GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

DƯ LUẬN NHẬT BẢN VÀ PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC VỀ PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI (PCA)

Đăng ngày: 8-08-2016, 17:51

Sau hơn 3 năm kể từ khi Philippines đơn phương khởi kiện vào tháng 1/2013, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông vào ngày 12 tháng 7 năm 2016. Theo phán quyết của PCA, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. Trung Quốc đã phải hứng chịu một thất bại pháp lý nặng nề và Philippines đã giành được một chiến thắng pháp lý quan trọng. Truyền thông Nhật Bản đã có nhiều bài đưa tin bình luận về phán quyết của PCA.

Báo Sankei nhận định việc Tòa trọng tài tuyên bố “Đường chín đoạn” do Trung Quốc vạch ra không có cơ sở pháp lý quốc tế là khá nặng. Phán quyết đã phản đối hoàn toàn việc Trung Quốc viện cớ là dựa trên căn cứ lịch sử vẽ ra đường chín đoạn độc chiếm phần lớn Biển Đông.

Trong khi đó, báo Asahi đã hối thúc mạnh mẽ Trung Quốc nên chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài. Báo này cảnh báo Trung Quốc hoặc trở thành một quốc gia có trách nhiệm duy trì trật tự theo luật pháp quốc tế hoặc trở thành một nước thách thức trật tự thế giới. Chính quyền chủ tịch Tập Cận Bình cần phải tự nhận thức và thay đổi cách tiếp cận đối với vấn đề Biển Đông.

Báo Nikkei cho rằng Trung Quốc nên tôn trọng hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành và cần phải đưa ra một quyết định trong bối cảnh hiện nay. Báo này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra áp lực đối với Trung Quốc thông qua hợp tác quốc tế. Hai nước Nhật Bản, Mỹ cùng với các nước châu Á, châu Âu cần đoàn kết để yêu cầu Trung Quốc chấp nhận phán quyết, ngoài ra cần phải cảnh báo mạnh mẽ hơn nữa ý định thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông và việc bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough gần Philippines.

Báo Yomiuri cho rằng Mỹ và các nước liên quan như Philippines cần duy trì hoạt động tuần tra xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc để khẳng định quyền tự do hàng hải. Từ năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp bảy bãi đá mà nước này chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự, cầu cảng và sân bay. Ngoài ra, bất chấp việc Philippines khởi kiện, Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động kiểm soát bãi cạn Scarborough, ngoài khơi biển Philippines, xua đuổi và bắt giữ các tàu dân sự xung quanh khu vực này.

Nhiều bài báo Nhật Bản phê phán chiến lược biển của Trung Quốc. Hai tờ Sankei và Nikkei đã có bài viết về việc lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu chấp pháp xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, đây là vấn đề liên quan trực tiếp và được Nhật Bản đặc biệt chú ý.

Phán quyết của Tòa trọng tài được đưa ra chỉ vài ngày trước thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại Mông Cổ với sự tham gia của hơn 50 quốc gia trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc. Nhiều quốc gia đã tìm tiếng nói chung yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết. Là một nước láng giềng, Nhật Bản cũng ủng hộ lập trường này, và nếu Trung Quốc không thay đổi, họ sẽ tự cô lập chính mình. Tuy nhiên việc đoàn kết, thống nhất đã gặp nhiều khó khăn và tuyên bố của nước chủ nhà Mông Cổ chỉ là các nước giải quyết tranh chấp dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Báo Asahi cũng phê phán mạnh mẽ chủ trương của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa trọng tài. Báo này kêu gọi Trung Quốc nhìn về đại cục, không nên có quan điểm đối lập với Nhật Bản và cần chuẩn bị môi trường hòa bình để đối thoại[1].

Bên cạnh đó, dư luận quốc tế cũng quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc như thế nào sau khi phán quyết được đưa ra. Sau khi phán quyết được đưa ra, không khí trên các con phố Bắc Kinh không có quá nhiều khác biệt so với trước đây. Cảnh sát Trung Quốc thực hiện cấm đường tại con đường đi tới Đại sứ quán Philippines tại Trung Quốc, cấm tất cả mọi loại phương tiện và người dân đi qua. Theo tin tức từ Thời báo Hoàn Cầu, Đại sứ quán Philippines trước đó đã đưa ra cảnh báo cho các công dân Philippines tại Trung Quốc không được bàn luận về vấn đề vụ kiện Biển Đông. Về phía Trung Quốc, vào ngày công bố kết quả về vụ kiện Biển Đông, tàu khu trục tên lửa mới nhất của Trung Quốc với tên gọi Ngân Xuyên 052D đã được đưa vào phục vụ trong hạm đội Biển Đông, tăng số lượng chiến hạm 052D trong hạm đội Biển Đông lên 4 chiếc. Số lượng lớn tàu khu trục 052D sẽ bảo vệ hiệu quả quyền lợi biển của Trung Quốc, và có thể cung cấp mạng lưới bảo vệ trên không cho đội tàu sân bay. Cùng ngày, chính phủ Trung Quốc trưng dụng máy bay dân dụng Trung Quốc thực hiện bay thử nghiệm thành công tại sân bay mới xây dựng trên đảo đá Vành Khăn và đá Subi tại quần đảo Trường Sa. Người phát ngôn thông tin Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khi trả lời phóng viên về hoạt động diễn tập huấn luyện trên Biển Đông cho biết dù kết quả của tòa trọng tài như thế nào, quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và quyền lợi biển, kiên quyết bảo vệ hòa bình ổn định khu vực, đối phó với mọi thách thức và nguy cơ[2]. Hành động này của Trung Quốc một mặt thể hiện thái độ phớt lờ, không quan tâm đến phán quyết của PCA, mặt khác Bắc Kinh muốn khẳng định lập trường nhất quán của mình trong vấn đề Biển Đông, không phán quyết nào có thể thay đổi được.

Thêm vào đó, sau khi Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết cuối cùng, Trung Quốc ngay lập tức ra “Tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải tại Biển Đông của nước CHDCND Trung Hoa”. Tuyên bố nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông: các đảo ở Biển Đông gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Pratas, quần đảo Macclesfield, Trung Quốc đều có chủ quyền. Các vùng nước nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp ở Biển Đông, Trung Quốc đều có chủ quyền mang tính lịch sử [3].

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng phán quyết của PCA là vô giá trị, không có hiệu lực ràng buộc và Trung Quốc không thừa nhận, không công nhận. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có bài phát biểu về phán quyết cuối cùng của PCA. Ông tuyên bố vụ kiện Biển Đông từ đầu đến cuối chỉ là “một trò hề chính trị”. Ông nói, hơn 60 nước công khai giải thích và ủng hộ lập trường và chủ trương của Trung Quốc. Đó là tiếng nói của chính nghĩa, cộng đồng quốc tế cần phải lắng nghe. Các đảo ở Biển Đông từ trước đến nay đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông không bị ảnh hưởng sau phán quyết của PCA. Trung Quốc không công nhận chủ trương và hành động của phán quyết này. Chính phủ Trung Quốc nhắc lại, với tranh chấp về vấn đề lãnh thổ và phân định lãnh hải, Trung Quốc không chấp nhận phương thức giải quyết bao gồm bên thứ ba, không chấp nhận bất cứ phương án nào tăng cường giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, công nhận chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cùng với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiên trì với các bên có liên quan trực tiếp trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, căn cứ vào luật pháp quốc tế, thông qua hiệp thương đàm phán giải quyết những tranh chấp có liên quan ở Biển Đông, duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông [4].

Trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn buộc họ phải chấp nhận phán quyết của PCA chống lại các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết vùng biển chiến lược này thì Trung Quốc cảnh báo sẽ “phản ứng cương quyết”, sẽ không có ý định lùi bước trước cái mà nước này gọi là các hành động khiêu khích ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Trung Quốc sẽ có phản ứng cương quyết nếu ai đó có bất kỳ hành động khiêu khích nào đối với những lợi ích an ninh của Trung Quốc dựa vào phán quyết của Tòa trọng tài”[5].

Có thể thấy, sau khi phán quyết của PCA được công bố, lập trường của Trung Quốc là kiên quyết phản đối và bước đầu có những tuyên bố thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ với phán quyết. Trái ngược hoàn toàn với thái độ đó, Mỹ và Nhật Bản đều ủng hộ phán quyết, Philippines và Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”[6].

Nói tóm lại, với vụ kiện này, Trung Quốc có thể sẽ không tuân thủ phán quyết ngay lập tức, và các tuyên bố chính thức của Trung Quốc vẫn khẳng định phán quyết không ảnh hưởng gì đến mình. Một số chuyên gia lo ngại rằng Trung Quốc sẽ trở nên hung hăng hơn trên Biển Đông như một cách để đáp trả phán quyết, ví dụ như tiếp tục đẩy mạnh cải tạo đảo, thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Tuy nhiên, một số chuyên gia khác có nhận định rằng đây có thể là phản ứng ban đầu. Về lâu dài, khó có thể mong chờ Trung Quốc sẽ tuyên bố chấp nhận phán quyết, nhưng dưới sức ép của các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế dựa trên phán quyết, Trung Quốc có thể sẽ dần có những điều chỉnh trong quá trình đàm phán với các quốc gia khác trong khu vực[7].

Phan Diễm Huyền, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]Báo chí Nhật Bản bình luận về phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines

Bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 30/7/2016, tr.2,3

[2]Tòa trọng tài thường trực công bố phán quyết vô lý. Trung Quốc bác bỏ phán quyết này

http://world.huanqiu.com/exclusive/2016-07/9163606.html

[3] Nước CHDCND Trung Hoa ra tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông

http://www.fmprc.gov.cn/web/ziliao_674904/1179_674909/t1380021.shtml

[4] Bộ Ngoại giao nước CHDCND Trung Hoa ra tuyên bố về việc nước Cộng hòa Philippinies đưa yêu cầu phân xử tranh chấp ở Biển Đông ra Tòa trọng tài thường trực

http://www.fmprc.gov.cn/web/ziliao_674904/1179_674909/t1379490.shtml

[5] Ngày 14/7/2016 Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng chủ trì cuộc họp báo thường kỳ

http://www.fmprc.gov.cn/web/fyrbt_673021/t1381550.shtml

[6] Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình về phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra Phán quyết cuối cùng

http://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns160712171301/view

[7] Việt Nam: Lợi hay hại sau phán quyết của PCA

TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 19/7/2016, tr.3,4.

 

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn