GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NĂM VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ NỔI BẬT CỦA NHẬT BẢN NĂM 2018

Đăng ngày: 31-12-2018, 16:46

1. Ổn định chính trị nội bộ

Năm 2018 là dấu mốc quan trọng của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe khi ông vượt qua đối thủ Ishiba Shigeru để chiến thắng trong cuộc bầu lại chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP). Cuộc bầu cử này rất quan trọng bởi đảng LDP đang lãnh đạo nên ai giành chức chủ tịch LDP, người đó sẽ là thủ tướng Nhật Bản. Đây không đơn thuần là bầu cử nội bộ LDP, mà thực tế là cuộc bầu cử quyết định thủ tướng của Nhật Bản. Ông Shinzo Abe đã chiến thắng và dự kiến sẽ giữ chức vụ thủ tướng đến năm 2021. Tính đến ngày 26 tháng 12 năm 2018 là tròn 6 năm từ khi lần thứ hai trở thành thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe có 2191 ngày cầm quyền liên tục đứng 3 trong số các thủ tướng. Tính cả giai đoạn làm thủ tướng lần thứ nhất, ông Abe đã có 2557 ngày cầm quyền, đứng thứ 5 trong lịch sử Nhật Bản[1]. Nếu không có thay đổi bất ngờ, ông Abe sẽ trở thành Thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Ngay sau khi giành chiến thắng, Thủ tướng Abe nhanh chóng tiến hành cải tổ nội các vào tháng 10 năm 2018. Ông giữ nguyên những vị trí quan trọng, hoặc những vị trí chủ chốt đều thuộc những người thân cận. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kinh tế Công Nghiệp, Bộ trưởng Ngoại giao, Chánh văn phòng Nội các vẫn là những người cũ. Trường hợp ông Taro Aso giữ chức phó thủ tướng hơn 2000 ngày, một con số kỷ lục. Bên cạnh ông Taro Aso, ông Yoshihide Suga là người giữ chức chánh văn phòng nội các lâu nhất tại Nhật Bản. Chứng tỏ Nội các mới tiếp tục kế thừa và triển khai chính sách trong những vấn đề trọng yếu như thúc đẩy Abenomics, đối sách với Triều Tiên, hợp tác với Nga, Mỹ.

Đoàn kết nội bộ đảng cầm quyền là vấn đề được ông Abe chú trọng. Trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền hiện nay có nhiều phe phái, như nhóm các đảng viên là nghị sỹ quốc hội có phái Hosoda, phái Taro Aso, phái Kishida, phái Nikai, phái Ishihara, phái Takeshita và không đảng phái. Trong lần cải tổ nội các tháng 10 năm 2018, tân Bộ trưởng Tư pháp là người thuộc phái của ông Ishiba, đối thủ cạnh tranh đã thua ông Abe trong cuộc bầu chủ tịch đảng Dân chủ Tự do vào tháng 9/2018. Điều này thể hiện toan tính của ông Abe là hạn chế mâu thuẫn, tăng cường đoàn kết trong nội bộ LDP.

Hiện nay, liên minh đảng cầm quyền Dân chủ Tự do và Công Minh đang giữ 313 ghế trên tổng số 465 ghế Hạ viện, vượt qua tỉ lệ 2/3 (tương đương 310 ghế) là số ghế cần thiết để có thể nghị luận về vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Tại Thượng viện, chính quyền ông Abe cũng chiếm ưu thế quá bán khi giữ 146/242 ghế[2]. Việc kiểm soát được quốc hội tạo điều kiện cho chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe có thể thực hiện được những mục tiêu đã đề ra.

Bất ổn chính trị luôn là rào cản đối với sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Giữ vững quyền lực, từng bước thực thi các chính sách là mục tiêu xuyên suốt của chính quyền thủ tướng Abe. Điều này xuất phát từ thực tiễn trước khi ông Abe trở lại cầm quyền lần thứ hai, chính trường Nhật Bản liên tục biến động. Chỉ trong vòng 6 năm từ 2006-2012, Nhật Bản đã trải qua 7 đời thủ tướng, trong đó chính bản thân ông Abe chỉ cầm quyền một năm. Nhận thức rõ vấn đề này, khi trở lại cầm quyền lần hai, mục tiêu đầu tiên mà ông Abe xác định là ổn định chính trị, duy trì quyền lực.

Việc ổn định chính quyền mang lại nhiều thuận lợi cho ngoại giao Nhật Bản. Trong các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), thời gian cầm quyền của Thủ tướng Abe chỉ ít hơn người đồng cấp Đức, Angela Markel nên tiếng nói của Nhật Bản trong các vấn đề lớn của thế giới được nâng cao.

2. Cải thiện quan hệ Nhật-Trung

Năm 2018 kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Hòa bình Hữu nghị Nhật Bản-Trung Quốc, cũng là năm đánh dấu bước đột phá trong quan hệ Nhật-Trung sau một quãng thời gian lạnh nhạt. Ngày 9/5/2018, Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn đã diễn ra tại Tokyo với sự tham dự của Thủ tướng Shinzo Abe, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ngày 25-27/10/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm Trung Quốc được coi là thành công cả về chính trị lẫn kinh tế. Đây là chuyến thăm Bắc Kinh chính thức đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc. Còn nhớ, tính đến cuộc gặp bên lề tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2014, nguyên thủ hai nước không hề gặp nhau trong 2 năm 6 tháng. Khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ bắt tay thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe một cách lạnh nhạt với một thái độ không thiện cảm. Sau đó tần suất gặp nhau tăng lên với thái độ tích cực thể hiện từ cả hai phía chứng tỏ mối quan hệ chính trị song phương đã đạt đến một độ chín nhất định. Thực tế, không chỉ các cuộc tiếp xúc cấp cao, các dấu hiệu hợp tác kinh tế tích cực cũng đã xuất hiện. Theo thống kê của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản, trong năm 2017, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 329,3 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2016. Thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho thấy, kim ngạch đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc năm 2017 đạt 3,27 tỉ USD, tăng 5,1%[3].

Quan hệ ngoại giao Nhật-Trung luôn tồn tại những nhân tố khó xác định như vấn đề lịch sử, Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2012, hay việc viếng đền Yasukuni của các chính trị gia Nhật Bản,… Trong những năm qua, quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc có xu hướng tốt đẹp lên thể hiện qua tần suất các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai bên. Bên cạnh đó, chính sách khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có những tác động khiến hai nước phải xem lại định hướng quan hệ song phương trong tương lai. Trung Quốc hiện cần đầu tư và thương mại của Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh phải chống đỡ các đòn kinh tế của Mỹ. Trong khi Nhật Bản cũng hoài nghi với Mỹ khi nước này rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khu vực tự do thương mại 12 nước mà Nhật Bản hy vọng sẽ ràng buộc Mỹ với khu vực, cũng như những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về quan hệ liên minh hai nước.

3. Chủ động đối thoại với Triều Tiên

Năm 2018 đánh dấu sự chuyển biến bất ngờ trên Bán đảo Triều Tiên với 3 Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12 tháng 6 tại Singapore. Trước đó, căng thẳng giữa hai nước Mỹ-Triều đã lên tới đỉnh điểm khi Triều Tiên đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu vào ngày 3/9 năm 2017 và phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào ngày 29/11/2017.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 được cho là đã giúp chấm dứt lịch sử thù địch kéo dài giữa Triều Tiên và Mỹ, đồng thời giải quyết các vấn đề theo cách ngoại giao. Đây là một sự kiện rất quan trọng về mặt lịch sử, bởi hội đàm Mỹ-Triều đã đem đến một bước tiến mới nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thay đổi cơ cấu căn bản của chính trị quốc tế tại Đông Bắc Á. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều báo hiệu sự khởi đầu của quá trình “tan băng” trên Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt và hòa bình thế giới, nhưng cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ cần phải giải quyết. Đây là sự thay đổi quan trọng khi Triều Tiên và Mỹ bắt đầu hành trình tiến tới hòa bình, bỏ lại phía sau sự thù địch kéo dài nhiều thập niên. Báo hiệu sự mở đầu của việc xóa bỏ tàn dư cuối cùng của chiến tranh lạnh, Hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump năm 2018 được so sánh với Hội nghị thượng đỉnh Malta năm 1989 giữa Mỹ và Liên Xô vốn đã dẫn đến sự chấm dứt chiến tranh lạnh.

Dù vậy, có thể thấy vai trò mờ nhạt của Nhật Bản trong diễn biến bất ngờ trên Bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản không chỉ lo ngại tên lửa liên lục địa, mà cả tên lửa tầm ngắn và trung bình của Triều Tiên, song không có sự bàn luận công khai nào về vấn đề này. Chính phủ Nhật Bản lo ngại không chỉ về việc can dự mờ nhạt đến vấn đề Triều Tiên mà còn việc Mỹ đã phớt lờ những lo ngại của đồng minh châu Á thận cận. Một vấn đề khác đặc biệt quan trọng đối với dư luận Nhật Bản là vấn đề những công dân Nhật Bản đã bị Triều Tiên bắt cóc từ những năm 1970 và 1980. Chính phủ Nhật Bản chính thức cho rằng có 17 người bị bắt cóc, trong đó người trẻ nhất khi đó mới 13 tuổi. Song phía Triều Tiên nhiều lần khẳng định vấn đề này đã được giải quyết trọn vẹn. Nhật Bản mong muốn vấn đề này phải được Tokyo và Bình Nhưỡng thảo luận trực tiếp.

Cho đến nay, Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản xác định chính sách của Nhật Bản đối với Triều Tiên là “gây áp lực và đối thoại”. Về cơ bản vẫn là tăng cường gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân và đồng thời mở cơ hội đối thoại qua ngoại giao, song rõ ràng mức độ của hai mặt này có sự thay đổi tương ứng với từng giai đoạn. Những thay đổi mạnh mẽ trên bán đảo Triều Tiên từ đầu năm 2018 khiến chính sách Triều Tiên của Nhật Bản có điều chỉnh đáng kề từ gây áp lực tối đa sang chủ động đối thoại.

Nhật Bản gây áp lực với Triều Tiên thông qua việc thực hiện nghiêm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, phản đối mạnh mẽ các hoạt động thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên, đồng thời phối hợp với quân đội Mỹ trong tiến trình gây sức ép quân sự với nước này. Đến nay, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã ban hành 10 nghị quyết cấm vận đối với Triều Tiên, trong đó có 4 nghị quyết trong năm 2017[4]. Nhật Bản luôn nhất quán ủng hộ mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, gây sức ép buộc nước này phải giải trừ hoàn toàn chương trình tên lửa và hạt nhân.

Sự chủ động đối thoại của Nhật Bản với Triều Tiên thông qua việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công khai kêu gọi lãnh đạo Triều Tiên cùng nhau vượt qua ngờ vực để sớm tiến tới một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Triều. Chính phủ Nhật Bản đã tìm cách liên lạc với phía Triều Tiên nhằm nỗ lực thu xếp một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Những nỗ lực thúc đẩy đối thoại của Nhật Bản là một trong những cách để chính quyền thủ tướng Shinzo Abe không bị gạt ra ngoài lề trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

4. Quan hệ Nhật-Hàn có dấu hiệu xấu đi

Quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc tưởng chừng sẽ tốt đẹp sau thỏa thuận về vấn đề “phụ nữ mua vui” được ký kết giữa hai nước vào năm 2015, song sau đó lại có những dấu hiệu xấu đi. Đầu năm 2017, phía Hàn Quốc đặt thêm một bức tượng phụ nữ mua vui, giống bức tượng ở Seoul, trước cổng lãnh sự Nhật Bản ở Busan. Tổng thống Moon Jae-in từng cho rằng người dân Hàn Quốc không chấp nhận các thỏa thuận nên cần phải xem xét lại.

Tháng 10 năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ủng hộ quyết định của tòa cấp dưới ra phán quyết một công ty thép của Nhật Bản phải bồi thường cho 4 người đàn ông Hàn Quốc khoảng 88.000 USD. Phán quyết trên cho rằng trong thời kỳ Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản cách đây hàng chục năm, những người này đã bị cưỡng bức lao động cho công ty có tên hiện nay là Nippon Steel & Sumitomo Metal, vì thế có quyền đòi bồi thường. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mạnh mẽ phản đối và nói chính quyền của ông sẽ có biện pháp cứng rắn đối với phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về bồi thường cho lao động thời chiến. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ lại được xới lên khi ngày 26/11/2018, một nhóm nghị sỹ Hàn Quốc đã tới thăm Đảo Takeshima/Dokdo, đây là lần thứ hai kể từ năm 2016. Nhật Bản lên án việc Hàn Quốc cho tàu khảo sát hải dương liên tục đi vào khu vực quần đảo tranh chấp này.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không có động thái xoa dịu những vấn đề kể trên. Ông dường như đang tập trung vào vấn đề hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên mà không chú trọng vào quan hệ Nhật-Hàn, hoặc có thể ông vận dụng phong trào chống Nhật, kích thích chủ nghĩa dân tộc nhằm nâng cao tỉ lệ ủng hộ đang có xu hướng suy giảm ở trong nước. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Hàn Quốc trong thời gian tới đây.

5. Tiếp tục xu hướng xích lại gần Nga

Trong tháng 6 năm 2018, Thủ tướng Shinzo Abe tới thành phố St. Petersburg tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 22, và tiến hành hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin tại thủ đô Moskva. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa Thủ tướng Shinzo Abe với Tổng thống Vladimir Putin sau khi ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư vào tháng 3 năm 2018, và là lần gặp gỡ thứ 21 giữa hai nhà lãnh đạo từ trước tới nay. Hai bên mong muốn thúc đẩy hoạt động kinh tế chung trong 5 lĩnh vực tại các quần đảo tranh chấp như đã nhất trí vào tháng 9/2017.

Từ năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã xác định việc thúc đẩy quan hệ với Moskva là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Tokyo. Quan hệ giữa Nga và Nhật trở nên nồng ấm bởi lợi ích hai bên đã có những điểm tương đồng là cùng sẻ chia lợi ích. Hiện nay, dù chịu sức ép của của Mỹ và phương Tây về việc trừng phạt Nga do việc sáp nhập Bán đảo Crimea, Thủ tướng Shinzo Abe không thể hiện thái độ ủng hộ rõ ràng đối với các lệnh trừng phạt mà Mỹ đề xuất nhằm chống lại Nga. Dường như ông Abe không muốn làm tổn hại quan hệ với Nga, Tokyo vẫn đảm bảo những điều kiện thuận lợi cho việc duy trì cuộc đối thoại chính trị cao cấp với Moskva. Nhật Bản không muốn gắn vấn đề Ukraine với các cuộc đàm phán hướng tới việc xích lại gần nhau chiến lược, mà muốn ưu tiên vào các hành động của Nga ở Châu Á.

Tính đến hết năm 2018, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Putin đã 22 lần gặp nhau, nhiều hơn bất cứ lãnh đạo nào trên thế giới. Đây là con số biết nói thể hiện sự xích lại gần nhau có tính chiến lược của hai nước. Một mặt nhằm đạt được những lợi ích chung về hợp tác kinh tế và năng lượng, mặt khác nhằm tạo thế cân bằng giữa các cường quốc châu Á. Với hy vọng một hiệp ước hòa bình được ký kết với Moskva sẽ cho phép củng cố chiến lược tạo đối trọng với Bắc Kinh, Tokyo đã áp dụng đường lối linh hoạt nhằm vượt qua sự bế tắc trong vấn đề lãnh thổ.

Thực tiễn quan hệ quốc tế những năm giữa thập kỷ 90 đã đưa Chính phủ Nhật Bản tới nhận thức rằng, trong quan hệ với Liên bang Nga, nguyên tắc "mở rộng cân bằng" đã không còn phù hợp với tình hình mới. Chính phủ Nhật Bản trước đây có phần coi trọng chính trị, ý muốn giải quyết tranh chấp, ký hiệp ước hòa bình trước, sau đó thúc đẩy quan hệ kinh tế. Bởi vậy, chỉ cần vấn đề lãnh thổ giữa hai nước gặp trở ngại thì toàn bộ quan hệ giữa họ cũng sẽ khó phát triển. Trước thực tế này, Nhật Bản đưa ra một nguyên tắc mới nhằm tháo gỡ cho bước phát triển quan hệ hai nước là "tiếp xúc nhiều tầng". Nhật Bản giải thích nguyên tắc này có nghĩa là không để cho quan hệ Nhật-Nga bị ảnh hưởng quá mức vào quá trình đàm phán lãnh thổ, mà phải thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực thích ứng với nhu cầu mới trong chiến lược hướng tới thế kỷ XXI của Nhật Bản.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] 長期政権、世界で存在感示す「首脳らから一目も二目も三目も置かれたよ。全然対応が違う」

http://www.sankei.com/politics/news/171226/plt1712260011-n1.html

[2] “Bầu cử Hạ viện Nhật Bản tháng 10 năm 2017”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1 năm 2018, tr.12-20.

[3] Phan Thanh, Bản “hợp đông hôn nhân” Trung-Nhật, Báo Thế giới và Việt Nam 1/11 đến 7/11/2018, tr.5

[4] Trần Thanh Hải-Nguyễn Thị Toan, “Đôi nét về vấn đề hạt nhân Triều Tiên”, Tạp chí đối ngoại, 6/2018.

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn