GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT TRONG VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM VÀ NGƯỜI NHẬT BẢN QUA HÀNH VI KHEN

Đăng ngày: 15-11-2016, 14:32

Như chúng ta đều biết, khen là một hành động phổ quát mà ngôn ngữ nào cũng có, song lại có những nét đặc trưng phản ánh tâm lý, văn hóa, tính cách của từng dân tộc cụ thể khi thực hiện hành vi khen thể hiện qua chủ đề khen (khen cái gì), đặc điểm giới tính (nam khen thế nào, nữ khen ra sao…), tính quyền lực trong lời khen (vai giao tiếp xã hội của người khen và được khen ảnh hưởng đến cách thức khen như thế nào…), từ ngữ khen (hệ giá trị của mỗi dân tộc). Hành vi khen trong tiếng Nhật và tiếng Việt do đó cũng có những điểm giống và khác nhau cần phải được phân tích để người Nhật và người Việt khi tham gia giao tiếp tránh mắc lỗi trong giao tiếp.

1. Những điểm tương đồng

Hành vi khen trong tiếng Nhật và tiếng Việt đều có phương thức biểu hiện trực tiếp và gián tiếp. Lời khen trực tiếp sử dụng động từ ngữ vi “khen”, “biểu dương”… được dùng trong trường hợp trang trọng, người lớn tuổi, có vai giao tiếp xã hội cao khen người nhỏ tuổi hơn, có vai giao tiếp xã hội thấp hơn (người lớn khen trẻ con, sếp khen nhân viên, thầy giáo khen học sinh…). Lời khen trực tiếp có sử dụng tính từ đánh giá được sử dụng rộng rãi ở cả hai ngôn ngữ (VD: 試合(しあい)が良(よ)かった – trận đấu hay!), (Cậu giỏi quá; Vẽ đẹp quá...). Tuy nhiên, lời khen gián tiếp được sử dụng với tần suất cao hơn lời khen trực tiếp ở cả tiếng Nhật và tiếng Việt.

Trong tiếng Nhật, chúng tôi liệt kê được 9 biểu thức khen gián tiếp là: Nêu lên trạng thái của chủ thể khen, Nêu tình cảm của chủ thể khen, Thể hiện niềm hứng thú, ước vọng, Biểu thị sự quyết tâm, cố gắng, Cảm ơn, Nêu trạng thái của người thứ 3, Câu hỏi, An ủi, vỗ về và Nhờ vả. Còn trong tiếng Việt, chúng tôi cũng thống kê được 10 biểu thức khen gián tiếp là: Hỏi, Khuyên bảo, Động viên, Nhận xét, Đánh giá, Cảm thán, Chúc tụng, Yêu cầu - đề nghị, Cảm ơn và Xin lỗi. Điều này cho thấy ở cả hai ngôn ngữ, lời khen gián tiếp đều phong phú về cách thức biểu hiện. Nhưng nội dung cụ thể trong lời khen gián tiếp lại rất khác nhau, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích ở phần tiếp theo. Có một điểm chung là biểu thức Hỏi để khen được sử dụng nhiều  ở cả hai ngôn ngữ. Ví dụ: hỏi 「その傘、どこで買われましたか。」(Cái ô ấy, (chị) mua ở đâu thế?) với ngụ ý khen chiếc ô; Tiếng Việt cũng có hình thức tương tự: “Ô giầy mới! Cậu mua ở đâu đấy?” với ngụ ý khen giầy đẹp và mình cũng muốn có một đôi như vậy.

Trong cả hai ngôn ngữ, hành vi khen đều không được khuyến khích ở bối cảnh người có vai giao tiếp xã hội thấp khen người có vai giao tiếp xã hội cao hơn mình. Thậm chí, người Nhật còn rất hạn chế khen người có vai giao tiếp cao hơn mình về năng lực, vì sẽ bị coi là thất lễ. Còn người Việt cũng hạn chế khen người có quyền lực cao hơn mình vì có thể bị xem là nịnh bợ.

Ngoài ra, khen còn được sử dụng như chiến lược giao tiếp lịch sự trong các hành vi chào, cầu khiến (nhờ vả), từ chối, xin lỗi... trong cả tiếng Nhật và tiếng Việt.

2. Những điểm khác biệt

Bên cạnh những điểm chung như đã phân tích ở trên, có rất nhiều điểm khác nhau trong hành vi khen của người Nhật và người Việt mà chúng ta cần nhận diện để tránh mắc lỗi khi giao tiếp.

Trước hết, người Việt có tần suất khen trực tiếp nhiều hơn người Nhật. Chúng ta có thể dễ dàng nói lời khen động viên như “Cậu giỏi thật? Cố lên!”, lời khen ngoại hình của một cô gái “Hôm nay xinh thế!”, nhận xét về trang phục “Áo mới đẹp ghê”, về sự thay đổi ngoại hình “Dạo này béo lên trông xinh hẳn”... hay thậm chí khen bài giảng của giáo sư “Bài thầy giảng hôm nay hay quá!”..., nhưng người Nhật thường tránh các lời khen trực tiếp liên quan đến năng lực, tính cách, ngoại hình của người đối diện, nếu không có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với người đó. Thay vì khen trực tiếp 「今日のご講演(こうえん)はおもしろかった。」(Bài giảng của thầy hôm nay hay quá!), họ thường nêu lên tình cảm, cảm nghĩ của mình thay cho lời khen「大変勉強(たいへんべんきょう)になりました。」(Em đã học hỏi được rất nhiều), hoặc「興味深(きょうみぶか)く拝聴(はいちょう)しました。」(Em đã lắng nghe một cách đầy hứng thú)...

Trong văn hóa Nhật Bản, lời khen được xem là những lời động viên, đánh giá từ những người có vai giao tiếp cao đối với người có vai giao tiếp thấp hơn, hoặc là giữa bạn bè đồng trang lứa với nhau. Chính vì vậy, việc khen người có địa vị xã hội, quyền lực hay tuổi tác cao hơn rất dễ bị coi là thất lễ. Theo Yamaguchi (2015), “Ở Nhật Bản, việc sử dụng tính từ để đánh giá năng lực của người có vai giao tiếp xã hội trên mình là bất lịch sự, do đó, trong nhiều trường hợp, người ta không khen trực tiếp đối tượng, mà thường chọn chiến lược biểu thị lòng biết ơn của mình thay cho lời khen”[1]. Ở Việt Nam, lời khen đối với người có địa vị xã hội cao hơn cũng thường được cân nhắc thận trọng, song trong nhiều trường hợp, lời khen trực tiếp cũng không bị coi là thất lễ.

Một điểm khác biệt nữa, đó là cơ cấu xã hội và nền văn hóa khác nhau sẽ đưa đến tư duy khác nhau về cách thức biểu hiện lời khen (từ vựng dùng trong khen), tần suất khen hoặc hoàn cảnh đưa ra lời khen. Xem xét 9 biểu thức biểu hiện lời khen gián tiếp trong tiếng Nhật và 10 biểu thức biểu hiện lời khen gián tiếp trong tiếng Việt, chúng ta thấy rằng người Nhật thiên về việc biểu lộ tình cảm, ước vọng, sự quyết tâm, cố gắng, sự ngưỡng mộ, hàm ơn của người nói (Sp1) đối với đối tượng giao tiếp, tức là người được khen (Sp2), còn người Việt thì thường đánh giá trực tiếp về năng lực, tính cách, ngoại hình, trạng thái hoạt động của đối tượng giao tiếp để khen ngợi. Bên cạnh đó, người Việt có thói quen đưa ra lời khen về trang phục, về ngoại hình của đối tượng giao tiếp, thậm chí những biến đổi về ngoại hình thường được lấy làm chủ đề khen, và những lời khen này được thực hiện như một trong những chiến lược giao tiếp hàng ngày (thay cho lời chào) như: “Kiểu tóc mới này rất hợp với cậu”, “Hôm nay trông chị xinh quá?”, “Váy chị mặc hôm nay đẹp quá!”... Trong khi đó, người Nhật không có thói quen đưa ra lời khen hàng ngày, đặc biệt, lại càng không đặt những giá trị chung vào ngôn ngữ biểu hiện của riêng mình, do đó nếu không chắc chắn rằng đối tượng giao tiếp sẽ đón nhận và vui mừng trước những lời đánh giá của mình, họ sẽ không đưa ra lời khen, vì những lời khen như vậy là gượng ép, thiếu tự nhiên.

Hệ giá trị và ấn tượng về các tính từ đánh giá của người Việt Nam và người Nhật Bản khác nhau, do sự khác nhau về văn hóa và các giá trị quan, cùng những đặc điểm lịch sử - xã hội khác nhau của mỗi quốc gia. Do vậy, trong giao tiếp liên văn hóa, nếu không hiểu biết thấu đáo về nền văn hóa của đối tượng giao tiếp, rất dễ dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc. Có thể lấy ví dụ về tính từ 「真面目(まじめ)」(majime): nghĩa gốc của từ này chỉ thái độ nghiêm chỉnh, chỉn chu, đứng đắn, chân thật, thành thực... và nó đã từng là từ chỉ mang nghĩa tích cực. Nhưng trong xã hội Nhật Bản ngày nay, nếu được khen là「真面目(まじめ)」(majime), người được khen chưa chắc đã vui mừng, bởi có những người lại cảm nhận từ này theo nghĩa tiêu cực “nghiêm túc (majime) quá dẫn đến đơn điệu, nhàm chán”. Theo Sengoku (1991), sau cú sốc dầu lửa lần thứ nhất vào năm 1973, xã hội Nhật Bản chuyển từ thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao độ trong thập niên 1960 sang thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài, hệ giá trị “Majime” đã bị đổ vỡ từ đó. Cùng với sự đổi thay nhanh chóng của xã hội Nhật Bản, giá trị quan của người Nhật về “majime” cũng thay đổi, yếu tố phủ định, tiêu cực được thêm vào nghĩa của từ này. Sự chỉn chu, nghiêm túc đồng nghĩa với nhàm chán, khó thay đổi, khó thích hợp với thời cuộc. Kết quả khảo sát về quan niệm “majime” của nữ sinh viên đại học của Hayashi (2004) cũng cho thấy “majime” không còn được xem là một lời khen gây thiện cảm đối với phái nữ nữa[2]. Trong khi đó, từ nghiêm túc, chỉnh chu, đứng đắn... trong quan niệm của người Việt Nam lại mang sắc thái nghĩa tích cực, có giá trị khẳng định. Nếu không được trang bị các kiến thức về lịch sử, văn hóa Nhật Bản, sinh viên Việt Nam học tiếng Nhật dễ áp đặt hệ giá trị của mình đối với từ “nghiêm túc, chỉnh chu” trong tiếng Việt vào từ “majime” trong tiếng Nhật khi khen ai đó, và như vậy đã mắc lỗi giao tiếp liên văn hóa.

Một số thành phần mở rộng của biểu thức khen trong tiếng Nhật và tiếng Việt cũng có sự khác nhau, đó là các yếu tố hô gọi (gọi tên, gọi bằng các từ thân tộc (cô, chú, bác, anh, chị...), gọi biệt danh... và các từ tình thái như: khá, rất, lắm, quá, thật, càng... càng, vừa... vừa, đặc biệt, đầy, như vậy, như thế, đến thế sao... được dùng với tần suất cao trong tiếng Việt, trong khi đó các từ có ý nghĩa tương tự (かなり、とても、非常に、すごく、少し、超、ほど、くらい…) ít dùng trong tiếng Nhật. Nghiên cứu của Phạm Thị Hà (2013)[3] về hành vi khen và tiếp nhận lời khen cho thấy có tới trên 50% lời khen của người Việt sử dụng các yếu tố tình thái đi kèm. Điều này cho thấy mức độ cường điệu hóa trong lời khen của người Việt Nam cao hơn người Nhật Bản, và cũng chứng tỏ hành vi khen được sử dụng một cách tự nhiên trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam.

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Trích từ Đề tài cấp Viện “Đặc trưng văn hóa ứng xử của người Việt Nam và người Nhật Bản qua một số hành vi”, Ngô Hương Lan, 2016.

[1]Yamaguchi Kazuyo (2015), (山口和代(2015年)「留学生の「ほめ」にみられる社会・文化的価値観の影響」、南山大学紀要『アカデミア』人文・自然科学編、第10号), tr.139.

[2]Yamaguchi Kazuyo (2015), (山口和代(2015年)「留学生の「ほめ」にみられる社会・文化的価値観の影響」、南山大学紀要『アカデミア』人文・自然科学編、第10号), tr.145.

[3]Phạm Thị Hà (2013), Đặc điểm ngôn ngữ giới trong giao tiếp tiếng Việt (qua hành vi khen và tiếp nhận lời khen), Luận án tiến sĩ ngữ văn, Học viện Khoa học xã hội.

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn