GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN VỚI OLYMPIC PYEONGCHANG CÓ SỰ THAM DỰ CỦA TRIỀU TIÊN

Đăng ngày: 3-03-2018, 07:02

Nhật Bản đạt thành tích cao nhất trong lịch sử

Đoàn vận động viên Nhật Bản với 132 thành viên tham dự Olympic PyeongChang tại Hàn Quốc giành được tổng số 13 huy chương, thành tích cao nhất của Nhật Bản trong các Thế vận hội mùa Đông từ trước đến nay. Thành tích 13 huy chương gồm có 4 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 4 huy chương đồng, nhiều hơn 3 huy chương so với kỷ lục trước đó tại Thế vận hội mùa Đông Nagano 1998. Bốn huy chương vàng của Nhật Bản thuộc về vận động viên trượt băng tốc độ Kodaira Nao, vận động viên trượt băng nghệ thuật Hanyu Yuzuru, vận động viên trượt băng tốc độ Takagi Nana nội dung mass start của nữ và huy chương vàng đồng đội nội dung trượt băng tốc độ rượt đuổi. Trong đó, Hanyu Yuzuru là vận động viên trượt băng nghệ thuật nam đầu tiên trong 66 năm giành huy chương vàng trong hai kỳ Olympic liên tiếp.

Cơ hội tiếp xúc với giới chức Triều Tiên

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã tới Hàn Quốc để tham dự lễ khai mạc Olympic và tại đây ông đã có cuộc tiếp xúc ngắn với ông Kim Yong Nam, người đứng đầu nhà nước về mặt nghi thức của Triều Tiên. Ông Abe và ông Kim dự lễ đón tại một khách sạn gần Sân vận động Olympic PyeongChang ngay trước lễ khai mạc, sau đó hai bên đã bắt tay và trò chuyện trong khoảng thời gian ngắn thông qua phiên dịch. Ông Abe đã nêu lập trường nhất quán của Nhật Bản về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc cũng như chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này.

Tranh cãi về lá cờ thống nhất Triều Tiên

Đội tuyển liên Triều nữ Hockey trên băng đã sử dụng lá cờ thống nhất Triều Tiên có hình ảnh quần đảo Takeshima trên Biển Nhật Bản. Hàn Quốc đang kiểm soát quần đảo này và gọi là Dokdo. Chính phủ Nhật Bản khẳng định quần đảo là một phần lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản, và Hàn Quốc đang chiếm giữ quần đảo trái phép. Chánh văn phòng Nội các Suga Yoshihide cho rằng lá cờ này không thể chấp nhận được, việc này là vô cùng đáng tiếc và mạnh mẽ yêu cầu phía Hàn Quốc cần có ứng xử thích hợp[1].

Năm 2005, nội các Nhật Bản chọn ngày 22/2 là Ngày Takeshima. Nhật Bản sáp nhập quần đảo Takeshima vào tỉnh Shimane vào ngày này năm 1905. Hàng năm Nhật Bản vẫn tổ chức buổi lễ kỷ niệm Ngày Takeshima tại tỉnh Shimane nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền. Năm 2018, buổi lễ đã diễn ra với khoảng 450 người tham dự, trong đó có quan chức chính quyền và hội đồng tỉnh cũng như quan chức thị trấn mà quần đảo trực thuộc.

Olympic mang màu sắc chính trị

Trước khi Olympic diễn ra, tình hình trên bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng với việc Chủ tịch Kim Jong-un tiến hành bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đáp trả bằng “lửa và thịnh nộ”. Tuy nhiên, việc Triều Tiên tham gia Olympic tạm thời làm giảm nguy cơ đối đầu chính trị và quân sự.

Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đã lợi dụng sự kiện Olympic để thực hiện mục đích chính trị. Olympic là sự kiện tầm cỡ quốc tế và là một trong những nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in từng cam kết trong chiến dịch tranh cử. Hàn Quốc tổ chức thành công Olympic với sự tham gia của Triều Tiên chắc chắn sẽ nâng cao vị thế và niềm tự hào dân tộc cho cả Seoul và Bình Nhưỡng.

Đối với Triều Tiên, việc xây dựng đội tuyển thi đấu chung với Hàn Quốc nhằm thể hiện họ là quốc gia đáng tin cậy trong khu vực và thế giới. Đội tuyển nữ Hockey trên băng liên Triều không thắng được một trận nào và kết thúc với vị trí cuối bảng. Thực tế, việc thành lập đội tuyển chung làm mất cơ hội tham dự Olympic của các vận động viên Hàn Quốc đã nỗ lực cho Olympic lần này. Do đó, không phải không có lý khi có ý kiến bất mãn cho rằng đã có sự can thiệp chính trị vào thể thao.

Đáng chú ý là Chủ tịch Kim Jong-un đã cử em gái của ông là bà Kim Yo-jong tham dự lễ khai mạc có sự hiện diện của phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Bà Kim Yo Jong trao cho Tổng thống Moon lá thư của Chủ tịch Kim Jong-un, và đề nghị ông đến thăm Triều Tiên trong thời gian sớm nhất. Bình luận viên đài NHK Ideishi Tadashi coi đây là ngoại giao thân thiện của Triều Tiên nhằm làm Hàn Quốc mất cảnh giác và ông liên tưởng đến chiến lược con ngựa gỗ của trận chiến thành Tơ-roa trong thần thoại Hy Lạp. Triều Tiên một mặt tiếp cận Hàn Quốc, một mặt chỉ trích Nhật-Mỹ gây cản trở hòa giải hai miền Nam-Bắc. Đồng thời, việc thể hiện sự thân thiện nhằm chia rẽ Hàn Quốc với Nhật-Mỹ đang tiếp tục gây sức ép bắt Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân[2].

Ngoài ra, tại lễ bế mạc, Triều Tiên đã cử đoàn cấp cao tham dự do ông Kim Yong Chol, Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên dẫn đầu. Ông là trưởng ban Mặt trận Thống nhất của đảng Lao động Triều Tiên, cơ quan phụ trách vấn đề quan hệ liên Triều. Phó chủ tịch Kim Yong Chol bị nghi ngờ đã tham gia lên kế hoạch gây ra vụ chìm tàu hải quân Hàn Quốc năm 2010, khiến 46 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Ông có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Hàn Quốc, nhưng được phép tham dự lễ bế mạc Olympic lần này. Tờ Yomiuri Nhật Bản nhận định đây là sự lựa chọn đầy toan tính của Triều Tiên[3].

Không ngừng gây sức ép với Triều Tiên

Ngay trước khi đến Hàn Quốc dự khai mạc Olympic, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã gặp gỡ tại Tokyo và tái khẳng định cần tăng cường sức ép tối đa với Triều Tiên, dù rằng hai bên đều hoan nghênh cuộc đối thoại liên Triều trong bối cảnh Thế vận hội mùa Đông PyeongChang sắp diễn ra.

Trước lễ khai mạc Olympic, Thủ tướng Shinzo Abe đã có cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in. Hai bên tái khẳng định về việc Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiên.

Trong thời gian ở Hàn Quốc, phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng hội đàm với Tổng thống Moon Jae-in nhằm tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với Hàn Quốc trong nỗ lực gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên cho tới khi nước này chấp nhận vĩnh viễn từ bỏ và không lặp lại tham vọng hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Thời điểm diễn ra Olympic, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono Taro đã công du Singapore, gặp gỡ người đồng cấp phía Singapore và cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế không nên để bị che mắt bởi chính sách gây cảm tình của Triều Tiên tại Thế vận hội mùa Đông đang diễn ra. Ông thúc giục các nước Đông Nam Á hợp tác để không tạo ra bất cứ lỗ hổng nào cho Triều Tiên khi mà các phương thức Bình Nhưỡng sử dụng để trốn tránh lệnh trừng phạt ngày càng trở nên tinh vi. Sau chuyến công du, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono Taro đã hội đàm với người đồng cấp Mông Cổ Damdin Tsogtbaatar tại Tokyo. Ông đề nghị phía Mông Cổ hợp tác tăng cường sức ép đối với Bình Nhưỡng sau Olympic và Paralympic PyeongChang, đồng thời hỗ trợ giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc.

Đồng thời, Tổng thống Donald Trump đã công bố những biện pháp trừng mới mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên. Biện pháp này nhằm vào 56 thuyền và công ty vận chuyển đăng ký tại Triều Tiên, Trung Quốc và Đài Loan, được xem là có hoạt động vận chuyển hàng hóa lậu cho Triều Tiên. Các công ty, thuyền bè chịu lênh trừng phạt sẽ bị cấm buôn bán với Mỹ và phong tỏa tài sản trên lãnh thổ Mỹ. Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Onodera bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông cho rằng lệnh trừng phạt là ứng phó của Mỹ từ những thông tin về nhập lậu hàng hóa của Triều Tiên mà lực lượng phòng về trên biển Nhật Bản thu thập được và sự hợp tác Nhật-Mỹ đang được thực hiện tốt[4].

Hiện tại, Triều Tiên có vẻ tỏ thái độ tương đối hòa giải khi Olympic vừa diễn ra. Tuy nhiên, về cơ bản, lập trường của Triều Tiên vẫn không thay đổi. Từ góc nhìn của Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc có phần dao động trong xử lý vấn đề Triều Tiên. Mục tiêu của Nhật Bản và Mỹ là xác định độ vững chắc của mối quan hệ đồng minh ba bên và thể hiện điều đó với Triều Tiên. Hai bên muốn hối thúc Seoul không hành động một mình và chệch khỏi liên minh.

Sau khi Olympic kết thúc, thế giới đang theo dõi động thái của mỗi bên liên quan đến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Người ta lo ngại những sự kiện căng thẳng như trong năm 2017 có thể sẽ lặp lại. Trước hết là cuộc tập trận Mỹ-Hàn đã hoãn trong thời gian diễn ra Olympic và dự kiến sẽ được tiến hành trong tháng 3 này. Tiếp đó là hành động của Triều Tiên nhân dịp kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15 tháng 4.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]南北合同チーム、統一旗に竹島 日本が抗議、強化試合で

https://www.asahi.com/articles/ASL253RKQL25UTFK00C.html
[2]"ほほえみ外交" 緊張緩和につながるのか?

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/100/291103.html

[3]平昌五輪閉幕 開催国の振る舞いが問われた

http://www.yomiuri.co.jp/editorial/20180225-OYT1T50098.html

[4]米政府 対北朝鮮で「過去最大」の制裁措置を発表

https://www3.nhk.or.jp/news/html/20180224/k10011341191000.html?utm_int=detail_contents_news-related_001

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn