GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CÁC VẤN ĐỀ VỀ TANG LỄ HIỆN ĐẠI HÓA: SO SÁNH ĐỐI CHIẾU VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN (phần 1)

Đăng ngày: 7-01-2018, 09:16

Tác giả bài viết là Giáo sư Shimane Katsumi, Khoa Xã hội học, Đại học Senshu, Nhật Bản.

Bài viết này được hoàn thiện từ bài tham luận tại Hội thảo quốc tế “Tang lễ cận đại hoá: so sánh đối chiếu Việt Nam – Nhật Bản”, tuy nhiên, nội dung có một số thay đổi.

Mở đầu

Trong cuộc hội thảo mang tên “Xây dựng xã hội phát triển bền vững: Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong việc đảm bảo phát triển bền vững” (“Building a Sustainable Development Society: Vietnam-Japan Cooperation to Ensure the Sustainable Development”) được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam vào ngày 28/9/2016, dưới sự tài trợ của Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản, các vấn đề được tập trung thảo luận xoay quanh câu hỏi “Những điều kiện cần thiết để Việt Nam có thể thực hiện phát triển xã hội một cách bền vững là gì?”.

Trong phiên thứ nhất, GS.TS.Đặng Nguyên Anh đã nêu lên những từ khóa về phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường, xã hội, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi mô hình phát triển mà Việt Nam đã trải qua từ trước đến nay. Tức là, điều quan trọng, đó là cần phải đầu tư cả trong các lĩnh vực văn hóa, môi trường chứ không chỉ riêng lĩnh vực kinh tế, nhằm chuyển hoán về chất trong các chính sách phát triển xã hội. Tiếp theo đó, giáo sư Oyane Jun của trường Đại học Senshu đã giới thiệu một hệ thống phục hồi địa phương do người dân tự xây dựng nên trong các vùng bị thiệt hại do thiên tai ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, giáo sư Dimiter Ialnazov đại học Kyoto đã cho rằng để phát triển bền vững xã hội Việt Nam thì việc chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là điều không thể không làm. Ngoài ra, cũng có một số học giả cho rằng Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn “dân số vàng” và nhấn mạnh sự cần thiết của việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Như vậy, nhìn một cách tổng quát thì có thể thấy các luận điểm mang tính hàn lâm của các học giả Việt Nam cũng như các luận điểm về mặt chính sách đều đã chuyển từ quan điểm chú trọng phát triển kinh tế sang quan tâm tới chất lượng cuộc sống của con người hơn.

Để một xã hội phát triển bền vững thì không thể sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại môi trường bằng bất cứ giá nào. Cũng giống như vậy, nguồn tài nguyên con người cũng không thể sử dụng một cách tùy tiện mà việc tạo ra một môi trường sống an toàn, đảm bảo cho con người có một cuộc sống chất lượng để từ đó cống hiến cho sự phát triển của xã hội mới là điều quan trọng và đó chính là luận điểm xuyên suốt bài viết này của tác giả.

Để phát triển kinh tế một cách bền vững và hiện đại hóa xã hội, phải cần đến một nguồn lực con người to lớn. Với ý nghĩa này thì có lẽ Việt Nam với nguồn nhân lực trẻ dồi dào đang ở giai đoạn “dân số vàng”, giai đoạn “vàng” của sự phát triển. Tuy nhiên, các thế hệ ở tuổi 30 vốn tràn trề sức sống và sự năng động, thì khoảng 50 năm sau cũng sẽ bị loại bỏ khỏi nhóm dân số lao động, chẳng mấy chốc họ cũng sẽ phải từ giã cõi đời. Các thế hệ nằm trong cơ cấu dân số lao động so với các thế hệ trước và sau họ nếu nhiều hơn hẳn (trong trường hợp này thì hiện tượng “kỷ nguyên vàng” về mặt dân số học đã xảy ra), nhưng khi họ bước vào giai đoạn xế chiều của cuộc đời, sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề nan giải.

Hiện tượng ít trẻ em, già hóa dân số như Nhật Bản hiện nay chính là biểu hiện tiêu cực nhất của trường hợp này, nhưng Việt Nam cũng được dự đoán rằng trong tương lai không xa sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự như của Nhật Bản. Những người cao tuổi bước vào giai đoạn cuối đời của mình như thế nào, chất lượng cuộc sống của họ suy cho cùng là vấn đề quan trọng nhất, tuy nhiên, dường như ngành xã hội học từ trước đến nay đã chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề này.

Bài viết sẽ khảo sát giai đoạn cuối đời của một con người qua lễ tang của họ, và từ đó sẽ nêu lên: Sự biến chuyển của tang lễ ở Việt Nam qua quan sát của tác giả bài viết; ‚ Tiếp theo, thông qua cuộc điều tra ý thức ở một số quốc gia Đông Á, khảo sát khuynh hướng thay đổi của tang lễ ở các quốc gia châu Á; ƒ Cuối cùng, giới thiệu quá trình hiện đại hóa của tang lễ ở Nhật Bản và những vấn đề đang đặt ra hiện nay. Tất cả những vấn đề trên gợi cho chúng ta suy nghĩ về tương lại của xã hội Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra một số vấn đề cần phải tiếp tục suy ngẫm.

1. Một số ví dụ về tang lễ ở Việt Nam

Tác giả bài viết khi sống ở Việt Nam trong khoảng 4 tháng vào năm 2011, đã có cơ hội điều tra và quan sát tang lễ và quá trình cúng tế người đã khuất trong xã hội Việt Nam. Qua một số bức ảnh chụp được tại các lễ tang ở Việt Nam, chúng tôi muốn miêu tả một cách ngắn gọn sự thay đổi trong việc tổ chức tang lễ tại Việt Nam.

Ảnh 1: Một lễ tang ở tỉnh Nam Định

CÁC VẤN ĐỀ VỀ TANG LỄ HIỆN ĐẠI HÓA: SO SÁNH ĐỐI CHIẾU VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN (phần 1)

Ảnh do người viết chụp tháng 8/2011.

 

Ảnh 1 là bức ảnh chụp một đám tang ở nông thôn Nam Định. Đám rước đưa tiễn linh cữu gồm khoảng hơn trăm người, rất nhiều người cầm cờ Phật (Phật kỳ) suốt dọc con đường. Đi đầu là những người phụ nữ mặc áo nâu, tay giương cao cờ. Riêng đoàn này đã khoảng 20 người, tiếp sau là đoàn nam giới gồm đội cờ, đội kèn trống, khiêng vòng hoa, bàn thờ, áo quan (linh cữu người đã khuất), gia quyến và cuối cùng là những người tham dự đám tang. Có lẽ hầu hết những người tham dự đám tang đều là người trong làng. Trước đây, ở Nhật Bản cũng vậy, mỗi khi có người mất, tất cả mọi người trong làng đều tham dự và giúp đỡ cho việc tổ chức đám tang, đưa tiễn người đã khuất ra đồng, nhưng hiện nay khó có thể nhìn thấy những cảnh tượng như vậy do sự tiến triển mạnh mẽ của đô thị hóa.

Ảnh 2: Lễ tang được tổ chức ở Nhà tang lễ tại Hà Nội

CÁC VẤN ĐỀ VỀ TANG LỄ HIỆN ĐẠI HÓA: SO SÁNH ĐỐI CHIẾU VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN (phần 1)

Ảnh do người viết chụp tháng 6/2011.

 

Ảnh 2 là bức ảnh chụp một đám tang được tổ chức cùng năm tại Hà Nội. Người quá cố (cụ già 85 tuổi) có con trai là những người giữ chức vụ cao trong quân đội, có người là giáo sư đại học, nên họ đã chọn một nhà tang lễ nổi tiếng nhất tại Hà Nội. Những người mang vòng hoa, cờ Phật xếp hàng vào viếng là đồng nghiệp hoặc người có quan hệ công việc với các anh con trai của cụ. Dường như cũng có khá nhiều hàng xóm tham gia lễ viếng, nhưng đảm nhiệm những phần việc quan trọng trong tang lễ lại là các đồng nghiệp, có nghĩa là, ở đây cộng đồng dân cư không có mặt trên tất cả các phương diện của một lễ tang (Trong các đám tang được tổ chức ở nhà tang lễ, cũng có những đám tang mà gia đình sau đó lại tiếp tục mang thi hài về quê, và ở quê, một lần nữa lễ viếng lại được tổ chức trang trọng. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng bắt gặp khá nhiều tang lễ được tổ chức lớn ở cả hai nơi: thành thị - là nơi mà các cư dân xa rời làng xóm đến lập nghiệp, và quê hương - nơi chôn rau cắt rốn của họ, nhưng trong phạm vi có hạn của bài viết này, chúng tôi tránh đề cập sâu đến các trường hợp này). Ở đám tang này, có thể thấy không gian của các nghi thức quan trọng nhất đã được “di dời” từ không gian thôn quê truyền thống đến nhà tang lễ hiện đại. Bên cạnh đó, trong đám tang này cũng có sự xuất hiện của khá nhiều nhân viên nhà tang lễ - những người chuyên làm dịch vụ tổ chức tang lễ. Có thể cho rằng, ở đây dịch vụ tang lễ bắt đầu có sự thương mại hóa.

Sự khác nhau của hai lễ tang nói trên, không nên cho rằng đó là sự khác nhau giữa tập quán tang lễ của vùng nông thôn và thành phố, mà phải được lý giải bởi sự khác nhau trong quá trình hiện đại hóa xã hội. Cái cộng đồng nông thôn truyền thống vốn bị ràng buộc bởi những mối quan hệ xã hội cố kết, thì nay đang dần dần được thay thế bằng các tập đoàn công sở đô thị, và kết quả là tính  chất và cơ cấu của những người tham gia vào việc tổ chức lễ tang cũng có sự biến đổi.

Ở Nhật Bản, sau Đại chiến Thế giới thứ hai cũng xảy ra tình trạng tương tự do sự tiến triển của đô thị hóa. Sự biến đổi lần thứ nhất của tang lễ ở Nhật Bản mà người viết giới thiệu sau đây là kết quả của sự phát triển nhanh chóng của đời sống, sự thoái lui của các cư dân địa phương khỏi nghi thức tang lễ và việc thương mại hóa dịch vụ tang lễ với sự tham gia của các công ty chuyên lo dịch vụ này.

Sự thay đổi này liệu có phải là hiện tượng riêng chỉ có ở Việt Nam và Nhật Bản? Trong phần tiếp theo, người viết sẽ mở rộng góc nhìn ra toàn xã hội châu Á, và cho thấy một khuynh hướng đang trở nên rõ ràng, trên cơ sở các điều tra so sánh đối chiếu quốc tế.

SHIMANE KATSUMI

Người dịch: Ngô Hương Lan, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.



Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn