GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CHUỖI CUNG ỨNG TRONG BỐI CẢNH COVID-19: ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY CHẾ TẠO NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM

Đăng ngày: 18-12-2021, 04:43

Tóm tắt: Cho đến giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, do chiến tranh thương mại Mỹ Trung và tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, các công ty Nhật Bản với chủ trương của chính phủ Nhật Bản đã cân nhắc nhiều đến việc rời hoạt động từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á mà Việt Nam là một điểm sáng trong số các lựa chọn. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch Covid-19 tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đột ngột diễn biến xấu cùng với sự xuất hiện của chủng virus Delta, chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á đã trở nên hỗn loạn. Một số khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng đặt tại Việt Nam bị ngừng trệ đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, đòi hỏi cần khẩn trương đưa ra biện pháp tháo gỡ.

1. Khả năng chuyển dịch của các công ty Nhật Bản từ Trung Quốc sang Việt Nam

1.1. Lý do của xu thế chuyển dịch khỏi Trung Quốc

Trước đại dịch Covid, trên thế giới đã hình thành một hệ thống phân công lao động toàn cầu (chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu) và hoạt động của các công ty Nhật Bản cũng diễn ra dựa trên nền tảng của chuỗi cung ứng xuyên quốc gia này. Cho đến nay rất nhiều công ty đa quốc gia đã đầu tư sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt là các công ty Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã châm ngòi các cuộc xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc, từ thương mại, công nghệ, an ninh kinh tế, con người… tác động mạnh đến chuỗi cung ứng ở quy mô toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc.

Với sự bùng phát của dịch bệnh Covid trên toàn thế giới, các hạn chế nhập cảnh đã được áp dụng ở nhiều quốc gia, dẫn đến sự đình trệ của các hoạt động kinh tế, người dân và hậu cần, bất bình đẳng xã hội do chênh lệch thu nhập và nghèo đói gia tăng, trong đó sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trên quy mô toàn cầu ngày càng lan rộng.

Để đối phó với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng do những nguyên nhân kể trên, trước và ngay sau khi đại dịch Covid bùng phát, chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích các công ty dịch chuyển các cơ sở sản xuất vốn đang đặt tại Trung Quốc sang một nước thứ ba hoặc đưa trở lại Nhật Bản [1].

Ngoài ý định đa dạng hóa địa bàn đầu tư để chuẩn bị cho những rủi ro có thể phát sinh trong tương lai như căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng và thiên tai, dịch bệnh, bên cạnh đó tại Trung Quốc, các chi phí liên quan đến sản xuất cũng đang gia tăng, khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm là lý do ảnh hưởng lớn đến quyết định chuyển dịch của các công ty Nhật Bản.

Về vấn đề lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút, thứ nhất, do căng thẳng Mỹ - Trung, thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng vọt. Mức thuế trung bình của Mỹ đối với Trung Quốc trước khi tăng là 3,1% vào tháng 1/2018, sau đó tăng mạnh từ sau tháng 12/2019. Ngay cả sau Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận đầu tiên, thuế quan vẫn duy trì ở mức cao là 19,3%. Đây là yếu tố chính khiến lợi nhuận của các công ty Nhật Bản đầu tư sản xuất ở Trung Quốc sau đó xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm. Thứ hai, chi phí lao động của Trung Quốc cũng đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Mức lương của công nhân phổ thông trong ngành sản xuất ở Thâm Quyến, trung tâm của ngành sản xuất, là 204 USD/ tháng vào năm 2008, tương đương mức lương các quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên, nó đã tăng lên 490 đô la vào năm 2018, mức cao hơn so với các quốc gia châu Á khác (Năm 2018 lương tháng công nhân ngành công nghiệp chế tạo bình quân của Malaysia và Thái Lan là 413 USD, Indonesia 308, Ấn Độ 265 USD, Philippines 234 USD) [2].

Về chi phí mặt bằng, giá thuê hàng tháng cho một khu công nghiệp (2018) là 3,2 USD/m2 ở Thâm Quyến, Trung Quốc, trong khi ở Hà Nội, Việt Nam là khoảng 0,2 USD, đây là một sự khác biệt lớn.

Ngoài ra, liên quan đến thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển cổ tức sang Nhật Bản lần lượt là 25% và 10% ở Thâm Quyến, Trung Quốc, 20% và 0% ở Hà Nội.

1.2. Lý do Việt Nam là địa điểm thay thế được đánh giá cao

Về lý do Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong số các lựa chọn của các công ty Nhật Bản khi lên kế hoạch di dời khỏi Trung Quốc, ngoài những rủi ro địa chính trị đã đề cập ở trên, việc né tránh mức thuế quan cao, giảm chi phí bao gồm giá nhân công, Việt Nam cũng là nước có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và các đối tác thương mại có độ tương đồng với Trung Quốc lớn nhất ở châu Á, do đó được đánh giá là thay thế tốt nhất cho việc sản xuất tại Trung Quốc [3].

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ Việt Nam đối với các công ty nước ngoài, dân số đông, vị trí địa lý gần Trung Quốc cũng ảnh hưởng tích cực đến sự đánh giá của các công ty.

Việt Nam đã gia nhập WTO năm 2007. Nhật Bản và Việt Nam đã ký hiệp định đầu tư vào năm 2004. Cùng với Việt Nam, Philippines cũng là điểm đến được đánh giá cao, nhưng Việt Nam với vị trí là một điểm nút của châu Á nối với Trung Quốc vẫn có lợi thế hơn về mặt hậu cần. Trong cuộc khảo sát thường niên kéo dài trong 19 năm qua do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tiến hành đối với các công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc, Việt Nam cũng nổi lên như một lựa chọn ưu tiên khi dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

2. Việt Nam trong làn sóng dịch Covid-19 thứ tư

Cho đến nay Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng dịch Covid-19. Làn sóng đầu tiên với chủng virus nguyên phát từ Vũ Hán, Trung Quốc có một số bệnh nhân nặng nhưng chưa có ca tử vong. Làn sóng thứ 2 ở Đà Nẵng gây 35 ca tử vong ở những bệnh nhân nặng và có bệnh nền. Làn sóng thứ 3 ở Hải Dương với biến chủng Anh là chủ yếu, mặc dù số người mắc khá lớn nhưng không có ca tử vong. Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, chủ yếu do biến chủng Ấn Độ gây ra có quy mô và tính phức tạp cao hơn nhiều trước đó vì bùng phát cả trong bệnh viện, trong cộng đồng nhiều địa phương và cả ở trong các khu công nghiệp lớn.

CHUỖI CUNG ỨNG TRONG BỐI CẢNH COVID-19: ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY CHẾ TẠO NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoạt động sản xuất của Việt Nam đã gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 thứ tư. Trước làn sóng thứ tư này, giá trị của ngành sản xuất Việt Nam đang tăng trưởng khả quan kể từ năm 2011. Chỉ số PMI [4] tháng 4/2021 đạt mức kỷ lục là 54,70. Kể cả tỷ lệ sử dụng đất nhà máy cũng tăng mạnh kể từ năm 2018, đạt 74% vào năm 2020.

Tuy nhiên, bước sang tháng 7/2021, do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội và một số các yếu tố khác, chỉ số PMI tháng 6 và 7/2021 đã giảm xuống rất nhanh, chỉ ở mức 44,10 - 45,10.

CHUỖI CUNG ỨNG TRONG BỐI CẢNH COVID-19: ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY CHẾ TẠO NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

Giống như đa phần quốc gia Đông Nam Á khác, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khoảng nửa sau năm 2021 đã được thắt chặt nghiêm ngặt. Do vậy, ngoài sự giảm sút của nhu cầu trong nước bao gồm cả tiêu dùng cá nhân, quy định về giãn cách xã hội cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các công xưởng, nhà máy. Tại các nhà máy ở Việt Nam, việc giãn cách cũng được thực hiện, chẳng hạn như nguyên tắc “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, không ít nhà máy vẫn phải đóng cửa vì không thể đáp ứng các điều kiện quy định. Theo đánh giá của một số chuyên gia Nhật Bản, ảnh hưởng của đại dịch Covid ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam còn lớn hơn các nước Đông Bắc Á và Tây Âu, khiến cho chuỗi cung ứng gián đoạn nghiêm trọng. Tác động không chỉ giới hạn trong ngành sản xuất, mà còn mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, và dịch vụ. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (JCCH), ngay cả những công ty có thể duy trì hoạt động theo cách này, tỷ lệ lấp đầy cũng giảm xuống còn 10% đến 50% so với bình thường. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng 8 giảm mạnh, giảm 49,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả là, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý 3 (từ tháng 7 đến tháng 9) là âm 6,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi Tổng Cục Thống kê bắt đầu công bố GDP hàng quý vào năm 2000 [5].

(Còn tiếp)

Đỗ Thị Ánh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

[1] コロナ禍における企業活動の変化 https://www.soumu.go.jp/johotsusintokei/whitepaper/ja/r03/html/nd123200.html

[2] 特集 ジェトロのビジネス環境調査  投資関連コスト比較調査https://www.jetro.go.jp/world/business_environment/cost.html

[3] Leaving China: Which countries might benefit from a relocation of production? https://economics.rabobank.com/publications/2019/august/leaving-china-countries-might-benefit-from-relocation-production/

[4] Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI: Purchasing Manager’s Index) là chỉ số đo lường “sức khoẻ” kinh tế của các ngành sản xuất, cho biết về tình hình đơn hàng mới, sản xuất và việc làm dựa trên năm thành phần chính: đơn đặt hàng mới, mức tồn kho, sản xuất, giao hàng từ nhà cung ứng và môi trường lao động. Mục đích của PMI là cung cấp thông tin về các điều kiện kinh doanh hiện tại cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà phân tích và quản lý mua của các công ty. Mức 50 là ranh giới quan trọng, vượt qua mức 50 cho thấy nền kinh tế đang mở rộng và ngược lại, giảm xuống dưới 50 nghĩa là nền kinh tế đang chậm lại.

[5] https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/09/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iii-va-9-thang-nam-2021/

Tin tức khác

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng đáng kể lên 2.758,78 tỷ yên vào tháng 1 năm 2025 từ 1.766,54 tỷ yên cùng kỳ năm trước, vượt quá sự đồng thuận ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025

Thặng dư thương mại của Nhật Bản tăng vọt lên 130,94 tỷ yên vào tháng 12 năm 2024 từ 32,35 t ...

CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG
CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG

Các khoản vay tiêu dùng tăng vọt và tiền lương trì trệ dẫn đến khó khăn tài chính kỷ lục trong các hộ gia đình. Ngày càng nhiều người Nhật phải vật ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm xuống còn 117,62 tỷ yên vào tháng 11 năm 2024 từ mức 813,87 yên cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thâm hụt thươ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn