GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

VẤN ĐỀ THOÁI VỊ CỦA NHẬT HOÀNG AKIHITO

Đăng ngày: 16-06-2017, 17:32

Vai trò của Nhật Hoàng

Nhật Hoàng là biểu tượng quốc gia, sự đoàn kết dân tộc Nhật Bản và không có quyền lực chính trị. Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 dành chương 1 gồm 8 điều viết về vai trò của Nhật Hoàng. Cụ thể như sau.

Điều 1. Nhật Hoàng là biểu tượng của quốc gia và cộng đồng dân tộc, vị trí của Nhật Hoàng xuất phát từ ý chí nguyện vọng của người dân một nước có chủ quyền.

Điều 2. Ngai vàng được kế vị và sự kế vị đó phải phù hợp với Luật Hoàng gia do Quốc hội thông qua.

Điều 3. Mọi hoạt động của Nhật Hoàng liên quan đến quốc gia phải tham khảo ý kiến và được Nội các thông qua. Việc này thuộc trách nhiệm của Nội các.

Điều 4. Nhật Hoàng chỉ có trách nhiệm đại diện quốc gia như đã ghi trọng Hiến pháp, Nhật Hoàng không có quyền lực trong chính phủ. Nhật Hoàng có thể ủy quyền đại diện quốc gia cho người khác nhưng phải phù hợp với các điều khoản trong Hiến pháp.

Điều 5. Khi chế độ nhiếp chính được thành lập, quan nhiếp chính sẽ nhân danh Nhật Hoàng để thực hiện quyền đại diện quốc gia. Trong trường hợp này, khoản 1 của điều khoản trên sẽ có hiệu lực.

Điều 6. Nhật Hoàng bổ nhiệm Thủ tướng theo chỉ định của Quốc hội đồng thời có thể bổ nhiệm Thẩm phán đứng đầu Tòa án tối cao theo chỉ định của Nội các.

Điều 7. Dưới sự đồng ý của Nội các, Nhật Hoàng có thể thay mặt nhân dân thực hiện các quyền sau:

- Ban hành các bản sửa đổi Hiến pháp, đạo luật, sắc lệnh của Nội các và Hiệp ước

- Triệu tập Quốc hội

- Giải tán Hạ nghị viện

- Tuyên bố kết quả Tổng tuyển cử Quốc hội

- Bổ nhiệm hay bãi miễn các Bộ trưởng, các viên chức theo pháp luật hiện hành, có toàn quyền trong các ủy nhiệm như với đại sứ, bộ trưởng

- Thực hiện ân xá, giảm án, hoãn thi hành án, khôi phục quyền công dân

- Trao huân chương

- Xác định việc Quốc hội chuẩn y các hiệp định quốc tế, các văn bản ngoại giao theo pháp luật hiện hành

- Tiếp đón các Bộ trưởng và Đại sứ quốc tế

- Đại diện quốc gia trong các buổi lễ long trọng

Điều 8. Không có sự cho phép của Quốc hội, không ai được tặng tài sản cho Hoàng gia, Hoàng gia cũng không được nhận hay cho tặng phẩm nếu không có sự chấp thuận kể trên[1].

Nhật Hoàng Akihito hiện nay được phép thoái vị

Nhật Hoàng Akihito hiện nay sinh ngày 23 tháng 12 năm 1933, là con trai của Nhà vua Hirohito và Hoàng hậu Nagako, lên ngôi vào ngày 7 tháng giêng năm 1989, lấy hiệu là Heisei. Ông trở thành vị vua thứ 125 của Nhật Bản và là hoàng đế tại vị lâu thứ 21 trên thế giới. Nhưng vào tháng 8/2016, Nhật Hoàng Akihito bày tỏ lo ngại rằng trong điều kiện sức khỏe ngày một suy giảm, ông khó có thể đảm đương được các trọng trách và công bố mong muốn thoái vị. Nhật Hoàng tránh đề cập những gì liên quan đến chế độ Hoàng gia hiện hành mà bày tỏ suy nghĩ với tư cách cá nhân. Ông cho rằng xã hội Nhật Bản và bản thân ông đang già đi nhanh chóng nhưng vị trí Nhật Hoàng là biểu tượng của đất nước, giữ vai trò giá trị quan trọng nên không thể giảm bớt các nhiệm vụ cần phải làm. Nếu như ông lâm bệnh xã hội sẽ bị đình trệ và cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng ở nhiều mặt. Ông cũng bày tỏ mong muốn rằng Hoàng gia có thể tiếp tục sát cánh với nhân dân Nhật Bản trong mọi hoàn cảnh và có thể cùng với người dân xây dựng tương lai cho đất nước, các nhiệm vụ của Nhật Hoàng với tư cách biểu tượng của một quốc gia sẽ được tiếp nối không bị gián đoạn[2]. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Nhật Bản này khiến phần lớn người dân ngỡ ngàng. Mặt khác, chính phủ Nhật Bản cũng phải xem xét có thể làm gì để đáp lại nguyện vọng Nhật Hoàng bày tỏ.

Từ trước đến nay, chính phủ Nhật Bản vẫn dựa trên quan điểm là ngôi vị được kế tục ổn định, truyền từ đời này sang đời khác, không thừa nhận việc thoái vị khi còn sống. Tuy nhiên, lần này Nhật Hoảng bày tỏ mong muốn, phải thay đổi nhận thức từ trước đến nay, chấp nhận bằng cách thức như thế nào, giải quyết như thế nào cho hợp lý là vấn đề không đơn giản. Nhưng nếu vì mong muốn của Nhật Hoàng mà chính phủ ngay lập tức thay đổi chế độ nhà vua thì có thể ảnh hưởng đến nội chính cũng như khả năng vi Hiến. Đây là vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Bởi trong điều 4 của chương 1 Hiến pháp ghi rõ Nhật Hoàng chỉ có trách nhiệm đại diện quốc gia, không có quyền lực trong chính phủ, nếu Nhật Hoàng can dự đến chính trị sẽ dẫn tới vi Hiến. Nghĩa là nếu Nhật Hoàng nói thoái vị mà chính phủ ngay lập tức chấp nhận thay đổi qui định Hiến pháp là không được. Nhật Hoàng bày tỏ ý nguyện thoái vị, nhưng để không gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến chính trị quốc gia, chính phủ cần lắng nghe dư luận người dân và thận trọng đưa ra phương án.

Những điểm thảo luận cho tới nay gồm những ý kiến tích cực như là giảm nhẹ các hoạt động nhà nước, vận dụng chế độ nhiếp chính, để Nhật Hoàng thoái vị, nhưng đồng thời cũng có những ý kiến phản đối. Những ý kiến tích cực cho rằng phải tính đến sức khỏe của Nhật Hoàng, người dân cần thấu hiểu sự vất vả của Nhật Hoàng. Ngoài ra, giả sử trong trường hợp chấp nhận thoái vị, liệu có áp dụng với tất cả các Nhật Hoàng trong tương lai hay chỉ đối với Nhật Hoàng hiện nay[3].

Sau nhiều cuộc họp bàn, đầu tháng 6 năm 2017, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua  luật gồm 5 điều và bộ những qui định kèm theo, cho phép Nhật Hoàng Akihito được thoái vị, nhưng luật này chỉ được áp dụng cho Nhật Hoàng hiện nay. Luật này được soạn thảo để cho phép Nhật Hoàng trao lại ngai vàng cho con trai mình, Hoàng Thái Tử Naruhito. Chính phủ Nhật Bản sẽ thận trọng quyết định thời gian Thiên Hoàng thoái vị. Luật này quy định rằng việc thoái vị sẽ diễn ra trong vòng 3 năm[4]. Như vậy, lần đầu tiên trong 2 thế kỷ qua, Nhà vua Nhật Bản sẽ được phép thoái vị.

Phan Cao nhật Anh, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]Hiến pháp Nhật Bản năm 1946

[2]象徴としてのお務めについての天皇陛下お言葉

https://www3.nhk.or.jp/news/special/japans-emperor/

[3]「天皇退位 論点整理を公表」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/100/261532.html

[4]特例法で皇室はどう変わる?

https://www3.nhk.or.jp/news/special/japans-emperor4/

 

 

 

 

 

 

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn