GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CĂNG THẲNG GIỮA TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN TIẾP TỤC LEO THANG TRÊN BIỂN HOA ĐÔNG

Đăng ngày: 16-08-2016, 18:07

Thời gian gần đây, Nhật Bản liên tiếp phát hiện tàu của Trung Quốc tại vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Điều này khiến phía Nhật Bản hết sức quan ngại và đề cao cảnh giác, đồng thời làm cho mâu thuẫn Trung – Nhật tại biển Hoa Đông đang từng bước leo thang.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ngày 6/8  Nhật Bản đã phát hiện 6 tàu cảnh sát biển và 230 tàu cá Trung Quốc tiến vào vùng biển gần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong đó có 3 tàu cảnh sát biển của Trung Quốc nghi ngờ được trang bị súng máy cỡ lớn. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa để phản đối hành động của Trung Quốc. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không phủ nhận sự việc này, đồng thời nêu rõ Trung Quốc đang áp dụng biện pháp nhằm kiểm soát tình hình tại các cùng biển liên quan, phía Nhật Bản cần bình tĩnh nhìn nhận lại tình hình hiện nay. Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định, đảo Điếu Ngư/ Senkaku và các đảo thuộc cụm đảo Điếu Ngư/ Senkaku là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, theo đó Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với khu vực này, yêu cầu Nhật Bản không có các hành động có thể khiến tình hình căng thẳng và phức tạp hơn[1].

Ngày 7/8 Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Tokyo sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc không gây leo thang căng thẳng trên biển Hoa Đông, đồng thời duy trì các biện pháp phản đối một cách kiên quyết và bình tĩnh đối với các hành vi xâm phạm lãnh hải Nhật Bản của các tàu Trung Quốc. Ông Suga cho biết trong cuộc họp báo rằng, tổng cộng 14 tàu của chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Cũng theo Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản vào sáng ngày 8/8, 12 tàu Trung Quốc vẫn ở trong khu vực nói trên. Ông Suga khẳng định, các cơ quan chức năng của Nhật Bản, trong đó có lực lượng tuần duyên sẽ phối hợp chặt chẽ để ứng phó với tình hình.

Quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng gia tăng sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố từ chối công nhận tính hợp pháp của phán quyết, trong khi đó Nhật Bản đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc cần tuân thủ phán quyết. Đáp lại, Trung Quốc đã yêu cầu Tokyo không được can thiệp, bên cạnh đó còn tố cáo ngược lại Nhật Bản bằng việc cáo buộc tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Tomomi Inada, thiếu thận trọng và xuyên tạc lịch sử sau khi bà từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu quân Nhật đã tàn sát dân thường ở Trung Quốc trong chiến tranh thế giới thứ II hay không. Về phía bà Inada, bà đã nhắc lại những tuyên bố của ông Suga và nói rằng quân đội Nhật Bản sẽ tiến hành tuần tra trên không để cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động của Trung Quốc cho lực lượng tuần duyên Nhật Bản[2].

Đến ngày 9/8 Nhật Bản đưa ra cảnh báo Trung Quốc đang làm đổ vỡ quan hệ song phương giữa hai nước xung quanh tranh chấp trên biển Hoa Đông. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa và nói rằng Bắc Kinh đang cố tình thay đổi hiện trạng đơn phương. Ông Kishida nói với ông Trình rằng môi trường quanh quan hệ Trung-Nhật đang xấu đi rõ rệt. Đây là động thái phản đối trực tiếp đầu tiên của một thành viên Nội các Nhật Bản đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Trình Vĩnh Hoa vẫn tiếp tục ngang nhiên cho rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và rằng tranh chấp nên được giải quyết thông qua đối thoại và ngoại giao. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa cho biết ông đã khẳng định với Ngoại trưởng Kishida rằng việc các tàu Trung Quốc hoạt động trên vùng biển gần lành thổ của Trung Quốc là điều đương nhiên. “Tôi nói với ông ấy rằng… việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong vùng biển tranh chấp là điều đương nhiên”[3].

Phản ứng trước những hành động của Trung Quốc, quan chức của Cục Hải dương và châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng hành động “đơn phương này gây căng thẳng” và “không thể chấp nhận được”. Theo giới chức Nhật Bản, các tàu hải giám của Trung Quốc dường như ra khơi để “bảo vệ các tàu cá”[4] .

Tân Bộ trưởng Quốc phòng, bà Tomomi Inada thì nói rằng Nhật Bản sẽ hết sức cảnh giác, giám sát và thu thập thông tin, đồng thời bình tĩnh hành động, nhằm kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, vùng biển và vùng trời của Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Senkaku”[5].

Mới đây, Mỹ cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ Nhật trong tranh chấp quần đảo Senkaku với Trung Quốc. Mỹ sẽ phản đối bất kỳ hành động phương hại tới quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku trên vùng biển Hoa Đông. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào trong việc xâm phạm quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku”. Bà Trudeau tái khẳng định lập trường của Mỹ rằng Washington không đứng về bất cứ bên nào trong vấn đề chủ quyền trên các đảo. Tuy nhiên, Senkaku/Điếu Ngư có trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật nên Washington sẽ bảo vệ Tokyo khi có bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra tại khu vực này. Bà Trudeau nhấn mạnh: “Quần đảo Senkaku đã thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sau thỏa thuận Okinawa năm 1972. Điều này nằm trong nội dung của điều 5, Hiệp ước an ninh song phương Mỹ-Nhật năm 1960”.  Bà Trudeau tái khẳng định, với vị trí là một đồng minh thân thiết của Nhật Bản, Mỹ cũng quan ngại về sự gia tăng của tàu thuyền Trung Quốc trong khu vực lân cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư [6].

Tranh chấp trên vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư luôn là nhân tố gây bất ổn và căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật mặc dù trong những năm gần đây, hai bên đã tiến hành các cuộc đối thoại nhằm xoa dịu căng thẳng tiến tới giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, vấn đề vấn chưa giải quyết tận gốc. Đặc biệt, trong thời gian gần đây mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đang ngày càng căng thẳng kể từ khi Tokyo phát hiện sự gia tăng đột biến về số lượng các tàu hải cảnh và tàu cá được sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc tới gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Một điều chắc chắn rằng bầu không khí căng thẳng trên biển Hoa Đông sẽ chưa thể dịu lại ngay trong một thời gian ngắn và việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền buộc phải có sự nỗ lực của cả Trung Quốc và Nhật Bản. Để làm được điều đó,  trước tiên Trung Quốc cần phải tuân thủ những quy định và luật pháp quốc tế, nhất là với phát quyết của Tòa trọng tài (PCA) vừa tuyên bố; đồng thời tránh tiếp tục những hành động có thể làm leo thang căng thẳng trong quan hệ với Nhật Bản và các nước trong khu vực. Tất cả vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Trần Mỹ Hoa, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Mâu thuẫn Trung – Nhật tại biển Hoa Đông đang leo thang

Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới, ngày 09/08/2016. Tr7.

[2] Japan urges China not to escalate East China Sea tension

http://www.japantoday.com/category/politics/view/japan-urges-china-not-to-escalate-east-china-sea-tension

[3] Japan warns China of worsening ties over East China Sea dispute

http://www.japantoday.com/category/politics/view/kishida-environment-surrounding-china-japan-ties-deteriorating-markedly

[4] Trung Quốc “chuyển hướng” tại biển Hoa Đông

Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới, ngày 09/08/2016. Tr 6.

[5] Trung Quốc có đủ khả năng ra tay cùng lúc ở Biển Đông và biển Hoa Đông?

Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới, ngày 12/08/2016. Tr5.

[6] US opposes attempt to undermine Japan's administration of Senkakus

http://www.japantoday.com/category/politics/view/u-s-opposes-attempt-to-undermine-japans-administration-of-senkakus

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn