GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

10 SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN NỔI BẬT NĂM 2017

Đăng ngày: 31-12-2017, 17:53

1. Thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp

Đầu năm 2017, trong bài diễn văn chính sách tại kỳ họp quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe đề cập đến việc sửa đổi Hiến pháp. Thực tế, kể từ khi trở lại cầm quyền vào cuối năm 2012, chiến lược lớn của thủ tướng Abe là ngoài việc phục hồi kinh tế, cao hơn nữa phải đưa Nhật Bản trở lại vị trí một cường quốc thế giới. Một trong nhưng ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông Abe là việc sửa đổi bản Hiến pháp Nhật Bản được duy trì từ năm 1947, và đặc biệt là điều 9 vốn hạn chế việc sử dụng sức mạnh quân sự vì mục đích đảm bảo an ninh quốc gia.

Năm 2017 là dịp kỷ niệm 70 năm Hiến pháp có hiệu lực, trong tháng 5, phát biểu bằng video đến các cuộc họp của những người ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, Thủ tướng Abe thể hiện rõ nguyện vọng muốn sửa đổi Hiến pháp. Ông nói muốn bổ sung một đoạn trong điều 9 Hiến pháp để xác định rõ ràng sự hiện diện của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Thủ tướng Abe nêu rõ mong muốn năm 2020, năm Nhật Bản đăng cai Đại hội thể thao thế giới Olympic 2020 và Đại hội thể thao người khuyết tật thế giới Paralympic 2020 ở Tokyo, sẽ là năm Hiến pháp mới có hiệu lực.

2. Xây dựng quan hệ mật thiết với đồng minh Mỹ

Trong tháng 2, ngay sau khi ông Donald Trump nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Mỹ tham dự cuộc họp thượng đỉnh Nhật-Mỹ tại Washington. Thủ tướng Shinzo Abe là lãnh đạo quốc tế đầu tiên gặp ông Trump sau khi vị tỷ phú chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đáp lại, tháng 11 năm 2017, Tổng thống Donald Trump sang Nhật hội đàm thủ tướng Abe ngay sau khi ông Abe bắt đầu Nội các thứ 4. Trong cả hai lần gặp gỡ, ông Abe và ông Trump đều cùng nhau đánh golf trước khi họp thượng đỉnh và đây được xem nghệ thuật lấy lòng nhau của hai lãnh đạo. Hai bên đều nhất trí tăng cường hơn nữa liên minh Nhật-Mỹ và quan hệ kinh tế song phương. Đồng thời nhất trí gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân. Những con số thống kê trong năm 2017 cho thấy nếu tính cả các cuộc điện đàm, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump đã hội đàm hơn 20 lần.

Trong chuyến thăm Nhật Bản, tổng thống Trump trực tiếp gặp gỡ những gia đình người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc. Đã 40 năm trôi qua, 1 trong những nạn nhân bị bắt cóc là chị Megumi Yokota. Mẹ chị Megumi muốn tổng thống Trump giúp đỡ để chị sớm hồi hương. Bà nói: Trong nhiều năm qua gia đình có người thân bị bắt cóc hết sức cố gắng dồn hết tâm lực. Chúng tôi có mong ước duy nhất đề nghị Triều Tiên trả lại người thân cho chúng tôi. Tôi yêu cầu các chính trị gia, Bộ ngoại giao Nhật Bản hãy nỗ lực hết sức biến nguyện ước này trở thanh hiện thực.

Ngoài ra, trong năm 2017 Nhật Bản đã triển khai hành động thực thi quyền phòng thủ tập thể. Cụ thể, ngày 1/5/2017, lực lượng phòng vệ cử tàu sân bay trực thăng JDS Izumo (DDH-183) hộ tống tàu cho quân đội Mỹ, và đối tượng tiếp viện của tàu khu trục này là nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) khi đó đang tập trận chung với hải quân Hàn Quốc ở vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Có thể nói năm 2017 thành tựu lớn nhất trong đối ngoại của Thủ tướng Abe là tái khẳng định được mối quan hệ mật thiết với đồng minh Mỹ.

3. Gia tăng nguy cơ đe dọa từ Triều Tiên

Năm 2017, Bình Nhưỡng tiếp tục thúc đẩy chương trình tên lửa và hạt nhân. Ngày 12/2, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung và rơi xuống biển Nhật Bản. Sau đó Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa trong tháng 7 mà Mỹ coi là tên lửa xuyên lục địa và mạnh mẽ lên án vụ phóng này. Cuối tháng 8 và giữa tháng 9, Triều Tiên hai lần bắn tên lửa bay qua vùng trời Nhật Bản. Việc tên lửa Triều Tiên bay qua vùng trời Nhật Bản buộc chính phủ nước này sử dụng hệ thống cảnh báo J-Alert, hệ thống này đặt tại Hokkaido và 11 tỉnh khác. Sau khi báo động, cuộc sống thường nhật bị xáo trộn khi chính quyền địa phương hoãn giờ học, các tuyến đường sắt ngừng hoạt động. Sách Trắng Phòng vệ Nhật Bản năm 2017 cũng miêu tả Triều Tiên có những tiến bộ đáng kể trong phát triển vũ khí hạt nhân tới mức có khả năng chế tạo đầu đạn thu nhỏ. Việc Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa, cũng như những tiến triển trong khả năng điều khiển tên lửa của nước này, là "mối đe dọa ở mức độ mới".

4. Bê bối liên quan đến Thủ tướng Abe

Tuy nhiên tỉ lệ ủng hộ thủ tướng Abe giảm mạnh do tai tiếng của việc bán một mảnh đất công cho người điều hành trường tư thục Moritomo tại Osaka. Theo các cuộc điều tra, giá đất bán cho trường này thấp hơn 800 triệu yên (khoảng 7 triệu USD) so với giá giám định. Vợ ông Abe, bà Akie Abe được cơ cấu là hiệu trưởng danh dự. Chủ tịch Moritomo phát biểu trong cuộc họp điều trần như sau: Tôi không bao giờ nhận trực tiếp từ thủ tướng Abe bất cứ điều gì, nhưng thông qua bà Akie vợ ông Abe tôi có thảo luận nhiều vấn đề. Một vấn đề khác là chính phủ Nhật Bản cho phép học viện giáo dục Kakei lập mới khoa thú ý lần đầu tiên trong 52 năm qua vì giám đốc học viện này là bạn lâu năm của Thủ tướng Abe. Trong kỳ họp quốc hội, các đảng đối lập chỉ trích kịch liệt thủ tướng Abe, họ nghi việc chọn trường này đã được lựa chọn từ trước. Thủ tướng Abe nói về điều này như sau: Tôi không bao giờ ra lệnh hoặc yêu cầu bất cứ ai điều gì. Thủ tướng Abe phủ nhận cho rằng mình không can dự bất cứ điều gì. Nhưng nhiều người tỏ ra nghi ngờ về điều giải thích của ông.

5. Luật chống khủng bố được thông qua

Tháng 6, Nhật Bản ban hành luật tội phạm có tổ chức. Luật này áp dụng với tội chuẩn bị khủng bố và các tội khác dựa vào điều luật đã sửa đổi về tội đồng lõa. Luật nhằm ngăn chặn các âm mưu tấn công khủng bố và các hành động phạm tội có tổ chức khác. Luật mới quy định các hành động gây quỹ hay mua vật liệu trong quá trình lên kế hoạch cho các tội ác nghiêm trọng đều là phạm tội. Theo luật, hình phạt sẽ được áp dụng đối với tất cả thành viên các nhóm có âm mưu tiến hành những tội ác nghiêm trọng, từ cướp máy bay đến buôn bán ma túy.

Đảng Dân chủ Tự do cho rằng các tổ chức khủng bố giờ đã có mặt khắp toàn cầu, điều này có nghĩa là bất cứ nơi nào trên thế giới cũng là mục tiêu tiềm tàng. Cần nhận thức rằng khủng bố là mối đe dọa có thực và ngay trước mắt, và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn khi tổ chức Olympics và Paralympics Tokyo 2020 cùng các sự kiện khác.

Luật được ban hành nhưng các đảng đối lập cho rằng có thể các đối tượng xử phạt là dân thường và như vậy xâm phạm quyền tự do của công dân vốn được hiến pháp bao vệ. Theo một số chuyên gia, hệ thống xử phạt của Nhật Bản hoạt động trên nguyên tắc là tội phạm bị trừng trị sau khi đã gây án. Họ cho rằng luật mới mở rộng phạm vi xử phạt bằng cách quy thành tội đối với một số hành động trong các điều kiện nhất định, ngay cả khi tội ác chưa diễn ra. Một nhóm người dân tổ chức biểu tình trước quốc hội, công khai chỉ trích cách dự luật này được thông qua và những tác động có thể có của nó đối với xã hội. Sự phản đối cũng tăng lên với Bộ trưởng Tư pháp lúc đó là Kaneda Katsutoshi vì người ta thấy rõ ông không hiểu luật này, cứ lặp đi lặp lại những câu trả lời do các công chức chuẩn bị sẵn.

6. Quyết định thời điểm Nhật Hoàng thoái vị

Tháng 8/2016, Nhật Hoàng Akihito bày tỏ lo ngại rằng trong điều kiện sức khỏe ngày một suy giảm, ông khó có thể đảm đương được các trọng trách và công bố mong muốn thoái vị. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Nhật Bản này khiến phần lớn người dân ngỡ ngàng. Mặt khác, chính phủ Nhật Bản cũng phải xem xét có thể làm gì để đáp lại nguyện vọng Nhật Hoàng bày tỏ. Sau nhiều cuộc họp bàn, đầu tháng 6 năm 2017, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật gồm 5 điều và bộ những qui định kèm theo, cho phép Nhật Hoàng Akihito được thoái vị, nhưng luật này chỉ được áp dụng cho Nhật Hoàng hiện nay. Luật này được soạn thảo để cho phép Nhật Hoàng trao lại ngai vàng cho con trai mình, Hoàng Thái Tử Naruhito. Cuối năm 2017, chính phủ Nhật Bản đã quyết định thời điểm Thiên Hoàng Nhật Bản Akihito thoái vị là ngày 30/4/2019 và Hoàng Thái tử Naruhito sẽ kế vị ngay sau đó, vào ngày 1/5/2019.

7. Đảng Dân chủ Tự do thất bại trong bầu cử Hội đồng thủ đô Tokyo

Tháng 7, đảng Dân chủ Tự do chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Hội đồng thủ đô Tokyo. Thay vào đó, đảng Tomin First do thị trưởng Tokyo bà Koike thành lập trở thành đảng số 1 trong hội đồng này. Tomin First có nghĩa là người dân thủ đô là trên hết, đảng này giành chiến thắng bởi bà Koike được nhiều người ủng hộ. Ngoài ra còn sự ủng hộ của Komeito, đảng nhỏ của Dân chủ Tự do, lập ra liên minh cầm quyền Nhật Bản. Đảng Tomin First do bà Koike đứng đầu cho phép 6 ứng cử viên độc lập gia nhập đảng, đem về cho đảng này tổng cộng 55 ghế. Hiện nay, đây là đảng lớn nhất trong Hội đồng Thủ đô. Đảng Tomin First và các đối tác nắm 79 trên 127 ghế. Trước cuộc bầu cử, Đảng Dân chủ Tự do do Thủ tướng Abe Shinzo đứng đầu là đảng lớn nhất với 57 ghế, nhưng hiện nay chỉ còn giữ 23 ghế. Thị trưởng Koike nói về chiến thắng này như sau: Kết quả này còn hơn cả kỳ vọng, tôi cảm thấy sự hiểu biết và ủng hộ của người dân Tokyo đang củng cố cho vị trí của chúng tôi.

8. Cải tổ Nội các

Cùng với thất bại cuộc bầu cử hội đồng Tokyo, những bê bối liên quan đến bản thân Thủ tướng và các thành viên Nội các khiến sự tín nhiệm của người dân đối với chính quyền ông Abe giảm xuống mức thấp chưa từng có kể từ khi ông trở lại cầm quyền. Trước tình hình đó, ngày 3/8/2017, Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành cải tổ Nội các nhằm khôi phục niềm tin của người dân Nhật Bản với chính quyền. Đây là lần thứ ba Thủ tướng Abe tiến hành cải tổ Nội các kể từ khi ông trở lại cầm quyền lần thứ hai vào cuối năm 2012. Hai lần trước là vào tháng 9 năm 2014 và tháng 8 năm 2016.

Nội các mới được thành lập với kỳ vọng sẽ là tập thể chú trọng đến kết quả, công việc là trên hết và có thể tạo ra nhiều động lực. Thành viên Nội các mới gồm Thủ tướng Abe và 19 Bộ trưởng, với tuổi trung bình 61,6 tuổi, 3 người trên 70, 8 người trên 60, 9 người trên 50, không có ai dưới 50 tuổi. Trong 19 Bộ trưởng có 5 người lưu nhiệm, 6 người lần đầu tiên tham gia, 7 người trước đây đã từng là thành viên Nội các. Khung chính quyền vẫn được duy trì, ngoài vị trí Chánh văn phòng Nội các và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính trong Nội các, vị trí Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do của ông Toshihiro Nikai được giữ nguyên, thể hiện sự tiếp nối và phù hợp. So với Nội các 1 năm trước đây khi tuổi trung bình ít hơn là 60,8 và chỉ có 2 người từng vào Nội các, có thể thấy ông Abe coi trọng kinh nghiệm, lựa chọn sự ổn định và tránh sự mạo hiểm.

9. Giải tán hạ viện tiến hành bầu cử sớm

Nhưng chỉ một tháng sau cải tổ Nội các, Thủ tướng Abe tuyên bố giải tán Hạ viện tiến hành bầu cử sớm hơn kế hoạch một năm. Hạ viện giải tán ngày 28/9, chiến dịch tranh cử bắt đầu từ ngày 10/10, bầu cử vào ngày 22/10/2017. Về lý do giải tán Hạ viện, thủ tướng Abe nói rằng ông muốn lấy ý kiến của người dân Nhật bản về ý định muốn sửa đổi thuế tiêu dùng, để đẩy mạnh đầu tư của chính phủ, về vấn đề nuôi con của các hộ gia đình. Ông cũng đề cập đến các vấn đề khác như người già ngày càng tăng và trẻ em giảm, vấn đề Triều Tiên, coi những vấn đề này là quốc nạn và mong muốn sự ủng hộ của người dân để vượt qua khó khăn này.

Đây là lần thứ 4, Hạ viện giải tán đúng thời điểm họp quốc hội, ba lần trước vào các năm 1966, 1986 và 1996. Năm 2014, Nhật Bản cũng giải tán Hạ viện tiến hành bầu cử sớm. Hạ viện khi đó được bầu ra vào cuối tháng 12 năm 2012 và mới đi được nửa chặng đường trong nhiệm kỳ đến năm 2016.

Cuộc bầu cử hạ viện lần thứ 48 diễn ra ngày 22/10, bà Koike thị trưởng Tokyo có phản ứng nhanh chóng thành lập đảng Hi vọng vào ngày 25/9 và hi vọng làm lãnh đạo đảng này. Ông Maehara Seiji lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập lớn nhất muốn sát nhập với đảng Hi vọng, nhưng một nhóm trong đảng ông do Edano Yukio lãnh đạo phản đối quyết định của ông Maehara, ra khỏi đảng Dân chủ lập nên đảng Dân chủ Lập hiến vào ngày 2/10. Cuộc bầu cử diến ra giữa lúc các đảng đối lập chia rẽ khiến liên minh cầm quyền Dân chủ Tự do và Komeito giành chiến thắng vang dội với 313 ghế vượt xa 2/3 trên tổng số 465 ghế của Hạ viện và tiếp tục giữ vững quyền lực. Đảng Hi vọng giảm 7 ghế xuống còn 50 ghế, đứng thứ 2 trong các đảng đối lập (sau đảng Dân chủ Lập hiến). Đảng Dân chủ Lập hiến giành được 55 ghế, gấp ba lần so với trước khi bầu cử, trở thành đảng đối lập lớn nhất ở Nhật Bản hiện nay.

Sau bầu cử, Thủ tướng Abe phát biểu như sau: Liên minh cầm quyền đã giành chiến thắng quá bán, nghĩa là người dân Nhật Bản yêu cầu chúng tôi tiến về phía trước, dựa trên nền tảng chính trị ổn định để đem lại kết quả. Đảng Dân chủ Lập hiến trở thành đảng đối lập lớn nhất với 55 ghế, đảng Hi vọng 50 ghế.

Có ý kiến cho rằng đây là chiến thắng áp đảo, trước bầu cử Thủ tướng Abe nói rằng quyết định thắng bại trong bầu cử là liên minh cầm quyền có giành được quá bán 233 ghế hay không. Kết quả vượt xa con số này cho thấy năng lực đảm nhiệm chính quyền của đảng cầm quyền Nhật Bản đã được ủng hộ.

10. Cửa sổ một trực thăng quân sự Mỹ rơi xuống trường học ở Okinawa

Vụ việc xảy ra ngày 13/12 khi máy bay trực thăng CH-53 bay qua trường tiểu học Futenma Daini ở thành phố Ginowan, Okinawa. Ngôi trường nằm cạnh căn cứ không quân Futenma của Thủy quân Lục chiến Mỹ, nơi chiếc máy bay này đồn trú. Theo giới chức ủy ban giáo dục thành phố, tại thời điểm vụ việc xảy ra, có khoảng 50 học sinh đang trên sân tập thể thao. Cảnh sát cho biết cửa sổ bị rơi rộng khoảng 90cm, cao 85cm và nặng khoảng 7,7kg. Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Nhật Bản đã ra thông báo thừa nhận và coi vụ việc này là nghiêm trọng. Lực lượng này cũng gửi lời xin lỗi tới người dân địa phương, đồng thời kêu gọi mọi người tránh xa hiện trường để đảm bảo an toàn cho bản thân. Một tuần trước đó, người ta phát hiện một vật thể tại nhà trẻ gần căn cứ này. Khoảng 70% căn cứ Mỹ tại Nhật Bản tập trung tại Okinawa. Để trả lại căn cứ Futenma cho dân, chính phủ Nhật Bản đang dự định xây dựng cơ sở ở bờ biển Henoko cũng năm trong tỉnh Okinawa để chuyển căn cứ Futenma về đây. Nhưng tỉnh trưởng Okinawa và người dân địa phương ngày càng bất mãn, đòi đưa cơ sở này ra khỏi Okinawa.

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tổng hợp từ NHK

 

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn