GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN - ẤN ĐỘ THẮT CHẶT QUAN HỆ NGOẠI GIAO

Đăng ngày: 24-12-2015, 15:34

Từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm Ấn Độ và hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba giữa ông Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ trong vòng một tháng. Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Antalaya (Thổ Nhĩ Kỳ) và sau đó gặp nhau bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Kuala Lumpur (Malaysia). Chuyến thăm này được xem như một phần trong các cuộc hội nghị cấp cao thường niên giữa hai nước kể từ năm 2007.

Nhật Bản và Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời giữa ông Modi và Thủ tướng Abe có nhiều điểm tương đồng. Người ta từng đặt ra cụm từ “Modinomics” để so sánh với “Abenomics” cho chiến lược phát triển kinh tế toàn diện của ông Modi trong những năm tới. Sự kết hợp giữa Abenomics và Modinomics sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế của mỗi nước. Theo đó, mục tiêu của hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào việc đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo và từng bước loại bỏ tình trạng bất ổn.

Sau buổi hội đàm giữa hai bên, Ấn Độ đồng ý ứng dụng kỹ thuật xe điện cao tốc Shinkansen của Nhật Bản, trong dự án đường sắt cao tốc ở miền Tây nước này. Nhật Bản và Ấn Độ cũng đồng ý trên nguyên tắc là sẽ ký hiệp định cho phép Nhật Bản xuất khẩu kỹ thuật điện hạt nhân sang Ấn Độ. Hiệp định này bao gồm tuyên bố chung do Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký, kêu gọi tăng cường quan hệ song phương trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Nhật Bản đồng ý cho Ấn Độ vay 400 tỷ yên, tức là khoảng 3 tỷ rưỡi đôla, để giúp cho việc xây dựng đường xá ở Đông Bắc và miền Nam, cũng như hợp tác nông nghiệp ở miền Bắc Ấn Độ[1].

Dự án này là nhằm mục đích kinh tế nhưng lại mang một ý nghĩa chính trị sâu sắc. Tokyo đã vô cùng thất vọng khi Indonexia chọn Trung Quốc thay vì Nhật Bản cho dự án tàu cao tốc. Đây là cú sốc lớn đối với Nhật Bản về mặt kinh tế và được xem là một thất bại của Nhật Bản. Đối với Ấn Độ, kể từ khi trở thành Thủ tướng vào giữa năm 2014, chính sách của ông Modi là tăng cường phát triển quan hệ với Nhật Bản. Dự án kinh tế này sẽ phát đi tín hiệu mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước rằng chính phủ Modi cam kết phát triển cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa để hoàn thành chiến dịch “Made in India” (sản xuất ở Ấn Độ)[2].

Trong lĩnh vực an ninh, 2 lãnh đạo cùng bày tỏ mối quan ngại chung truớc những hành động cứng rắn của Trung Quốc trên  Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng ý ký hiệp ước bảo vệ thông tin bí mật quân sự và hiệp ước chuyển giao thiết bị phòng vệ. Hai bên tiếp tục đàm phán việc mua bán máy bay cứu nạn phòng vệ trên biển[3]. Nhật Bản đã nới lỏng chính sách xuất khẩu vũ khí từ năm 2014 và Ấn Độ là thị trường quan trọng đối với Nhật Bản. Việc bán máy bay cho Ấn Độ là bước phát triển quan trọng trong chính sách vũ trang của Nhật thời hậu chiến. Mặt khác, hai Thủ tướng Abe và Modi tái khẳng định rằng Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản sẽ thường xuyên tham gia các cuộc tập trận hải quân Malabar của Mỹ và Ấn Độ[4]. Có thể nhận thấy Thủ tướng Abe đang thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực mà Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do hàng hải trên biển. Cùng với Australia dường như “Tứ giác kim cương an ninh dân chủ ở châu Á” (Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ) mà ông Abe từng đưa ra đang dần thành hiện thực.

Một điểm đáng chú ý khác là thỏa thuận khung về hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự. Đề xuất này được bắt đầu đưa ra vào năm 2010 nhưng bị đình trệ sau thảm họa sóng thần tại Fukushima năm 2011 dẫn đến các cuộc biểu tình chống điện hạt nhân ở Nhật Bản. Thỏa thuận hạt nhân dân sự sẽ cho phép các công ty Nhật Bản trực tiếp xuất khẩu công nghệ hạt nhân. Thỏa thuận cuối cùng chưa được ký kết vì cần có thêm những cuộc thảo luận cũng như sự chấp nhận của Quốc hội Nhật Bản. Tuy nhiên, thỏa thuận khung này sẽ mở đường cho các nước cung cấp thứ ba (có vốn đầu tư Nhật Bản) xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang Ấn Độ. Đây là bước đột phá lớn đối với Ấn Độ vì nó nhằm mục đích mở rộng chương trình năng lượng hạt nhân của nước này[5].

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Tin NHK ngày 12/12/2015

http://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/

[2] Quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nhật Bản và Ấn Độ

Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới ngày 22/12/2015, tr.8

[3] インド新幹線1・4兆円の円借款…利子など破格の設定で合意

http://www.sankei.com/politics/news/151212/plt1512120028-n1.html

[4] 日印首脳会談 原発協力は戦略的関係の柱だ

http://www.yomiuri.co.jp/editorial/20151214-OYT1T50106.html

[5] Quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nhật Bản và Ấn Độ

Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới ngày 22/12/2015, tr.8

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn