GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

SỰ THAY ĐỔI TRONG CHÍNH SÁCH ASEAN CỦA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 31-05-2018, 07:12

Trong nhiều thập niên đã qua, Nhật Bản thể hiện sự quan tâm tới khu vực ASEAN thông qua đường lối chính sách đối ngoại. Từ bài phát biểu ở Manila năm 1977, thủ tướng đất nước mặt trời mọc khi đó là Fukuda Takeo đã tạo nên nền tảng học thuyết Fukuda nhấn mạnh Nhật Bản sẽ đẩy mạnh quan hệ với ASEAN dựa trên sự thấu hiểu "từ trái tim đến trái tim". Bước sang thế kỷ 21, có thể thấy sự dịch chuyển trong nội dung chính sách ASEAN qua học thuyết của các thủ tướng Nhật Bản, định hướng quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các nước ASEAN.

Năm 2002, thủ tướng Koizumi trong chuyến thăm các nước ASEAN đã công bố học thuyết Koizumi về xây dựng một cộng đồng mở gồm Nhật Bản, các nước ASEAN và một số đối tác khác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và cả Mỹ. Thực chất của việc mở rộng này là nhằm lôi kéo các nước hạn chế vai trò chi phối của Trung Quốc trong hợp tác Đông Á. Nhật Bản muốn ASEAN và Nhật Bản là những đối tác chân thành và cởi mở, củng cố phát triển quan hệ hợp tác theo hướng cùng hành động, cùng tiến lên. Học thuyết Koizumi được cụ thể hóa qua 4 nội dung chính:

1) Nhật Bản ủng hộ ASEAN cải cách trên các lĩnh vực chính trị, luật pháp, cơ cấu kinh tế và tài chính; tăng cường hợp tác khai thác khu vực sông Mêkông, công nghệ thông tin và các ngành nghề liên quan.

2) Nhật Bản tích cực hợp tác với các nước ASEAN trong mục tiêu xóa bỏ đói nghèo, phòng ngừa phát sinh xung đột, thúc đẩy xây dựng cơ chế an ninh khu vực, tăng cường tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc chạy đua vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

3) Nhật Bản đưa ra 5 ý tưởng cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản-ASEAN trong tương lai, bao gồm: hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; lấy năm 2003 là năm giao lưu Nhật Bản-ASEAN; tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện; triệu tập Hội nghị Phát triển quốc tế Đông Á (IDEA) và tăng cường hợp tác an ninh.

4) Chính phủ của Thủ tướng Koizumi đặc biệt thể hiện sự quan tâm đến tiến trình liên kết khu vực Đông Á thông qua việc đề ra ý tưởng xây dựng “Một cộng đồng Đông Á cùng nhau hành động và cùng nhau phát triển”. Theo ông: “Quá khứ của chúng ta có thể khác nhau nhưng tương lai của chúng ta có thể thống nhất và hỗ trợ cho nhau”, vì vậy “cần phải mở rộng Hợp tác Đông Á dựa trên quan hệ Nhật Bản-ASEAN” trong đó “bước đầu tiên là phải tranh thủ tối đa khuôn khổ ASEAN+3”[1].

Học thuyết Koizumi là sự phát triển ý tưởng học thuyết Fukuda nhằm thích ứng với tình hình mới và tạo hình ảnh Nhật Bản là đối tác quan trọng của Đông Nam Á, cạnh tranh với việc Trung Quốc ký với ASEAN thỏa thuận thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc.

Tháng 5 năm 2008, Thủ tướng Yasuo Fukuda, con trai của Thủ tướng Takeo Fukuda kế thừa quan điểm học thuyết Fukuda (1977) đã công bố “Học thuyết Fukuda II” tại Hội nghị “Tương lai châu Á” tại Singapore, trong đó chỉ ra những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Đông Nam Á:

1) Nhật Bản tiếp tục duy trì Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.

2) Nhật Bản mong muốn hợp tác với các nước ASEAN trên lĩnh vực kinh tế, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng cường nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, hợp tác đối phó thảm họa.

3) Với mục tiêu thành lập Cộng đồng Đông Á, đẩy mạnh hợp tác với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của ASEAN thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

4) Đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thúc đẩy hòa bình, hình thành và củng cố cơ sở hạ tầng cho việc hợp tác tri thức và giáo dục, đấu tranh với những vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tăng cường giao lưu con người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương[2].

Sau khi trở lại cầm quyền lần thứ hai vào cuối năm 2012, Thủ tướng Abe rất coi trọng khu vực Đông Nam Á khi ông thăm tất cả 10 nước ASEAN ngay trong năm 2013. Thủ tướng Shinzo Abe đã đề xuất 5 nguyên tắc cơ bản của quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN:

1) Cùng các nước ASEAN xây dựng và mở rộng các giá trị phổ quát, như quyền cơ bản của con người, chủ nghĩa dân chủ, tự do.

2) Cùng các nước ASEAN bảo vệ vùng biển mở và tự do, đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật chứ không phải bằng vũ lực, đồng thời hoan nghênh sự chú trọng châu Á của Mỹ

3) Tích cực thúc đẩy đầu tư thương mại như dịch vụ, nguồn nhân lực, qua mạng lưới liên kết kinh tế đa dạng, thúc đẩy phục hồi kinh tế Nhật Bản, xây dựng sự thịnh vượng chung với ASEAN.

4) Cùng ASEAN nuôi dưỡng và gìn giữ truyền thống văn hóa đa dạng của châu Á.

5) Thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, giao lưu văn hóa của thế hệ tương lai[3].

Trước đây, vai trò của Nhật Bản đối với các nước ASEAN chủ yếu mới chỉ dừng lại ở cung cấp viện trợ để hỗ trợ các nước trong khu vực phát triển kinh tế - xã hội. Sang thế kỷ 21, trong hơn một thập kỷ qua, quan hệ đối tác Nhật-ASEAN ngày càng nhấn mạnh đến các khía cạnh chính trị và an ninh bên cạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-xã hội. Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn trong học thuyết Abe đối với Đông Nam Á kể từ khi ông trở lại cầm quyền lần thứ hai đến nay. Điều này đánh dấu sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật kể từ thời sau Chiến tranh thế giới thứ hai vốn chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế và tránh xa quan hệ an ninh chặt chẽ với các nước Đông Nam Á.

Trong bối cảnh môi trường chiến lược khu vực châu Á Thái Bình Dương có sự thay đổi đáng kể, vì lợi ích của hòa bình trong khu vực và thế giới, đảm bảo sự an toàn, ổn định, Nhật Bản và ASEAN tăng cường hợp tác thông qua các khuôn khổ đa phương của khu vực.

Nhật Bản tôn trọng tính thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời hợp tác chặt chẽ với ASEAN nhằm duy trì sự phồn vinh và ổn định của khu vực. ASEAN là đối tác quan trọng của Nhật Bản trong suốt 45 năm qua kể từ khi hai bên thiết lập mối quan hệ hợp tác. Nhật Bản đặc biệt chú trọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), thành lập vào năm 2005, và được coi là một nơi thực hiện các cuộc đối thoại về vấn đề chính trị và an ninh chiến lược quan trọng đối với khu vực. Bên cạnh đó, thông qua hợp tác thiết thực trong khuôn khổ ADMM+ hoặc ARF, các bên thúc đẩy xây dựng lòng tin lẫn nhau.

Nhật Bản và ASEAN nhận thức tầm quan trọng của "vùng biển mở và ổn định", khẳng định cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp và trên biển. Từ năm 2012, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) theo đề xuất của Nhật Bản được tổ chức, thảo luận về hợp tác hàng hải giữa các nước tham gia EAS. Bên cạnh đó, hợp tác về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và chủ nghĩa khủng bố, cũng như thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo[4].

Lý do lớn nhất cho việc nhấn mạnh ngày càng tăng của Nhật Bản và ASEAN về hợp tác chính trị-an ninh là sự thay đổi trong cân bằng quyền lực khu vực do Trung Quốc trỗi dậy cùng với những lo ngại về sự bất ổn có thể xảy ra đối với môi trường khu vực. Đặc biệt kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm giữ quyền lãnh đạo, Trung Quốc đã thể hiện rõ ý định mở rộng ảnh hưởng của mình tới các nước khác trong khu vực bằng cách theo đuổi các quan hệ quốc tế có lợi cho cả hai bên thông qua việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á và thúc đẩy Sáng kiến Vành đai Con đường. Trung Quốc hiện đang xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã bị chỉ trích vì cuộc chiến tàn nhẫn của chính quyền đối với ma túy, và với Thái Lan, nơi mà quân đội nắm giữ kể từ cuộc đảo chính năm 2014. Những sự phát triển này là một nguyên nhân khiến Nhật Bản chú trọng hơn nữa đến hòa bình và ổn định khu vực.

Nhật Bản nỗ lực hợp tác với ASEAN trong việc đối phó với hành động cứng rắn của Trung Quốc trong lĩnh vực chính trị an ninh, nhưng thật khó để biết hiệu quả cách tiếp cận này trong thực tế như thế nào. Động thái của các nước thành viên ASEAN rất khác nhau về chính sách đối ngoại và an ninh; lợi ích kinh tế của mối quan hệ với Trung Quốc là một yếu tố quan trọng đối với nhiều nước trong ASEAN. Trong tương lai, hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN tiếp tục giữ vai trò vì hòa bình và thịnh vượng ở Đông Nam Á và là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc khu vực của Đông Á nói chung. Nhật Bản sẽ đẩy mạnh can dự nhằm thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng ASEAN, chú trọng vào lĩnh vực chính trị-an ninh bên cạnh lĩnh vực kinh tế và các hoạt động xã hội, văn hoá.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản – Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]  Hoàng Minh Hằng: Vai trò của Nhật Bản đối với tiến trình ASEAN+3

Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 7-2007

[2] Ngô Phương Anh, Quan điểm và chính sách của Nhật Bản đối với tiến trình liên kết ở Đông Á

Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2011

[3] 安倍総理大臣の東南アジア訪問(概要と評価)

http://www.mofa.go.jp/mofaj/kaidan/s_abe2/vti_1301/gaiyo.html

[4] 日本とASEAN

http://www.mofa.go.jp/mofaj/files/000305625.pdf#page=7

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn