GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

VAI TRÒ CỦA NHẬT BẢN ĐỐI VỚI CPTPP (Phần 2)

Đăng ngày: 19-03-2018, 18:10

3. Những vai trò chủ yếu của Nhật Bản đối với TPP 11 - CPTPP

Nỗ lực cứu vãn hiệp định khỏi nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ ra đi

Trước sự rút lui của Mỹ, Nhật Bản đã nhanh chóng thay thế quốc gia này tiếp tục dẫn dắt TPP. Ngay sau khi có tin ông Trump thắng cử Tổng thống, hai Viện của Nhật Bản đã cấp tốc thông qua hiệp định, và Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn TPP. Sự quyết đoán của Nhật Bản ít nhiều đã giúp tinh thần hiệp định tiếp tục được giữ vững, khích lệ các thành viên còn lại nhanh chóng quay lại bàn đàm phán, cứu vãn TPP khỏi nguy cơ đổ vỡ.

Ngoài ra trong hơn một năm qua Nhật Bản cũng đã bằng nhiều nỗ lực ngoại giao tìm kiếm các giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy TPP11. Tại các cuộc gặp gỡ cấp cao song phương với lãnh đạo của 11 thành viên còn lại, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm khởi động và hiệu lực hóa các quy tắc thương mại cấp độ cao đã được các nước nhất trí trong hiệp định TPP ban đầu.

Dẫn dắt thành công các cuộc đàm phán của CPTPP

Nhật Bản cũng đã trở thành nước nắm quyền chủ đạo thúc đẩy các cuộc đàm phán về CPTPP sau khi Mỹ rút đi. Ngay từ đầu Nhật Bản đã nhấn mạnh việc sớm hiệu lực hóa hiệp định bằng cách điều chỉnh văn kiện gốc, kể cả trong trường hợp nếu 11 quốc gia thất bại trong việc giải quyết những khác biệt, giải pháp về một hiệp định mới với số lượng thành viên ít hơn vẫn sẽ tiếp tục được triển khai. Ngày 2/5/2017, tại Toronto (Canada) các nước TPP11 đã cùng nhau nối lại cuộc đàm phán đầu tiên về một hiệp định mới không bao gồm Mỹ, khi đó Nhật Bản đã đưa ra mục tiêu hoàn tất TPP11 tại APEC Đà Nẵng tháng 11/2017. Sự tích cực của Nhật Bản cũng được thể hiện bằng việc luôn tiên phong dẫn dắt các cuộc thảo luận của TPP11 tại Hakone Nhật Bản tháng 7/2017 và sau đó. Nhật Bản cũng là nhân tố quan trọng nhất trong việc 11 thành viên đạt được thỏa thuận khung về CPTPP. Tại APEC 2017, có thể nói cả hai nền kinh tế đứng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều không phải là những quốc gia đóng vai trò nổi bật nhất trong thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực. Vị trí đó cần phải nhắc tới Nhật Bản. Dưới nỗ lực của Thủ tướng Abe và quan chức của nước này, mặc dù với sự khác biệt về chủ trương của các thành viên, diễn biến đàm phán giữa các nước TPP11 diễn ra khá khá căng thẳng, thậm chí một số thời điểm còn có nước muốn rút khỏi đàm phán, hay lễ ký cấp nguyên thủ không thể xảy ra do sự thay đổi quyết định đột ngột từ phía Thủ tướng Canada Trudeau, nhưng vào những giờ khắc cuối cùng của tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, 11 nước cũng đã đạt được một sự đồng thuận về “thỏa thuận khung” của CPTPP.

Thậm chí Nhật Bản cũng cho thấy thái độ kiên định đối với lộ trình của CPTPP mà 11 nước thành viên đã nhất trí bất chấp động thái mới từ Mỹ. Cụ thể là khi Tổng thống Trump ngày 25/1 cho biết sẽ cân nhắc về việc Mỹ quay trở lại TPP theo những điều khoản "tốt hơn nhiều", đại diện Nhật Bản đã khẳng định, mặc dù Nhật Bản hoan nghênh "thực tế là Mỹ đã công nhận tầm quan trọng của TPP”, nhưng "Các điều khoản của TPP11 đã được quyết định, và ưu tiên của chúng tôi là đưa TPP11 sớm có hiệu lực" cho thấy rằng việc Mỹ để ngỏ khả năng quay trở lại cũng không làm thay đổi lộ trình của Nhật Bản về việc thúc đẩy Hiệp định CPTPP. Cách đây ít lâu, Nội các Nhật Bản cũng đã thông qua việc ký thỏa thuận TPP ngoại trừ Mỹ này ngay trước lễ ký chính thức CPTPP giữa 11 nước tại Santiago de Chile ngày 8/3/2018 (TPP協定文への署名を閣議決定http://news.tbs.co.jp/newseye/tbs_newseye3308871.htm truy cập 10/3/2018).

Khuyến khích sự quay trở lại của Mỹ

Tuy nhiên, việc liệu Nhật Bản có thể vừa dẫn đầu thành công một hiệp định gồm 11 quốc gia không có Mỹ, vừa đóng vai trò là cầu nối CPTPP với Mỹ hay không cũng là điều được nhiều người quan tâm. Khi 11 nước thành viên thống nhất được thỏa thuận khung về CPTPP ngày 11/11/2017, phía Nhật Bản đã phát biểu rằng, thành công này "phát đi một tín hiệu mạnh mẽ đến Mỹ và các quốc gia châu Á- Thái Bình Dương khác". Đối với Nhật Bản, CPTPP chính là mô hình tự do hóa thương mại của Châu Á. Nhiều nền kinh tế cũng đang quan tâm đến Hiệp định thay thế TPP này. Bên cạnh Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan, Thái Lan, nước Anh cũng đã nhiều lần thể hiện mong muốn tham gia hiệp định sau khi rời Liên minh châu Âu (EU). Nhật Bản cho biết họ cũng hoan nghênh cả sự có mặt của Trung Quốc nếu quốc gia này hội tụ đủ các điều kiện đã được các nước nhất trí từ trước. Nếu Nhật Bản thúc đẩy được một khuôn khổ tự do hoá thương mại mang lại lợi ích cho mỗi quốc gia, Mỹ sẽ không thể không nhận thức lại rằng các hiệp định thương mại tự do đa phương là có lợi cho đất nước họ. Thực tế sự hấp dẫn của CPTPP đang góp phần mở ra ít nhiều khả năng quay trở lại của Mỹ. Sau khi Tổng thống Trump để ngỏ khả năng này, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư kêu gọi đưa nền kinh tế số 1 thế giới trở lại bàn đàm phán CPTPP. Dù quá trình này sẽ không dễ dàng, nhưng có thể nói Nhật Bản vẫn là nước mong muốn có sự hiện diện của Mỹ trong CPTPP nhất, cả về lý do kinh tế lẫn chiến lược.

Khẳng định vai trò của CPTPP trong việc định hình các quy tắc và thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực

CPTPP với những tiêu chuẩn cao có thể trở thành hình mẫu cho các thỏa thuận đa phương khác, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP có quy mô lên tới 30% GDP thế giới, tuy nhiên lại có mức độ tự do hóa không cao. Dựa trên nền tảng của 5 hiệp định thương mại tự do ASEAN10+1, RCEP khó có thể trở thành một khuôn khổ thiết lập nên quy tắc kinh tế toàn cầu thế kỷ 21. Trước đây, ngay cả trong giai đoạn TPP đối mặt với nhiều trở ngại nhất, RCEP cũng không thể thay thế TPP. Hiện tại RCEP cũng vẫn đang “đi sau” CPTPP trong việc giải quyết các khúc mắc liên quan đến cắt giảm thuế, bảo vệ người lao động, thương mại số và môi trường...

Ngoài ra, có thể thấy nếu mỗi quốc gia đều có hành động bảo hộ thì thương mại quốc tế sẽ giảm sút và tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại. CPTPP cùng với sự dẫn dắt của Nhật Bản đang được kỳ vọng sẽ là một đối trọng đáng kể trước làn sóng bảo hộ hiện nay. Tổng thống Mỹ Trump trong chuyến thăm châu Á cuối năm 2017 đã tuyên bố ý tưởng “hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương để tăng cường quan hệ và thúc đẩy sự thịnh vượng". Tuy nhiên, từ trước đến nay ông Trump đã nhiều lần có các phát ngôn và hành động thể hiện chủ nghĩa bảo hộ. Dù trước đây Mỹ là nước chủ đạo dẫn dắt TPP, thế nhưng ngay sau khi lên nắm quyền ông Trump đã quay lưng ngay lại với thỏa thuận này. Sau khi rút khỏi TPP, ông Trump nói Mỹ sẽ xúc tiến các thỏa thuận song phương, tuy nhiên chính quyền của ông dường như không thể tìm kiếm được đối tác đàm phán nào. Hiện nay Mỹ cũng đang gia tăng đe dọa áp thuế nhôm và thép đối với cả các đối tác và láng giềng thân cận nhất của mình. Mức thuế áp lên cá tra và cá basa mới nhất (POR13) của Mỹ đối với Việt Nam cũng được đánh giá là khá vô lý, bởi đây không chỉ là mức thuế cao nhất từ trước đến nay mà còn cao gấp hai lần giá bán ra.

Mặt khác, về phía Trung Quốc, tại APEC 2017 Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh việc "nên tiếp tục thực hiện quá trình phát triển của châu Á Thái Bình Dương theo chính sách mở" và khẳng định Trung Quốc sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc mở rộng thương mại tự do tại Châu Á. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế có thể thấy Trung Quốc vẫn luôn là nước bị chỉ trích về việc vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, chẳng hạn như các doanh nghiệp nhà nước vẫn được trợ cấp từ chính phủ, quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề quyền người lao động, môi trường… chưa được bảo vệ thích đáng. Trước tình hình như vậy, có thể nói ở Châu Á hiện nay vị trí một quốc gia lãnh đạo, dẫn dắt thương mại tự do vẫn đang là một dấu hỏi.

Trước sự rời bỏ của Mỹ khỏi vị trí lãnh đạo việc định hình các quy tắc và thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực, Nhật Bản đã trở thành người tiên phong trong tiến trình xây dựng và lan tỏa các nguyên tắc của TPP, đưa các giá trị kinh tế của TPP ra thế giới, cũng hợp tác cùng nhiều quốc gia để thiết lập nên những nguyên tắc thương mại với tiêu chuẩn cao về tự do hóa ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nhờ nỗ lực vận động của Nhật Bản, 11 nước thành viên còn lại của TPP đã xích lại gần nhau hơn thông qua CPTPP một hiệp định không chỉ trở thành đối trọng với mô hình kinh tế của Trung Quốc với thị trường được bảo hộ và những chính sách hậu thuẫn những công ty quốc doanh, mà còn thúc đẩy một tầm nhìn đa phương trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang muốn ký kết thỏa thuận song phương với từng quốc gia một và đang hướng nhiều hơn về chủ nghĩa bảo hộ.

4. Kết luận

Bất chấp sự rút lui bất ngờ của Mỹ, TPP vẫn được hồi sinh nhanh chóng và bảo toàn được phần lớn nội dung của hiệp định gốc. Mặc dù những lợi ích kinh tế phần nào bị thu hẹp khi không có Mỹ, CPTPP vẫn là một hiệp định đầy hứa hẹn. CPTPP cũng để ngỏ cánh cửa đối với các thành viên mới tiềm năng như Anh, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan, Colombia và Thái Lan... Chắc chắn thành công của CPTPP là một kết quả đáng khích lệ, bởi thực tế đi đến sự thống nhất về một hiệp định thương mại đa phương hoàn toàn không phải là vấn đề dễ dàng, như từng chứng kiến từ thất bại của Vòng đàm phán Doha sau nhiều năm đàm phán đằng đẵng. Việc CPTPP hoàn tất sẽ giúp giữ được "ngọn lửa" đối với toàn cầu hóa và thương mại đa phương. Hẳn sẽ còn trải qua nhiều thời gian nữa để thế giới có thể chứng kiến thêm một thỏa thuận tương tự như CPTPP.

Với CPTPP châu Á cũng chứng tỏ được một sự liên kết chặt chẽ so với hai khu vực hội nhập kinh tế là châu Âu và Bắc Mỹ. Cam kết chính thức về việc hình thành một khu vực đầu tư và thương mại bao trùm vẫn nằm trong cấu trúc ngoại giao khu vực, bất chấp việc chính quyền Trump đang theo đuổi chính sách “nước Mỹ trước tiên”, vấn đề Brexit tại EU và nguy cơ đổ vỡ của NAFTA.

Trong suốt tiến trình đàm phán cho tới khi đạt được nhất trí về CPTPP Nhật Bản là quốc gia đóng vai trò chủ đạo. Ban đầu Nhật Bản dường như thiếu động cơ trong việc thúc đẩy TPP mà không có Mỹ, tuy nhiên, đảo ngược quan điểm dè dặt trước đó, Nhật Bản đã có một cách tiếp cận khác, mở rộng nỗ lực ngoại giao đến mức cao nhất để TPP 11 sớm được thực hiện. Sự vắng mặt của Mỹ tại TPP đã giúp Nhật Bản có nhiều “không gian” hơn để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình. Nhật Bản đã đón lấy cơ hội này để đề ra những nguyên tắc dựa trên đồng thuận với các đối tác còn lại trong TPP thay vì phải chấp nhận những sức ép và yêu cầu từ phía Mỹ tương tự như quá trình đàm phán trước đây. Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản là người tiên phong thay vì ở thế bị động. Thông qua CPTPP, Nhật Bản đang dần lấp đi khoảng trống ở châu Á do việc Mỹ rút lui khỏi TPP tạo ra và Trung Quốc được cho là có thể thế vào đó. Với những gì mà bản thân thể hiện, Nhật Bản cho thấy nước này không chỉ là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực và thế giới mà còn đóng vai trò dẫn dắt khu vực châu Á Thái Bình Dương và thế giới hiện nay đi theo con đường mở cửa, hợp tác và cùng có lợi.

Đỗ Thị Ánh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo

Đỗ Thị Ánh, "Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và những toan tính của Nhật Bản", Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Số 4 năm 2015, tr.21-28

Đỗ Thị Ánh, "Vai trò của Nhật Bản trong hội nhập kinh tế Đông Á", Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 7 năm 2017

Do Thi Anh, "The United States’ withdrawal from TPP : Economic implication and next steps for Japan" Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á (Tiếng Anh), Số 1 năm 2017

East Asia Forum (EAF), “CPTPP a boost for Japan’s regional trade leadership”, (http://www.eastasiaforum.org/2018/02/27/cptpp-a-boost-for-japans-regional-trade-leadership/, 27 February 2018, truy cập 7/3/2018)

“US withdrawal's "very serious  mistake", says former negotiator”, (https://www.pressreader.com/malaysia/new-straits-times/20180209/282243781050495, truy cập 12/3/2018 truy cập 7/3/2018)

 

Tin tức khác

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 11 NĂM 2023
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 11 NĂM 2023

Thu nhập tiền mặt trung bình ở Nhật Bản tăng 1,2% so với cùng kỳ vào tháng 9 năm 2023, tăng tốc từ mức tăng 0, ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 10 NĂM 2023
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 10 NĂM 2023

Cán cân thương mại của Nhật Bản bất ngờ chuyển sang thặng dư 62,44 tỷ Yên vào tháng 9 năm 2023 từ mức thâm hụt 2.099 ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 9 NĂM 2023
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 9 NĂM 2023

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm mạnh xuống 930,5 tỷ Yên vào tháng 8 năm 2023 từ mức 2.790,4 tỷ Yên trong cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với ướ ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 8 NĂM 2023
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 8 NĂM 2023

Cán cân thương mại của Nhật Bản bất ngờ chuyển sang thâm hụt 78,73 tỷ Yên vào tháng 7 năm 2023 từ mức thặng dư 24,6 ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn