GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Nghiên cứu Nhật Bản qua Manga (truyện tranh) và Anime (phim hoạt hình) Nhật Bản

Đăng ngày: 9-01-2014, 13:53

NGHIÊN CỨU NHẬT BẢN QUA MANGA (TRUYỆN TRANH) VÀ ANIME (PHIM HOẠT HÌNH) NHẬT BẢN

GS.TS.Shoji Yamada

Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Nhật Bản quốc tế (Nichibunken)

  1. 1. Mở đầu:

Lý do các bạn trẻ nước ngoài yêu thích Nhật Bản, mặc dù chưa từng đặt chân đến nơi đây, có thể nói một cách ngắn gọn, là do họ gần gũi với Manga (truyện tranh), Anime (phim hoạt hình) và Trò chơi điện tử (Game) của Nhật Bản. Mối quan tâm của người nước ngoài tới Nhật Bản, có thể chia làm ba giai đoạn: từ những năm 1970 trở về trước là thế hệ thứ nhất với trọng tâm về “văn học - lịch sử - tôn giáo”, sau đó là thế hệ thứ hai từ những năm 1980 đến giữa những năm 1990 với trọng tâm là “kinh tế - xã hội”, và từ nửa sau thập kỷ 1990 là thế hệ thứ ba với trọng tâm là “văn hóa đại chúng” (Popular Culture).[1]

Thế nhưng, thầy cô của những học sinh đến với tiếng Nhật từ mối quan tâm đến “văn hóa đại chúng” Nhật Bản, nói rộng hơn, bắt đầu bước vào cánh cửa của ngành nghiên cứu Nhật Bản, lại chủ yếu thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai. Như vậy, giữa thế hệ thứ nhất  - thứ hai và thế hệ thứ ba, có sự cách biệt lớn về phương pháp luận nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, và cần có biện pháp khắc phục khoảng trống đó. Trên thực tế, thế hệ thứ nhất nghiên cứu Nhật Bản học theo “Case Study” (Nghiên cứu trường hợp) ở từng chuyên ngành riêng biệt, hoặc xây dựng ngành “Nhật Bản học” như một lĩnh vực nghiên cứu. Bước vào thời đại của thế hệ thứ hai, “Japan Studies” (nghiên cứu Nhật Bản) đã trở nên phổ biến như một bộ môn thuộc nghiên cứu khu vực học. Tuy nhiên, đến thế hệ thứ 3, nghiên cứu chuyên ngành không bị bó hẹp bởi khung “nghiên cứu khu vực học”. Đầu tiên, nghiên cứu manga, anime và game được coi như một bộ phận của ngành xã hội học, nhưng sau đó, có lẽ cũng không thể phủ nhận rằng, nó đã được coi là những nghiên cứu ngoại vi của lĩnh vực này. Mặt khác, những nghiên cứu theo chiều hướng khai thác mặt tích cực của manga, anime đã tăng lên nhanh chóng. Có thể nói, gần gũi với thế hệ thứ ba hơn cả là nghiên cứu Nhật Bản từ phương diện văn hóa (Cultural studies), phương diện truyền thông (Media studies) và phim ảnh (Film studies). Tất cả những lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt như vậy đều được gắn với từ “studies”, như vậy, điều này đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận mang tính tổng thể, vốn chưa từng tồn tại ở bất cứ chuyên ngành nào từ trước tới nay.

Vậy thì, có mối liên quan nào giữa ngành “Nghiên cứu Nhật Bản” và “Nghiên cứu Manga- Anime” vẫn đang phát triển không? Với suy nghĩ ấy, người viết bài này đã thành lập một Hội hợp tác nghiên cứu, với tên gọi “Nghiên cứu Nhật Bản qua Manga- Anime” ở Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản quốc tế (Nichibunken). Mục đích nghiên cứu như sau:

Nghiên cứu Manga, Anime ở Nhật Bản đã phát triển và thu được những thành quả xác thực. Tuy nhiên, chưa thể nói rằng số lượng các nhà nghiên cứu không thiếu hụt trong tương quan so sánh với con số những người say mê Manga, Anime trên toàn thế giới, cũng như, sẽ là võ đoán nếu cho rằng nghiên cứu Manga, Anime đã phát triển hoàn thiện. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu  ở Nhật Bản ít đọc sách nước ngoài, cũng như các nhà nghiên cứu nước ngoài ít tham khảo được những tư liệu viết bằng tiếng Nhật. Đã từng có những cuộc thử nghiệm thu hút sinh viên nước ngoài đến với nghiên cứu Nhật Bản qua giới thiệu về Manga, Anime, nhưng, làm thế nào để giảng dạy cho những sinh viên vốn am tường về hai bộ môn nghệ thuật này hơn cả giáo viên của họ, cũng như xây dựng những bộ sách tham khảo, hướng dẫn giảng dạy một cách đầy đủ về Manga và Anime, đó chính là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Hội hợp tác nghiên cứu của chúng tôi đã tiến hành khảo sát từng tác phẩm Manga, Anime, đưa ra quan điểm nghiên cứu - giáo dục, với mục đích nhằm lấp đầy khoảng cách giữa sự quan tâm, mến mộ Nhật Bản đang tăng cao ở nước ngoài thông qua Manga, Anime và thực trạng nghiên cứu Nhật Bản hiện nay. Xem xét những công trình nghiên cứu Manga, Anime từ trước tới nay, có thể thấy những nghiên cứu riêng lẻ về tác giả, tác phẩm cũng như phương pháp biểu hiện (tác phẩm luận, tác giả luận, biểu hiện luận) chưa có điểm gặp gỡ nhau. Một tác phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài đòi hỏi phải có chất lượng dịch thuật cao, song, thay vì chỉ ra những khiếm khuyết trong các câu văn dịch, việc cần thiết hơn là chú trọng tới phương án dịch thuật phù hợp với đặc điểm riêng của từng quốc gia tiếp nhận. Mặt khác, song song với phong trào kêu gọi gắn kết sự hấp dẫn của Manga, Anime với việc tận dụng lợi ích kinh tế của nó, phục vụ cho sự phát triển của Nhật Bản, còn cần phải phân tích các vai trò đa dạng khác của hai bộ môn nghệ thuật này. Và, khi Thế giới tiếp xúc với nền văn hóa - xã hội Nhật Bản được vẽ nên trong từng tác phẩm, sự giao lưu giữa tác phẩm và thế giới hiện thực giống như một “cuộc hành hương về thánh địa”, sự sáng tạo tiếp theo sẽ được lan tỏa bởi “người sử dụng” tác phẩm (user), cái thế giới được thể hiện trong những tác phẩm ấy khi được “ném” vào văn mạch văn hóa của Nhật Bản hay các nước khác sẽ có ý nghĩa như thế nào trong dòng chảy lớn của Thế giới hậu chủ nghĩa cách tân, đó là điều mà chúng tôi đang tìm kiếm[2]?

Nhiều ý kiến cho rằng, nghiên cứu về Manga và Anime không nên chỉ đóng khung trong các giá trị mang tính Nhật Bản[3]. Người viết bài này cũng đồng ý với điều đó, nhưng mặt khác, lại cảm thấy rằng, càng tìm kiếm sự liên quan giữa các giá trị văn hóa Nhật Bản với Manga và Anime, thì cái “ấn tượng” về “văn hóa Nhật Bản” truyền thống cố định lại càng có thể bị thay đổi một cách sâu sắc. Ví dụ, cội nguồn của đôi mắt to bất thường phổ biến trong các truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản, có lẽ, có thể tìm thấy ở lối vẽ hình minh họa hiện đại kiểu phương Tây trong các “Tạp chí thiếu nữ” đầu thời Đại chính[4]. Tất nhiên, hình ảnh nền văn hóa và hiện thực xã hội Nhật Bản đương đại cũng được vẽ nên một cách dễ hiểu trong các tác phẩm Manga và Anime, vì vậy, thông qua các tác phẩm này, người đọc có thể biết được về “Văn hóa Nhật Bản” hay “Xã hội Nhật Bản” đương đại, và chúng tôi không phủ nhận cái “giá trị ổn định” đó. Rõ ràng là các tác phẩm có giá trị làm cho người đọc hiểu thế nào là lễ phép kiểu Nhật, hay những con búp bê nhào lộn là gì, hoạt động câu lạc bộ trong các trường học ra sao, hoặc tại sao các em học sinh trung học Nhật Bản vừa nhai bánh mì, vừa chạy vì sợ muộn giờ học...

Nhưng, qua các tác phẩm Manga và Anime, cũng có thể thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai đối với văn hóa, xã hội Nhật Bản. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, thậm chí, ngay cả Teduka Osamu, người đã để lại dấu ấn to lớn trong ngành công nghiệp Anime của Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ Walt Disney của Mỹ[5].

Khi một tác phẩm được “ném” vào những mạch văn hóa khác biệt, dường như chúng ta có thể quan sát được điều gì bị “bản địa hóa”, và qua đó, chúng ta cũng thấy được đặc trưng của vùng văn hóa tiếp nhận ấy, cũng như nhận thức được những tính chất không thể trộn lẫn của “xã hội Nhật Bản” và “văn hóa Nhật Bản”.

Ở điểm này, có một vấn đề đang được chú ý hiện nay, đó là sự khác biệt về tính khoan dung của các xã hội đối với “hình ảnh khỏa thân” của trẻ em vị thành niên. Ở Nhật Bản, vào thời điểm hiện nay, xã hội có cái nhìn tương đối độ lượng đối với vấn đề “khỏa thân”, song, các xã hội thuộc văn hóa đạo Hồi, hoặc đạo Thiên chúa lại coi sự khỏa thân của nữ giới, đặc biệt là “trẻ em” là rất nhạy cảm. Ví dụ, trong bộ phim nổi tiếng “Cô bé hàng xóm Totoro” (1988) của đạo diễn Miyazaki Hayao, có cảnh cô bé 12 tuổi tắm trong bồn tắm cùng với người bố. Trong nền văn hóa Nhật Bản, điều này được nhìn nhận như một sự tương tác gần gũi cảm động giữa bố mẹ và con cái mà thôi. Song, nếu làm điều tương tự như vậy ở Mỹ, hành động này là vô cùng không thích hợp và có lẽ người cha sẽ ngay lập tức bị bắt giữ và bị tước quyền nuôi con.

Một tác phẩm được yêu thích sẽ cuốn theo một loạt hành động của các fan hâm mộ mà người ta gọi là “cuộc hành hương về thánh địa”, thậm chí còn có những hiện tượng làm thay đổi cả hiện thực xã hội của vùng đất được lấy làm bối cảnh câu chuyện ấy[6]. Cũng có thể phê phán cái ý thức “Tôi là người Nhật Bản” bị cường điệu hóa trong nhiều tác phẩm. Sau đây, người viết sẽ khảo sát hiện tượng này trong một số tác phẩm cụ thể.

  1. 2. Khảo sát một số tác phẩm gần đây

Hình 1: Isama, “Tấn công người Khổng lồ”, NXB. Kodansha, 2010.

2.1. Bộ phim “Tấn công Người khổng lồ”

Bộ phim “Tấn công người Khổng lồ” của Isayama (hình 1) đã trở thành tác phẩm được bàn luận nhiều nhất trong năm 2013 không chỉ riêng ở Nhật Bản, mà ở nhiều nước và vùng lãnh thổ Đông Á như Trung Quốc, Hàn  Quốc, Đài Loan. Được chuyển thể từ nguyên tác truyện tranh đăng trên “Tạp chí thiếu niên” từ tháng 10/2009, bộ phim được chiếu tại Mỹ từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2013 và đã nhận được sự yêu thích và lượng người xem khổng lồ. Nội dung câu chuyện là: Nhân loại bị truy đuổi bởi những người Khổng lồ có sức mạnh vô song, bèn tập trung lại, xây những bức tường thành cực lớn và sống hòa bình yên ổn trong khoảng 100 năm trong các thành quách gợi nhớ tới những thành phố châu Âu thời Trung cổ đó. Nhưng rồi, bỗng một ngày, một gã Khổng lồ có hình dáng to lớn chưa từng thấy đã phá đổ tường thành, một lần nữa lại tấn công loài người. Trong cơn nguy biến, những người trẻ tuổi đã từ bỏ sinh mệnh của mình, đứng lên chiến đấu.

Ở phiên bản Anime, phim được dựng với sự triển khai các cảnh tốc độ nhanh, gợi nhớ tới các phim hành động kiểu Hồng Kông. Bên cạnh đó, bộ phim còn thu hút sự đồng cảm của người xem ở cảnh các nhân vật gắn bó với nhau lần lượt bị người khổng lồ ăn thịt, giẫm đạp đến không còn ai. Đặc trưng của bộ phim chính là vẻ đẹp của sự hy sinh được đẩy lên cao trào khi con người đối đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, họ đã cùng nhau đứng lên chống lại kẻ thù, hiến dâng sinh mệnh của mình cho cộng đồng. Tác phẩm không chỉ được yêu thích ở Nhật Bản, mà nó đã trở thành bộ phim được giới trẻ châu Á (đặc biệt là Đông Á) đón nhận, vậy thì, nó chứa đựng thông điệp gì, đây chính là điều mà các nhà nghiên cứu cần tìm hiểu.

2.2. Bộ phim “Những cô gái lái xe tăng”

Hình 2: “Những cô gái lái xe tăng 1” (DVD), Bandai Visual, 2012.

Tác phẩm Anime (Hình 2) được chiếu trên tivi ở Nhật Bản từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2012, đây là bộ phim Anime thuần túy, chứ không phải là phim được dựng từ nguyên tác Manga hoặc từ một tác phẩm văn học đoạt giải Nobel nào đó.  Trong câu chuyện, một giải đấu chiến xa giả tưởng được dựng nên. Xa đạo (đường xe tăng) được dựng nên như một thứ nghệ thuật đòi hỏi các cô gái phải chuyên tâm như trong Trà đạo hay Hoa đạo. Các nhân vật nữ chính trong phim học tại một trường trung học nữ sinh công lập của tỉnh, có tên là Oarai Joshi Gakuen - được mô hình hóa như một chiến xa có hình dáng tàu sân bay Shogaku của quân đội Nhật Bản thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Các cô gái tham gia Đại hội Chiến xa đạo toàn quốc trên chiếc chiến xa như vậy. Ở đây có các đội đóng giả là quân đội Mỹ, Anh, Nga, Đức, Ý cùng “tham chiến”. Các nhân vật chính đã lần lượt phá vỡ vòng vây và chiến thắng “kẻ thù”, cứu trường trung học của mình thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Tác phẩm kể về những cô gái xinh đẹp chiến đấu trên một chiếc xe tăng lớn, đó là mô hình cốt truyện Anime truyền thống của Nhật Bản. Tuy nhiên, cho dù các cô gái bị “tắm” trong những trận công kích khốc liệt, không một ai hy sinh hay bị thương. Kiểu cốt truyện này cũng thường thấy ở các bộ truyện tranh hành động giả tưởng (gag Manga). Ý nghĩa của bộ phim là ở chỗ, nó làm “tê liệt” trí tưởng tượng về một cuộc chiến tranh thực sự, bằng cách xóa bỏ hoàn toàn sự đau đớn về thể xác, mặc dù các cảnh chuyển động của chiến xa được dựng như thật.

Khung cảnh đầu tiên của phim lấy bối cảnh tại thành phố Oarai thuộc tỉnh Ibaraki. Với ý đồ thu hút sự chú ý của các fan hâm mộ đối với thành phố quê nhà theo kiểu “hành hương về thánh địa” như một kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, Hội Công thương thành phố Oarai đã tham gia ngay từ đầu vào khâu sản xuất bộ phim này[7]. Ngay trước khi khai trương sân bay mới Ibaraki, những tấm biển quảng cáo cực lớn vẽ hình các nhân vật chính trong bộ phim đã được treo lên, ngay cả ở các cửa hàng nhỏ trong thành phố, những panel quảng cáo vẽ hình các thiếu nữ xinh đẹp trong phim cũng được đặt khắp nơi. Có thể nói, đây là một ví dụ hiếm hoi về sự thành công nằm trong kế hoạch “hành hương về thánh địa” của bộ phim và nhà sản xuất.

Sự thành công của “Những cô gái lái xe tăng” đã phủ ánh sáng lên thành phố Oarai vừa bị thiệt hại nặng nề sau thảm họa sóng thần năm 2011. Trong “Festival Biển” diễn ra vào tháng 4 năm 2013, Đội phòng vệ Nhật Bản đã triển lãm chiếc chiến xa từng xuất hiện trong bộ phim trước rất nhiều khách tham quan, thậm chí còn kêu gọi nhập ngũ tại đây. Việc đặt chiếc chiến xa (xe tăng) ở nơi không phải là căn cứ của Đội phòng vệ là điều chưa từng xảy ra ở Nhật Bản. Điều chưa từng được cho phép xảy ra, đã xảy ra dưới sức mạnh chi phối của phim hoạt hình Anime để đón chào dân chúng và khách du lịch. Chúng ta phải suy nghĩ về điều này như thế nào?

2.3. Bộ phim “Chiến hạm không gian Yamato 2199”

Hình 3: “Chiến hạm không gian Yamato 2199” (Bluray), Bandai Visual, 2012.

 

Tác phẩm này (Hình 3) ra mắt năm 2012, là bộ phim hoạt hình chiếu tại rạp, sau đó, từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2013 đã được chiếu trên tivi. Thực ra, tác phẩm tương tự đã từng được chiếu trên tivi vào năm 1974, sau đó nó được dựng lại thành bộ phim hoạt hình “Chiến hạm không gian Yamato 2199” - bộ phim hit đã trở thành một hiện tượng xã hội tiêu biểu của năm. Nội dung cơ bản của câu chuyện cũng như các nhân vật chính và tạo hình của nhà sản xuất không thay đổi nhiều so với phiên bản năm 1974. Đó là câu chuyện về năm 2199, trái đất bị người ngoài hành tinh bí ẩn tấn công và bị ô nhiễm, con người phải sống sâu dưới lòng đất. Chiến hạm Yamato của cựu Hải quân Nhật Bản đã được sửa chữa thành chiến hạm không gian, cung cấp thiết bị khử nhiễm, cứu nhân loại khỏi sự diệt vong.

Tác phẩm kể về việc phục chế con tàu Yamato vốn là biểu tượng của Hải quân Nhật Bản trước đây để cứu loài người khỏi hiểm nguy, nhưng lại sắp xếp tất cả những người có mặt trên chiến hạm đều là người Nhật. Cho dù chỉ là hư cấu, nhưng cách sắp đặt câu chuyện như vậy không khỏi khiến cho người xem đặt câu hỏi. Tuy vậy, trong bối cảnh xã hội đã được thay đổi so với nguyên tác, có thể thấy hiện trạng xã hội Nhật Bản qua hình ảnh sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1, cũng như chữ “bạn” - sự gắn kết, yêu thương, chia sẻ giữa những người đi trên phi thuyền vượt qua đại thảm họa.

  1. 3. Quan điểm về nghiên cứu truyền bá văn hóa

Qua phân tích từng tác phẩm Manga và Anime riêng biệt, có thể suy nghĩ về “văn hóa Nhật Bản” từ nhiều chiều cạnh khác nhau. Nếu như “quốc dân” được hình thành bởi những người có chung một nền văn hóa, thì phải chăng các fan hâm mộ manga và anime ở nước ngoài cũng đang tạo ra cái gọi là “quốc dân văn hóa Nhật Bản”, thậm chí còn Nhật Bản hơn cả những cư dân Nhật Bản chính gốc. Vậy thì, tại sao chúng ta có thể nói như vậy?

Về thời điểm tiếp nhận Manga - Anime, hầu như không có khác biệt giữa trong và ngoài Nhật Bản khi tiếp nhận những nội dung mới nhất. Tuần báo Manga “Tạp chí Thiếu niên”, phát hành thứ tư hàng tuần, nhưng thứ sáu của tuần trước đó, trang Scan của tạp chí đã được đăng tải trên mạng, hai ba tiếng đồng hồ sau còn đăng luôn cả bản dịch. Đó gọi là “Scanlation- dịch Scan”. Nhờ bản dịch Scan, những người yêu thích Manga ở nước ngoài có thể đọc phần mới nhất của Manga sớm hơn cả ngày phát hành chính thức ở Nhật.

Với những bộ phim hoạt hình Anime được phát sóng ở Nhật Bản, cũng chỉ mất vài giờ đồng hồ để một người yêu thích Anime ở nước ngoài xem kèm phụ đề thoải mái. Ví dụ, đài Tokyo Metropolitan Television (truyền hình thủ đô Tokyo- Tokyo MX) mấy năm gần đây đã chiếu nhiều bộ phim Anime hay. Do đây là đài truyền hình độc lập, không có mạng lưới toàn quốc, những bộ phim  Anime chiếu trên Tokyo MX, không ít lần được chiếu trên các đài truyền hình địa phương, là thành viên Hội đài truyền hình độc lập toàn quốc. Vì thế, chưa chắc ở Nhật Bản đã xem được những phim Anime chiếu trên Tokyo MX. Hơn nữa, cũng chưa chắc xem được những bộ phim Anime chiếu trên sóng quốc gia, vì có sự chênh lệch giữa ngày phát sóng ở Kanto và Kansai. Bộ phim “Tấn công người Khổng lồ” cũng vậy, phim được phát sóng tại các tỉnh Iwate, Ehime, Nagasaki, Kagoshima từ tháng 10 năm 2013, nhưng từ tháng 11 cùng năm mới được phát sóng ở Yamanashi. Trong trường hợp này, người yêu thích Anime ở nước ngoài có thể xem thoải mái trên Internet, đó mới là những người được thưởng thức nội dung mới nhất, hơn cả những cư dân bản địa đang sống tại Nhật Bản. Chính vì vậy mà thậm chí khi những bộ phim Anime mới nhất chưa kịp phát sóng trên các đài truyền hình nước ngoài và bản DVD vẫn còn chưa được tung ra thị trường, nó đã có thể trở thành chủ đề bàn tán nóng hổi của các fan hâm mộ Anime ở nước ngoài.

Có lẽ, hiện nay, người nước ngoài còn “Nhật Bản” hơn cả “Nhật Bản”. Chỉ nói riêng trong môi trường  phim ảnh, sách báo Manga và Anime thì “biên giới” nước Nhật đã bị phá vỡ rồi.

Hiện nay, chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản đang nỗ lực ngăn chặn việc lưu hành Manga- Anime lậu[8]. Ở đây, cùng với việc xây dựng lại biên giới đang bị phá vỡ bởi sự toàn cầu hóa của người yêu thích Manga - Anime, còn có thể phê phán “Chủ nghĩa đế quốc Văn hóa” của Nhật Bản thu về những khoản lợi nhuận xác thực từ các nước khác bằng việc chỉ xuất khẩu những tác phẩm theo ý đồ của nhà cung cấp. Hơn nữa, một số nước có quy chế nhập khẩu Manga- Anime, nhưng cũng bị sức mạnh của quần chúng phá vỡ. Như vậy, ở đây chúng ta có thể nghiên cứu Manga và Anime theo nhiều lát cắt, ở nhiều cấp độ.

  1. 4. Kết luận

Nghiên cứu Manga- Anime, cùng với những luận bàn tổng thể về nó như một trào lưu văn hóa- xã hội của Nhật Bản, cũng có thể bàn tới từng tác phẩm cụ thể. Nếu như  cách nghiên cứu đầu tiên là đưa ra những luận điểm về tư tưởng triết học hiện đại, thì cách nghiên cứu thứ hai lại theo khuynh hướng tỉ mỉ, thông qua việc phân tích ngôn ngữ biểu hiện, luận bàn về tác giả, tác phẩm. So với những nghiên cứu nặng về phê bình, bình luận ở Nhật Bản, thì ở các nước sử dụng tiếng Anh, có thể thấy nhiều công trình lý luận học thuật trên nền tảng nghiên cứu văn hóa - nghiên cứu phim ảnh. Cầu nối giữa hai khuynh hướng nghiên cứu trên vẫn còn chưa hoàn thiện.

Hội nghiên cứu Manga - Anime ở Nichibunken của chúng tôi xuất phát điểm là lý luận đi theo từng tác phẩm riêng biệt. Bởi nền tảng văn hóa Manga- Anime được tạo thành từ những tác phẩm cụ thể này. Nhưng chúng tôi không đi sâu luận vào “biểu hiện luận”, “tác giả luận” hay “tác phẩm luận”, mà hướng tới mục tiêu mở ra những cách nhìn mới đối với tác phẩm Manga và Anime, thông qua sự liên hệ giữa tác phẩm và văn hóa - xã hội Nhật Bản đương đại. Điều đó mở đường cho việc kết nối những nhà nghiên cứu Nhật Bản của thế hệ thứ hai trở về trước với thế hệ thứ ba hiện nay. Và điều quan trọng hơn cả là lấy Manga và Anime Nhật Bản làm cánh cửa thu hút sinh viên đi từ giải trí đến tìm hiểu và suy ngẫm./.

 

Người dịch: Ngô Hương Lan



[1] Sự phân chia thế hệ nghiên cứu Nhật Bản theo cách này không phải là phổ biến, tùy từng ngành nghiên cứu, có thể có sự nhìn nhận khác nhau. Ví dụ, nhà chính trị học Gerald L.Curtis lại chia nghiên cứu chính trị Nhật Bản ở Mỹ ra làm 5 thế hệ (Nguồn: Gerald L.Curtis, “45 năm sống với chính trị và cá nục Nhật Bản” (Nikkei BP, 2008, tr.51-58)). Còn, theo điều tra của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, tỉ lệ các nghiên cứu sinh tiến sĩ người Mỹ nghiên cứu Châu Á và Đông Á đã tăng mạnh, năm 1989 là 1,3%, năm 1995 tăng lên 12,9%, năm 2005 là 13,1%. (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, Nghiên cứu Nhật Bản học tại Mỹ và Canada: sự tiếp tục và những cơ hội, Series Nghiên cứu Nhật Bản XXXVI, 2007, tr.37).

[2] http://research.nichibun.ac.jp/ja/coop/archives/s260/index.html

[3] Ví dụ, Thomas Lamarre (Fujiki Hideaki, Osaki Harumi dịch) “Anime Machine”, Hội xuất bản Đại học Nagoya, 2013, tr.17.

[4] Nakagawa Hiromi, “Sự biến đổi hình tượng “thiếu nữ” trong các Tạp chí dành cho thiếu nữ - Manga đã khắc họa “thiếu nữ” như thế nào?”, Hội truyền thông xuất bản, 2013.

[5] Teduka Osamu, Noguchi Fumio, “Teduka Osamu và Walt Disney”, NXB Kodansha, 2005.

[6] Okamoto Ken, “Du lịch sáng tạo theo sau Cuộc hành hương về thánh địa Anime/Contents Tourism (Nội dung ngành du lịch)/Tính khả năng của ngành Xã hội học du lịch”, NXB Nghệ thuật thám hiểm, NPO Hokkaido, 2013.

[7] http://www.nikkei.co.jp/category/offtime/tabeb/article.aspx?id=MMGEzq000021102013

[8] Nhật Bản là quốc gia tiên tiến đầu tiên thực hiện nghiêm chỉnh “Hiệp định về phòng chống mua bán hàng giả” (ACTA) với mục đích kiểm soát sự vi phạm bản quyền, song kỹ thuật của các cuộc đàm phán bí mật này bị phê phán mạnh mẽ ở châu Âu, kết quả là, thực ra chỉ có một mình Nhật Bản xúc tiến Hiệp định này, và có thể nói rằng Hiệp định này hầu như không có hiệu lực.

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn