GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

KINH TẾ NHẬT BẢN QUÝ 2 ẢM ĐẠM

Đăng ngày: 4-05-2021, 23:13

Nhật Bản áp dụng tình trạng khẩn cấp do làn sóng lây nhiễm thứ 4

Sau khi tình trạng khẩn cấp lần 2 được gỡ bỏ ngày 21/3/2021, số người nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản liên tục tăng lên và được coi là làn sóng lây lan thứ 4. Thời điểm cuối tháng 4, số ca nhiễm mới tại Nhật Bản mỗi ngày trên 5000 ca. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân lây lan gia tăng là do việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quá sớm và xuất hiện biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, chính phủ Nhật Bản quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với 4 tỉnh thành Tokyo, Osaka, Hyogo và Kyoto, dự kiến từ 25/4 đến ngày 11/5. Đây sẽ là tình trạng khẩn cấp lần thứ 3, sau lần 2 được áp dụng vào tháng 1, và tình trạng khẩn cấp đầu tiên được ban bố vào tháng 4 năm 2020. Tình trạng khẩn cấp sẽ không được gỡ bỏ nếu tình trạng không cải thiện và đáp ứng điều kiện cần thiết. Ngoài ra, ở các tỉnh khác, chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp tăng cường phòng dịch, dù không tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Quý 2 tăng trưởng âm

Theo dự báo ban đầu ngày 9 tháng 3, tăng trưởng GDP thực tế là -5,1% trong quý 1 và +4,8%  trong quý 2 so với cùng kỳ năm trước. Sau khi ban hành tình trạng khẩn cấp thứ ba, GDP thực tế trong quý 2 có thể bị âm trong quý thứ hai liên tiếp, thay vì phục hồi theo hình chữ V. Triển vọng kinh tế sẽ được điều chỉnh giảm sau khi xem xét kỹ lưỡng nội dung của yêu cầu tuyên bố và tác động.

Theo Mizuho Securities, ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ khiến GDP năm của Nhật Bản giảm khoảng 400 tỷ yên, khoảng 0,1 %.

Viện nghiên cứu Daiwa ước tính GDP giảm khoảng 300 tỷ yên trong giai đoạn tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tương đương khoảng 600 tỷ yên 1 tháng.

Chuyên gia viện nghiên cứu Nomura cho rằng kiểm soát lây nhiễm đòi hỏi các biện pháp khá mạnh, và bên cạnh mở rộng phạm vi quy định, yêu cầu cấp thiết là chính phủ sẽ mở rộng phạm vi hỗ trợ tài chính[1].

GDP thực tế cho giai đoạn quý 2 năm 2020 ghi nhận mức giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019, mức giảm lớn nhất trong lịch sử thống kê hiện nay, nhưng lần này sẽ không giảm mạnh. Khi đó, không chỉ có sự suy giảm lớn về nhu cầu trong nước mà sự sụt giảm của nhu cầu bên ngoài cũng góp phần tác động. Xuất khẩu giảm mạnh do ảnh hưởng của việc phong tỏa các thành phố ở châu Âu và Mỹ và cũng như xuất khẩu dịch vụ giảm mạnh bao gồm cả việc mất cầu khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra, nhập khẩu, thường thay đổi song song với nhu cầu trong nước và xuất khẩu, chỉ giảm nhẹ do nhu cầu đặc biệt đối với khẩu trang, dược phẩm và thiết bị truyền thông. Tuy nhiên, lần này, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ vẫn vững chắc khi các nền kinh tế nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, phục hồi mạnh mẽ. Do đó, ngoại nhu trong quý 2 dự kiến sẽ hỗ trợ GDP thực tế của Nhật Bản[2].

Theo số liệu thống kê thương mại do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 19/4, giá trị xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 3 là 7.378,1 tỷ Yên, cao hơn 16,1% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng đầu tiên trong hai tháng.

Xuất khẩu sang Mỹ, chủ yếu là ô tô và máy móc xây dựng, vượt 4,9% cùng kỳ năm 2020, tăng lần đầu tiên trong năm tháng. Xuất sang EU những mặt hàng như linh kiện ô tô, tăng 12,8%,  lần đầu tiên tăng sau 1 năm 8 tháng. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng 37,2% do doanh số bán mặt hàng như nhựa và đồng tăng mạnh, với giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Mặt khác, giá trị nhập khẩu của Nhật Bản tăng 5,7% so với cùng tháng năm 2020 lên 6.071,4 tỷ Yên do sự gia tăng dược phẩm từ châu Âu, Mỹ và máy tính cá nhân từ Trung Quốc.

Kết quả là, cán cân thương mại tháng 3 thặng dư 663,7 tỷ Yên tương đương khoảng 6,1 tỉ đôla Mỹ, tháng thứ hai liên tiếp thặng dư[3].

Kinh tế Nhật Bản phân cực

Một năm đã trôi qua kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố cho tất cả các tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Nhật Bản trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, khi các biện pháp phong tỏa được thực hiện ở châu Âu và Mỹ, đã giảm 29,3% so với quý trước, trải qua mức tăng trưởng âm tồi tệ nhất sau chiến tranh. Kể từ tháng 6 năm 2020, khi tuyên bố được bãi bỏ hoàn toàn, hoạt động kinh tế trong và ngoài nước đã được mở lại, và sự phục hồi kinh tế tiến triển nhanh chóng, một phần là do các chính sách tài khóa và tiền tệ quy mô lớn đã ngăn chặn phá sản dây chuyền và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh ... Tuy nhiên, vào tháng 11/2020, sự lây lan của Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn, và vào tháng 1 năm 2021, tình trạng khẩn cấp thứ hai đã được ban hành. Ở một số quốc gia như Israel và Vương quốc Anh, số người mắc mới đang giảm nhờ ảnh hưởng của việc ngăn chặn và tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, song ở Nhật Bản, tình trạng lây nhiễm lại tái phát do ảnh hưởng của các loại đột biến có khả năng lây nhiễm cao, do đó tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 sẽ được ban bố. Trong tình hình đó, quá trình phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản có sự phân cực. Các hoạt động kinh tế như công nghiệp sản xuất đang phát triển mạnh mẽ, nhưng ngành dịch vụ vốn dễ bị lây nhiễm bệnh vẫn tiếp tục đình trệ.

Thiếu hụt chất bán dẫn tác động đến ngành sản xuất ô tô

Do nhu cầu về chất bán dẫn như máy tính cá nhân, trung tâm dữ liệu và 5G  tăng lên nhanh chóng sau khi Covid-19 lây lan, nên ngày càng thiếu chất bán dẫn cho ngành sản xuất ô tô. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi ngày 13/2/2021, nhà máy của tập đoàn Renesas Electronics đã phải ngừng hoạt động 3 ngày do động đất tại Fukushima sau đó ngày 19-3, nhà máy Naka của Renesas Electronics ở Hitachinaka bị hỏa hoạn do chập điện làm hư hại 5% trong diện tích 12.000m² nhà máy. Hãng sản xuất chip của Nhật Bản Renesas Electronics vốn chiếm 30% thị phần thế giới cho vi điều khiển, bộ phận quan trọng đối với các chuyển động của phương tiện. Renesas Electronics thông báo nguồn cung có thể giảm khoảng một tháng, song có thể mất ba tháng, thậm chí sáu tháng mới có thể hồi phục hoàn toàn.

Bởi những tác động này, các nhà sản xuất ô tô lần lượt cắt giảm sản lượng. Theo nhiều báo cáo khác nhau, sau tháng 4, Nissan Motor, Mitsubishi Motors, SUBARU, v.v. sẽ giảm sản lượng tại các nhà máy trong nước và nước ngoài, và Honda sẽ giảm sản lượng tại các nhà máy ở nước ngoài. Toyota Motor đang xem xét kỹ lưỡng tác động. Vẫn chưa rõ sản lượng sẽ giảm bao nhiêu, nhưng các nhà phân tích trong lĩnh vực ô tô của Daiwa Securities cho rằng sản lượng xe thành phẩm toàn cầu của Nhật Bản dự kiến sẽ giảm khoảng 350.000 đến 400.000 chiếc, chủ yếu trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Việc giảm sản xuất ô tô, trong đó có nhiều ngành liên quan và là sản phẩm xuất khẩu chính, là nguyên nhân chính làm suy giảm kinh tế Nhật Bản. Dự đoán cả tác động trực tiếp và gián tiếp sẽ khiến GDP giảm 0,5 nghìn tỷ yên. Nhưng nếu tác động kéo dài, nó sẽ có tác động tiêu cực đến hàng loạt ngành công nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng, mức độ giảm GDP thực tế sẽ mở rộng lên khoảng -0,9 nghìn tỷ yên[4].

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] 緊急事態宣言 GDP 3000~6900億円余押し下げか 民間試算, https://www3.nhk.or.jp/news/html/20210423/k10012992571000.html?utm_int=news-business_contents_list-items_019

[2] 三度目の緊急事態宣言発出による日本経済への影響, https://www.dir.co.jp/report/research/economics/japan/20210422_022244.pdf

[3] 3月の輸出額 前年同月比16.1%増, 貿易収支は2か月連続黒字, https://www3.nhk.or.jp/news/special/coronavirus/economic-indicators/detail/detail_34.html

[4] 日本経済見通し:2021 年 4 月, https://www.dir.co.jp/report/research/economics/outlook/20210420_022236.pdf

Tin tức khác

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng đáng kể lên 2.758,78 tỷ yên vào tháng 1 năm 2025 từ 1.766,54 tỷ yên cùng kỳ năm trước, vượt quá sự đồng thuận ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025

Thặng dư thương mại của Nhật Bản tăng vọt lên 130,94 tỷ yên vào tháng 12 năm 2024 từ 32,35 t ...

CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG
CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG

Các khoản vay tiêu dùng tăng vọt và tiền lương trì trệ dẫn đến khó khăn tài chính kỷ lục trong các hộ gia đình. Ngày càng nhiều người Nhật phải vật ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm xuống còn 117,62 tỷ yên vào tháng 11 năm 2024 từ mức 813,87 yên cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thâm hụt thươ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn