GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHỮNG GỢI MỞ CHO CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN CỦA NHẬT BẢN (Phần 1)

Đăng ngày: 4-08-2016, 12:34

Trong bối cảnh chạy đua kinh tế toàn cầu, công nghiệp văn hóa đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Nhật Bản, công nghiệp văn hóa được xem như một lĩnh vực kinh tế then chốt, tạo ra ưu thế cạnh tranh tổng thể, thúc đẩy sự đổi mới, cũng như tạo sự đa dạng, cân bằng hơn cho nền kinh tế. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu vai trò của công nghiệp văn hóa qua trường hợp Nhật Bản, từ đó đưa ra một vài gợi mở đối với sự phát triển của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

1. Khái lược về công nghiệp văn hóa

Ngay từ khi xuất hiện vào những năm 1930, khái niệm công nghiệp văn hóa đã gây ra nhiều tranh cãi. Ban đầu, người ta cho rằng công nghiệp văn hóa là biến tướng của dây chuyền sản xuất sản phẩm văn hóa hàng loạt nhằm “tẩy não”, lôi kéo quần chúng để phục vụ cho các mục đích riêng của chủ nghĩa tư bản. Sau này lại có quan điểm e ngại rằng công nghiệp văn hóa thực chất là sự “xâm lăng văn hóa”, “áp đặt giá trị” đến từ các cường quốc công nghệ cao, có khả năng thống lĩnh thị trường tiêu thụ văn hóa. Một số nhà nghiên cứu thì cho rằng “kinh tế” và “văn hóa” là hai đường thẳng song song không có điểm chung, một bên là giá trị vật chất, một bên là tinh hoa tâm hồn; áp đặt kinh tế và văn hóa vào cùng một phạm trù sẽ làm tầm thường hóa, vật chất hóa các giá trị văn hóa.

Trải qua thời gian, lĩnh vực sản xuất kinh doanh văn hóa đã có những bước tiến nhất định, chứng minh công nghiệp hóa văn hóa không phải lúc nào cũng làm mất đi các giá trị văn hóa. Ngược lại, công nghiệp hóa văn hóa ngày càng đem lại những tác động tích cực trong khuyến khích sáng tạo và bảo tồn văn hóa. Cùng với xu hướng hội nhập quốc tế cũng như tiến bộ của khoa học công nghệ, công nghiệp văn hóa đã thể hiện vai trò là “một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao”, “một công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế” và là “yếu tố quan trọng trong thương mại và cạnh tranh quốc tế”.

Ngày nay, “công nghiệp văn hóa” vẫn là một khái niệm mở, chưa có một định nghĩa thống nhất nào về thuật ngữ này. Cũng thật dễ hiểu bởi khó có thể đem một phạm trù trừu tượng như văn hóa ra để “định tính”, “định lượng”. Mặt khác, thực tiễn phát triển của các nước cũng cho thấy nội hàm khái niệm công nghiệp văn hóa có nhiều điểm không giống nhau. Khái niệm “công nghiệp văn hóa” được sử dụng rộng rãi nhất cho đến nay là khái niệm do UNESCO đưa ra vào năm 2007: “Công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa và sản xuất những sản phẩm và dịch vụ đưa vào tri thức (kể cả những giá trị văn hóa hiện đại và truyền thống. Điểm chung nhất của các ngành công nghiệp văn hóa là nó sử dụng tính sáng tạo, tri thức văn hóa và văn hóa” (UNESCO, 2007); đơn giản hơn có thể hiểu “công nghiệp văn hóa” là “ngành công nghiệp biến các thành quả sáng tạo văn hóa thành hàng hóa thỏa mãn nhu cầu đa dạng của đại chúng… Đặc trưng của công nghiệp văn hóa là dựa trên quá trình sáng tạo văn hóa và ứng dụng khoa học- công nghệ cao. Sản phẩm công nghiệp văn hóa có sự kết hợp chặt chẽ giữa giá trị kinh tế và giá trị văn hóa, có sức lan tỏa không bị hạn chế bởi giới hạn biên giới, quốc gia” [1]. Công nghiệp văn hóa bao gồm 11 ngành chính là: quảng cáo, kiến trúc, công nghệ kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm điện tử.

Ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa vẫn còn là một ngành rất mới mẻ, mới chỉ bắt đầu manh nha trong lĩnh vực điện ảnh và biểu diễn nghệ thuật nhưng hầu như chưa thu được hiệu quả cao. Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XI, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và ra Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” thể hiện tư duy chiến lược gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế và văn hóa, coi việc xây đựng văn hóa phải đồng bộ và tương xứng với tăng trưởng kinh tế, nhấn mạnh vai trò cấp thiết của văn hóa trong phát triển đất nước, phát triển nền kinh tế tri thức. Chính vì vậy việc tham khảo kinh nghiệm của các nước đi trước trong lĩnh vực này là rất cần thiết.

2. Vai trò của công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển từ rất sớm và thu được nhiều thành quả rất ấn tượng trong những thập niên gần đây. Ở Nhật Bản ngày nay, công nghiệp văn hóa được coi như một trong những lĩnh vực kinh tế trụ cột, có vai trò quan trọng trong việc hàng năm đem lại một nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động. Đó là chưa kể đến việc công nghiệp văn hóa Nhật Bản đã có ảnh hưởng rất to lớn ở hải ngoại về văn hóa và ngoại giao. Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu vai trò của lĩnh vực này của Nhật Bản ở khía cạnh kinh tế và truyền bá văn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế.

Về mặt kinh tế, thực tế cho thấy các ngành kinh doanh văn hóa ở Nhật Bản đem lại hiệu quả rất cao trong khi không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, chủ yếu là tận dụng tư duy sáng tạo của con người. Công nghiệp văn hóa đem đến cơ hội công ăn việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy sự phát triển của những ngành phụ trợ, đặc biệt là ngành công nghiệp dịch vụ. Bên cạnh đó, trong khi các ngành công nghiệp truyền thống dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động tiêu cực của thị trường thì ngành công nghiệp văn hóa đã chứng tỏ sự vững vàng và sức bật đáng kinh ngạc. Ngay cả khi nước này liên tiếp trải qua các thảm họa thiên nhiên hay rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế thì ngành công nghiệp văn hóa vẫn tăng trưởng ổn định, trở thành trụ cột cho toàn bộ nền kinh tế, cụ thể như cuộc suy thoái kinh tế thế giới 2008 hay thảm họa kép năm 2011. Nhật Bản chỉ chịu ảnh hưởng trầm trọng đến phát triển kinh tế khi đất nước này kiệt quệ lực lượng lao động trẻ, nguồn cung không đáp ứng nổi nhu cầu.

Công nghiệp văn hóa góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng GDP Nhật Bản với doanh thu ròng hàng năm chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế và thu hút 5% nhân công lao động của toàn quốc. Theo thống kê của Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản năm 2013, nếu chỉ tính riêng thị trường nội địa của ngành công nghiệp nội dung số, lĩnh vực cốt lõi của công nghiệp văn hóa, đã đạt khoảng 12 nghìn tỷ yên. Xuất khẩu năm 2013 của ngành này đạt 550 tỷ USD, với mục tiêu mở rộng thị trường tại khu vực Châu Á, Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ đạt 75,8 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, ngoài những hiệu quả kinh tế trực tiếp như đã nêu thì hiệu quả kinh tế gián tiếp mà ngành công nghiệp này mang lại cũng rất lớn. Ví dụ như, hiệu quả trực tiếp của ngành công nghiệp nội dung số năm 2011 đạt khoảng 12 nghìn tỷ yên, nhưng hiệu quả gián tiếp của ngành này đạt 22,2 nghìn tỷ yên [2].

Từ năm 2009 đến 2014, tổng kim ngạch của riêng ngành công nghiệp nội dung số tăng 5,4% từ 13,3 nghìn tỷ yên lên 14 nghìn tỷ Yên, năm 2015 có giảm sút nhưng vẫn đạt khoảng hơn 12 nghìn tỉ yên. Chỉ riêng doanh số bản quyền ngoài nước liên quan tới Manga và Anime đã lên tới 3 nghìn tỷ yên (khoảng 26 tỷ USD) năm 2005. Cũng trong năm này, doanh thu vé và DVD của phim hoạt hình lên tới 5,2 tỷ USD trên toàn thế giới. Cụ thể hơn, riêng doanh thu từ phim hoạt hình Pokemon và các sản phẩm liên quan trên thị trường toàn thế giới tính đến tháng 12/2011 đã đạt 3,5 nghìn tỷ yên (khoảng hơn 30 tỷ USD) [3] .

Công nghiệp văn hóa còn được xem là động lực, là chỉ số phát triển kinh tế quốc gia. Từ những năm cuối thế kỷ XX, đặc biệt từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Nhật Bản đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguyên do là tỷ trọng công nghiệp văn hóa trong hệ thống kinh tế quốc gia đã được nâng lên với tốc độ nhanh chóng và  đang trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò một trong những trụ cột của nền kinh tế. Trong khi tạo nên một thị trường tiêu thụ rộng lớn với tất cả những phương thức quản lý, kinh doanh của một ngành công nghiệp, công nghiệp văn hóa đã tạo nên những giá trị văn hóa mới làm cho đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú. Công nghiệp văn hóa khai thác, sử dụng hiệu quả tính sáng tạo, kỹ năng sở hữu trí tuệ, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có nội dung văn hóa đã đem lại nguồn thu nhập quan trọng đối với cá nhân và xã hội. Một khi công nghiệp văn hóa trở thành mũi nhọn hay một trong những ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế thì lực lượng lao động trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực của ngành này là rất lớn. Năm 2004, lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Nhật Bản thu hút khoảng 2.150.000 người, năm 2010 lên tới khoảng hơn 3.000.000 người, chiếm từ 5% - 7% lực lượng lao động toàn quốc. Chỉ tính riêng nhân công trong ngành công nghiệp nội dung số đã chiếm 310.000 người (năm 2007), dự báo sẽ tăng lên hơn 500.000 người  vào năm 2020 [4].

Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng trong những năm tới đây, công nghiệp văn hóa có khả năng “kéo” nền kinh tế Nhật Bản và là “nguồn sức mạnh” thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản ở thị trường nước ngoài.

Về mặt truyền bá văn hóa,  ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản còn góp phần quan trọng bảo tồn, phát triển văn hóa trong nước và quảng bá văn hóa Nhật Bản trên phạm vi toàn thế giới. Đối với văn hóa trong nước, các sản phẩm công nghiệp văn hóa có vai trò tích cực đối với việc giáo dục và giúp cảm nhận thường xuyên các giá trị văn hóa dân tộc thông qua việc tiêu dùng các sản phẩm văn hóa. Xem phim hoạt hình, đọc truyện tranh, thói quen đi du lịch các miền quê trong nước... không chỉ giúp người Nhật giải trí, tiêu khiển mà còn qua đó hiểu sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc; hiểu biết sâu sắc hơn về các giá trị lối sống. Cũng do vậy mà các giá trị văn hóa truyền thống từng bước được củng cố vững bền hơn trong nhận thức và lối sống của mỗi người dân.

Về phương diện quảng bá văn hóa Nhật Bản ở hải ngoại thì các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Nhật Bản là một phương tiện, công cụ sắc bén. Thông qua việc tiêu dùng các sản phẩm văn hóa Nhật Bản, nhất là truyện tranh, game, phim hoạt hình, món ăn Nhật Bản... người tiêu dùng dần ngày càng có cảm tình với đất nước xứ anh đào nhiều hơn. Lấy Việt Nam làm ví dụ cụ thể, không phải ngẫu nhiên mà giới trẻ Việt Nam hiện nay đều yêu mến Nhật Bản ngay từ tấm bé; không phải qua đài báo, TV hay những chương trình quảng bá chính thống mà lại chính từ những bộ phim hoạt hình hay những quyển truyện tranh vô cùng gần gũi. Từ yêu thích chú mèo máy Doraemon, người ta tò mò muốn nếm thử món bánh Dorayaki, từ yêu thích cậu bé Naruto, người ta biết nhiều hơn về ninja Nhật Bản, cảm mến tính thần võ sĩ đạo. Sản phẩm công nghiệp văn hóa đã trở thành cây cầu ngắn nhất đem Nhật Bản chân thật, ấn tượng và đẹp nhất đến trong mắt bạn bè trên thế giới. Vì thế, từ những năm đầu của thế kỷ XXI, văn hóa đại chúng của Nhật Bản, đặc biệt là văn hóa giải trí, được nhận diện như phương tiện của “quyền lực mềm” để Nhật Bản thay đổi cách tiếp cận quan hệ quốc tế thời hiện đại. Sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp văn hóa Nhật Bản không chỉ dừng lại ở việc quảng bá văn hóa quốc gia ra nước ngoài mà còn mong muốn nâng cao hơn nữa hình ảnh có sức cuốn hút ngày càng lớn trên thế giới. Chính vì thế, những sản phẩm của công nghiệp văn hóa luôn nhấn mạnh đến các yếu tố mang tính đặc trưng văn hóa của Nhật Bản, qua đó người dân ở nhiều quốc gia ngày càng hiểu rõ hơn về nền văn hóa cũng như đất nước, con người Nhật Bản, tạo ấn tượng tốt về quốc gia này.

Chính vì có vai trò quan trọng như vậy, trong các công bố của mình, Ủy ban Thương hiệu quốc gia của Nhật Bản đã để cập đến khái niệm "ngành công nghiệp sức mạnh mềm" và chỉ rõ đó là công nghiệp văn hóa. Một nền văn hóa cuốn hút, hấp dẫn bên ngoài sẽ tạo điều kiện mở đường cho sự phát triển của các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao. Đây là ngành công nghiệp mang tính sáng tạo cao, có thể tạo ra những thương hiệu độc đáo bao hàm giá trị kép là giá trị kinh tế và nâng cao hình ảnh cuốn hút, hấp dẫn của Nhật Bản nói chung; văn hóa Nhật Bản nói riêng.

Phạm Thu Thủy, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

Nguồn:

[1] UNESCO: Các ngành công nghiệp văn hóa - Tâm điểm của văn hóa trong tương lai

Website: http://portal. unesco.org/culture/en/ev.

[2] 経済産業省 (2013), クリエイティブ産業の現 状と課題 (Bộ Kinh tế và Công nghiệp (2013), Hiện trạng và những vấn đề tồn đọng của ngành Công nghiệp Sáng tạo)

http://www.meti.go.jp/committee/kenkyukai/seisan/ cool_japan/pdf/011_s02_00.pdf. (Dẫn theo Hạ Lan Phi, 2016).

[3] Theo số liệu của Kantamedia Việt Nam

[4] Theo Báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở năm 2015

[5] Theo Báo cáo của Tổng cục Du lịch.

[6] Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản, phát hành và một số nội dung cơ bản, trọng tâm thực hiện Luật Xuất bản trong năm 2015.

[7] Báo cáo Hiệp hội dệt may Việt Nam năm 2015.

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn