GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN VÀ CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ LÊN ÁN VIỆC BẮC TRIỀU TIÊN PHÓNG TÊN LỬA TỪ TÀU NGẦM

Đăng ngày: 27-08-2016, 15:19

Vào khoảng 5giờ 30 phút theo giờ Seoul (20h30 giờ GMT) sáng ngày 24/8, quân đội Bắc Triều Tiên đã tiến hành phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) tại vùng biển phía đông nước này. Thông tin về vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Bắc Triều Tiên được phát đi trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng sau khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung, vốn bị Bình Nhưỡng coi là hành động khiêu khích và đe dọa. Tên lửa được phóng từ tàu ngầm ngoài khơi thị trấn duyên hải Sinpo, tỉnh Nam Hamgyong, phía Đông của Bắc Triều Tiên, và sau đó rơi xuống vùng biển ở giữa bán đảoTriều Tiên và Nhật Bản. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn thông báo của quân đội nước này cho biết tên lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu ngầm của Bắc Triều Tiên đã bay khoảng 500km trước khi rơi xuống vùng biển mà trên đó Nhật Bản lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Đây là hành trình dài nhất của loại tên lửa SLBM mà Bình Nhưỡng sở hữu[1].

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết đây là lần đầu tiên tên lửa của Bắc Triều Tiên rơi vào Vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản. Ông Abe đã lên án vụ phóng tên lửa này của Bình Nhưỡng, cho đây là hành động liều lĩnh không thể tha thứ và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường an ninh của Nhật Bản, đồng thời gây tổn hại tới hòa bình và ổn định trong khu vực. Theo ông Abe, hành động này là không thể chấp nhận được do vi phạm rõ rệt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc[2].

Vụ phóng tên lửa SLBM của Bắc Triều Tiên diễn ra cùng thời điểm ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhóm họp tại Tokyo để bàn về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các nước, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Hành động thử tên lửa của Bình Nhưỡng ngay lập tức đã vấp phải sự chỉ trích từ các nước láng giềng. Trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm ba bên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh rằng “Bắc Kinh phản đối chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên và bất cứ hành động nào làm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”. Trong khi đó, Ngoại trưởng nước chủ nhà Fumio Kishida thì khẳng định không tha thứ cho hành động phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, Tokyo lên tiếng phản đối mạnh mẽ Bắc Triều Tiên và kêu gọi các bên đối tác sẽ cùng phối hợp để dẫn dắt các nỗ lực của cộng đồng quốc tế về vấn đề này [3]. Còn người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se thì nói: “Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc xác nhận rằng chúng tôi có chung quan điểm là cần phải ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục có những hành vi khiêu khích”.

Theo tờ New York Times, vụ phóng tên lửa lần này của Bắc Triều Tiên vô hình chung đã đưa ba quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tạm xích lại gần nhau, bất luận các nước này đang có nhiều bất đồng. Cả ba nước này đã đồng loạt chỉ trích hành động của Bắc Triều Tiên. J. Berkshire Miller, chuyên gia quan hệ quốc tế của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho rằng vụ thử tên lửa đã đem lại cơ hội để Nhật-Trung-Hàn có được một sự nhất trí hiếm hoi. Theo các chuyên gia, nếu thực sự muốn tháo ngòi nổ mối đe dọa từ Bình Nhưỡng thì ba quốc gia láng giềng vùng Đông Á cần phải có nhiều sự đồng thuận hơn nữa[4].

Phản ứng trước vụ việc, Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ cũng cho biết họ đã theo dõi vụ phóng và cho rằng Bắc Triều Tiên có thể đã sử dụng mẫu tên lửa đạn đạo KN-11 để phóng vào vùng biển Nhật Bản. Cơ quan này còn cho biết vụ phóng “không tạo ra mối đe dọa nào với khu vực Bắc Mỹ”, song Washington sẽ “thận trọng và cảnh giác trước mọi hành vi khiêu khích của Bắc Triều Tiên”[5].

Một ngày sau khi Bắc Triều Tiên thực hiện vụ phóng SLBM, vào ngày 25/8 Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đặc phái viên hạt nhân của nước này Kim Hong-kyun và người đồng cấp Mỹ - Sung Kim đã có cuộc điện đàm, cả hai bên cùng nhất trí tìm kiếm thêm hành động trả đũa đối với vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mới nhất này của Bình Nhưỡng. Thông cáo của Bộ trên cho biết: “Hai bên cho rằng các hành động khiêu khích gần đây của Bắc Triều Tiên là nghiêm trọng và nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm tạo ra một phản ứng tại cấp độ tổ chức quốc tế, trong đó có cả Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai bên cũng nhất trí xem xét các biện pháp bổ sung để đối phó với các hành động khiêu khích”. Ngoài ra, các quan chức trên cam kết duy trì khả năng phòng thủ chung của hai nước, tiếp tục phối hợp để đưa ra những thông điệp gây sức ép với Bắc Triều Tiên tại các sự kiện song phương và đa phương[6].

Về phía Bắc Triều Tiên, truyền thông nước này cùng ngày 25/8 cũng đã đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố vụ thử tên lửa đạn đạo SLBM vào sáng 24/8 là “thành công lớn nhất” của Bình Nhưỡng. Hãng thông tấn KCNA dẫn lời Chủ tịch Kim Jong-un cho hay, kết quả vụ phóng tên lửa này chứng tỏ Bắc Triều Tiên đã gia nhập vào “hàng ngũ các cường quốc quân sự được trang bị đầy đủ với khả năng tấn công hạt nhân”, và rằng Mỹ và căn cứ của nước này tại Thái Bình Dương hiện trong tầm ngắm nổi bật của quân đội Bắc Triều Tiên. Ông Kim đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân lắp trên các tên lửa đạn đạo và sẽ phát triển các phương tiện phóng để đối phó với một cuộc chiến tranh hạt nhân và chiến tranh bất ngờ với Mỹ. Ông Kim nói: “Tôi không dự đoán những tuyên bố vô lý mà Mỹ và các quốc gia đồng minh sẽ đưa ra về vụ thử này, tuy nhiên tôi có thể khẳng định các hành động giận dữ của họ sẽ chỉ khiến họ tự hủy diệt mà thôi”[7].

Trước khi vụ phóng tên lửa trên diễn ra, vào ngày 23/8, Nhật Bản cũng đã hối thúc mạnh mẽ Bắc Triều Tiên kiềm chế những hành động khiêu kích sau loạt vụ phóng tên lửa và những lời đe dọa đáp trả hạt nhân của Bình Nhưỡng nhằm vào cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang diễn ra. Trong phiên thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, quan chức cấp cao phụ trách đối ngoại thuộc Quốc hội Nhật Bản, ông Kiyoshi Odawara cho rằng những vụ phóng thử tên lửa của Bắc Triều Tiên thời gian qua đã vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Liên hợp quốc. Ông Odawara nhấn mạnh: Nhật Bản kêu gọi mạnh mẽ Bắc Triều Tiên kiềm chế không thực hiện thêm các hành động khiêu khích, tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhật Bản trên cũng kêu gọi tất cả các thành viên Liên hợp quốc tăng gấp đôi nỗ lực để thực thi đầy đủ mọi nghị quyết, trong đó gồm cả biện pháp từng được thông qua hồi tháng 3 nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Bắc Triều Tiên[8].

Việc Bắc Triều Tiên tiến hành thử tên lửa không phải là một sự kiện mới lạ, và việc Liên Hợp Quốc cùng cộng đồng quốc tế tiến hành áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng không phải đến bây giờ mới có. Tuy nhiên, vụ phóng lần này của Bắc Triều Tiên được tiến hành trong thời điểm leo thang căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc bởi cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ diễn ra tại Hàn Quốc, thêm vào đó là tình hình khu vực và thế giới đang rất bất ổn. Hành động trên đã cho thấy  Bắc Triều Tiên đang bất chấp sự cô lập của cộng đồng quốc tế, cũng như thách thức các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Ngay lúc này, các nước láng giềng Đông Bắc Á nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung, cần xích lại gần nhau hợp sức để ngăn chặn tham vọng hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng; xoa dịu làm cho tình hình không căng thẳng và phức tạp thêm.

Trần Mỹ Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]; [5]Lo ngại và căng thẳng gia tăng sau sự trả đũa của Triều Tiên

Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới, ngày 25/08/2016. Tr11.

[2] Abe denounces N. Korea's latest missile launch

http://newsonjapan.com/html/newsdesk/article/117322.php

[3] Japan, China, S Korea slam N Korean missile launch

http://www.japantoday.com/category/politics/view/japan-china-s-korea-slam-n-korean-missile-launch

[4] Vụ thử tên lửa của Triều Tiên khiến Trung - Nhật - Hàn tạm xích lại gần nhau

Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới, ngày 26/08/2016. Tr7; 8.

[6] Hàn-Mỹ thảo luận đối phó vụ Triều Tiên phóng tên lửa

http://www.baomoi.com/han-my-thao-luan-doi-pho-vu-trieu-tien-phong-ten-lua/c/20178697.epi

[7] Thử tên lửa thành công, lãnh đạo Triều Tiên “sướng rơn”

http://www.baomoi.com/thu-ten-lua-thanh-cong-lanh-dao-trieu-tien-suong-ron/c/20176368.epi)

[8] Japan at U.N. urges N Korea to refrain from provocations

http://www.japantoday.com/category/politics/view/japan-at-u-n-urges-n-korea-to-refrain-from-provocations

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn