GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CHUỖI CUNG ỨNG TRONG BỐI CẢNH COVID-19: ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY CHẾ TẠO NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM (Tiếp theo và hết)

Đăng ngày: 25-02-2022, 13:28

3. Tác động và giải pháp

3.1. Tác động đối với các công ty Nhật Bản

Trong giai đoạn bệnh dịch bùng phát, nhất là từ khoảng quý III năm 2021, các công ty chế tạo Nhật Bản tại Việt Nam đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Về tình hình hoạt động, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh và JETRO, từ tháng 7 đến tháng 9/2021 cứ hai công ty chế tạo Nhật Bản tại phía Nam thì có một công ty lâm vào tình trạng khó khăn với tỷ lệ hoạt động giảm từ 50% trở xuống và khoảng 60% số các công ty Nhật Bản bị sụt giảm doanh số. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, do tác động của dịch bệnh, khoảng 10% số công ty Nhật Bản "ngừng hoặc hoãn lại việc đầu tư mới hay mở rộng hoạt động và "rời hoạt động từ ​​Việt Nam sang nước khác" (1).

Đến 18 giờ ngày 30/9/2021, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã quay trở lại như bình thường và các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt như hạn chế ra ngoài đã được nới lỏng, các công ty đã tiếp tục quay lại hoạt động sản xuất. Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) vào ngày 19/10 đã cho biết, tính đến thời điểm đó, đã có hơn 1.300 công ty, nhà máy mở cửa trở lại, đạt hơn 92%. Riêng khu công nghệ cao thành phố Thủ Đức đã có 85 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đạt 100% (2). Thành phố Hà Nội đã nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội từ 6 giờ ngày 14/10/2021. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam đã có thay đổi đáng kể trong cách thức phòng chống dịch, chuyển từ chiến lược zero-Covid sang trạng thái bình thường mới (ニューノーマル/新常態). Ngành công nghiệp chế tạo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong quý III năm 2021 (từ tháng 7 - 9) bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại trong tháng 10 và tăng trưởng vào tháng 11/2021 (3).

Tuy nhiên, tùy từng địa phương vẫn còn tồn tại một số những vấn đề khác như nguy cơ lây nhiễm cao, sự thiếu hụt lao động và cần có thời gian để phục hồi hoạt động. Một số trường hợp, quy định yêu cầu công nhân thường xuyên xét nghiệm PCR cũng tạo gánh nặng về chi phí với các công ty. Nhiều công ty đã tiến hành những biện pháp thận trọng để đề phòng ngừa lây nhiễm do phải ngừng hoạt động nếu xuất hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, và một số cho biết đã phải ngừng hoạt động trong vài ngày tại các nhà máy có nhiều ca nhiễm được xác nhận. Tuy nhiên các hạn chế liên quan đã bắt đầu được nới lỏng từ tháng 10.

Về nhân sự, khi tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam khác đang trong tình trạng có nguy cơ lây nhiễm cao, nhiều nhân viên người Nhật và gia đình đã phải tạm thời quay trở về Nhật Bản. Do các hạn chế về nhập cảnh nên cũng có sự chậm trễ trong việc luân chuyển nhân sự, phái cử nhân viên bảo trì và bảo dưỡng, giới thiệu thiết bị mới và hỗ trợ bán hàng.

3.1. Tác động đối với chuỗi cung ứng

Về những tác động đối với công tác hậu cần, ngoài chi phí logistics tăng và thời gian vận chuyển chậm do thiếu container vận chuyển đường biển, tắc nghẽn tại các cảng và các chuyến bay bị cắt giảm, do sự lây lan của dịch bệnh nên khi di chuyển liên tỉnh /thành phố cần có giấy chứng nhận âm tính, thời hạn kiểm dịch..., nhưng những vướng mắc như vậy đã dần được nới lỏng dựa sau khi Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được ban hành.

Trong giai đoạn bệnh dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công ty Nhật Bản và các công ty con của họ phải ngừng hoạt động khiến cho nguồn cung cấp các linh kiện phụ tùng công nghiệp trở nên thiếu hụt, các nhà máy ở Nhật Bản phải đóng cửa. Do điều kiện hoạt động khá khó khăn (phải giữ chân “lao động cùng với lương thực, chỗ ở” trong nhà máy mà không cho phép nhân viên sản xuất đi lại từ nhà máy ra khu dân cư), nhiều nhà máy đã dừng hoạt động, sản xuất giảm mạnh. Những hạn chế đối với các hoạt động của các nhà máy đã giảm sản lượng xuống thấp và làm gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng. Đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô, đây thực sự là một vấn đề lớn. Chẳng hạn, về nguồn cung đối với cụm cáp dây điện (ワイヤーハーネス - wiring harness), mặt hàng có trị giá xuất khẩu sang Nhật Bản lớn nhất năm 2020, do bị phụ thuộc vào các nhà máy tại Việt Nam về mặt hàng này, nên khi nhà máy tại Việt Nam ngừng sản xuất, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tại Nhật Bản đã diễn ra. Sản xuất cụm cáp dây điện yêu cầu số lượng đông nhân lực trong quá trình bó dây điện nên khâu sản xuất mặt hàng này rất dễ bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế hoạt động. Do các quy định giãn cách nghiêm ngặt tại Hồ Chí Minh được gia hạn đến cuối tháng 9, tình trạng thiếu nguồn cung đã bị kéo dài. Vấn đề tương tự cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, chẳng hạn như việc cơ sở sản xuất vật liệu bán dẫn ở Malaysia bị đình chỉ hoạt động tại quốc gia này đã tác động rất lớn đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu do việc thiếu hụt nguồn cung, dẫn đến tình trạng thiếu vật liệu bán dẫn này trên toàn cầu kéo dài từ đầu năm đến ít nhất là tháng 9. Tương tự ở phần lớn các quốc gia Đông Nam Á khác, việc tiêm phòng sau đó đã được đẩy nhanh tại Malaysia, bao gồm cả bang Penang, nơi đặt cơ sở sản xuất và việc nối lại hoạt động của nhà máy dự kiến ​​sẽ sớm được thực hiện, tuy nhiên, cũng phải mất một khoảng thời gian dài để phục hồi khả năng cung cấp đáp ứng được nhu cầu.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cũng ảnh hưởng mạnh đến thương mại hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Nhìn vào giá trị thương mại hai chiều của Nhật Bản (giá trị xuất khẩu + giá trị nhập khẩu) theo quốc gia/ khu vực, Việt Nam đứng thứ 50 vào năm 1990. Ngay cả tới những năm 2010, sự khác biệt giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn rất lớn. Xét về giá trị thương mại với Nhật Bản năm 2010, Thái Lan đứng thứ 6 và Việt Nam đứng thứ 21. Tuy nhiên, tình hình đã khác rất nhiều vào năm 2020. Việt Nam chiếm 3,1% (vị trí thứ 7) Thái Lan (3,9%, vị trí thứ 5) trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Nhật Bản. Ngoại trừ Thái Lan, Việt Nam đã vượt quá tất cả các thành viên ban đầu của ASEAN (Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines). Có thể nói, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Việt Nam với nền kinh tế Nhật Bản ngày càng sâu sắc. Từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản giảm 23%. Nhập khẩu từ Nhật Bản cũng giảm 9%. Thương mại sụt giảm cũng ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế khác của Nhật Bản. Trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã đưa tin khá nhiều về tác động của tình trạng lockdown tại Việt Nam. Có thể nói, mối quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam đã trở nên sâu sắc đủ để ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế của Nhật Bản.

Việt Nam từng được kỳ vọng nhiều như một cứ điểm giúp tăng cường chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, do các hạn chế hoạt động và hạn chế di chuyển nghiêm ngặt được đưa ra nhằm đối phó với dịch bệnh Covid, hoạt động sản xuất tại các nhà máy đã bị dừng hoặc cắt giảm, dẫn đến những vấn đề trong việc cung ứng phụ tùng linh kiện cho Nhật Bản. Một báo cáo của JETRO Nhật Bản ngày 10/11/2021 đã nhận xét, trong tương lai tỷ lệ sản xuất ở Việt Nam có thể sẽ trở thành vấn đề cần cân nhắc nhiều hơn đối với các công ty Nhật Bản (4).

4. Giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng

Dịch Covid-19 bùng phát trong nước thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các công ty chế tạo Nhật Bản, làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Bài toán cấp bách được đặt ra là làm sao để vừa đảm bảo công tác chống dịch vừa giữ chân doanh nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngày 21/10/2021 tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chuyển sang trạng thái bình thường mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, với các biện pháp chống dịch vừa qua tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đang dần được kiểm soát. Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, chia sẻ và tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tháo gỡ các khó khăn, khôi phục sớm nhất các hoạt động kinh doanh theo phương châm không làm gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt trên toàn quốc, yêu cầu địa phương không ban hành thêm và bãi bỏ các quy định không phù hợp. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP để chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, đưa chính sách chống dịch quy về một mối trên toàn quốc, phá vỡ tình trạng đóng băng trong hoạt động kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng đang tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, thành lập tổ công tác đặc biệt xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và ban hành nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ trong bối cảnh dịch COVID-19 (5).

Về dài hạn, những giải pháp cũng đã được vạch ra bên cạnh “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội bao gồm tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc triển khai những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Để luôn là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư, giúp các doanh nghiệp bắt tay nhanh vào triển khai khôi phục sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tháo gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp đang gặp phải, trong đó bám sát thực tế hoạt động của các doanh nghiệp để điều chỉnh linh loạt, giúp doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ tìm nguồn lao động; giải quyết thủ tục hành chính. Với quan điểm sản xuất phải an toàn, cần phát huy những thành quả chống dịch đã đạt được, duy trì chuỗi sản xuất, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa cùng với tuân thủ nghiêm các biện pháp, nguyên tắc chống dịch. Đồng thời, triển khai các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ người lao động, ngăn chặn nguy cơ dịch quay lại, như tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân để địa phương, tăng cường độ bao phủ vaccine để sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng nhằm bảo đảm an toàn chống dịch và phục hồi kinh tế. Song song với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ công nhân, để người lao động an tâm gắn bó với nhà máy, xí nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập cảnh trong trường hợp đủ điều kiện.

Trong tương lai các dự án đầu tư công nhằm cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được đẩy nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tới mức tối đa các thủ tục hành chính, thời gian và chi phí tiếp cận, chi phí thực thi các quy định pháp lý, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp tục đa dạng hóa, tích cực, chủ động, linh hoạt trong việc xúc tiến đầu tư nước ngoài một cách có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo yêu cầu lựa chọn, đổi mới hình thức và nội dung thu hút FDI, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

 

Đỗ Thị Ánh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] https://www.jetro.go.jp/ext_images/world/covid-19/asia/matome/vn.pdf

[2] https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-hon-230-000-cong-nhan-khu-cong-nghiep-da-tro-lai-lam-viec/217573.html

[3] https://www.jetro.go.jp/ext_images/world/covid-19/asia/matome/vn.pdf

[4] 【コラム】ロックダウンでベトナムのサプライチェーンが脱中国依存の試金石に https://www.jetro.go.jp/biz/areareports/2021/1a48c17fcc681c7b.html

[5] 5.  https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-ho-tro-toi-da-doanh-nghiep-va-nha-dau-tu-nuoc-ngoai/748137.vnp

 

Tin tức khác

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng đáng kể lên 2.758,78 tỷ yên vào tháng 1 năm 2025 từ 1.766,54 tỷ yên cùng kỳ năm trước, vượt quá sự đồng thuận ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025

Thặng dư thương mại của Nhật Bản tăng vọt lên 130,94 tỷ yên vào tháng 12 năm 2024 từ 32,35 t ...

CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG
CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG

Các khoản vay tiêu dùng tăng vọt và tiền lương trì trệ dẫn đến khó khăn tài chính kỷ lục trong các hộ gia đình. Ngày càng nhiều người Nhật phải vật ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm xuống còn 117,62 tỷ yên vào tháng 11 năm 2024 từ mức 813,87 yên cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thâm hụt thươ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn