GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐẶC ĐIỂM VĂN HOÁ CỦA HÀNH VI TỪ CHỐI LỜI CẦU KHIẾN TRONG TIẾNG NHẬT (P.2)

Đăng ngày: 18-11-2015, 15:36

3. Lời từ chối bỏ lửng

Biểu thức “Ám chỉ”, từ chối bỏ lửng được người Nhật sử dụng với tần suất cao. Các câu nói bỏ lửng, lý do mập mờ, không rõ ràng được đưa ra đã trở thành “ám hiệu” để đối tượng giao tiếp hiểu ra hàm ý từ chối. Sự ngập ngừng, không chắc chắn, dành  quyền chủ động phán đoán, tiếp tục hoặc chấm dứt hội thoại cho đối tượng giao tiếp là một đặc điểm ứng xử của người Nhật Bản, nhưng dường như điều này dễ gây hiểu lầm, khiến cho người nước ngoài cảm thấy thiếu thoả đáng. Ví dụ:

Ví dụ 8. - 明日ですか。明日はちょっと… (Mai à? Mai thì hơi...)

Ví dụ 9. - 土曜日はちょっと… (Thứ 7 thì...)

Ví dụ 10. - 日曜日も都合が悪いですが… (Chủ nhật em cũng không có điều kiện...)

Trong tiếng Việt cũng có biểu thức từ chối “ám chỉ” như: “Mai thì tớ hơi ấy...”, “Chủ nhật lại ấy mất rồi”... Tuy nhiên, đây vẫn là những câu nói hoàn chỉnh có đủ chủ ngữ, vị ngữ chứ không giống như cách nói bỏ lửng trong tiếng Nhật.

4. Nêu lý do chung chung, tránh trình bày những vấn đề riêng tư

Biểu thức nêu “Lý do”, biện minh để từ chối được sử dụng nhiều nhất trong tất cả các tình huống khảo sát. Có thể nói, viện lý do để từ chối là phương thức từ chối phổ biến ở nhiều ngôn ngữ. Trong một khảo sát của Nguyễn Phương Chi (2004) về sự phân bố tỉ lệ sử dụng của các chiến lược từ chối trong tiếng Anh và tiếng Việt (qua một số tác phẩm văn học), chiến lược “viện cớ” để từ chối chiếm tỉ lệ cao nhất trong tiếng Anh là 16,2%, trong tiếng Việt là 17,2%. Tuy nhiên, tác giả này còn đề cập đến chiến lược “nêu tính bất cập của điều được yêu cầu” (10,1%) và “nêu tính vô ích của điều được yêu cầu” (14,7%) [3; tr.128-129], được xem là các chiến lược tương đồng với chiến lược “viện cớ”, vì vậy xét trên tổng tỉ lệ sử dụng, có thể nói “viện cớ” chiếm tới hơn 40% các chiến lược từ chối trong tiếng Anh. Cũng như vậy, theo điều tra của chúng tôi với đối tượng sinh viên Nhật Bản, biểu thức “Lý do” chiếm 27%-32% ở tình huống thứ nhất (từ chối lời nhờ dạy phần mềm máy tính), 24%-25% ở tình huống thứ hai (từ chối lời hỏi vay tiền), 32%-37% ở tình huống thứ ba (từ chối lời sếp nhờ đi gửi tài liệu), 33,3%-33,9% ở tình huống thứ tư (từ chối lời đề nghị đến trang trí hội trường vào ngày thứ 7 và chủ nhật của thày giáo). Kết quả điều tra tương tự đối với sinh viên Việt Nam cho thấy tỉ lệ nêu “Lý do” để từ chối chiếm từ 66% - 100% ở cả bốn tình huống trên. Biểu thức nêu “Lý do” trong tiếng Nhật chiếm tỉ lệ cao thứ hai, chỉ sau biểu thức “Xin lỗi”, còn trong tiếng Việt, biểu thức này được sử dụng nhiều nhất với tỉ lệ cao hơn hẳn so với các biểu thức còn lại.

Về nội dung của biểu thức “Nêu lý do”, chúng tôi thấy có sự khác biệt hoàn toàn giữa tiếng Nhật và tiếng Việt. Người Việt Nam khi trình bày lý do, thường đưa ra những lý do rất riêng tư và cụ thể như: Em còn đi ăn cưới chị em nữa; Dạ, chủ nhật em về quê ạ; Chị dâu tớ mới sinh em bé, nhà tớ sửa lễ nên tớ về luôn cho kịp cậu ạ; Nhưng chủ nhật giỗ ông ngoại em, em không thể tham gia được…; Mình cũng hết tiền rồi, chỉ còn vài trăm trong túi để tiêu tháng này đây, mà mình cũng phải tiêu dè thôi; Em phải đi cùng mẹ về quê ạ… Theo thống kê của chúng tôi, trong các lý do được đưa ra để từ chối, lý do liên quan đến “việc gia đình” chiếm tới hơn 70%. Dường như các lý do càng cụ thể thì càng chứng tỏ mức độ “chân thật” của người nói, và lý do liên quan đến “gia đình” thường dễ được người nghe thông cảm.

Ngược lại với người Việt Nam, đối với người Nhật, những lý do mang tính cá nhân có thể bị xem là kỳ cục. Trái lại, sinh viên Nhật thường đưa ra lý do chung chung kiểu như「明日予定があるので...」 (Mai tớ có kế hoạch rồi), 「日曜日は私用があるんですよね」(Chủ nhật mình có việc riêng rồi), 「明日は都合が悪いから...」(mai em không có điều kiện, nên là...), hoặc những câu nói bỏ lửng「それはちょっと…」(việc đó thì...),「明日はちょっと」(mai thì hơi...). Đó được xem là những tín hiệu mặc định để người nghe hiểu được ý đồ từ chối của người nói mà không cần giải thích cụ thể. Điểm khác biệt này liên quan đến văn hoá ứng xử: trong giao tiếp, người Việt có xu hướng người nói là trung tâm, các lý do đưa ra đều xoay quanh những thông tin về cá nhân người nói; trong khi, văn hoá giao tiếp của người Nhật với sự “khép mình, hoà vào tập thể” không cho phép người nói nói quá nhiều về bản thân, mà để người nghe tự phán đoán, suy ra ý đồ của người nói mới là cách hành xử tế nhị và được đánh giá cao.

5. Lời từ chối không rõ ràng

Một trong những đặc điểm nổi bật trong văn hoá từ chối của người Nhật Bản là “từ chối không rõ ràng”, thậm chí các từ mang ý nghĩa khẳng định hoàn toàn như 「いいです」(tốt quá),「結構です」(tốt rồi, đủ rồi) và「大丈夫です」(không sao đâu) lại có ý nghĩa từ chối trong nhiều trường hợp. Ta hãy xem xét các ví dụ sau đây:

Ví dụ 11. 「このシャツはいかがですか。」(Cái áo này thế nào ạ?)

「それはいいです。」(Cái đó thì được rồi (thì thôi, không mua)).

Ví dụ 12. 「お荷物はお持ちしましょうか。」(Tôi mang giúp ngài hành lý này nhé?)           「大丈夫です。」 (Không sao đâu.)

Ví dụ 13. 「コーヒーをもう一杯いかがですか。」(Bà uống thêm một tách cà phê nữa nhé?)    「結構です。」(Đủ rồi ạ./ Được rồi ạ)

Ba ví dụ trên cho thấy các từ khẳng định như :Tốt rồi, được rồi, không sao, đủ rồi... trong các trường hợp trên đều mang ý nghĩa từ chối. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với tiếng Việt, ta có thể thấy trừ trường hợp 11 (từ chối mua áo mà lại nói rằng cái này tốt rồi), các trường hợp còn lại (12 và 13) trong tiếng Việt cũng có cách biểu hiện tương tự, mang ý nghĩa từ chối. Khi từ chối một lời mời hay một lời đề nghị, để tránh cho đối tượng giao tiếp phải nghe câu trả lời phủ định trực tiếp, người Việt Nam cũng dùng các cách nói khẳng định nhưng lại mang nghĩa phủ định như:

Ví dụ 14. - Bác xơi thêm đi ạ.

- Cảm ơn bác, tôi đủ rồi.

Ví dụ 15. - Em lấy xe chở bác về nhé?

- Không sao đâu cô (có nghĩa là: tôi tự về được).

Thực ra, các câu trả lời (từ chối) khẳng định nhưng lại mang ý nghĩa phủ định trong các ví dụ 11, 12, 13 là các câu giản lược của câu đầy đủ 「買わなくてもいいです。」(Không mua cũng được.)「荷物をもってもらわなくても大丈夫です。」(Không mang hộ tôi hành lý cũng không sao)「コーヒーを持ってもらわなくても結構です。」(Không mang cà phê cho tôi nữa cũng được).

Tuy nhiên, có một số trường hợp chỉ cần thay đổi trợ từ cuối câu thì nghĩa “phủ định” lại biến thành “khẳng định”. Điều này gây cho người nước ngoài những khó khăn lớn khi giao tiếp với người Nhật mà chưa nắm rõ quy luật dùng trợ từ. Ví dụ:

Ví dụ 15. 「もうっ杯いかがですか。」(Một cốc nữa nhé?)

「いいです。」(Được rồi ạ.)

Ví dụ 16. 「もうっ杯いかがですか。」(Một cốc nữa nhé?)

「いいですよ。」(Được rồi mà.)

Ví dụ 17. 「もうっ杯いかがですか。」(Một cốc nữa nhé?)

「いいですね。」(Được đấy.)

Ví dụ 18.「もうっ杯いかがですか。」(Một cốc nữa nhé?)

「いいですか。」 (Được không ạ?)

Trên đây là một số nét văn hoá từ chối nổi bật của người Nhật Bản thông qua phân tích kết quả điều tra lời từ chối của sinh viên Nhật Bản tại một số trường đại học và dựa trên các tư liệu nghiên cứu khác của người viết. Có thể thấy các đặc trưng văn hoá từ chối bắt nguồn từ thói quen tư duy, ứng xử đã tồn tại bao đời nay của người Nhật Bản: đó là sự khép mình, khiêm tốn, hoà vào tập thể, tránh đối đầu trực diện với đối tượng giao tiếp, tránh xâm phạm thể diện người đối thoại bằng cách bày tỏ sự từ chối “phủ định” thẳng thừng... Tuy vậy, các đặc trưng này cũng có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến hiểu lầm trong giao tiếp của người Nhật Bản với người nước ngoài.

 

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn