GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN BƯỚC VÀO THỜI ĐẠI LỆNH HÒA MỚI NHIỀU KỲ VỌNG

Đăng ngày: 9-05-2019, 03:01

Ngày 30/4/2019, Nhật Hoàng Akihito chính thức thoái vị để nhường ngôi cho con trai là Hoàng Thái tử Naruhito. Ông là vị Hoàng đế đầu tiên chủ động thoái vị trong vòng 202 năm qua tại Nhật Bản. Sau đó, ngày 1/5, Hoàng Thái tử Naruhito đã lên ngôi Hoàng đế ở Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa), có nghĩa là “Hài hòa tốt đẹp”, mở ra một thời đại mới đầy kỳ vọng.

Nhật Hoàng là biểu tượng của quốc gia và cộng đồng dân tộc Nhật Bản, vị trí của Nhật Hoàng xuất phát từ ý chí nguyện vọng của người dân một nước có chủ quyền. Nhật Hoàng có trách nhiệm đại diện quốc gia, song không có quyền lực trong chính phủ[1]. Vai trò và trách nhiệm của Nhật Hoàng được ghi cụ thể trong chương 1 của Hiến Pháp Nhật Bản năm 1947. Bởi vậy, việc Nhật Hoàng mới lên ngôi, thay đổi niên hiệu là việc trọng đại của Hoàng gia và toàn xã hội Nhật Bản.

Kết thúc một thời đại nhiều biến động

Nhật Hoàng Akihito lên ngôi vào năm 1989 lấy niên hiệu là Bình Thành. Trong 3 thập kỷ trị vì, Nhật Hoàng Akihito được đánh giá là vị vua bình dị gần gũi với người dân. Ông là người đầu tiên phá vỡ truyền thống Hoàng gia kết hôn với con cái dân thường. Ông và Hoàng hậu Michiko đã đến 47 tỉnh thành đất nước Nhật Bản để tìm hiểu về cuộc sống của người dân địa phương. Người ta thường thấy sự xuất hiện của ông trong các cuộc thăm hỏi người dân khi gặp thiên tai. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, nước Nhật trải qua những năm kinh tế trì trệ và chứng kiến những biến đổi trên mọi mặt.

Năm 1989 khởi đầu thời Bình Thành, kinh tế Nhật Bản vẫn đang ổn định, thậm chí một số tập đoàn Nhật vượt qua các công ty Mỹ. Nhưng vài năm sau, bong bóng kinh tế nổ vỡ, kéo đất nước vào cuộc khủng hoảng tài chính và tình trạng kinh tế đình trệ suốt hai thập niên mà người ta gọi là hai thập kỷ mất mát. Cũng trong thời kỳ này dân số Nhật Bản bước vào giai đoạn siêu già hóa khi tuổi thọ trung bình của người dân tiếp tục tăng, đồng thời số trẻ em sinh ra đang ngày càng ít đi. Hệ quả là những tác động tiêu cực đến đất nước Mặt trời mọc như vấn đề khủng hoảng quĩ lương hưu, nguy cơ sụp đổ của trường học, gia tăng số nhà bỏ hoang,….

Về chính trị, đây là thời kỳ có nhiều biến động. Nhật Hoàng Akihito đã làm việc với 17 thủ tướng thuộc 5 đảng phái khác nhau. Đáng chú ý từ năm 2006 đến 2012, trong vòng 6 năm có tới 7 thủ tướng. Chỉ có hai người cầm quyền lâu dài là ông Koizumi và thủ tướng hiện tại Shinzo Abe.

Trong thời Bình Thành, Nhật Bản hứng chịu nhiều tai họa nặng nề như trận động đất lớn ở Kobe năm 1995, và đặc biệt là động đất sóng thần gây rò rỉ phóng xạ nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. Vụ tấn công bằng khí độc Sarin tại ga tàu điện ngầm Tokyo năm 1995, hai con tin người Nhật Bản bị bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo sát hại năm 2015 gây sốc cho toàn bộ người dân xứ sở hoa Anh Đào.

Trên bình diện quốc tế, nước láng giềng Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh  truyền thống đã vượt qua Nhật Bản vào năm 2010 để chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Song song với đó là những hành động cứng rắn trên Biển Đông và Hoa Đông của Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến Nhật Bản. Giai đoạn này cũng chứng kiến những diễn biến bất ngờ trên Bán đảo Triều Tiên, khiến vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia và việc giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc vốn có ảnh hưởng đến xã hội Nhật Bản trở nên phức tạp.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà người Nhật không đánh giá tích cực thời Bình Thành. Quan điểm này được củng cố khi điều tra về thời đại Bình Thành đã qua do NHK tiến hành, với câu hỏi xã hội Nhật Bản có hướng tới sự tốt đẹp hay không, 19% cho là có, 18% cho là không và 60% không đưa ra lựa chọn rõ ràng[2].

Thời đại mới khởi đầu với nhiều kỳ vọng

Nhật Bản công bố niên hiệu mới là Lệnh Hòa (Reiwa) vào ngày ¼, và cho biết tên này lấy từ Manyoshu (Vạn diệp tập), tập thơ cổ nhất của Nhật Bản được lưu truyền đến ngày nay. Xuất phát từ bối cảnh thơ văn, "Reiwa" nghĩa là "Hài hòa tốt đẹp". Ý nghĩa của niên hiệu mới là "Văn hóa được nuôi dưỡng khi mọi người đối xử với nhau bằng tình cảm đẹp đẽ xuất phát từ trái tim". Niên hiệu mới tượng trưng cho hy vọng tất cả người dân Nhật Bản sẽ đạt được khát vọng của mình, như những bông hoa mơ nở rộ sau mùa Đông khắc nghiệt. Thông qua việc sử dụng văn học cổ điển Nhật để đặt niên hiệu mới, Nhật Bản hy vọng lịch sử, truyền thống, văn hóa và thiên nhiên của đất nước mặt trời mọc sẽ được trao lại cho các thế hệ kế tiếp.

Báo Sankei và mạng thông tin Fuji (FNN) đã tiến hành điều tra dư luận xã hội về tên niên hiệu mới Lệnh Hòa so với tên Bình Thành cũ: 87% nghĩ rằng tên này hay vượt xa tỉ lệ 6,5% cho rằng tên này không hay. Đồng thời tỉ lệ ủng hộ nội các Thủ tướng Shinzo Abe cũng tăng 5,2 điểm lên 47,9% so với thời điểm điều tra ngày 16,17 tháng 3. Tỉ lệ không ủng hộ giảm 6,1 điểm xuống 36,7%. Có thể thấy, ấn tượng tốt về niên hiệu mới đẩy tỉ lệ ủng hộ nội các tăng lên. Tỉ lệ kỳ vọng vào thời đại Lệnh Hòa mới sẽ tốt đẹp hơn thời Bình Thành lên đến 78,3%[3].

Thời đại Lệnh Hòa mở ra với Tân Nhật Hoàng Naruhito. Thực tế, Nhật Hoảng chỉ mang tính biểu tượng, không tham gia chính sự, không có thẩm quyền thay đổi chính sách quốc gia song dựa vào những tình hình kinh tế chính trị xã hội Nhật Bản hiện nay có thể kỳ vọng tương lai tươi sáng cho thời đại Lệnh Hòa.

Thời Bình Thành nói chung chính trị không ổn định nhưng từ giai đoạn cuối có ổn định tương đối dưới chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe. Từ cuối năm 2012 đến nay, Thủ tướng Shinzo Abe giữ chức thủ tướng sang nhiệm kỳ thứ 3 liên tục kéo dài đến năm 2021. Chắc chắn ổn định chính trị luôn là điều kiện cần thiết để phát triển đối với bất kỳ quốc gia nào.

Kinh tế có dấu hiệu lạc quan qua những chỉ số. Tổng sản phẩm quốc nội GDP hướng tới 600.000 tỷ yên vào năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất từ thời kỳ kinh tế bong bóng đến nay, trong khi tỷ lệ cung cấp nguồn nhân lực cao nhất trong 40 năm qua. Xuất khẩu ra nước ngoài của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng gấp hai lần so với thời kỳ bong bóng kinh tế. Khách du lịch tăng mạnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước xứ sở hoa Anh Đào[4].

Năm 2019, Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 và năm 2020 tổ chức Olympic. Những sự kiện này thu hút sự chú ý nâng cao vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế. Đồng thời, Olympic 2020 sẽ là cú hích kinh tế đối với Nhật Bản.

Trách nhiệm của Tân Nhật Hoàng sẽ nặng nề hơn

Tân Nhật Hoàng Naruhito sinh ngày 23/2/1960, giai đoạn sau chiến tranh và lớn lên trong thời kỳ tăng trưởng cao của Nhật Bản. Đầu những năm 1980, Thái tử Naruhito nghiên cứu chuyên sâu 2 năm ở đại học Oxford sau khi tốt nghiệp với tấm bằng lịch sử tại Nhật Bản. Tại Anh, Thái tử có thể rũ bỏ một số quy củ trong cuộc sống hoàng gia tại Nhật, hòa cùng các sinh viên cũng như gia đình hoàng gia Anh và ông rất thích nói về giai đoạn này. Ông cũng từng lên tiếng phản đối tư tưởng phân biệt nam nữ trong hoàng tộc nhằm bảo vệ vợ mình. Tân Nhật Hoàng Naruhito được nhiều người đánh giá có tư tưởng hiện đại, cấp tiến hơn so với thế hệ Hoàng gia trước đây. Ông sẽ phải gặp nhiều thử thách trong việc gìn giữ truyền thống của Hoàng gia và cân bằng với các giá trị hiện đại.

Về nguyên tắc, Nhật Hoàng không có quyền lực trong chính phủ, mọi hành động của Nhật Hoàng liên quan đến quốc gia phải tham khảo ý kiến và được Nội các thông qua. Tuy nhiên, Nhật Hoàng tượng trưng cho sự đoàn kết dân tộc, nên nếu tích cực tham gia các lễ hội lớn, tiếp các tân Đại Sứ, thăm viếng xã giao, chăm lo cho dân, an ủi nạn nhân thiên tai… là góp phần quan trọng trong việc xây dựng quốc gia. Những việc làm của Nhật Hoàng đều mang ý nghĩa chính trị đối với Nhật Bản. Theo thống kê, Nhật Hoàng tham dự khoảng 120 sự kiện lớn trong một năm, trong đó có cả các chuyến công du nước ngoài. Những chuyến công du của Nhật Hoàng luôn được truyền thông đưa tin sát sao, mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện rõ đường lối chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động hiện nay, Nhật Bản đang thực hiện chiến lược ngoại giao toàn cầu, triển khai chủ nghĩa hòa bình tích cực, nâng cao vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế, nên trách nhiệm của tân Nhật Hoàng sẽ nặng nề hơn.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Hiến pháp Nhật Bản năm 1947

[2] 内閣支持率

https://www.nhk.or.jp/senkyo/shijiritsu/?utm_int=detail_contents_special_002, truy cập ngày 2/5/2019.

[3] 【産経FNN合同世論調査】令和「良い」87%、内閣支持率5・2ポイント上昇

https://www.sankei.com/politics/news/190408/plt1904080040-n1.html

[4] Nhật Bản sắp chào đón 10 năm hoàng kim?

Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt 4/4/2019, tr.22

 

 

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn