GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TỔ CHỨC TÔN GIÁO NHẬT BẢN TENRIKYO Ở CHÂU MỸ

Đăng ngày: 19-03-2018, 07:48

Tenrikyo (天理教- Thiên lý giáo) là một tôn giáo độc thần do Nakayama Miki (中山美伎) (1798- 1887) sáng lập. Nakayama Miki là một phụ nữ, với vai trò sáng lập bà còn được gọi là Oyasama (親様) hay giáo tổ của giáo phái này. Theo giáo lí Tenrikyo, Thần Tenri-O-no-Mikoto (天理王命- Thiên lý vương mệnh [1]) đã truyền đạt những ý nguyện thần thánh đến các môn đồ thông qua Giáo chủ Nakayama - người có vai trò Thờ Thần (神のやしろ) và những người lãnh đạo khác của giáo phái. Lý tưởng thực tế của Tenrikyo là truyền bá và phát triển “Cuộc sống vui vẻ” (陽気ぐらし), được thực hiện qua những hoạt động từ thiện, gọi là hinokishin (日の寄進). Theo lịch sử Tenrikyo, Nakayama Miki được chọn làm người Thờ Thần vào năm 1838. Chuyện kể rằng, khi chồng và con trai Miki mắc bệnh, gia đình bà đã nhờ một nhà sư đến để xua đuổi tà ma. Trong lúc nhà sư tạm thời vắng mặt, Miki được Thần Tenri-O-no-Mikoto (天理王命) nhập vào trao nhiệm vụ thay mặt Thần cứu tế dân chúng. Bà được chồng chấp thuận thực thi nhiệm vụ này. Ngày 26/10/1838, được coi là ngày lập giáo của Tenrikyo. Cơ cấu của Tenrikyo thời kỳ đầu thành lập gồm có Giáo chủ và các tín đồ. Sau khi Giáo chủ Nakayama Miki qua đời, các thế hệ tiếp theo trong gia đình bà giữ vị trí “Shinbashira” (真柱), tức là Trụ cột thủ lĩnh tinh thần và là người hướng dẫn các hoạt động thực tế của Tenrikyo. Vị trí Shinbashira được truyền qua các thế hệ của gia đình Nakayama. Cho tới nay đã có bốn thế hệ Shinbashira. Tuy được coi là một tôn giáo mới thuộc hệ Thần đạo và ảnh hưởng Thần đạo thể hiện rõ nét ở các nghi lễ của Tenrikyo, nhưng ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo thể hiện khá rõ trong triết lý của giáo phái này. Nguyên tắc cơ bản nhất của Tenrikyo là kashimono - karimono (借物-貸物), tức là “có vay có trả”. Trong nguyên tắc này, thứ được vay và trả chính là cơ thể con người. Tín đồ Tenrikyo tin rằng tâm trí họ là thứ có thể kiểm soát được, nhưng cơ thể của họ thì không hoàn toàn như vậy. Thuyết “Cuộc sống vui vẻ” của Tenrikyo đề cao việc sống khoan dung, tránh xa những tham lam, ích kỷ, hận thù, giận dữ và kiêu căng. Tuy vậy, tính cách tiêu cực không bị coi là tội lỗi trong giáo lý Tenrikyo, mà là “bụi” (埃) - một cách ẩn dụ - có thể được thổi bay khỏi tâm trí thông qua việc tu thân và tập luyện hàng ngày Hinokishin và các nghi lễ của giáo phái này. Hiện nay, Tenrikyo riêng ở Nhật Bản có 16.833 trung tâm do địa phương quản lý, hai cơ sở quan trọng nhất là Jiba (地場) – Trung tâm chính được đặt tại thành phố Tenri và khu Oyasato Yakata – một tổ hợp bao gồm khu thực hành Besseki, trường đại học, trường học các cấp, bệnh viện, bảo tàng,... mang tên Tenri. Ngoài ra, còn có các tổ chức phục vụ cộng đồng khác như: nhà trẻ, trường học, bệnh viện, thư viện... ở khắp các địa phương trên đất nước Nhật Bản. Về số lượng tín đồ, chỉ tính riêng ở Nhật Bản đã có khoảng 1,75 triệu tín đồ, ngoài ra, có hơn 2 triệu tín đồ khác trên toàn thế giới[2]. Ngày nay, Tenrikyo đang hoạt động ở 34 quốc gia, bao gồm cả cộng hòa dân chủ Công gô, Kenya và Nepal. Cơ cấu tổ chức của Tenrikyo được chia thành rất nhiều nhóm khác nhau, có mục tiêu chung nhưng đảm nhiệm các chức năng khác nhau, từ việc thành lập Daikyokai (大教会- “Thánh đường lớn”) tới các tổ chức cứu trợ thiên tai, các nhân viên y tế và bệnh viện, các trường đại học, các viện bảo tàng, thư viện, và rất nhiều trường học, võ đường. Đối với tín đồ, lời giảng về vũ trụ của Tenrikyo thực sự trở thành một triết lý về cuộc sống, và do vậy, việc tin theo Tenrikyo không ảnh hưởng gì tới lòng tin đối với các tôn giáo khác. Không hiếm những tín đồ Tenrikyo đồng thời còn tin vào Kito giáo hoặc Phật giáo. Mối quan hệ giữa Tenrikyo và Kitô giáo cũng khá tốt như việc có thể thấy nhiều biểu tượng của Kitô giáo trong các văn bản hướng dẫn bằng tiếng Anh của Ofudesaki trong Tenrikyo. Điều này có lẽ là do những nhà truyền giáo đạo Kitô đã giúp dịch các tài liệu này sang tiếng Anh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản trong sự thành công của Tenrikyo ở nước ngoài, bên cạnh những khó khăn. Tenrikyo bắt đầu có những trung tâm đầu tiên ở Đài Loan vào năm 1897, Triều Tiên (Korea) vào năm 1904, Mãn Châu vào năm 1911, Mỹ vào năm 1927, và sau đó là Brasil và các nước Đông Nam Á. Cũng giống tình hình trước Chiến tranh Thế giới thứ II của các tôn giáo Nhật Bản nói chung ở Hoa Kỳ, Brasil, Peru và những quốc gia khác, Tenrikyo tới những nơi đó đầu tiên là đáp ứng nguyện vọng về tinh thần cho cộng đồng người gốc Nhật. Công cuộc truyền giáo vẫn tồn tại một thời gian dài và còn tiếp tục đến tận ngày nay. Song đặc tính riêng biệt cao trong nghi thức, những giáo lý gây khó hiểu về khởi nguồn của loài người, tính bản địa ở những người đứng đầu các trung tâm ở nước ngoài hay vấn đề đưa tiếng bản xứ vào như một ngôn ngữ được sử dụng, là những lý do chính khiến Tenrikyo khó thu hút những người không có gốc Nhật hơn. Riêng Hàn Quốc là một ngoại lệ, chủ yếu nhờ sự nội địa hóa của tôn giáo này từ những người đứng đầu các trung tâm ở đây.

Có khoảng 60 trung tâm thực hành của Tenrikyo ở nội địa Hoa Kỳ và khoảng 40 trung tâm khác ở Hawaii[3]. Trung tâm lâu đời nhất ở San Francisco, gọi là Trung tâm Tenrikyo Tây Mỹ tọa lạc gần Công Viên Cổng Vàng, được xem là một khu vực nguy hiểm tại địa phương, điều này ảnh hưởng tới số lượng người có thể truyền đạo cho họ (chỉ khoảng trung bình 40 tín đồ tới đây một tháng). Trung tâm hoạt động thường xuyên nhất của Tenrikyo ở Hoa Kỳ là ở Fresno (California), nơi có khoảng 300 người tham dự mỗi tháng, phần lớn trong số họ là người Mỹ gốc Nhật, còn lại là tín đồ người Trung Quốc và người Mỹ da trắng. Vị chức sắc của Trung tâm Tenrikyo Tây Mỹ khẳng định, Tenrikyo là tôn giáo cho mọi chủng tộc, nhưng cũng cho biết trở ngại chính trong việc thu hút người Mỹ không có gốc Nhật đến với Tenrikyo là: “Vấn đề chính là Tenrikyo có nguồn gốc từ Nhật Bản và điều này dẫn tới vấn đề về hình thức, khi chúng ta cố gắng đưa mọi người đến với Tenrikyo, một số ý kiến cho rằng Tenrikyo quá Nhật Bản, trong khi đây không phải là Nhật Bản mà là Hoa Kỳ”.

Tại Hawaii, Tenrikyo bắt đầu hiện diện từ năm 1899. Trong đó 85% là người Mỹ gốc Nhật, 8% người Mỹ gốc Hoa, 5% là người da trắng và dưới 2% là người bản địa Hawaii. Những tín đồ tích cực nhất là nhóm trong độ tuổi 40-60, và đa phần trong số họ là những người phụ nữ gốc Nhật. Phương pháp chủ yếu để chiêu mộ các tín đồ mới là làm cho những điều tốt đẹp được lan tỏa bay đi xa bởi các tín đồ, những người mà sẽ đi từ nhà này qua nhà khác để giúp đỡ và thảo luận những lời truyền dạy của tôn giáo mình.

Tại Brasil, Tenrikyo đã có mặt từ năm 1929, những tín đồ có kinh nghiệm lâu năm để thu hút đông đảo công chúng đến với Tenrikyo, đã nỗ lực thay đổi hình ảnh Tenrikyo từ những trung tâm thực hành tôn giáo đơn chủng tộc thành đa chủng tộc. Hiện có khoảng 20.000 tín đồ[4]. Theo số liệu mới nhất năm 2017 từ trường Đại học Tenri (Nhật Bản), trường đại học của Tenrikyo, số người chính thức đạt được Yoboku [5] ở Brasil là 6747 người, trong khi cả vùng Canada, Hoa Kỳ lục địa và Hawaii mới là 2841 người, cho thấy số lượng tín đồ đông đảo ở Brasil của Tenrikyo, nhất là số người đạt được Yoboku. Qua lịch sử Tenrikyo ở Hoa Kỳ và Brasil, những người đến với Tenrikyo cảm nhận được mục tiêu chính yếu đó là bảo vệ tập quán và văn hóa của Nhật Bản. Các nghi thức trong nơi tế lễ, các nhạc cụ, các trang phục phục vụ, và các vở kịch ở các buổi lễ, hầu hết đều là về Tenrikyo, củng cố hình mẫu về cuộc sống truyền thống của Nhật Bản. Điều này cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến những tín đồ mới, khi khả năng thấu hiểu của họ còn chưa nhuần nhuyễn những lời truyền dạy của Tenrikyo, nhất là về Jiba. Các tín đồ tin tưởng vào một vị thần duy nhất là Tenri-O-no-Mikoto - Đấng Sáng thế và Đấng Sinh thành của loài người. Họ được truyền dạy rằng Vũ trụ là Thân thể của Thần. Mục tiêu tinh thần cơ bản của Tenrikyo là xây dựng Kanrodai (甘露台) - một cột trụ tôn giáo tuyệt vời ở trung tâm thế giới, nơi giao thoa giữa thiên đường và mặt đất (axis mundi), được gọi là Jiba (地場), nghi lễ Kagura  (かぐら)  được cử hành xung quanh Kanrodai. Lý tưởng coi Jiba là khởi nguồn của sự sáng tạo trái đất, được gọi là Moto-no-ri (元の理), hay Nguyên lý khởi nguồn. Cuộc hành hương tới Jiba chính là sự trở về. Lời chào mừng Okaeri nasai (お帰りなさい- chào mừng về nhà) được viết trên rất nhiều quán trọ ở thành phố Tenri, tỉnh Nara như một sự khích lệ tinh thần đối với các tín đồ hành hương. Chính điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Tenrikyo ở Hoa Kỳ và những khu vực khác ngoài Nhật Bản, một phần có thể do nhiều người gặp khó khăn để thực hiện hành hương tới Nhật. Những vấn về lớn trong thực hành đã phát sinh ở những cơ sở ở nước ngoài, khi những nghi thức chủ chốt và những cơ hội phát triển tâm linh như Shuyoka (ba tháng đào tạo chuyên sâu), Besseki (別席-9 bài dạy chữa lành bệnh tật), việc ban phép thiêng Osazuke (một nghi thức chữa bệnh và năng lượng được cấp bởi Shinbashira), và việc ban cho sinh con an toàn lại là đặc quyền của những người thực hiện trước Kanrodai ở Nhật Bản. Mặc dù có phần nghịch lý, trong sự lan tỏa tới những người vốn gốc Nhật Bản, sự hấp dẫn của Tenrikyo có phần bị hạn chế với những người không phải gốc Nhật Bản ở Hoa Kỳ, Châu Âu và những nơi khác.

Nguyễn Ngọc Phương Trang

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Thần là vị thẩn duy nhất được Tenrikyo thờ phụng, phi giới tính, là Đấng tối cao tạo ra con người và vũ trụ. Có ba bậc thấu hiểu bản chất của Thần: Bậc một là Kami (神), khi Thần được hiểu theo nghĩa hàng ngày; Bậc hai là Tsukihi (月日- Mặt Trăng và Mặt Trời) hoặc Thần - người sáng tạo ra tự nhiên và quy luật tự nhiên; và cuối cùng là Oya (親) - tức Thần là Đấng Sinh thành của vạn vật. Thông qua quá trình tu hành, tín đồ Tenrikyo từng bước tiếp thu và thấu hiểu bản chất của Thần.

[2] Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Tenrikyo

[3] Peter B. Clarke (2000)(edited), Japanese New Religions in Global Perspective, Curzon Press, Great Britain, p.287.

[4] World Religion and Spirituality,

Nguồn:https://wrldrels.org/2015/03/22/tenrikyo/

[5] Khi một người được ban phép Sazuke (hay còn gọi là Osazuke) sau khi thực hiện 9 bài dạy chữa lành bệnh tật Besseki (別席) tại Jiba (thành phố Tenri, Nara, Nhật Bản) thì được gọi là Yoboku ((用木), hay người có ích cho cộng đồng. Việc phải tới Jiba mới được ban phép Sazuke gây cản trở khá lớn cho những tín đồ Tenrikyo nhiệt tình ở nước ngoài khi họ muốn được trở thành Yoboku, song giúp thống kê chính xác số người trở thành Yoboku.  Đồng thời gây khó khăn cho việc thống kê chính xác số tín đồ Tenrikyo ở nước ngoài vì có những người chưa đến được Jiba (Nhật Bản) và chỉ thỉnh thoảng tham dự nghi lễ ở các trung tâm ở nước ngoài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1)      Peter B. Clarke (2000)(edited), Japanese New Religions in Global Perspective, Curzon Press, Great Britain.

2) Ishi Kenji (2007), Databook,tôn giáo của người Nhật hiện đại

(データブック現代日本人の宗教), NXB Shinyo, Nhật Bản.

3)     Giới thiệu về Tenrikyo

Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Tenrikyo

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn