong khi kiên trì bảo vệ lợi ích của mình, hai nước nên tránh xung đột, đồng thời thông qua hợp tác để cùng có lợi[5].

Ngày 10/11/2014 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, gọi tắt là APEC. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa 2 lãnh đạo của Nhật Bản và Trung Quốc sau 2 năm 6 tháng.

Mục đích cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên, căng thẳng này có thể tạo ra nguy cơ xảy ra xung đột, hơn nữa có thể kích động tình cảm chủ nghĩa dân tộc của hai quốc gia giàu có nhất châu Á này. Thủ tướng Nhật Bản cho biết, ông hy vọng ông Tập Cận Bình thúc đẩy kế hoạch thiết lập đường dây nóng giữa hai nước, từ đó tránh khỏi việc tàu thuyền hai nước tiếp cận quá gần nhau trên biển Hoa Đông, gây ra tình trạng nguy hiểm. Những hình ảnh tại hội nghị cho thấy cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình còn gượng gạo nhưng việc gặp gỡ trực tiếp giữa hai lãnh đạo có ý nghĩa lớn cho tiến trình cải thiện quan hệ hai nước vốn đang nguội lạnh.

Cuối tháng 4 năm 2015, lãnh đạo hai nước lại có dịp gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi ở Indonesia. Hai bên nhất trí cần thúc đẩy quan hệ chiến lược cùng có lợi để đóng góp cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Thủ tướng Shinzo Abe nói trước phóng viên rằng ông muốn hội đàm với ông Tập Cận Bình trong các hội nghị quốc tế, và hợp tác với ông Tập để phát triển quan hệ song phương.

Tăng cường kiềm chế Trung Quốc

Trong vấn đề Biển Đông, hai nước tranh chấp biển và đảo quyết liệt nhất với Trung Quốc là Việt Nam và Philippin. Để kiềm chế Trung Quốc, Nhật Bản thúc đẩy nhanh chóng những liên kết chặt chẽ hơn với hai quốc gia này.

Đầu tháng 6 năm 2015, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã gặp gỡ Thủ tướng Abe tại Tokyo. Ông Benigno Aquino bày tỏ hy vọng Nhật Bản có thể đóng vai trò duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động trên biển. Tuyên bố chung sau cuộc gặp cho biết 2 nước đồng ý tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, tập trận, huấn luyện chung nhiều hơn cũng như bảo đảm an toàn hàng hải ở biển Đông. Nhật Bản sẽ chuyển giao 10 tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên của Philippin và hứa giúp tăng cường năng lực phòng vệ và trinh sát của nước này.

Với Việt Nam, ngày 18 tháng 3 năm 2014, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc Hội đàm cấp cao. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, hai bên quyết định nâng cấp Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới thành Quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á. Hai nhà Lãnh đạo cho rằng việc nâng cấp quan hệ lần này thể hiện tin cậy về chính trị và phản ánh sự phát triển sâu rộng của quan hệ của hai nước trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Ngày 14/5/2015, trang báo mạng Sankei đưa tin 2 máy bay tuần tra P3C của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã đến sân bay Đà Nẵng trong 2 ngày. Các máy bay này đã từng tham gia hoạt động chống cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia và vịnh Aden. Trước đó, vào tháng 4, hai tàu cảnh sát biển Nhật Bản cũng đã cập cảng Đà Nẵng. Sự xuất hiện của hai máy bay P3C được cho là với mục đích để phi công nghỉ ngơi và tạo sự tin tưởng với quân đội Việt Nam. Tờ báo trích lời một vị chỉ huy Nhật Bản nói “để có được sự ổn định dựa trên trật tự quốc tế, tạo dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước là vô cùng quan trọng”[6]. Có thể coi đây là dấu hiệu Nhật Bản sẵn sàng cùng Việt Nam kiềm chế sự ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.

NHẬT BẢN CẢI THIỆN QUAN HỆ VÀ TĂNG CƯỜNG KIỀM CHẾ VỚI TRUNG QUỐC

Sỹ quan Việt Nam và Nhật Bản chụp ảnh kỷ niệm trước máy bay P3C

Nguồn: http://www.sankei.com/world/news/150514/wor1505140023-n1.html

Ấn Độ cũng có những mối quan ngại về an ninh, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại biển Đông và biển Hoa Đông do các hành động quyết đoán của Trung Quốc làm phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải và việc khai thác các nguồn tài nguyên phù hợp với luật quốc tế. Trung Quốc dường như muốn biến Biển Đông thành cái “hồ của Bắc Kinh” là một bước để tiến tới mục tiêu thiết lập vai trò bá chủ của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Modi từ ngày 30/08 đến 3/9/2014,  Nhật Bản và Ấn Độ nhất trí tăng cường quan hệ song phương để duy trì tính nguyên trạng của khu vực.

Ngày 7, 8 tháng 6 năm 2015, Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước công nghiệp G7 đã diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Schloss Elmau, miền Nam nước Đức. Thủ tướng Shinzo Abe chỉ rõ không thể làm ngơ trước việc đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và Hoa Đông. Mặc dù tránh chỉ đích danh Trung Quốc, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí phản đối mạnh mẽ những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng như bồi đắp qui mô lớn, sử dụng vũ lực, đe dọa, cưỡng chế[7].

Với những hành động ngang ngược trên biển Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc đang gây lo ngại đối với các nước trong khu vực. Nhật Bản một mặt cải thiện quan hệ vốn đang nguội lạnh với Trung Quốc, một mặt sẵn sàng can dự cùng các quốc gia láng giềng nhằm kiềm chế Bắc Kinh, thiết lập hòa bình và hòa giải trên khu vực.

 

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Tin NHK ngày 7/4/2015

http://www3.nhk.or.jp/nhkworld/

[2] 「積極的平和主義」に転換する日本の安全保障政策

http://www.nippon.com/ja/currents/d00108/

[3] 「対外援助協力 」という視点 (1)~積極的平和主義と対外援助協力~

http://www.tkfd.or.jp/research/project/news.php?id=1292

[4] Tin NHK ngày 7/4/2015

http://www3.nhk.or.jp/nhkworld/

[5] Tài liệu tham khảo đặc biệt 11/12/2013, tr.19

[6] 海自P3Cがベトナム訪問 中国けん制か, http://www.sankei.com/world/news/150514/wor1505140023-n1.html

[7] 中国をけん制しつつ、ロシアとは対話継続

http://www.nippon.com/ja/behind/l00110/

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn