GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TÌNH HÌNH KINH TẾ NHẬT BẢN NĂM 2021 (PHẦN 2)

Đăng ngày: 31-12-2021, 13:15

1.2. Một số dự án nổi bật đã được Nhật Bản triển khai

1.2.1. Du lịch Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề do Covid 19

Tính đến tháng 9 năm 2021, tổng lượng khách du lịch đến Nhật Bản chỉ đạt 147.347 lượt khách, giảm đáng kể so với năm 2019 trước khi đại dịch Covid 19 bùng phát. Theo thống kê của cơ quan quản lý ngành du lịch Nhật Bản, trong giai đoạn từ tháng 4-9/2021, đã có thêm 16 doanh nghiệp du lịch tuyên bố phá sản, với khoản nợ trên 10 triệu yen (khoảng 90.000 USD), trong đó có tới 15 doanh nghiệp phá sản vì chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid 19, chiếm 93,7%. Doanh thu từ du lịch ở Nhật Bản giảm xuống còn 5.256.000 nghìn Yen vào tháng 8 từ 27.615.000 nghìn Yên vào tháng 7 năm 2021. Lượng khách du lịch đến Nhật Bản giảm xuống còn 17700 vào tháng 9 từ 25900 vào tháng 8 năm 2021.

Từ đầu năm 2021, Nhật Bản liên tiếp phải ứng phó với các làn sóng lây nhiễm COVID-19, buộc chính phủ nước này phải áp dụng nhiều giải pháp mạnh như ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc triển khai các biện pháp phòng dịch trọng điểm. Các quy định liên quan đến hạn chế đi lại trong nước và hạn chế người nhập cảnh khiến cho các doanh nghiệp du lịch sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn bùng phát mạnh mẽ, mặc dù có sự hỗ trợ nhất định của chính phủ, đa số các doanh nghiệp du lịch Nhật Bản vẫn phải cố gắng cầm cự thông qua việc giảm nhân viên, thu hẹp quy mô kinh doanh, đóng cửa một số đại lý. Số liệu thống kê cũng chỉ ra, 12/16 doanh nghiệp du lịch phá sản nói trên chỉ có dưới 5 nhân viên, chiếm 80%, 6/16 doanh nghiệp nợ từ 50-100 triệu yên, 5/16 doanh nghiệp nợ từ 10-50 triệu yên.Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu Tokyo Shoko Research (TSR) thực hiện tháng 8/2021, khoảng 40% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, sẽ cân nhắc ngừng hoạt động nếu dịch Covid 19 tiếp tục kéo dài thêm nhiều tháng nữa. Do đó, ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi chính phủ sớm nối lại chương trình kích cầu du lịch “GoTo Travel” và nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh.

Biểu đồ 8: Khách du lịch quốc tế

Nguồn:https://statistics.jnto.go.jp/en/graph/#graph--inbound--travelers--transition


 

 

 

 

 

 

 

Biểu đồ 9: Lượng khách du lịch đến Nhật Bản năm 2021

Nguồn:https://statistics.jnto.go.jp/en/graph/#graph--inbound--travelers--transition

TÌNH HÌNH KINH TẾ NHẬT BẢN NĂM 2021 (PHẦN 2)

 

 

 

 

 

 

 

Biểu đồ 10: Doanh thu của ngành du lịch

Nguồn:https://statistics.jnto.go.jp/en/graph/#graph--inbound--travelers--transition

TÌNH HÌNH KINH TẾ NHẬT BẢN NĂM 2021 (PHẦN 2)

 

 

 

 

 

Có thể thấy doanh thu tháng 7 đạt mức cao hơn so với các tháng trong năm là do Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã quyết định sẽ không có khán giả trong các sự kiện diễn ra tại Tokyo và các tỉnh lân cận là Chiba, Saitama và Kanagawa. Nhưng tại một số địa phương khác, bao gồm Fukushima sẽ có số lượng hạn chế người hâm mộ được tham gia các sự kiện. Thông báo này được đưa ra sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ở thủ đô Tokyo với số lượng người mắc COVID-19 gia tăng.

1.2.2.Olympic Tokyo 2020 – Ván cược của nền kinh tế Nhật Bản

Khởi đầu với mong muốn thúc đẩy kinh tế, du lịch, tiêu dùng và việc làm cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, nhưng kỳ vọng về một động lực Olympic đối với nền kinh tế Nhật Bản đã trở thành một canh bạc “rủi nhiều hơn may” vào thời điểm hiện tại. Trước thềm khai mạc Olympic, tập đoàn Toyota cho biết sẽ không chạy bất kỳ quảng cáo nào ở Nhật Bản liên quan đến Thế vận hội. Toyota vốn là một trong 13 nhà tài trợ chính cho Olympic Tokyo. Trước đó, tập đoàn này từng chi hàng triệu USD để chạy quảng cáo Olympic tại giải bóng bầu dục Mỹ Super Bowl. Thế nhưng ở Nhật Bản, quan điểm tranh cãi của người dân về sự kiện này do lo ngại tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến Olympic trở thành tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với nhiều doanh nghiệp. Khoảng 60 tập đoàn của Nhật Bản đã chi hơn 3 tỷ USD để tài trợ cho Olympic Tokyo 2020, một con số kỷ lục đối với các nhà tài trợ chủ nhà của bất kỳ giải đấu Olympic nào. Tuy nhiên, ngoài Toyota, lãnh đạo của các tập đoàn lớn như Panasonic, NTT, Fujitsu, NEC và Keidanren… cũng đã từ chối tham gia lễ khai mạc. Giám đốc điều hành công ty Suntory, ông Takeshi Niinami, chia sẻ công ty của ông đã quyết định không trở thành nhà tài trợ cho Olympic Tokyo 2020, bởi cái giá phải bỏ ra là "quá đắt".

Ngân sách chính thức của Olympic Tokyo được công bố là 15,4 tỷ USD nhưng các kiểm toán viên của chính phủ Nhật Bản cho biết tổng chi tiêu đã lên tới 20 tỷ USD, tức là cao gần gấp ba so với dự báo ban đầu khoảng 7,4 tỷ USD. Như vậy, sự kiện thể thao này đã vượt Olympic London 2012 (14,4 tỷ USD) để trở thành kỳ Thế vận hội mùa Hè đắt đỏ nhất trong lịch sử. Phần phụ trội do các khoản chi tiêu không lường trước và chủ yếu do việc phải lùi thời điểm tổ chức lại một năm. Cộng thêm vào đó là chi phí cho công tác ngăn ngừa dịch bệnh ước tính tiêu tốn 96 tỷ yen. Nhưng bất chấp những khoản chi phí cao vọt, việc hủy bỏ Thế vận hội sẽ còn thảm khốc hơn đối với nền kinh tế Nhật Bản lúc này, dẫn đến thiệt hại ước tính lên tới 4,5 nghìn tỷ yen. Điều này chủ yếu do chi phí cơ sở hạ tầng đặc biệt được xây dựng cho Thế vận hội nhưng không tạo ra được lợi nhuận kinh tế hoặc chỉ tạo ra lợi nhuận hạn chế và trong tương lai xa. Do đó, bài toán kinh tế đối với Nhật Bản lúc này được cho là tìm cách tối ưu hóa lợi nhuận thu được từ Olympic Tokyo 2020, thậm chí biến rủi ro thành cơ hội trong bối cảnh đại dịch. Giới chuyên gia cho rằng Nhật Bản có thể nhìn lại những kinh nghiệm từ Olympic Tokyo 1964.

1.2.3.Chính phủ Nhật Bản thông qua dự luật phê chuẩn RCEP

Ngày 24/2, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký bởi 15 quốc gia châu Á -Thái Bình Dương hồi cuối năm ngoái. RCEP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Sau 8 năm đàm phán, RCEP hoàn tất với quy mô 2,2 tỷ người dân, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu. Việc ký kết RCEP tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ phục hồi và nâng cao hiệu quả của các chuỗi cung ứng trong khu vực. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định.

Ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng các đối tác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ có hiệu lực. Nhật Bản kỳ vọng hiệp định thương mại với diện bao phủ gần như toàn bộ châu Á này sẽ là "cú hích" kinh tế quan trọng giúp gia tăng lượng hàng xuất khẩu như nông sản và linh kiện ôtô cùng với việc cắt giảm các loại thuế liên quan. Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, sau khi RCEP chính thức đi vào hoạt động, tỷ lệ dỡ bỏ thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu giữa 15 nước thành viên sẽ lên tới 91% với trọng tâm là các sản phẩm linh kiện ôtô.

1.2.4. Đầu tư và phát triển công nghệ

Phát triển công nghệ sản xuất chất bán dẫn

Nhật Bản đã ký kết tham gia dự án trị giá 338 triệu USD nhằm phát triển công nghệ sản xuất chất bán dẫn tại nước này, phối hợp với nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là TSMC đến từ Đài Loan (Trung Quốc).Theo hãng tin Kyodo, khoảng 20 công ty của Nhật Bản sẽ phối hợp với TSMC trong dự án trị giá 37 tỷ yen, trong đó Chính phủ Nhật Bản sẽ đóng góp khoảng 19 tỷ yen (173 triệu USD).TSMC là công ty sở hữu những nhà máy sản xuất chip lớn nhất và hiện đại nhất trên thế giới. Dự án hợp tác với TSMC được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhật Bản trong lĩnh vực quan trọng này.Chính phủ Nhật Bản cũng đang nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh của các công ty nội địa trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các chất bán dẫn vốn rất cần thiết cho các mạng lưới viễn thông thế hệ mới và sản xuất xe tự hành.Hoạt động nghiên cứu sẽ tập trung đặc biệt vào công nghệ lắp ráp chip 3D, giúp tạo ra những bộ phận nhiều chi tiết hơn nhưng kích thước vẫn nhỏ gọn.Các cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu sẽ được khởi công xây dựng trong mùa Hè này tại Viện khoa học và công nghệ công nghiệp tiên tiến quốc gia Nhật Bản ở Tsubuka, gần thủ đô Tokyo.Dự án sẽ chính thức được triển khai trong năm 2022. Trong số các công ty Nhật Bản tham gia dự án có các công ty hóa chất như Asahi Kasei, Mitsui Chemicals và Sumitomo Chemical.Chất bán dẫn là một bộ phận quan trọng trong các thiết bị điện tử hiện đại như điện thoại thông minh, điều khiển điện tử và xe ôtô.Hiện nguồn cung chip toàn cầu đang thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất ôtô.Nguồn cung chip trở nên khan hiếm do nhu cầu các thiết bị điện tử trong nhà sử dụng chất bán dẫn tăng vọt khi các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian đại dịch COVID-19 khiến người dân phải ở nhà nhiều hơn.

Cuộc khủng hoảng chip càng trầm trọng hơn do thời tiết khắc nghiệt tại Mỹ, Đài Loan và một vụ hỏa hoạn tại nhà sản xuất chip Renesas của Nhật Bản khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn.Trong khi đó, cuộc đua củng cố chuỗi cung ứng chip toàn cầu đang ngày càng gay gắt, với ngày càng nhiều nước đầu tư mạnh tay vào xây dựng cơ sở sản xuất trong nước để bảo đảm số hóa nền kinh tế.Trong bối cảnh Nhật Bản dần thất thế trước các đối thủ khác như Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) trong những năm gần đây, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản dự kiến sẽ sớm công bố chiến lược cải thiện năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này./.

Phát triển sản xuất Vaccine Covid 19

Trong tháng 3 năm 2021, Nhật Bản sẽ hợp tác với các quốc gia châu Á khác để tạo ra một mạng lưới xuyên biên giới về nghiên cứu lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng nhằm thúc đẩy quả trình chế tạo và sản xuất vaccine Covid-19. Chính phủ Nhật Bản cũng hỗ trợ một phần chi phí cho các công ty dược phẩm trong nước và các tổ chức nghiên cứu phát triển vaccine. Kế hoạch này được Nhật Bản đầu tư 160 tỷ Yên (1,47 tỷ USD).

Mặc dù thị trường vaccine được kỳ vọng sẽ phát triển, nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản trong bối cảnh Pfizer, Merck và hai công ty lớn khác kiểm soát 80% thị trường vaccine Covid-19 toàn cầu. Hiện Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu hầu hết các loại vaccine cúm mùa.

2. Một số chính sách kinh tế của Nhật Bản

Về tài chính, Để đối phó với tác động của COVID-19, BoJ đã tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính bằng cách tiến hành nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ kể từ tháng 3 năm 2020 thông qua ba biện pháp sau: (1) Chương trình hỗ trợ đặc biệt tài trợ trong ứng phó với đại dịch Coronavirus; (2) nguồn cung cấp tiền yên và ngoại tệ dồi dào và linh hoạt, chủ yếu bằng cách mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGBs) và tiến hành các hoạt động cung cấp vốn bằng đô la Mỹ; và (3) mua các quỹ giao dịch hối đoái (ETF) và ủy thác đầu tư bất động sản Nhật Bản (J-REITs). Hiện tại, tình hình tài chính của các công ty vẫn còn yếu và dự kiến ​​tác động của COVID-19 cần thêm một khoảng thời gian nữa để giảm bớt do đó, BoJ đã quyết định kéo dài thời hạn của Chương trình đặc biệt thêm sáu tháng cho đến cuối tháng 3 năm 2022. BoJ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các tác động của Covid-19 và không ngần ngại thực hiện các biện pháp nới lỏng bổ sung nếu cần thiết, đồng thời BoJ kỳ vọng chính sách lãi suất ngắn hạn và dài hạn sẽ ở mức ổn định hoặc thấp hơn. Về mặt điều hành chính sách tiền tệ, điều quan trọng trong lúc này là giải quyết tác động của COVID-19.

Về chi tiêu ngân sách, Ngày 26/3, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua khoản ngân sách kỷ lục trị giá 106.610 nghìn tỷ yen (976 tỷ USD) cho tài khóa 2021 để tăng cường các biện pháp giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19, cũng như tăng chi phí an sinh xã hội và quốc phòng. Cụ thể, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua ngân sách cho tài khóa 2021 bắt đầu từ ngày 1/4 tới. Trước đó, Hạ viện đã thông qua bản dự thảo này vào đầu tháng 3. Cả hai viện đều đang nằm dưới sự kiểm soát của liên minh cầm quyền tại Nhật Bản gồm đảng Dân chủ Tự do và đảng Komeito. Trong khoản tiền trên, có 5.000 tỷ yen (45,67 tỷ USD) được dùng làm quỹ dự phòng để hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế và kinh tế. Khoản tiền này có thể được chi ra mà không cần Quốc hội phải phê duyệt lần nữa.

Sau khi Thủ tướng Kishida Fumio lên cầm quyền, Nhật Bản tiếp tục lên kế hoạch thực hiện hàng loạt các biện pháp kích thích nền kinh tế, trong đó có việc tái khởi động chương trình kích cầu du lịch và hỗ trợ các doanh nghiệp tăng lương cho nhân viên. Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch chi hơn 56.000 tỷ yên (khoảng 490 tỷ USD) để thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tới nền kinh tế. Gói biện pháp kích thích kinh tế này bao gồm chương trình trợ cấp trực tiếp 100.000 yên bằng tiền mặt cho tất cả trẻ em từ 18 tuổi trở xuống và tái khởi động chương trình kích cầu du lịch "Go To Travel".

Về tăng lương, Chính phủ Nhật Bản đã xem xét việc tăng lương tối thiểu cho người lao động trong bối cảnh Covid 19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, mức tăng bình quân toàn Nhật Bản thêm 28 yên, là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay, đưa mức lương bình quân tối thiểu theo giờ trên toàn Nhật Bản đạt 930 yên/giờ.Đây cũng là lần đầu tiên, mức lương theo giờ ở tất cả các tỉnh thành trên toàn nước Nhật đều lớn hơn 800 yên. Theo đó, Tokyo là địa phương có mức lương tối thiểu giờ cao nhất với 1041 yên, tiếp theo là Tỉnh Kanagawa 1040 yên, Osaka là 992 yên. Tỉnh có mức lương giờ thấp nhất là Kochi và Okinawa với 820 yên tiếp theo là Iwate, Tottori, Ehime… với 821 yên.Kể từ ngày 1/10, Tokyo, Osaka và 29 địa phương khác sẽ áp dụng mức lương mới; từ ngày 2/10, tỉnh Shizuoka, Gunma và 7 tỉnh khác áp mức lương mới; từ ngày 6/10, tỉnh Aomori, Oita và 3 tỉnh khác áo mức lương mới; từ ngày 7/10, tỉnh Ishikawa, từ ngày 8.10, tỉnh Okinawa áp mức lương mới.

Về thủ tục nhập cảnh,Theo TTXVN, Chính phủ Nhật Bản đã thống nhất chủ trương rút ngắn thời gian tự cách ly cho người nhập cảnh vào nước này vì mục đích kinh doanh xuống còn 3 ngày và dự kiến bắt đầu áp dụng chính thức từ ngày 8/11 tới.Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với đối tượng là người ngước ngoài lưu trú ngắn hạn vì mục đích kinh doanh và lưu học sinh. Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp hoặc trường đại học phía Nhật Bản phải cam kết quản lý được hành vi của những người nước ngoài nhập cảnh này trong thời gian tự cách ly.Cũng trong lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh, dự kiến Chính phủ Nhật Bản sẽ nâng số lượng người nước ngoài được phép nhập cảnh vào nước này từ 3.500 người/ngày lên 5.000 người/ngày, bắt đầu áp dụng từ cuối tháng này.

Tóm lại:

Năm 2021 là một năm kém tươi sáng đối với nền kinh tế Nhật Bản trên nhiều phương diện: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, cán cân thương mại quốc tế, niềm tin kinh doanh, chỉ số lạm phát…Dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ tăng lên nhờ những chính sách kích cầu kinh tế mà chính phủ ban hành và hiệp định RCEP được thực thi.Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng ở Nhật Bản sẽ tăng cao do các tình trạng khẩn cấp dần được nới lỏng, các ngành dịch vụ và sản xuất dần phục hồi, việc tiêm phòng vaccine cũng được đẩy mạnh hơn.

Trần Ngọc Nhật

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


Tài liệu tham khảo:

  1. Japan Annualized GDP Shrinks More than Expected, https://tradingeconomics.com/japan/gdp-growth-annualized
  2. Japan Q3 Business Sentiment Highest in Nearly 3 Years, https://tradingeconomics.com/japan/business-confidence
  3. Japan's workers win biggest pay raises in 20 years, https://www.newsonjapan.com/html/newsdesk/article/122707.php
  4. Japan Cabinet OKs record stimulus package to fix economy, https://www.newsonjapan.com/html/newsdesk/article/132549.php
  5. Olympic Tokyo 2020 – Ván cược của nền kinh tế Nhật Bản, https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/olympic-tokyo-2020--van-cuoc-cua-nen-kinh-te-nhat-ban-i622677/
  6. BoJ vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, https://bnews.vn/boj-van-duy-tri-chinh-sach-tien-te-sieu-long/218773.html
  7. Chính phủ Nhật Bản thông qua dự luật phê chuẩn RCEP, https://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-nhat-ban-thong-qua-du-luat-phe-chuan-rcep/696445.vnp
  8. Nhật Bản đầu tư vào phát triển công nghệ sản xuất chất bán dẫn, https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-dau-tu-vao-phat-trien-cong-nghe-san-xuat-chat-ban-dan/716885.vnp
  9. Nhật Bản đầu tư khủng sản xuất vaccine Covid-19 'cây nhà lá vườn', https://baoquocte.vn/nhat-ban-dau-tu-khung-san-xuat-vaccine-covid-19-cay-nha-la-vuon-139328.html
  10. Quốc hội Nhật Bản thông qua ngân sách kỷ lục cho tài khóa 2021, https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-nhat-ban-thong-qua-ngan-sach-ky-luc-cho-tai-khoa-2021/701600.vnp
  11. Sống chung an toàn với COVID-19: Nhật Bản rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh vì mục đích kinh doanh, https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/song-chung-an-toan-voi-covid-19-nhat-ban-rut-ngan-thoi-gian-cach-ly-doi-voi-nguoi-nhap-canh-vi-muc-dich-kinh-doanh/d0448423-9f80-4a34-ab6d-1306b0dc0083
Tin tức khác

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng đáng kể lên 2.758,78 tỷ yên vào tháng 1 năm 2025 từ 1.766,54 tỷ yên cùng kỳ năm trước, vượt quá sự đồng thuận ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025

Thặng dư thương mại của Nhật Bản tăng vọt lên 130,94 tỷ yên vào tháng 12 năm 2024 từ 32,35 t ...

CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG
CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG

Các khoản vay tiêu dùng tăng vọt và tiền lương trì trệ dẫn đến khó khăn tài chính kỷ lục trong các hộ gia đình. Ngày càng nhiều người Nhật phải vật ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm xuống còn 117,62 tỷ yên vào tháng 11 năm 2024 từ mức 813,87 yên cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thâm hụt thươ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn