GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TÁC ĐỘNG CỦA BREXIT ĐỐI VỚI NHẬT BẢN VÀ TRIỂN VỌNG QUAN HỆ NHẬT-ANH (phần 2)

Đăng ngày: 16-09-2020, 22:21

Triển vọng quan hệ hợp tác Nhật Bản – Anh trong giai đoạn hậu Brexit

Năm 2017 chính phủ Anh đã công bố Chiến lược “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain) với một trong những trụ cột quan trọng là tái thúc đẩy tự do kinh tế, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng trên thế giới sau Brexit[1]. Chính bởi vậy, Anh đã nhanh chóng thúc đẩy đàm phán FTA với Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand cũng như bày tỏ ý định tham gia hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sau Brexit, lần đầu tiên sau hơn 40 năm, Anh sẽ tự tạo ra một con đường riêng với tư cách là một quốc gia thương mại độc lập. Trong bối cảnh nhiều tính toán cho thấy 90% tăng trưởng toàn cầu diễn ra bên ngoài châu Âu, Anh đang tìm cách xây dựng một cách tiếp cận đa phương đối với thương mại để tận dụng những cơ hội mới và điều này đã thể hiện rõ trong Chiến lược “Nước Anh toàn cầu”. Về cơ bản, Chiến lược “Nước Anh toàn cầu” định hướng chính sách thương mại của Anh tách khỏi châu Âu bằng cách mở rộng quan hệ với Mỹ, phát triển các thị trường mới cũng như hội nhập kinh tế sâu rộng thông qua các thỏa thuận thương mại đa phương như CPTPP. Ngày 17/06/2020 chính phủ Anh đã công bố lý do tham gia CPTPP: Thứ nhất là nhằm tăng cường các cơ hội thương mại và đầu tư, giúp kinh tế Anh "khắc phục những thách thức chưa từng có bởi đại dịch COVID-19"; Thứ hai là "đa dạng hóa các quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng, tăng cường an ninh kinh tế trong giai đoạn bất ổn của thế giới"; Thứ ba là thông qua gia nhập CPTPP, Anh sẽ "có chỗ đứng trung tâm trong mạng lưới thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế năng động". Với sự tham gia của Anh, tỷ lệ trong GDP toàn cầu của CPTPP dự kiến sẽ tăng từ 13% lên 16%[2].

Ngay sau khi Brexit được công bố, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành chuẩn bị cho việc thiết lập một thỏa thuận kinh tế với Anh căn cứ trên Hiệp định đối tác kinh tế EU - Nhật Bản (EPA), Trước đó phía Anh cho biết nước này muốn đạt được một thỏa thuận tiến bộ hơn hiệp định EPA Nhật - EU, bao gồm các lĩnh vực kỹ thuật số và dịch vụ với Nhật Bản[3]. Việc ký thỏa thuận kinh tế với Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho việc Anh tham gia vào CPTPP, giúp các công ty Anh tiếp cận châu Á - khu vực có tỷ trọng trong GDP toàn cầu đã tăng từ 8,9% năm 1980 lên đến 35% năm 2020 và ước tính chiếm tới 50% GDP toàn cầu vào năm 2050[4] - dễ dàng hơn.

Ngoài ra, việc Anh lựa chọn Nhật Bản làm đối tác để tăng tốc sau Brexit không chỉ đơn thuần xuất phát từ ý tưởng tìm kiếm cơ hội kinh tế, mà còn ở khía cạnh an ninh, không chỉ ở lục địa châu Âu mà trên phạm vi toàn cầu. Về phía Nhật Bản, một quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, giữ vai trò của một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, là thủ phủ giao dịch dầu mỏ quốc tế, có khả năng kiểm soát lớn phí bảo hiểm toàn cầu, sở hữu năng lực hạt nhân và năng lực tình báo hàng đầu thế giới, có quan hệ đồng minh đặc biệt với Mỹ… như Anh chính là đối tác rất quan trọng trong việc định hình môi trường an ninh châu Á. Đặc biệt, Nhật Bản và Anh trong lịch sử từng có quan hệ hợp tác an ninh quân sự mật thiết và hiện tại cũng đang chia sẻ nhiều lợi ích chung trong bối cảnh Brexit diễn ra.

Đồng minh Nhật - Anh (日英同盟, Anglo - Japanese Alliance) ra đời năm 1902 và kéo dài trong gần 20 năm từng được mô tả là "cốt lõi của chính sách ngoại giao đế quốc". Là một liên minh quân sự, Nhật Bản và Anh cùng công nhận lẫn nhau về lợi ích ở Trung Quốc, Triều Tiên và cảnh giới với sự bành trướng của Nga ở châu Á. Liên minh này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong Chiến tranh Nhật - Nga (khi Anh tuy bề ngoài trung lập nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho Nhật Bản trong các hoạt động tình báo và phá hoại đối với Hải quân Nga) và Thế chiến I (khi Nhật tham chiến với tư cách là đồng minh quân sự của Anh). Đến năm 1922, quan hệ đồng minh Nhật - Anh đã bị bãi bỏ bởi Hiệp ước bốn nước giữa 4 cường quốc liên quan đến khu vực Thái Bình Dương là Mỹ Pháp, Anh, Nhật tại Washington, Mỹ.

Những năm gần đây, thủ tướng Anh B. Johnson đã không ít lần nhắc tới một "Đồng minh Anh – Nhật lần thứ hai". Tháng 10/2018 Anh đã mời Nhật tham gia tập trận đa phương với nhóm Five Eyes (FVEY: "Ngũ Nhãn" hay "Năm con mắt"), một liên minh tình báo tiên tiến và hiệu quả hàng đầu thế giới do Mỹ đứng đầu (với Anh, Canada, Úc, New Zealand) cực kỳ hiếm khi mời các thành viên ngoài các quốc gia nói tiếng Anh. Về nguyên nhân của động thái này, có thể thấy rằng trước những động thái quyết liệt mà các nước phương Tây vẫn gọi là phong cách ngoại giao "Chiến Lang" của Trung Quốc gần đây, ý tưởng mở rộng quy mô và vai trò của FVEY nhằm tạo nên một liên minh ứng phó với Trung Quốc đã được đặt ra. Liên minh này đã tỏ ý muốn kết nạp thêm Nhật Bản làm thành viên thứ 6, đồng thời mở rộng quan hệ kinh tế chiến lược nhằm đối phó hiệu quả hơn với mối đe dọa từ Trung Quốc. Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kono nhận xét, FVEY “chia sẻ với Nhật các giá trị cơ bản” và nước này muốn “hợp tác chặt chẽ với 5 quốc gia trong liên minh”, phía Anh đã lập tức lên tiếng ủng hộ Nhật tham gia FVEY và khẳng định “Là cốt lõi của cấu trúc tình báo và quốc phòng trong hàng chục năm qua, FVEY quan tâm tới đối tác tin cậy để mở rộng nhóm. Nhật Bản là một đối tác chiến lược quan trọng vì nhiều lý do và FVEY nên tìm mọi cơ hội để hợp tác chặt chẽ hơn”. Ngoài ra Anh cũng có lý do để tạo áp lực hơn với Trung Quốc khi cam kết "Một quốc gia hai chế độ sẽ được kéo dài ít nhất 50 năm" lúc trao trả Hồng Kông, gần đây thường bị đe dọa phá vỡ bởi những biện pháp cứng rắn của chính phủ Trung Quốc. Hai nước Nhật Bản và Anh cũng đã tuyên bố sẽ phối hợp chặt chẽ để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông[5].

Kết luận

Tương lai quan hệ Anh - EU sau Brexit hiện vẫn chưa rõ ràng và tác động của nó với kinh tế toàn cầu đang là mối quan tâm của hầu hết các quốc gia, trong đó có Nhật Bản. Hiện Anh đang tích cực tìm kiếm các giải pháp mới, đặc biệt là tại châu Á, khu vực năng động nhất thế giới. Với một nước Anh hậu Brexit, Nhật Bản là một đối tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Về phía Nhật Bản, thắt chặt quan hệ với Anh thời điểm này cũng là cơ hội để đẩy nhanh hơn những cam kết sâu sắc về kinh tế - thương mại, chính trị - an ninh khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc nắm rõ các mối quan hệ và lợi ích cốt lõi của những đối tác quan trọng như Nhật Bản và Anh sẽ giúp Việt Nam có được những chiến lược hợp tác quốc tế chủ động và hiệu quả. Tháng 02/2020, EU đã phê chuẩn Hiệp định Tự do thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Việt Nam. Đây là một thành quả mà vì Brexit Anh phải đứng ngoài, tuy nhiên Anh cũng đang từng bước tăng cường quan hệ với Việt Nam cả về kinh tế và chính trị. Về kinh tế, Việt Nam và Anh có nhiều thuận lợi trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại dựa trên nền tảng của EVFTA, trong bối cảnh Anh đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường thông qua một loạt hiệp định song phương hậu Brexit và quá trình đi đến một thỏa thuận mới với EU vẫn hết sức khó khăn và phức tạp.

Bên cạnh đó, Anh cũng là một đối tác quan trọng về mặt địa chính trị đối với Việt Nam. Năm 2020 đánh dấu 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh. Ngoại trưởng Anh mới đây tuyên bố, Anh coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại tại châu Á giai đoạn sau Brexit và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực[6]. Hiện tại có hơn 90% thương mại quốc tế là bằng đường biển, trong đó 12% thương mại đường biển của Anh đi qua Biển Đông[7]. Sau nhiều thập kỷ vắng bóng, Hải quân Hoàng gia Anh (Royal Navy) đang quay trở lại châu Á dưới ngọn cờ "Nước Anh toàn cầu". Qua những phân tích trên có thể thấy rằng, sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Anh trong tương lai sẽ tạo điều kiện để Anh thể hiện tốt hơn vai trò của mình trong vấn đề nóng của khu vực hiện nay là Biển Đông, chứng minh chiến lược "Nước Anh toàn cầu", với sức mạnh của một cường quốc hàng hải góp phần vào việc đảm bảo sự thông suốt của một tuyến đường biển huyết mạnh đối với thương mại thế giới.

Đỗ Thị Ánh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

[1] Foreign & Commonwealth Office, Cabinet Office, Prime Minister's Office (2019), “Global Britain: delivering on our international ambition”, Last updated 23 September 2019 https://www.gov.uk/government/collections/global-britain-delivering-on-our-international-ambition, truy cập 30/6/2020

[2] Newsweek (2020),「英国、CPTPPへの参加目指す 貿易協定多様化へ」(Anh đặt mục tiêu tham gia CPTPP để đa dạng hóa các hiệp định thương mại), 17/6/2020, https://www.newsweekjapan.jp/headlines/world/2020/06/280621.php, truy cập 30/7/2020

[3] NHK (2020),「英のEU離脱でTPP加入の可能性支援 外相」, 2020年1月31日 (Ngoại trưởng Nhật: Ủng hộ khả năng Anh gia nhập TPP sau khi rời EU, 31/1/2020), https://www.nhk.or.jp/politics/articles/statement/29664.html, truy cập 15/7/2020

[4] Otsuka Umio (2020), “From Japan: A View of ‘Global Britain’ and the UK Integrated Review”, 4 August 2020 https://rusi.org/commentary/japan-view-global-britain-and-uk-integrated-review, truy cập 10/8/2020

[5] Wajahat Khan, Kato Masaya (2020), "China's rise forges new bond between Japan and Five Eyes"

August 7, 2020, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/China-s-rise-forges-new-bond-between-Japan-and-Five-Eyes Truy cập 10/8/2020

[6] Tiên An (2020), “Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt - Anh”, 13/07/2020 (http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Lam-sau-sac-hon-nua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-Viet-Anh-602696/ truy cập 30/7/2020)

[7] Otsuka Umio, (2020), “From Japan: A View of ‘Global Britain’ and the UK Integrated Review”, 4 August 2020 https://rusi.org/commentary/japan-view-global-britain-and-uk-integrated-review, truy cập 10/8/2020

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Foreign & Commonwealth Office, Cabinet Office, Prime Minister's Office (2019), “Global Britain: delivering on our international ambition”, last updated 23 September 2019 https://www.gov.uk/government/collections/global-britain-delivering-on-our-international-ambition, truy cập 30/6/2020
  2. Hall, M. (2016), ‘Boris Johnson urges Brits to vote Brexit to “take back control”’, Daily Express, 20/6/2016,http://www.express.co.uk/news/politics/681706/Boris-Johnson-vote-Brexit-take-back-control, truy cập 10/6/2020
  3. 川野 祐司 (2017),「GDPに応じて決まる加盟国分担金…EU予算」の概要, 2017年5月(Kawano Yuji, “Đóng góp của các nước thành viên được xác định theo GDP - Dự thảo ngân sách EU", tháng 5/2017, https://gentosha-go.com/articles/-/9526, truy cập 15/6/2020)
  4. DTC (2017),「英国の EU 離脱後の日 EU 及び日英関係に係る調査・分析報告書」, 平成 29 年 3 月 (DTC, 2017, “Khảo sát phân tích về Quan hệ Anh - Nhật sau khi Anh rời EU”, tháng 3/2017), https://www.mofa.go.jp/mofaj/files/000243120.pdf, truy cập 15/6/2020.
  5. 外務省 (2019), 「海外在留邦人数調査統計」, 平成30年10月1日 (Bộ Ngoại giao Nhật Bản (2019), “Thống kê điều tra số lượng công dân Nhật cư trú ở nước ngoài”) https://www.mofa.go.jp/mofaj/toko/page22_000043.html, truy cập 10/6/2020

 

Tin tức khác

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 11 NĂM 2023
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 11 NĂM 2023

Thu nhập tiền mặt trung bình ở Nhật Bản tăng 1,2% so với cùng kỳ vào tháng 9 năm 2023, tăng tốc từ mức tăng 0, ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 10 NĂM 2023
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 10 NĂM 2023

Cán cân thương mại của Nhật Bản bất ngờ chuyển sang thặng dư 62,44 tỷ Yên vào tháng 9 năm 2023 từ mức thâm hụt 2.099 ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 9 NĂM 2023
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 9 NĂM 2023

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm mạnh xuống 930,5 tỷ Yên vào tháng 8 năm 2023 từ mức 2.790,4 tỷ Yên trong cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với ướ ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 8 NĂM 2023
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 8 NĂM 2023

Cán cân thương mại của Nhật Bản bất ngờ chuyển sang thâm hụt 78,73 tỷ Yên vào tháng 7 năm 2023 từ mức thặng dư 24,6 ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn