GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Nhật Bản đối mặt với vấn đề giảm phát kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp

Đăng ngày: 28-09-2021, 08:33

Kể từ khi Đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới, Nhật Bản không chỉ đối mặt với những làn sóng bùng phát dịch mạnh mẽ mà còn phải chứng kiến tình trạng giảm phát ngày càng gia tăng, khiến nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng giảm phát này làm giá trị hàng hoá giảm, hoạt động kinh tế cũng ngưng trệ theo, trong khi đó các gia đình Nhật Bản trì hoãn việc chi tiêu, ngừng mua mọi thứ từ đồ gia dụng đến nhà mới để chờ giảm giá sâu hơn vì nghĩ rằng những mặt hàng này sẽ còn rẻ hơn trong tương lai; còn các doanh nghiệp thì ngừng đầu tư và tuyển dụng nhằm tiết kiệm chi phí.

Ông Kazuo Momma vốn là một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Nhật Bản, cho biết: “Việc giá cả ít có sự thay đổi là một trong những bằng chứng quan trọng cho thấy chính phủ Nhật Bản hướng đến giảm phát. Sau nhiều năm không có lạm phát, người Nhật coi giá cả như một thứ ít nhiều giữ nguyên. Một khi quan điểm đó đã ăn sâu, thì hầu như không thể thay đổi được”. Dân số ngày càng thu hẹp và già hóa của Nhật Bản là một yếu tố khác được các nhà nghiên cứu và nhà kinh tế nhấn mạnh để giải thích cho cuộc chiến giảm phát của nước này. Các nhà kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã viết trong một báo cáo vào tháng 3/2020: “Với tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động được dự báo sẽ giảm thêm vào năm 2040, tác động tiêu cực của nhân khẩu học đối với tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên ở Nhật Bản có thể sẽ tăng, hạn chế vai trò của chính sách tiền tệ trong việc điều chỉnh nền kinh tế”. Theo Paul Sheard - một nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Kennedy của Đại học Harvard, nếu giảm phát được giữ vững, chính phủ và ngân hàng trung ương phải hợp tác chặt chẽ và mạnh mẽ với nhau[1]. Tuy nhiên, tình hình lại không mấy khả quan, khi vào tháng 5/2020 chỉ số giá tiêu dùng lõi ở Nhật Bản đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu lần giảm phát đầu tiên của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này kể từ năm 2017. Đến cuối năm 2020, lạm phát cơ bản của nước này trong tháng 12/2020 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2010. Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến lạm phát ở Nhật Bản tiếp tục giảm một phần là do sự sụt giảm của giá dầu trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, việc dịch Covid-19 tái bùng phát ở nhiều địa phương kết hợp với tình hình việc làm trở nên bấp bênh đã khiến nhiều người phải “thắt lưng, buộc bụng”, từ đó tác động tới nhu cầu và giá của nhiều mặt hàng. Tình trạng này nhấn mạnh thách thức mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải đối mặt trong việc tăng lạm phát lên mức mục tiêu là 2%, và giữ cho ngân hàng này chịu áp lực hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp mới được ban hành để chống lại đại dịch. Theo cuộc khảo sát hàng quý của BOJ về các hộ gia đình cho thấy, tỷ lệ các hộ gia đình kỳ vọng giá cả sẽ tăng trong một năm là 60% vào tháng 12, giảm từ 63,3% vào tháng 9 và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2012. Theo cuộc khảo sát, tâm lý của các hộ gia đình về tình hình nền kinh tế được cải thiện phần nào nhưng dao động gần mức thấp nhất vào năm 2009, khi Nhật Bản đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do sự sụp đổ của Lehman Brothers. Gần 90% hộ gia đình cho biết họ đã giảm số lượng các chuyến đi chơi để giải trí và thư giãn so với hồi tháng 3/2020, khi biến thể Delta của Sars-Cov-2 bắt đầu lây lan mạnh ở Nhật Bản. Khoảng 67% gia đình cho biết họ có kế hoạch hạn chế hơn nữa các chuyến đi chơi giải trí và thư giãn, trong khi 71% cho biết họ không có kế hoạch thay đổi số tiền họ chi tiêu để giành trọn vẹn thời gian ở nhà chống dịch. Thêm vào đó, giá tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản đã giảm 0,9% trong tháng 11 so với một năm trước đó, tốc độ giảm nhanh nhất trong một thập kỷ. Nhật Bản còn dự kiến sẽ mở rộng tình trạng khẩn cấp từ khu vực thủ đô Tokyo sang các khu vực khác khi các trường hợp nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng, một động thái có thể làm tăng nguy cơ suy thoái kép và làm giảm giá cả do làm giảm nhu cầu trong nước [2].

 

Bước sang năm 2021, Nhật Bản lại phải tiếp tục đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư, khi số ca nhiễm lại gia tăng, thêm vào đó các biến chủng mới xuất hiện ngày càng nhiều tại đây, gây lo ngại cho chính quyền Thủ tướng Suga Yoshihide. Nền kinh tế Nhật Bản do đó chịu ảnh hưởng nặng nề, áp lực giảm phát đã nhen nhóm từ đầu đại dịch lại có cơ hội tăng mạnh. Giá cả hàng hóa trong tháng 5 vừa qua ở Nhật Bản đã giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ở một mức độ nào đó, tình trạng này xảy ra ở Nhật Bản là do cuộc chiến liên tục chống lại đại dịch Covid-19, khiến người tiêu dùng không muốn ra ngoài. Trước đại dịch, Nhật Bản chưa bao giờ tiếp cận mục tiêu lạm phát dài hạn là 2%, ngoại trừ các ngành năng lượng và thực phẩm biến động, giá cả hầu như không thay đổi trong nhiều năm. Trong vòng mười năm qua, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã sử dụng gần như tất cả các biện pháp của các nhà kinh tế để cố gắng tăng giá. Họ sử dụng các quỹ chi phí thấp để kích thích nền kinh tế, chi một khoản tiền khổng lồ cho các dự án kích thích tài khóa như các công trình công cộng, và giảm lãi suất xuống mức mà họ có thể vay gần như không tính lãi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đối với người tiêu dùng, giá giảm nghe có vẻ là một điều tốt. Nhưng theo quan điểm của hầu hết các nhà kinh tế, đây là một vấn đề. Họ luôn thích nói rằng lạm phát bôi trơn các bánh răng của nền kinh tế. Một mức lạm phát nhỏ có thể làm tăng lợi nhuận và tiền lương của doanh nghiệp, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế. Lạm phát cũng có thể làm giảm gánh nặng nợ và giảm chi phí tương đối của các khoản vay và thế chấp. Mark Gertler - giáo sư kinh tế học tại Đại học New York, người nghiên cứu vấn đề này, cho biết Nhật Bản không có khả năng gia tăng lạm phát là một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà kinh tế chưa giải quyết được. Một lời giải thích phổ biến cho vấn đề này ở Nhật Bản là kỳ vọng của người tiêu dùng đối với giá thấp đã trở nên quá lớn, nên về cơ bản không có khả năng các công ty tăng giá. Lý do của các nhà kinh tế cũng bao gồm việc dân số già của Nhật Bản dẫn đến nhu cầu dành cho hàng hóa cũng ít đi, cùng với đó là toàn cầu hoá mang tới lực lượng lao động giá rẻ góp phần giảm chi phí tiêu dùng ở các nước phát triển một cách hiệu quả. Takatoshi Ito - giáo sư về các vấn đề công và quốc tế tại Đại học Columbia cho biết Nhật Bản đang ở trong một vòng luẩn quẩn. Ông nói rằng người tiêu dùng đang bắt đầu kỳ vọng “giá cả ổn định và không lạm phát”, vì vậy “các công ty sợ tăng giá vì nó sẽ gây lo ngại và có thể gây khó chịu cho người tiêu dùng” [3]

Trong thời gian xảy ra đại dịch, chính phủ Nhật Bản cũng đã cố gắng rút kinh nghiệm từ đợt suy thoái do giảm phát hồi năm 2013 bằng các biện pháp như: chính phủ đã trả tiền cho các cửa hàng và nhà hàng để họ đóng cửa; phân phối tiền mặt cho tất cả mọi người và cung cấp các khoản vay không lãi suất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn… Tuy nhiên, giá vẫn tiếp tục giảm. Điều này một phần do những nguyên nhân đã nói ở trên, mặt khác do chính yêu cầu từ phía chính phủ Nhật Bản. Gần đây chính quyền của Thủ tướng Suga đã gây áp lực buộc các công ty viễn thông phải giảm cước điện thoại di động mà chính phủ cho là quá cao, trong khi đó hầu hết người tiêu dùng Nhật Bản vẫn đang chờ đợi để được tiêm vắc xin phòng Covid-19, gây cản trở hoạt động kinh tế của nước này. Mặc dù, chính phủ Nhật Bản đã và đang rất nỗ lực để kích thích nền kinh tế, hạn chế tình trạng giảm phát, nhưng theo như lời của Sayuri Shirai - giáo sư kinh tế tại Đại học Keio ở Tokyo thì ngay cả sau khi đại dịch lắng xuống, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản có thể vẫn ở mức thấp, bởi vấn đề cơ bản vẫn không đổi đó là không ai biết chính xác tại sao giá cả lại trì trệ [3]. Chính bởi lẽ đó, tình trạng giảm phát vẫn đang gây nên áp lực lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản hiện nay và cả hậu đại dịch, là thách thức lớn cho chính phủ và các nhà hoạch định chính sách kinh tế của đất nước Mặt trời mọc.

 

Phan Thị Diễm Huyền

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

[1] Toru Fujioka and Sumio Ito, Japan's long deflation battle is warning for post-virus world

https://www.bnnbloomberg.ca/japan-s-long-deflation-battle-is-warning-for-post-virus-world-1.1442539

[2] Leika Kihara, Japan's price expectations weaken as pandemic stokes deflation fears

https://www.reuters.com/article/us-japan-economy-boj-survey-idUSKBN29H0LX

[3] Ben Dooley, 物价持续低迷,日本面临通货紧缩压力 (Giá tiếp tục giảm, Nhật Bản đối mặt với áp lực giảm phát)

https://cn.nytimes.com/business/20210716/inflation-us-japan/


Tin tức khác

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng đáng kể lên 2.758,78 tỷ yên vào tháng 1 năm 2025 từ 1.766,54 tỷ yên cùng kỳ năm trước, vượt quá sự đồng thuận ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025

Thặng dư thương mại của Nhật Bản tăng vọt lên 130,94 tỷ yên vào tháng 12 năm 2024 từ 32,35 t ...

CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG
CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG

Các khoản vay tiêu dùng tăng vọt và tiền lương trì trệ dẫn đến khó khăn tài chính kỷ lục trong các hộ gia đình. Ngày càng nhiều người Nhật phải vật ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm xuống còn 117,62 tỷ yên vào tháng 11 năm 2024 từ mức 813,87 yên cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thâm hụt thươ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn