GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

LIÊN MINH NHẬT-MỸ NÂNG CẤP MẠNH NHẤT TRONG CHUYẾN THĂM MỸ CẤP NHÀ NƯỚC CỦA THỦ TƯỚNG KISHIDA (1)

Đăng ngày: 21-04-2024, 11:07

 

 

Chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước của Thủ tướng Nhật Bản

Từ ngày 8/4/2024, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ kéo dài 7 ngày. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản kể từ sau chuyến thăm của cựu thủ tướng Abe Shinzo tháng 4/2015. Thủ tướng Kishida đã được tiếp đón với những nghi thức ngoại giao cao nhất chỉ dành cho các nhà lãnh đạo quốc gia đồng minh hàng đầu của Mỹ như 21 phát đại bác chào mừng và bữa tối trang trọng cấp nhà nước tại Nhà Trắng. Tại cuộc họp báo chung diễn ra tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 10/4/2024, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ đã công bố một danh sách dài các thỏa thuận quốc phòng mà Tổng thống Mỹ Biden gọi là "Sự nâng cấp quan trọng nhất của liên minh Mỹ - Nhật kể từ ngày đầu thành lập".

Ngoài cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Biden, Thủ tướng Kishida cũng đã có bài phát biểu bằng tiếng Anh tại Quốc hội Mỹ, tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản, Philippines và tới Bắc Carolina để thăm một số nhà máy của Nhật Bản tại Mỹ.

Bối cảnh chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Kishida

Cả Nhật Bản và Mỹ đều đang phải đối mặt với môi trường quốc tế ngày càng nhiều thách thức và những nguy cơ bất ổn của tình hình chính trị trong nước. Trong bối cảnh đó, cả hai đều phải nỗ lực xác định cách thức hợp tác trong tương lai.

Về bối cảnh quốc tế, ở thời điểm Thủ tướng Kishida đến thăm Mỹ, cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang năm thứ ba. Ngoài ra, đã sáu tháng trôi qua kể từ khi nổ ra cuộc giao tranh ở Gaza - khu tự trị của người Palestine –mà tới nay vẫn chưa thấy lối thoát. Tại Nga mới đây đã xảy ra vụ tấn công khủng bố lớn do nhóm cực đoan “Nhà nước Hồi giáo“ (IS) thực hiện. Tình hình này cho thấy rằng, phương Tây bao gồm Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn Nga ở châu Âu và Tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas, IS và Iran tại Trung Đông. Còn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sự hợp tác giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc vốn mới có tiến triển khả quan đã có nguy cơ bị đình trệ. Tại Hàn Quốc, đảng cầm quyền bảo thủ đã bị đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất. Bên cạnh một nước Triều Tiên tuyên bố đã trở thành quốc gia hạt nhân tháng 9/2022, Trung Quốc nhiều năm nay đã không che giấu mong muốn kiểm soát Đài Loan và gần đây đã có tranh chấp lãnh thổ với Philippines về quyền kiểm soát tại khu vực Biển Đông.

Về bối cảnh trong nước, không thể phủ nhận thực tế chuyến thăm của Thủ tướng Kishida diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với cả hai nhà lãnh đạo. Thủ tướng Nhật Bản đang phải vật lộn với tỷ lệ tín nhiệm ảm đạm do vụ bê bối gây quỹ của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và người dân chưa hài lòng với tình hình kinh tế như giá cả trong nước tăng vọt. Trong khi tỷ lệ ủng hộ đối với Nội các xuống thấp, như thường lệ, Thủ tướng Kishida muốn tập trung vào thế mạnh của ông là đối ngoại và chuyến thăm Mỹ lần này cũng không phải ngoại lệ. Nếu chuyến thăm đạt kết quả tốt, đây có thể là điểm sáng để khôi phục uy tín đối với cử tri. Đồng thời, đây cũng là dịp để nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định chính sách ổn định của nước này đối với Mỹ, cho dù sau đây đảng Dân chủ hay Cộng hòa sẽ lãnh đạo nước Mỹ.

Còn tại Mỹ, không còn nhiều thời gian nữa cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống. Đương kim Tổng thống Biden gần như chắc chắn sẽ có một cuộc tái đấu căng thẳng với đối thủ cũ vào tháng 11 năm nay, cho thấy khả năng xảy ra một sự thay đổi chính sách đối ngoại lớn của Mỹ, nếu cựu Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng vào năm tới.

Thực trạng quan hệ Nhật-Mỹ

“Liên minh mạnh mẽ hơn bao giờ hết“

Có thể nói quan hệ Nhật – Mỹ hiện đang phát triển mạnh mẽ và vững chắc nhất từ trước đến nay. Nhật Bản - đồng minh châu Á quan trọng nhất và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Mỹ - đang từng bước tăng cường vai trò toàn cầu sau một loạt thay đổi về luật an ninh trong thập kỷ qua. Cùng giữ vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề quốc tế, cả hai nước cũng đang hoàn toàn thống nhất với nhau về chính sách đối với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Nhật Bản đã có những thay đổi trong chính sách quốc phòng sau nhiều năm theo chủ nghĩa hòa bình như tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng và mua tên lửa Tomahawk từ Mỹ. Cuối năm ngoái, Nhật Bản đã thay đổi các chính sách thời hậu chiến vốn hạn chế xuất khẩu vũ khí và đồng ý bán tên lửa Patriot do Mỹ thiết kế sản xuất tại Nhật Bản cho chính phủ Mỹ.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2021, Thủ tướng Kishida đã thực hiện thay đổi sâu rộng lĩnh vực phòng thủ của Nhật Bản, tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo lộ trình đến năm 2027 và củng cố năng lực phản công. Ông Kishida cho rằng xây dựng khả năng răn đe và phản ứng của Nhật Bản trước các mối đe dọa cũng là một vấn đề “thiết yếu” đối với Mỹ.

Ngược lại, đối với Mỹ quan hệ đối tác với Nhật Bản từ lâu đã là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mối quan hệ an ninh - quốc phòng hai bên còn được tiếp tục mở rộng hơn nữa dưới thời Thủ tướng Kishida. Chào đón nhà lãnh đạo Nhật Bản đang là Quốc khách của Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã ca ngợi mối quan hệ đối tác “không thể phá vỡ” giữa Nhật Bản và Mỹ là “nền tảng của hòa bình, an ninh, thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và toàn thế giới”. "Liên minh Nhật - Mỹ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết và tôi mong muốn thảo luận về cách chúng ta có thể làm sâu sắc hơn nữa quan hệ này bao gồm cả thông qua hợp tác quốc phòng và công nghệ. Làm cách nào khác để chúng ta có thể giữ cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở… tiếp tục là một khu vực thịnh vượng".

Về phần Thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida đã nhắc tới những cây hoa anh đào mang tính biểu tượng luôn nở hoa ở Washington, DC vào mùa xuân mà Nhật Bản đã tặng Mỹ vào năm 1912: “Tôi tin tưởng rằng mối quan hệ giống như hoa anh đào của liên minh Nhật-Mỹ sẽ tiếp tục nở rộ và phát triển mạnh mẽ hơn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên khắp thế giới”.

Trước nhiều thách thức lớn ở cả trong nước và quốc tế, Nhật Bản và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác toàn cầu” và đưa ra các lĩnh vực hợp tác có thể kích hoạt ngay khi có biến động.

Một mặt, trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng Kishida cũng muốn tiếp cận và giới thiệu với công chúng, dư luận Mỹ về sự đóng góp tích cực của Nhật Bản cho nền kinh tế Mỹ, đồng thời đảm bảo sự ổn định của mối quan hệ song phương Nhật – Mỹ, bất kể ai là người sẽ chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.

Chuyến đi tới nhà máy pin Toyota dành cho xe điện và Honda Aircraft - một công ty con của Honda tại Mỹ chế tạo máy bay phản lực thương mại cỡ nhỏ - ở Bắc Carolina cũng nhằm mục đích đưa ra thông điệp công khai về các khoản đầu tư rất lớn của Nhật Bản vào Mỹ. Năm 2019, trong hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 diễn ra tại Osaka, Nhật Bản, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng đã trao cho cựu Tổng thống Trump một bản mô tả nhiều màu sắc, dài một trang về các khoản đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Mỹ, cho thấy Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Mỹ. Năm 2023 dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Mỹ cũng đã vượt 750 tỷ USD, khẳng định việc Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Mỹ và tạo ra hơn 1 triệu việc làm.

Vướng mắc trong quan hệ Nhật - Mỹ

Vấn đề vướng mắc duy nhất giữa Nhật Bản và Mỹ không nằm ở chính sách của hai nước mà xuất phát từ việc công ty sản xuất thép Nhật Bản Nippon Steel có kế hoạch mua lại công ty US Steel có trụ sở tại Pittsburgh của Mỹ với giá 14,1 tỷ USD. Với 122 năm tuổi, US Steel từng là công ty lớn nhất thế giới, một trong những công ty lớn đầu tiên của Mỹ và một biểu tượng của vị thế cường quốc công nghiệp của Mỹ. Mặc dù vậy, hiện tại US Steel đang rơi vào tình trạng khó khăn. Vượt qua nhiều tên tuổi lớn để giành quyền mua lại US Steel, Nippon Steel đã đồng ý sau này vẫn sẽ giữ lại tên gọi US Steel, giữ nguyên trụ sở công ty tại Pittsburgh, Pennsylvania, tôn trọng mọi hợp đồng với công nhân và duy trì các cơ sở sản xuất. Công nghệ sản xuất sẽ được nâng cấp để giúp năng suất ngang tầm với Nhật Bản. Đồng thời, Nippon Steel cũng cam kết không chuyển cơ sở sản xuất hoặc việc làm hiện có ra nước ngoài. Đây là một thỏa thuận “hấp dẫn” với cả hai bên.

Tuy nhiên, thương vụ đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Mỹ và bản thân Tổng thống Mỹ Biden và cựu Tổng thống Trump đều công khai chỉ trích. Cách đây ít lâu, ông Biden trong một tuyên bố cho rằng: điều “quan trọng” với US Steel là “một công ty thép của Mỹ vẫn được sở hữu và điều hành trong nước Mỹ”.

Mặc dù các cổ đông của US Steel đã phê duyệt việc bán US Steel, ngày 15/4/2024 các cơ quan quản lý Mỹ cho biết đang xem xét kỹ lưỡng đề nghị mua lại US Steel của Nippon Steel. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ cũng đang xác định tác động của thương vụ này đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Ủy ban có thể đồng ý hoặc áp đặt điều kiện với các bên để giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia hoặc chuyển vụ việc lên tổng thống quyết định nếu cho rằng việc giao dịch có thể gây ra rủi ro như vậy. Truyền thông Mỹ đưa tin rằng Bộ Tư pháp cũng đã tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền liên quan tới kế hoạch mua lại này. Phản ứng dữ dội cũng xuất hiện từ lưỡng đảng Mỹ và Liên đoàn lao động của ngành thép United Steelworkers.

Bà Anne O. Krueger - cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) và cựu Phó giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - cho biết khó hiểu trước những phản đối trên khi thương vụ này có thể mang lại lợi ích nhiều hơn cho nền kinh tế và người lao động Mỹ nhờ tăng số lượng việc làm, tăng cường sản xuất và đẩy nhanh áp dụng công nghệ hiện đại.

Còn từ góc độ quan hệ quốc tế, sự thành công của thương vụ cũng sẽ tác động tích cực hơn tới mối quan hệ với đồng minh chủ chốt của Mỹ là Nhật Bản.

Hết phần (1)

TS. Đỗ Thị Ánh

Nghiên cứu viên chính, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1)    https://www.mofa.go.jp/files/100652115.pdf

2)    https://www3.nhk.or.jp/news/html/20240411/k10014419741000.html

3)    https://www3.nhk.or.jp/news/html/20240411/k10014419021000.html

4)    https://mainichi.jp/articles/20240412/ddm/001/010/101000c

5)    https://www.nikkei.com/article/DGXZQOGN10EJP0Q4A410C2000000/

6)    https://www3.nhk.or.jp/news/html/20240413/k10014420821000.html

 

7)    https://mainichi.jp/articles/20240411/ddm/003/010/056000c

8)    http://eng.chinamil.com.cn/OPINIONS_209196/Opinions_209197/16299888.html

9)    https://www.defensenews.com/pentagon/2024/04/10/us-japan-announce-generational-upgrade-to-alliance-amid-china-threat/

 

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn