GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

GIAO LƯU VĂN HÓA GIỮA VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN

Đăng ngày: 29-07-2016, 09:05

Tăng cường hợp tác, giao lưu trong lĩnh vực văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản có vai trò quan trọng trong bối cảnh hợp tác mới, là phương tiện tốt nhất để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần xây dựng mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim”. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Masahiko Komura đã từng nhận định: Một trong những yếu tố quan trọng nhất để hiện thực hóa ‘quan hệ đối tác chiến lược’ Việt Nam - Nhật Bản là giao lưu con người.

Giao lưu văn hóa là hoạt động nổi bật nhất trong quan hệ văn hóa giữa Việt Nam - Nhật Bản kể từ khi quan hệ ngoại giao được hâm nóng trở lại. Hàng năm, Festival Văn hóa - Du lịch Việt Nam được tổ chức tại nhiều thành phố của Nhật Bản và ngược lại Lễ hội văn hóa Nhật Bản cũng được tổ chức ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của nhân dân hai nước. Năm 2006 được coi là năm xúc tiến giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản với sự kiện Festival Nhật Bản được tổ chức ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh với quy mô chưa từng có. Phía Nhật Bản có tới 800 người tham gia trong các chương trình như: Giao lưu thể thao, Giao lưu văn hóa - nghệ thuật, Giao lưu nhạc nhẹ… Năm 2007, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức tại Hội An với nhiều nội dung như nghệ thuật trà đạo, nghệ thuật ẩm thực… đã có hàng chục ngàn người tham gia. Nhằm tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước, năm 2008, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã được thành lập. Đây là một số ít Trung tâm giao lưu văn hóa của Nhật được thành lập tại nước ngoài, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của văn hóa trong việc tăng cường quan hệ hai nước trên các lĩnh vực khác và là địa chỉ tin cậy để người Việt Nam học hỏi, trao đổi văn hóa với Nhật Bản. Thêm một sự kiện được coi là điểm đột phá đó là Đại nhạc hội Việt - Nhật được tổ chức vào tháng 5/2008 tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương, hai nước cùng tổ chức chương trình âm nhạc tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều ca sỹ Nhật và cũng là lần đầu tiên ca sỹ Việt Nam được giới thiệu tới công chúng Nhật Bản[1].

Các lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản được diễn ra như một động lực, món ăn tinh thần không thể thiếu trong hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 là một sự kiện kỷ niệm 35 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Lễ hội của Việt Nam tại Nhật Bản đã đi một chặng đường dài và trở thành sự kiện được nhiều người dân Nhật Bản biết đến. Không chỉ là kênh giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước, lễ hội còn là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tạo mối quan hệ kinh doanh với Việt Nam. Năm 2012, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản được tổ chức trong hai ngày ngày 15 và 16/9 tại công viên Yoyogi ở Tokyo. Lễ hội này đánh dấu chặng đường 5 năm và củng cố thêm mối quan hệ thân thiết giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Là lễ hội lớn mang tính thường niên được người dân Nhật Bản hết sức chào đón và quan tâm, năm nay Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ 9 đã khai mạc tại công viên Yoyogi ở Thủ đô Tokyo vào ngày 11/6/2016. Lễ hội mỗi năm là dịp để giới thiệu và trải nghiệm một “Việt Nam hôm nay”, sống động như chính tại Việt Nam, với các vật phẩm thủ công mỹ nghệ và loại hình nghệ thuật biểu diễn tiêu biểu cho văn hóa truyền thống Việt Nam như áo dài hay ẩm thực vốn đã được công chúng Nhật Bản đón nhận và đánh giá cao lâu nay, những tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ mới đang được yêu chuộng ở cả hai nước, hàng loạt món ăn ngon và bổ dưỡng của Việt Nam lại phù hợp với khẩu vị của người Nhật.

Ngoài ra còn có nhiều lễ hội được tổ chức tại Việt Nam như lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản được tổ chức vào tháng 8 hàng năm tại Hội An. Lễ hội  này lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 8 năm 2002. Mục đích của lễ hội là gợi nhớ lại chặng đường quan hệ lâu đời, gắn bó, thân thiết giữa Việt Nam - Nhật Bản. Hay như lễ hội hoa Anh đào được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 8/4/2007 đã gây xúc động cho nhiều người. Đến năm 2012 đã có 3 lần lễ hội hoa Anh đào được tổ chức ở Việt Nam. Anh đào vốn là quốc hoa của Nhật Bản (Hoa thiêng), do vậy lễ hội hoa Anh Đào mang ý nghĩa thiêng liêng, mong muốn quan hệ hữu nghị hai nước giống như quan hệ anh em, máu mủ ruột già. Bên cạnh đó, các hoạt động như triển lãm tranh, ảnh của nghệ sĩ hai nước thường xuyên được diễn ra tại hai nước, và một số cuộc thi “Người đẹp hoa Anh Đào”, “Miss áo dài” làm tăng thêm sự phong phú của hoạt động giao lưu văn hoá - nghệ thuật giữa hai nước [2].

Tháng 11 năm 2013, nhằm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hóa truyền thống Nhật Bản tổ chức chương trình “Giao lưu văn hóa Việt - Nhật”. Với chủ đề “Nhịp cầu hữu nghị Việt - Nhật kết nối từ Hoa và Tre”, từ những vật liệu về hoa, đặc biệt là cây tre vốn thân thuộc với nhân dân 2 nước, các nghệ nhân của Nhật Bản đã giới thiệu tới khán giả, người dân Thủ đô về nghệ thuật cắm hoa Ikenabo, nghệ thuật trà đạo, trình diễn trang phục truyền thống Kimono Nhật Bản… Chương trình giao lưu cũng giới thiệu những tiết mục âm nhạc dân gian nổi tiếng của Việt Nam bằng đàn T’rưng, Klong pút, trình diễn áo dài truyền thống dân tộc [3].

Các hoạt động giao lưu trong lĩnh vực văn hóa là kết quả của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Sakaba Mitsuo từng khẳng định: “Quan hệ hai nước chúng ta đang ở giai đoạn viên mãn nhất ở trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt ở các hoạt động giao lưu văn hóa thực sự phong phú. Nhật Bản coi trọng tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa đó. Bởi đó là những hoạt động làm cho nhân dân hai nước chúng ta thấu hiểu nhau hơn, gắn kết nhau hơn. Đó cũng là yếu tố thực sự làm giàu thêm bản sắc dân tộc của mỗi nước”[4]. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 43 năm, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có những bước tiến dài, phát triển vượt bậc, toàn diện và sâu sắc. Đặc biệt, thông qua những hợp tác trao đổi và giao lưu văn hóa giữa hai nước, Việt Nam đã tiếp thu được những kinh nghiệm nhất định từ Nhật Bản trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc trên cơ sở tiếp thu những thành tựu của văn hóa nước ngoài, trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện mới. Nhiều giá trị của văn hóa Nhật Bản đã đi vào đời sống văn hóa hàng ngày của người Việt Nam góp phần làm phong phú và đa dạng thêm đời sống văn hóa Việt Nam đương đại.

Trần Mỹ Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] TS. Trần Quang Minh – Phạm Qúy Long (Chủ biên) Xây dựng đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản: nội dung và lộ trình (kỷ yếu hội thảo), Nxb Từ điển bách khoa, Tr. 362, 363, 371.

[2] Giao lưu văn hóa- trụ cột phát triển quan hệ Việt-Nhật

http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/giao-luu-van-hoa-tru-cot-phat-trien-quan-he-vietnhat-281589.vov

[3] Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản

http://www.vietnamtourism.com/index.php/news/items/15635

[4] VOV: Nơi gắn kết tình yêu Việt Nam-Nhật Bản

http://vov.vn/xa-hoi/vov-noi-gan-ket-tinh-yeu-viet-namnhat-ban-429191.vov

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn