GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

DƯ LUẬN NHẬT BẢN XUNG QUANH ĐÀM PHÁN CẤP CAO LIÊN TRIỀU

Đăng ngày: 14-01-2018, 05:41

Ngày 9/1, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán cấp cao tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Đại diện hai bên là ông Ri Son-gwon, chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình Triều Tiên và Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-Gyon. Sau cuộc họp kéo dài 11 tiếng, Seoul và Bình Nhưỡng đã thông qua thông cáo báo chí gồm ba nội dung chính. Đoàn đại biểu Triều Tiên sẽ thăm Hàn Quốc nhân dịp Olympic Pyeongchang và Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện tối đa để chuyến thăm diễn ra tốt đẹp. Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên nhất trí cùng nỗ lực giảm căng thẳng quân sự cũng như tạo nền tảng cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Hai miền cũng thống nhất sẽ tháo gỡ bên trong nội bộ chứ không có sự can thiệp của bên ngoài. Thông cáo báo chí không bao gồm đề xuất của phía Seoul là việc nối lại cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán trong chiến Triều Tiên vào dịp Tết âm lịch sắp tới, cũng như không đề cập đến chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Một trong những kết quả đạt được từ đối thoại liên Triều mà sẽ thành hiện thực tới đây là việc Triều Tiên đồng ý tham dự Olympic Pyeongchang 2018, Hàn Quốc. Động thái của Triều Tiên hoàn toàn khác với Olympic Seoul năm 1988 cách đây 30 năm, khi đó dư luận quốc tế vẫn cho rằng Triều Tiên cho đặc vụ gây ra vụ nổ hàng không Hàn Quốc nhằm tẩy chay sự kiện Olympic này. Triều Tiên cho biết sẽ cử một phái đoàn quan chức cấp cao, các vận động viên và đội hoạt náo viên tham dự Olympic. Phía Hàn Quốc cho rằng nếu cần "các bước ưu tiên" để giúp Triều Tiên tham dự Olympic, sẽ cân nhắc cùng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các nước liên quan để tạo điều kiện cho doàn đại biểu Bình Nhưỡng tham dự.

Olympic Pyeongchang 2018 là một sự kiện quan trọng mang tầm cỡ quốc tế, đồng thời nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Moon Jae-in, và có thể thấy Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có động thái phối hợp với người đồng cấp phía Hàn Quốc. Nếu Hàn Quốc tổ chức thành công sự kiện này với sự tham gia của Triều Tiên sẽ nâng cao tự hào dân tộc, chắc chắn xây dựng không khí hòa giải giữa hai nước. Điều này cũng rất có ý nghĩa với Bình Nhưỡng bởi năm 2018 là kỷ niệm 70 năm thành lập Triều Tiên.

Ngoài ra, sau cuộc gặp cấp cao liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã điện đàm và nhất trí về việc các cuộc họp cấp cao liên Triều có thể dẫn đến đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Như vậy, cuộc đàm phán đã thành công tốt đẹp, làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Đồng thời, đây cũng là dấu hiệu để có thêm những cuộc đối thoại khác có qui mô lớn hơn.

Đánh giá về cuộc đàm phán cấp cao liên Triều, chuyên gia Ideishi Tadashi của đài NHK Nhật Bản cho rằng động thái hòa giải hai miền Nam-Bắc có thể nhận thấy, song gây tác động chia rẽ quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn, kiềm chế Nhật Bản và Mỹ đang gia tăng áp lực với Triều Tiên. Thậm chí, Tổng thống Moon Jae-in đã bày tỏ mong muốn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh hai miền Nam-Bắc. Tuy nhiên, cần nhớ rằng Chủ tịch Kim Jong-un không một lần thể hiện việc từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân. Đối với Triều Tiên, 2018 là kỷ niệm 70 năm thành lập nước, hướng tới ngày quốc khánh diễn ra vào tháng 9, nước này sẽ sản xuất nhiều tên lửa đạn đạo, đầu đạn hạt nhân chuẩn bị thực chiến. Triều Tiên không từ bỏ tên lửa hạt nhân là thực tế hoàn toàn không thay đổi[1].

Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe thể hiện rõ quan điểm đánh giá cao đàm phán liên Triều nhưng vẫn quyết tâm gây áp lực buộc Triều Tiên phải thay đổi chính sách. Thủ tướng Abe một mặt hoan nghênh việc Bình Nhưỡng nối lại đàm phán nhưng mặt khác ông cho rằng nếu chỉ đàm phán để mà đàm phán thì sẽ không có ý nghĩa gì cả. Đàm phán chỉ có ý nghĩa nếu Bắc Triều Tiên thực hiện từng bước cụ thể tiến tới việc xóa bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa một cách rõ ràng và không thể đảo ngược.

Mặt khác, trước khi đàm phán liên Triều diễn ra, Vụ trưởng Vụ Châu Á và Châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kanasugi Kenji đã hội đàm với một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ở Seoul. Ông nói với quan chức ngoại giao của Hàn Quốc rằng đối thoại liên Triều là kết quả của việc tăng cường sức ép đối với Bình Nhưỡng. Hai bên đồng ý sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ về vấn đề này. Trong nội bộ chính phủ Nhật Bản cũng có ý kiến cảnh báo rằng việc Triều Tiên cải thiện quan hệ Nam-Bắc phải chăng nhằm chia rẽ ba nước Nhật-Mỹ-Hàn[2].

Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga để tăng cường tối đa sức ép với Bình Nhưỡng nhằm buộc nước này phải thay đổi chính sách của mình.

Ngoại trưởng Nhật Bản Kono Taro sẽ tham dự Hội nghị Ngoại trưởng các nước liên quan đến Triều Tiên diễn ra vào 16/1 tại Vancouver, Canada. Tại hội nghị các nước sẽ phối hợp nhấn mạnh gửi thông điệp phi hạt nhân hóa đến Triều Tiên.

Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và 14 nước khác cam kết giám sát triệt để các tàu bị nghi ngờ liên quan tới việc buôn lậu sản phẩm lọc dầu sang Triều Tiên. Hiện nay, các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cắt giảm mạnh xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu sang Triều Tiên. Nhật-Mỹ phối hợp phát hiện các tàu thuyền Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt và nhận sản phẩm lọc dầu từ tàu thuyền nước ngoài. Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản có nhiệm vụ chụp ảnh, tổng hợp thông tin và sẽ thông báo với quân đội Mỹ khi quan sát thấy những hoạt động đáng ngờ. Những hoạt động của lực lượng phòng vệ ngăn chặn Triều Tiên mua dầu từ các tàu nước ngoài sẽ tiếp tục được mở rộng hơn nữa[3].

Trang báo mạng Yomiuri bình luận cần lưu ý rằng Triều Tiên tránh đề nghị bàn về phi hạt nhân hóa từ phía Hàn Quốc bằng cách nói tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng là nhằm vào Washington. Triều Tiên đang theo đuổi mục tiêu đảm bảo duy trì thể chế, đối thoại với Mỹ với tư cách là nước sở hữu hạt nhân. Dù kiềm chế bắn tên lửa và thử hạt nhân cho đến khi kết thúc Olympic, việc Triều Tiên đang tiếp tục triển khai chương trình tên lửa và hạt nhân là không hề thay đổi. Trong chính sách Triều Tiên việc Hàn Quốc giữ vững liên kết chặt chẽ với Mỹ và Nhật Bản là không thể thiếu[4].

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]「展望 2018年朝鮮半島」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/100/288103.html

[2]政府 南北会談評価も北朝鮮政策変更へ圧力を

https://www3.nhk.or.jp/news/html/20180109/k10011282171000.html?utm_int=word_contents_list-items_044&word_result=%E5%8C%97%E6%9C%9D%E9%AE%AE%E6%83%85%E5%8B%A2

[3]緊迫 北朝鮮情勢

https://www3.nhk.or.jp/news/special/northkorea_provocation/?utm_int=detail_contents_news-link_001

[4]南北閣僚級会談 核問題を置き去りにするな

http://www.yomiuri.co.jp/editorial/20180110-OYT1T50156.html

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn