GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TRANH LUẬN XUNG QUANH GIÁO DỤC TÔN GIÁO TRONG TRƯỜNG CÔNG CỦA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 30-06-2016, 10:13

Từ năm 1930 đến 1945, sự sùng kính tư tưởng Thần đạo ở Nhật đã được giới cầm quyền sử dụng cho mục đích thống nhất ý chí đất nước. Điều này được đưa vào trong tất cả các lớp học từ tiểu học đến các trường đại học. Tình hình đã thay đổi đáng kể do sự thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Việc giáo dục tôn giáo sau Chiến tranh đã được dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: sự tách biệt của tôn giáo và Nhà nước và tự do tôn giáo; tất cả đều đã được ghi rõ trong Hiến pháp. Trong khi giáo dục tôn giáo tại các trường tôn giáo được cho phép, giáo dục tôn giáo trong các trường công lập đã bị hạn chế nghiêm ngặt. Sau đó, Luật Giáo dục cơ bản được ban hành vào năm 1947 và Điều 9 của Luật có nội dung về giáo dục tôn giáo, thái độ khoan dung  đối với tôn giáo và vị trí của tôn giáo trong đời sống xã hội được đảm bảo trong giáo dục. Các trường thành lập bởi các cơ quan công quyền và địa phương từ bỏ giáo dục tôn giáo hoặc các hoạt động tôn giáo theo quy định. Những chính sách cơ bản về giáo dục tôn giáo ấy đã được duy trì cho đến bây giờ. Vì vậy, chỉ có giáo dục về kiến thức tôn giáo là được giảng dạy tại các trường công lập. Giáo dục về kiến thức tôn giáo có nghĩa là dạy về lịch sử phát triển của các tôn giáo lớn, những ý tưởng của người sáng lập, và các đặc điểm của tư tưởng của họ. Các loại giáo dục tôn giáo khác bị hạn chế. Hiện tại, các tranh luận liên quan đến giáo dục tôn giáo trong các trường công lập tập trung vào việc giáo dục lý tưởng tôn giáo. Theo đó, luận điểm của các cuộc tranh luận là có hay không khả năng về lý tưởng tôn giáo mà không liên quan mật thiết với tôn giáo cụ thể nào. Những tranh luận về giáo dục tôn giáo càng trở nên sôi nổi ở Nhật Bản trong nửa sau những năm 1990, do ảnh hưởng của sự kiện tấn công bằng khí Sarin trên tàu điện ngầm Tokyo bởi Giáo phái Chân lý Aum (オウム真理教, nay là Aleph) vào tháng ba năm 1995. Một số lượng không nhỏ những sinh viên trẻ (kể cả những người học về khoa học tự nhiên ở bậc đại học) đã gia nhập giáo phái này, nên một số học giả cho rằng vụ việc này có thể là hậu quả do giáo dục thiếu đầy đủ về tôn giáo ở trường học. Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng về nhận định này, nhưng chủ đề về giáo dục tôn giáo được tranh luận thường xuyên hơn và khẳng định được sự cần thiết của việc giảng dạy sâu hơn về giáo dục tôn giáo ở các trường công lập. Những người đề xuất chính đưa giáo dục tôn giáo vào trường công là một số chính trị gia của Đảng Dân chủ Tự do, cùng với một số giáo chức Thần đạo và tăng lữ Phật giáo.

Trong trường hợp này, giáo dục tôn giáo chủ yếu là việc giáo dục lý tưởng tôn giáo. Tuy liên tục kêu gọi nhấn mạnh giáo dục lý tưởng tôn giáo, song những người ủng hộ vẫn chưa đưa ra được các phương pháp sư phạm hiệu quả để tiến hành việc giảng dạy này. Việc đưa lý tưởng tôn giáo vào các trường công lập là khá phi thực tế vì những lý do sau đây:

1. Giáo dục lý tưởng tôn giáo không được thực hiện trong các trường công lập sau Chiến tranh, nên không phải tất cả các giáo viên đều được đào tạo về lĩnh vực này.

2. Mặc dù có rất nhiều tài liệu để dạy về lý tưởng giáo ở các trường tư tôn giáo, nhưng có rất ít các tài liệu như vậy ở các trường công lập.

3. Chưa có một giải thích hợp lý nào về sự cần thiết giáo dục này với xã hội, tuy đã xuất hiện những lo lắng mạnh mẽ trong xã hội.

Ranh giới giữa giáo dục kiến thức, giáo dục lý tưởng và giáo dục theo lập trường một giáo phái là rất mơ hồ. Ngay trong trường hợp của giáo dục kiến thức, giáo viên không thể bỏ qua khía cạnh lý tưởng hay thuyết minh về tôn giáo của một tôn giáo nào cả khi giải thích những tư tưởng của người sáng lập. Sự phân biệt giữa giáo dục kiến thức và giáo dục theo lập trường một giáo phái phụ thuộc vào việc các giáo viên và học sinh quan tâm đến điều này chủ yếu để có kiến thức cho kỳ thi hay để tìm hiểu các vấn đề cho đời sống tinh thần của họ. Những người có ý định đưa việc giáo dục lý tưởng tôn giáo vào trường công, thường nói tới sự suy yếu của tinh thần và đạo đức trong các thế hệ trẻ. Mặt khác, những người thể hiện phản đối kiểu giáo dục này, lại lo ngại việc trở về như thời kỳ trước Chiến tranh. Như vậy, ý kiến của các tổ chức tôn giáo dường như chia ra thành thầy tế Thần đạo và số giáo đạo chức của các tôn giáo còn lại.

Trong khi các tranh luận về giáo dục tôn giáo đang diễn ra, những sửa đổi Luật giáo dục cơ bản của nội các Abe trong năm 2006 đã  đưa điều luật liên quan đến giáo dục tôn giáo chuyển sang điều 15, với thay đổi nhỏ trong câu đầu tiên như sau « Khẳng định thái độ khoan dung đối với tôn giáo, khẳng định vị trí của tôn giáo trong đời sống xã hội, và việc việc học những kiến thức tổng thể về tôn giáo". Cụm từ "học những kiến thức tổng thể tôn giáo" được thêm vào, có nghĩa là việc sửa đổi không hướng tới việc đưa giáo dục lý tưởng tôn giáo vào các trường công lập, nhưng sẽ đưa vào việc giáo dục kiểu như « giáo dục văn hóa tôn giáo ». Vậy « giáo dục văn hóa tôn giáo » là gì ? Như đã đề cập ở trên, giáo dục lý tưởng tôn giáo gặp khá nhiều vấn đề về nhiều mặt. Ngay cả những bậc phụ huynh gửi con em họ đến một trường tôn giáo thì đa số không phải vì lý do tôn giáo. Họ thường chọn nó vì lý do khác, chẳng hạn như tỷ lệ học sinh có thể lên đại học, hoặc các chính sách giáo dục sinh viên một cách đứng đắn. Nếu nói tới giáo dục lý tưởng tôn giáo ở trường công, thì ngay cả  giáo viên và phụ huynh cũng cảm thấy e ngại. Từ quan điểm này, việc đưa « giáo dục văn hóa tôn giáo » vào các trường công lập được thảo luận. Nội dung giáo dục văn hoá tôn giáo được định nghĩa là giáo dục về cơ bản nhấn mạnh vào các nghiên cứu về tôn giáo, đánh giá tình hình tôn giáo trong xã hội, và thêm vào một số yếu tố của lý tưởng tôn giáo nếu cần thiết. Cụ thể hơn, nó làm tăng thêm sự hiểu biết toàn diện về văn hóa tôn giáo ở các nước khác cũng như chính văn hóa tôn giáo của người học trong nước.

Giáo dục văn hóa tôn giáo nếu đáp ứng được ba điều kiện sau đây thì sẽ được xem xét về khả năng giảng dạy trong các trường công lập.

1. Nằm trong giới hạn cho phép theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Được ủng hộ bởi đa số dân chúng.

3. Có khả năng để thực hiện tại thực tế các trường hiện nay ở Nhật Bản.

Như vậy, về điều kiện thứ nhất,  thì giáo dục văn hóa tôn giáo đáp ứng được. Liên quan đến điều kiện thứ hai, các cuộc khảo sát câu hỏi chung của các dự án của IJCC (Institute for Japan Culture and Classics- IJCC) và dự án JASRS (The Japanese Association for the Study of Religion and Society –JASRS) đặt ra câu hỏi "Bạn có nghĩ rằng kiến thức cơ bản hơn về tôn giáo nên được giảng dạy ở các trường trung học?" Cùng một câu hỏi được đặt ra liên tục bốn lần từ năm 1996 đến năm 1999, kết quả cho thấy rằng từ 11% tới 13% số người được hỏi đã trả lời: "tôi nghĩ là nên như vậy," và 20% trả lời "Nếu cần phải nói cụ thể, thì tôi sẽ nói có", vì vậy khoảng một phần ba số người được hỏi đã đưa ra phản hồi tích cực cho câu hỏi này. Khi thay đổi câu hỏi là"Bạn có nghĩ rằng kiến thức cơ bản hơn về các tôn giáo trên thế giới nên được giảng dạy bởi các trường trung học?", sau đó 22,5% số người được hỏi trả lời « tôi nghĩ như vậy » và 31,4% trả lời "Tôi sẽ nói có ".  Như vậy, một nửa số người được hỏi trả lời theo hướng khẳng định. Nhóm điều tra đưa ra một bộ dữ liệu khác. Một trang web có tên là "Phụ nữ trực tuyến"  (việc bỏ phiếu trực tuyến với sáu chủ đề được thực hiện hàng tuần) đã có một cuộc khảo sát về sự cần thiết của giáo dục văn hóa tôn giáo ở các trường công lập năm 2006, kết quả cho thấy 79% trong tổng số 988 người được hỏi trả lời "có". Có thể thấy đa số người Nhật nghĩ rằng giáo dục văn hóa tôn giáo đúng đắn là cần thiết trong thế giới đương đại. Đồng thời, thuật ngữ "giáo dục văn hóa tôn giáo" dễ được chấp nhận hơn "giáo dục tôn giáo".

Ở điều kiện thứ ba, cơ sở hạ tầng của hệ thống giáo dục và việc xuất bản tài liệu giảng dạy hữu ích, bao gồm sách giáo khoa, có thể đáp ứng được điều kiện này, hơn nữa còn có sự hợp tác giảng dạy các học giả trong lĩnh vực so sánh tôn giáo, xã hội học tôn giáo, nhân học văn hóa hoặc văn hóa dân gian.

Giáo dục văn hóa tôn giáo được kết nối với các nghiên cứu khác liên quan đến tôn giáo được thực hiện ở Mỹ, Anh, Úc, và các nước khác, đặc biệt tập trung vào những nước có bối cảnh xã hội tương tự Nhật Bản. Mặc dù có sự khác biệt văn hóa giữa Nhật Bản và các nước phương Tây, song vẫn có những yếu tố tác động chung, đó là :Sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa, sự ảnh hưởng của thời đại thông tin, đặc biệt là Internet, và vấn đề "giáo phái" (Cults).

Hiện thực hóa việc giáo dục văn hóa tôn giáo là rất khó nếu chỉ có mỗi giáo viên hoặc một trường duy nhất cố gắng thực hiện. Thiết lập mạng lưới giữa Nhà nước, chính quyền địa phương, tổ chức tôn giáo, và các học giả nghiên cứu tôn giáo cũng như các trường trung học là điều cần thiết, cũng như phải có một cơ quan cấp trung ương để vận hành hệ thống này hoạt động tốt.

Sau Chiến tranh Thế giới II, thông qua việc xây dựng hệ thống trường học, các tổ chức tôn giáo nâng cao vai trò và uy tín của mình trong xã hội, đồng thời đào tạo được nhân lực, tìm kiếm nhân tài ưu tú cho tổ chức. Việc giáo dục đạo đức tôn giáo trong trường tư (nội dung không liên quan tới chủ nghĩa quân phiệt) góp phần xây dựng lý tưởng sống cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong giáo dục tôn giáo trong trường công là giới trẻ đang không được giáo dục một cách đầy đủ về lý tưởng tôn giáo, ở đây không bao gồm các lý tưởng theo một lập trường của một giáo phái riêng biệt, mà là những mặt tích cực để phát huy các giá trị tinh thần của tôn giáo, nhất là các tôn giáo truyền thống. Những e ngại trong việc giáo dục lý tưởng tôn giáo ở trường công lập, đã dẫn tới những thiếu hụt hiểu biết của giới trẻ, để lại những hậu quả có thể được nhận thấy (như việc tham gia các giáo phái quá khích, như giáo phái Chân lý Aum). Những vẫn đề này tuy không gặp ở trường tư tôn giáo, nhưng trong tình hình hiện nay, việc giáo dục tôn giáo, hay còn được gọi là « văn hóa tôn giáo » ở trường công lập, đang trở thành một chủ đề gây tranh luận hiện nay.

Nguyễn Ngọc Phương Trang

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thị Thu Giang, Cống hiến mang tính xã hội của giới Phật giáo Nhật Bản- Sự kết hợp giữa đào tạo tăng sư và giáo dục quốc dân ở các trường đại học Phật giáo,  Bài giảng chuyên đề nghiên cứu Nhật Bản- lịch sử văn hóa- xã hội, tr. 147- 162, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2010.

2. Phạm Hồng Thái, Tìm hiểu chính sách tôn giáo của nhà nước Nhật Bản, Nhà nước và giáo hội (Chủ biên: Đỗ Quang Hưng), tr. 315- 326, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2003.

3. Phạm Hồng Thái (Chủ biên), Đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.

4. Susan D. Holloway, The Role of Religious Beliefs in Early Chilhood Educa- tion: Christian and Buddhism Preschool in Japan, United States, 1999 .

5. Inoue Nobutaka ,The possibility of education about religious culture in public schools, Kokugakuin University, Japan, 2007.

6. Saito Takanori,日本における宗教系大学の比較分析 - 制度的変数を中心として, 東京大学, 2014.

7. Tachibanaki Toshiaki,宗教と学校, 河出書房新社, 2013.

 

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn