GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

KHÁI QUÁT VỀ NỀN CÔNG NGHIỆP MANGA NHẬT BẢN (phần 2)

Đăng ngày: 23-09-2015, 00:09

3. Đội ngũ sáng tác (Mangaka và các phụ tá)

+ Mangaka: Hiện nay, ở Nhật Bản có khoảng 4.000 họa sĩ sáng tác Manga, được gọi là Mangaka. Điều kiện để trờ thành một Mangaka không cần bằng cấp, không cần qua đào tạo chính qui, chỉ cần họ có khả năng vẽ, có trí tưởng tượng phong phú, có thể cho ra đời những tác phẩm được công chúng công nhận. Trong khoảng 4.000 Mangaka nói trên có rất nhiều người chưa tốt nghiệp phổ thông, nhiều người đã từng học những chuyên môn, hoặc làm một công việc khác, nhưng họ phải là người đã có ít nhất một tác phẩm được phát hành chính thức. Ở Nhật Bản, ấn phẩm định kỳ (tạp chí Manga) được coi là xương sống của nền công nghiệp Manga, điều này đồng nghĩa với việc các Mangaka phải có khả năng đều đặn“sản xuất” ra những câu chuyện hấp dẫn. Ở một số nền công nghiệp truyện tranh nổi tiếng khác, như ở Mỹ, các họa sĩ truyện tranh làm việc theo nhóm dưới sự quản lý của nhà xuất bản, mỗi người đảm nhận một công việc chuyên biệt, như cốt truyện, người đi nét, người đi màu,... Nếu như họa sĩ này ngừng thì có người khác thay thế. Nhưng, ở Nhật Bản, Mangaka làm việc độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân trong việc hình thành ý tưởng và hoàn tất tác phẩm của chính minh, cho dù họ có sự giúp đỡ của những phụ tá. Chính vì vậy, mà mỗi một tác phẩm Manga của Nhật Bản được đánh giá là có những nét khác biệt, bởi nó thể hiện cả tính cá nhân, cá tính, trí tuệ và nhân sinh quan của người sáng tạo ra nó. Cũng vì thế, nếu như Mangaka gặp chuyện không thể sáng tác được nữa, thì tác phẩm đó cũng dở dang, không thể hoàn thành được.

Mangaka ở Nhật Bản được trọng vọng, giàu có và nổi tiếng cùng với tác phẩm của mình. Họ được giới truyền thông và mọi người xung quanh gọi là “Sensei” (tiên sinh, thầy – một từ thường dùng để gọi giáo viên và bác sĩ với ý nghĩa tôn kinh), họ có một lượng fans hâm mộ hùng hậu, nổi tiếng như các ngôi sao điện ảnh và ca nhạc. Nhưng để đạt được vị trí đó Mangaka đã phải làm việc một cách nghiêm túc, cần mẫn trong một môi trường rất khắc nghiệt ngay cả sau khi đã nổi tiếng. Thường thì Mangaka sẽ được nhận từ 15 đến 250USD tùy theo địa vị của họ trong nền công nghiệp. Ngoài ra, họ còn được nhận 10% lợi nhuận từ những cuốn sách bìa mỏng và việc cấp giấy phép cho tác phẩm chuyển thể sang phim hoạt hình, cũng như sản xuất các sản phẩm liên quan. Chính vì vậy, những họa sĩ có những tác phẩm “ăn khách” có thu nhập vô cùng lớn. Như, họa sĩ Shijin Mizushima đã có tên trong “cho- jabanzuke” năm 1978 (danh sách những người có thu nhập cao nhất Nhật Bản công bố hàng năm). Ông đã có thu nhập khoảng 1,3 triệu USD/năm. Năm 1980, hai họa sĩ Fujio – Fujiko cũng đã có tên trong danh sách này, với tổng thu nhập lên gần 1,7 triều USD, trong đó chủ yếu từ tác phẩm Doraemon. Rất nhiều họa sĩ đã đạt con số thu nhập triệu USD trước tuổi 30, như họa sĩ Toriyama Akira đã đạt 2,4 triệu USD khi 27 tuổi với bộ truyện “Dr. Slump” phát hành năm 1981.... Để đạt được danh tiếng và thu nhập như trên, các họa sĩ đã phải lao động không có thời gian nghỉ. Đôi khi, cùng một lúc họ phải sáng tác 5, 6 truyện cho các tạp chí khác nhau, thường xuyên chỉ ngủ 4, 5 tiếng một ngày, không có thời gian nghỉ.

+ Đội ngũ phụ tá: Khi đã trở thành một Mangaka có danh tiếng, công việc ngày càng nhiều lên, buộc họ phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Ở thời kỳ đầu, các thành viên trong gia đình sẽ giúp các họa sĩ để làm các công việc phụ như tẩy các nét thừa, hoặc vẽ các khung tranh. Nhưng, từ khoảng giữa thập niên 1960, khi các nhà xuất bản nâng các tạp chí như Shonen Manga từ xuất bản hàng tháng lên xuất bản hàng tuần, khiến việc nộp bản thảo trở nên áp lực. Các Mangaka đã phải thuê các phụ tá bên ngoài, tạo thành một “qui trình sản xuất” sản xuất khép kín. Các phụ tá đồng thời là người học việc, họ đảm nhận các công việc như: tô bóng, tạo mờ, vẽ nền và tỉa tót tranh, sửa lối mỹ thuật, lối kỹ thuật, lỗi chính tả, kể cả việc dọn dẹp, nấu ăn và chạy việc vặt... Thông thường một Mangaka nổi tiếng như Osamu Tezuka có khoảng 10 phụ tá; có những họa sĩ thành lập công ty riêng và phụ tá được tuyển dụng như nhân viên, như: họa sĩ Takao Saito[3] có 13 nhân viên chính thức làm việc trong công ty của ông. Mỗi một họa sĩ có một cách thức riêng trong việc sử dụng những phụ tá của mình. Phụ tá của Osamu Tezuka chỉ phải làm những công việc đơn giản, như: tô đen những những phần ông đánh dấu sẵn, vẽ các chi tiết nhỏ trên xe tô tô, nhà cửa, trang phục. Takao Saito, thì lại có phương pháp làm giống như nền công nghiệp tuyện tranh của Mỹ, ông coi việc sáng tác Manga như là việc sản xuất một bộ phim, mà ông là đạo diễn, ông ký hợp đồng mua bản quyền với một số nhà biên kịch lại sử dụng các phụ tá của mình theo năng lực cá nhân của từng người, phụ tá của ông có thể chuyên vẽ về nhà, chuyên vẽ về nhân vật nam, nữ, hoặc chuyên về phong cảnh,... Khi nhận được bản thảo, ông sẽ tổ chức họp nhóm lại để thảo luận về cốt truyện và tranh vẽ.

Tuy nhiên, dù sử dụng phụ tá theo hình thức nào thì cách thức và mối quan hệ giữa “Manga – Phụ tá” cũng được đánh giá rằng đây thực chất là mối quan hệ giữa “ông chủ - môn đồ” trong xã hội truyền thống Nhật Bản. Công việc phụ tá được cho là một kinh nghiệm quí báu của một người muốn gia nhập vào đội ngũ sáng tác của nền công nghiệp Manga. Có những người suốt cuộc đời chỉ dừng chân ở công việc của một thợ phụ trong dây chuyền sản xuất, nhưng cũng có nhiều phụ tá đã trở thành những Mangaka hàng đầu của Nhật Bản, như No Nagai, Nobuhiro Watsuki, Miwa Ueda...

+Nhà viết kịch bản: Như đã trình bày ở trên, ở Nhật Bản các Mangaka làm việc độc lập và phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc hình thành ý tưởng và hoàn tất tác phẩm của mình, đa số tự nghĩ ra cốt truyện của chính bản thân mình. Nhưng, có những họa sĩ sau khi có một tác phẩm đặc sắc, bản thân họ không thể nghĩ ra được những cốt truyện hay, đáp ứng đòi khỏi ngày càng khắc nghiệt của thị trường. Khả nắng sáng tạo bị bào mòn, buộc họ phải kết hợp với các nhà viết kịch bản. Chính vì vậy, mà sau này ở Nhật Bản đã hình thành nên một đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp, nổi tiếng như: Joro Gyu, Ikki Kajiwara, Kafuro Koike... điều ngạc nhiên là họ không phải là những người học về văn học, hay ngôn ngữ, mà Joro Gyu là người đã từng làm việc trong nhà máy Pachinko, điều hành một nhà hàng và chơi saxophone bè 2 trong ban nhạc jazz, là nhà báo, và là tác giả của bộ Manga nổi tiếng “Kugushi Sabuyan”. Ikki Kajiwara tác giả của tác phẩm “Ashita no Joe” viết về lĩnh vực thể thao, được ưa chuộng, là người rất hiểu biết về các môn võ như karate, judo, aikido và các môn thể thao khác. Kafuro Koike tuy là nhân viên chính thức của Bộ Nông Lâm Nghiệp, nhưng lại là một người ham mê cờ bạc, ông được coi là “tay chơi mạt chược chuyên nghiệp”, chính kiến thức về lĩnh vực này đã đem đén thành công cho ông trong bộ Manga “Golgo 13” với chủ đề về một sát thủ nổi tiếng.

Hàng năm, để có thể tôn vinh, khích lệ và bổ sung nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này, các nhà xuất bản, Hiệp hội Mangaka... đã dành nhiều giải thưởng cho các họa sĩ có những tác phẩm đặc sắc, như giải thưởng Tezuka và Shogakukan... Bên cạnh đó, Hội chợ truyện tranh (được gọi là Commiket/ Commic Market) cũng được tổ chức một năm 2 lần vào mùa hè và mùa đông, nhằm tạo ra một không gian để các họa sĩ trẻ và các họa sĩ nghiệp dư có cơ hội trưng bày, giới thiệu các tác phẩm của mình. Ngoài mục tích tạo sân chơi cho các fans của Manga, đây còn là nơi nhiều tài năng được phát hiện và là nơi thăm dò thị hiếu tiêu dùng của công chúng đối với những sản phẩm mang phong cách mới.

4. Qui trình sản xuất và lưu thông sản phẩm

Như đã trình bày ở trên, ở Nhật Bản, Mangaka làm việc độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân trong việc hình thành ý tưởng và hoàn tất tác phẩm của chính mình. Nhưng, nhà xuất bản lại có vai trò đưa tác phẩm đến bạn đọc, và mở rộng lợi nhuận cho Mangaka. Tính đến năm 1984, thì có khoảng 70 nhà xuất bản ở Nhật Bản xuất bản tạp chí Manga các loại, khoảng 50 nhà xuất bản xuất bản sách Manga dang bìa mềm. Cũng như các nền công nghiệp khác, công nghiệp xuất bản Manga ở Nhật Bản cũng được phân tầng. Tầng trên là các nhà xuất bản lớn độc quyền xuất bản Manga dành cho thiếu niên, nhi đồng và những Manga “kinh điển” – đây là hai thể loại được đánh giá là mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Điển hình như, nhà xuất bản Kodansha, Shogakkan, Shueisha... Tầng tiếp theo là các nhà xuất bản có qui mô nhỏ hơn một chút, như, nhà xuất bản Shonen Gahosha, Hakusensho, Futabasha, Kobunsha... Tầng dưới cùng là các nhà xuất bản có qui mô nhỏ. Cuộc cạnh tranh để tồn tại của các nhà xuất bản nhỏ hết sức khốc liệt, thường các nhà xuất bản này thường xuất bản những thể loại Manga chuyên biệt cho một đối tượng độc giả nhất định, như Manga Ero (Manga tình dục dành cho người lớn).

Đối với các nhà xuất bản, Manga là thể loại ấn phẩm ít phải biên tập nhất. Thông thường, ở các nhà xuất bản nhỏ, người ta chỉ cần một biên tập chịu trách nhiệm cho toàn bộ một loại tạp chí, nhưng, ở các nhà xuất bản lớn có loại tạp chí Manga cần đến 20 biên tập viên. Số biên tập viên của nhà xuất bản Kodansha có khoảng 150 người. Công việc của họ không đơn giản chỉ lựa chọn, đề xuất đăng truyện, đọc sửa bản in, trình bày,... mà họ còn phải liên hệ, đặt hàng, thúc giục và tạo áp lực với các Mangaka. Bởi vậy, biên tập viên Manga ở Nhật Bản có vai trò như là chiếc cầu nối giữa Mangaka và nhà xuất bản. Họ phải cạnh tranh khốc liệt trong việc ký kết hợp tác với các Mangaka “ăn khách”, nhất là trong một môi trường xã hội được coi là nhiều lễ nghĩa như ở Nhật Bản. Biên tập viên Manga được phác họa là hình ảnh một người khéo léo, hiểu lễ nghĩa, thận trọng, khúm núm, nhưng cũng cứng rắn và rất quyết liệt. Họ khéo léo, khúm núm, hiểu lễ nghĩa, lịch sự khi tiếp cận Mangaka và người quản lý của Mangaka, thận trọng trong lời nói và hành động khi giục bản thảo với các họa sĩ danh tiếng, cúng rắn quyết liệt khi giám sát Mangaka quên hoặc chậm nộp bài.

Sau khi bản thảo được lên khung, in thử để duyệt lần cuối, thì sẽ được chuyển đến in tại các nhà thầu phụ. Việc hoàn tất cả quyển sẽ không được thực hiện tại một nhà thầu, mà nó được chuyên nghiệp hóa, có nhà thầu chỉ chuyên chịu trách nhiệm in bìa, nhà thầu phụ trách in nội dung, nhà thầu phụ trách đóng quyển... Những cuốn sách, tạp chí hoàn chỉnh sẽ được chuyển về các kho của nhà xuất bản, rồi được chuyển đến các đại lý phân phối. Ở Nhật Bản có khoảng 70 đại lý phân phối, nhưng chỉ riêng hai nhà phân phối Tohan và Nippon Shuppan Hanbai đã nắm giữ 90% thị phần. Các đại lý phân phối sẽ phân phối sách đến tất cả các nhà sách, hiệu sách, và tất cả các cơ sở bán lẻ trong toàn quốc, như: cửa hàng 24/24 giờ, cây bán tự động, quầy sách báo trong các nhà ga... Tính đến năm 2004, thì trên toàn Nhật Bản có khoảng 34.241 nơi bán phát hành Manga, với 208.458 lao động (không kể nhân viên cửa hàng 24/24)[4].

Sơ đồ: Qui trình sản xuất và phân phối Manga

KHÁI QUÁT VỀ NỀN CÔNG NGHIỆP MANGA NHẬT BẢN (phần 2)

(Nguồn: Ro Reirei ( 2006 ). Văn hóa Manga ở Nhật Bản: Nhìn từ Thị trường Manga)

Thông thường thì các xuất bản phẩm nói chung của Nhật Bản, trước khi đưa ra phát hành đã được nhà xuất bản ấn định một giá cố định và thống nhất trên cả nước. việc bán hàng là theo dạng ký gửi. Nhưng gần đây, do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là do sự phát triển của mạng Internet và xuất bản điện tử, nên các ấn phẩm đồng dạng phát hành trên mạng có giá rẻ hơn ấn phẩm giấy 2, 3 lần. Cùng với đó, là sự xuất hiện của hệ thống cửa hàng “sách mới đã qua sử dụng”, bán những ấn phẩm mới nhưng giá rẻ đã khiến cho đặc trưng “giá cả cố định” trong hệ thống phân phối xuất bản phẩm của Nhật Bản bị phân hóa. Trước tình hình đó, vào năm 2004 các tổ chức, hiệp hội của ngành công nghiệp xuất bản đã lên tiếng phản đối việc bán giảm giá, đưa ra yêu cầu giữ nguyên giá cố định. Bộ Kinh tế, Thương mại cũng đã mở nhiều hội nghị bàn về vấn đề này, nhưng cũng chưa đưa ra được giải pháp ưu việt cho việc định giá ấn phẩm khi lưu thông trên thị trường.

Tóm lại: Thị trường Manga ở Nhật Bản đã được công nghiệp hóa vào những năm 1960. Trải qua gần 60 năm, nền công nghiệp này đã trở thành một nền công nghiệp truyện tranh thành công nhất thế giới. Thành công này không chỉ đã cho thấy được vai trò của nó trong nền kinh tế, mà còn là một minh chứng khẳng định Manga xứng đáng được người Nhật Bản coi như là một phát minh của họ sau Chiến tranh Thế giới lần II.

Hạ Thị Lan Phi, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Frederik L.Schodt (1988) Manga!Manga! The World of Japanese Comics, Kodansha International Ltd

[2] 呂玲玲。日本におけるマンガ文化:マンガマーケットとして見た日本

[3] Tác giả của bộ truyện “Golgo 13”

[4] 呂玲玲。日本におけるマンガ文化:マンガマーケットとして見た日本

 

Tài liệu tham khảo

1.Paul Gravett (2004), “Manga: 60 Years of Japanese Comics”, Laurence King Publishing Ltd

2.Frederik L.Schodt (1988) Manga!Manga! The World of Japanese Comics, Kodansha International Ltd

3.出版社学(2010), “出版指標年報 2009”  (Niên biểu xuất bản năm 2009)

4.天野研究所(2014).キャラクタービジネルに関する調査結果2014 (Điều tra liên quan đến kinh doanh hình tượng nhân vật 2014)

5.呂玲玲(2006)。日本におけるマンガ文化:マンガマーケットとして見た日本 (Văn hóa Manga ở Nhật Bản: Nhìn tiếp thị Manga)

6.中野晴行(2004)マンガ産業論 (Công nghiệp Manga luận)。筑摩書房。P79

7.Hiệp hội Xuất bản, Viện Nghiên cứu Khoa học Xuất bản (2014). “Thị trường Manga năm 2013”.Tháng 2/2014

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn