GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

SƠ LƯỢC QUAN NIỆM VỀ VĂN HỌC DU KÝ VIỆT NAM – NHẬT BẢN

Đăng ngày: 24-11-2016, 11:07

1. Bối cảnh nghiên cứu du ký đương đại

Từ vài thập niên trở lại đây, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trở thành một động lực to lớn thúc đẩy sự giao lưu giữa các châu lục, các khu vực và quốc gia trên thế giới. Trong lĩnh vực văn hóa, sự giao lưu và phát triển văn hóa – du lịch đã tạo điều kiện cho loại hình văn học du lịch (travel literature) xuất hiện trở lại. Khởi đầu cho việc nghiên cứu du kí (travel writing), thể loại đặc trưng của văn học du lịch, là cuộc Hội thảo văn học du lịch do GS. Donald Ross chủ trì tại trường đại học Minnesota (Hoa Kì) vào ngày 12 tháng 9 năm 1997. Tiếp sau đó là sự ra đời của Hiệp hội du kí quốc tế ISTW (International Society for Travel Writing) và những cuộc hội thảo quốc tế về du kí được tổ chức hai năm một lần ở nhiều nơi trên thế giới[1] cho thấy sự quan tâm của của giới phê bình, nghiên cứu cũng như triển vọng của văn học du ký ngày càng lớn.

Trong bối cảnh đó, văn học du ký ở Việt Nam và Nhật Bản cũng thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn. Những vấn đề dường như là mối bận tâm chung của mọi tranh luận học thuật xung quanh du kí như: du ký thuộc loại hình văn học hay phi văn học, là thể loại hay thể tài, tiểu loại hay thể loại, hư cấu hay phi hư cấu, tính trung gian và đường biên thể loại... cũng được bàn bạc trong quá trình nghiên cứu du ký ở Nhật Bản và Việt Nam. Bài viết này giới thiệu sơ lược một số quan niệm về du ký ở hai nước nhằm trả lời câu hỏi : có tồn tại hay không sự khác biệt trong quan niệm về văn học du ký ở Nhật Bản và Việt Nam, đây cũng là tiền đề cần thiết cho việc tiến hành mọi so sánh về sau.

2. Quan niệm về du ký trong văn học Nhật Bản

Liên quan tới văn học du ký Nhật Bản, Giáo sư Kuramoto Kazuhiro thuộc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế Nhật Bản (Nichibunken) - một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về lịch sử và văn học Nhật Bản - trong bài giảng về «Sự ra đời của các chuyến đi qua văn học du ký thời Heian – Edo»[2] đã đưa ra khái niệm «du ký». Tuy nhiên trước khi trình bày khái niệm này, ông đã phân tích một khái niệm liên quan khác là «tabi- 旅».

«Tabi» mang nghĩa danh từ trong tiếng Nhật là «chuyến đi», «cuộc hành trình», «chuyến du lịch», còn khi dùng như động từ nó có nghĩa là «đi du lịch». Sở dĩ chúng có liên quan là bởi trong lịch sử Nhật Bản từ thời Heian đến thời Edo có vô vàn các «tabi» đã được thực hiện. Thời Heian, đó là các chuyến đi công cán của quan lại từ địa phương về kinh đô, các chuyến đi vì việc kiện tụng…, từ thời Kamakura trở về sau, bắt đầu xuất hiện các chuyến đi không vì mục đích công việc mà đơn thuần là những chuyến vui chơi. Trong số những «tabi» ấy, rất nhiều chuyến đi đã được ghi chép, tái hiện cảm xúc phức hợp của người đi khi đến với những vùng đất vừa «mới» vừa «cũ», vừa «xa lạ» lại vừa «thân thuộc». Sở dĩ có sự trái ngược như vậy bởi lẽ ngay sau chuyến đi mang tính khai mở thời Heian, tác phẩm Isemono gatari ra đời đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các tác giả sau này. Mỗi người tự thực hiện «tabi» của riêng mình song trong họ đều đã có trước một tầm đón đợi - đó là những hình dung, hiểu biết về những nơi mình sắp/đang đến. Cảnh sắc thiên nhiên, từng đền thờ, lối đi, tảng đá, thậm chí cả những người sẽ gặp trên đường (nhân vật nhà sư trong nhiều câu chuyện) đều là những thứ dường như «quen» (bởi người đi trước đã nhắc đến nhiều lần) nhưng vẫn «lạ» bởi cái thú vui lần đầu gặp gỡ. Có thể nói, mỗi ghi chép trong một «tabi» dường như mang trong đó cả một lịch sử sáng tác và tiếp nhận đối với loại hình sáng tác vô cùng lý thú này.

Quay lại với khái niệm du ký, du ký Nhật Bản được gọi là kikōbun (紀行文 - kỷ hành văn), ja.wikipedia định nghĩa đây là «văn ghi lại nội dung những trải nghiệm của hành trình du lịch đã trải qua»[3]. Từ thời Heian đến thời Edo, những tác phẩm ghi lại các «tabi», về mặt thể loại được định danh dưới khá nhiều dạng thức như: monogatari (物語truyện), nikki (日記nhật ký), ki (記 ký), kikō (紀行 kỷ hành), shōshi/zōshi (草子thảo tử), kusa (草 thảo) hay kobumi (小文tiểu văn)… Tuy nhiên theo quan điểm của GS. Kuramoto Kazuhiro, trong những ghi chép đó không phải tác phẩm nào cũng là du ký. Một ghi chép về chuyến đi chỉ là du ký đích thực (kikōbun - 紀行文) khi người thực hiện «tabi» hoàn toàn không có mục đích công việc, anh ta đi «du lịch gắn với sự vui chơi»[4].

Để minh chứng cho quan điểm này, trong quá trình trình bày 11 ghi chép tiêu biểu về các chuyến đi nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, GS. Kuramoto Kazuhiro đặc biệt chú trọng nhấn mạnh những tác phẩm được coi là du ký đích thực thông qua việc giải thích căn nguyên của việc đánh giá tính «đích thực» ấy.  Chẳng hạn, trong những trình bày đầu tiên về các tác phẩm Ise monogatari (伊勢物語 Truyện Ise)[5] Sarashina nikki (更級日記 - Nhật ký Sarashina)[6], Kaidōki (海道記- Ký sự Kaidō) và Tōkan kikō (東関紀行 - Du ký Tōkan )[7] ; Izayoi nikki (十六夜日記 - Nhật ký đêm 16)[8], GS Kuramoto khẳng định đây không phải là những tác phẩm du ký mà chỉ là ghi chép về các chuyến đi. Bởi lẽ, người thực hiện các chuyến đi này đều vì mục đích công việc, do vậy cho dù chúng ghi lại những hành trình gian khó và cảm động, những cảm xúc rất sâu sắc của nhiều tác giả ở nhiều thời điểm, nhiều không gian nhưng vẫn không được coi là du ký.

Phải đợi đến khi tác phẩm Towazugatari (問わず語り, “Không hỏi cũng thưa”)[9] ra đời. Đây là lần đầu tiên người thực hiện «tabi» dường như chỉ trải nghiệm hành trình vì những cảm hứng tinh thần và chuyến đi hoàn toàn mang ý nghĩa “du lịch”. Từ đây, thiên du ký của người nữ sĩ phong lưu hợp với các tác phẩm cùng tính chất như Nozarashi kikō (野ざらし紀行 - Du ký phơi thân đồng nội)[10] và Oi no kobumi (笈の小文 - Ghi chép trên chiếc túi hành hương)[11] của thiền giả, thi sĩ lỗi lạc Matsuo Bashō (松尾 芭蕉,1644-1694) hay Tokaidōchū hizakurige (東海道中膝栗毛)[12] của Jippensha Ikku (十返舎一九, 1765-1831) mới tạo thành dòng chảy của những «du ký đích thực» làm nên kỷ hành văn Nhật Bản.

Trong điều kiện hiện tại, chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát rộng rãi các quan niệm khác nhau của giới nghiên cứu Nhật Bản về du ký, bởi vậy chỉ tạm dừng ở khái niệm này để làm tiền đề cho việc so sánh với quan niệm về du ký trong văn học Việt Nam.

3. Quan niệm về du ký trong văn học Việt nam

Ở Việt Nam thuật ngữ «du ký» xuất hiện lần đầu tiên vào đầu thế kỉ XIX trong hai tác phẩm Tam Kiều nguyệt dạ du ký (1805) của Ngô Thị Hoàng, Tam Ngô du ký của Nguyễn Văn Siêu. Mặc dầu vậy, phải đến đầu thế kỷ XX, khi du ký xuất hiện nhiều trên các tạp chí như Nam Phong, Phụ Nữ Tân Văn,… đặc biệt với sự xuất hiện của những cây bút chuyên viết du ký như Phạm Quỳnh, vấn đề định danh «du ký» mới chính thức được đặt ra.

Phạm Quỳnh với tư cách là người viết du ký nhiều nhất trong những năm đầu thế kỷ XX cho rằng bài văn được gọi là du kí phải gắn liền cuộc đi xa, dài ngày: "Đi sang Tây, sang Tàu, đi Phú Xuân, đi Đồng Nai, gọi là cuộc "du lịch", trở về viết bài "du ký", còn do khả; chớ đi tỉnh nọ sang tỉnh kia mà nói "du lịch" với "du ký" thì tưởng cũng khí quá vậy"[13]

Sau Phạm Quỳnh, trong cuốn Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan một lần nữa nhắc đến du ký (nhân nói về tác phẩm Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký) : “Tập du ký này viết không có văn chương gì cả, nhưng tỏ ra ông là một người có con mắt quan sát rất sành, vì cuộc du lịch của ông là cuộc du lịch lần đầu, ông lại đi rất chóng. Tuy không có văn chương nhưng công nhận ngòi bút của ông rất linh hoạt”[14]. Ở phần sau, Vũ Ngọc Phan khi bàn đến cuốn Ba tháng ở Paris của Phạm Quỳnh lại đánh giá đây “là một quyển du ký rất thú vị, chuyện ông kể có duyên, lại vui, tường tận từng nơi từng chốn, làm cho người chưa bước chân lên đất Pháp, chưa từng đến Paris, cũng tưởng tượng ra được những thắng cảnh và nơi cổ tích của cái kinh thành ánh sáng dưới trời Tây và chia sẻ ít nhiều cảm xúc cùng nhà du lịch”[15]. Như vậy khi nhìn nhận về hai tác phẩm, Vũ Ngọc Phan có phân biệt giữa bài ghi chép cuộc hành trình với tác phẩm du ký tuy chưa nêu quan điểm về thể loại của du ký.

Năm 1961, Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, chương Truyện ký cho rằng « Thượng kinh kí sự là "một truyện dài du kí", tức là “loại du kí nhằm ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, bước chân từng trải trong những dịp đi xa. Đối với nhà văn ta xưa, mỗi khi đi đâu xa, hoặc đi công vụ, hoặc chỉ là phiếm du, nếu không có "túi thơ bầu rượu" trên vai thì cũng có giấy bút tùy thân để dọc đường theo hứng mà kí sự. Song trong các dịp ấy, các cụ thường chỉ hay làm những bài thơ ngắn để vịnh. Còn nếu như lợi dụng sự quan chiêm lịch lãm, chép thành hẳn một pho du kí văn xuôi, có đầu có đuôi như một truyện dài thì rất ít có. Hiện nay chỉ còn lưu lại một tập du ký của bậc danh nho và danh y là cụ Hải-Thượng Lãn-Ông, kể ra cũng là một tác phẩm hiếm có và đặc sắc về nhiều phương diện trong văn học sử chữ Hán nước ta xưa”[16]. Như vậy theo quan niệm của Phạm Thế Ngũ, tác phẩm ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trên một chặng hành trình, dù là hành trình công cán cũng thuộc về du ký.

Một nghiên cứu khác có đền cập đến du ký là bài Bàn về thể kí của Tầm Dương, ở đây tác giả coi: "Du ký là “ký” lại các sự (những điều mắt thấy tai nghe) trong lúc “du”"[17]. Không khác nhiều với Tầm Dương, Nam Mộc cho rằng “Có thứ bút ký phản ánh người, việc và cảm nghĩ diễn biến trong không gian theo bước đi của nhà văn đó là du ký”[18]. Sang đến đầu thế kỷ XXI, đồng quan điểm với Nam Mộc, Mã Giang Lân khẳng định: “Thể loại văn học đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ phải kể đến du ký. Đây là một hình thức bút ký văn học được ghi lại bằng văn xuôi, thuật lại những chuyến đi của tác giả đến những vùng đất khác nhau. Nguồn gốc của du ký cần tìm trong những hình thức tùy bút, ký sự truyền thống”[19]. Trong mạch đánh giá về du ký, năm 2004 Bùi Đức Tịnh coi du ký như những thiên ký sự kể những chuyện của chính tác giả "Được xem như là một loại tiểu thuyết, chỉ tô điểm thêm đôi chút những sự thật mà tác giả đã chứng kiến"[20]

Một năm sau, bộ Du ký Việt Nam - tạp chí Nam Phong 1917 - 1934 ra đời, tác giả của nó là Nguyễn Hữu Sơn – cũng là người có bề dày về nghiên cứu du ký vào bậc nhất ở Việt Nam hiện nay[21] - đã "duy danh thể tài du ký (…) nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết"[22]. Cụ thể hơn, nếu các quan niệm truyền thống nhận diện du ký như những trang viết về sự đi thì Nguyễn Hữu Sơn quan niệm du ký chủ yếu viết về nơi đến.

Với cách hiểu hiện tại, so sánh những quan niệm về du ký trong văn học Việt Nam và văn học Nhật Bản có thể thấy sự khác biệt khá rõ ràng. Nếu như trong văn học Việt Nam, đa số các học giả quan niệm du ký là tác phẩm ghi lại những điều xảy ra trong một chuyến hành trình, nhưng hành trình đó có thể vì công việc, cũng có thể chỉ là một chuyến đi chơi thì quan niệm về du ký của Nhật Bản như trên đã trình bày lại nghiêm ngặt hơn ở chỗ chỉ dung nạp những tác phẩm hình thành trên con đường đi chơi/du lịch. Sự khác biệt này mang ý nghĩa gì? Đường biên của du ký Việt Nam khá «thoáng», phải chăng vì văn học Việt Nam không có những áng «du ký đích thực» kiểu Nhật Bản? Đằng sau những câu hỏi này chính là bối cảnh lịch sử/xã hội của hai quốc gia, quá trình vận động của các chính sách kinh tế, giao thương, thậm chí là sự phát triển của tầng lớp thị dân với nhu cầu tiếp nhận, yếu tố «cầu» quan trọng cho sự hình thành của thể loại văn học. Những câu hỏi này bởi tính chất phức tạp của nó không thể trả lời rốt ráo trong một bài viết mang tính đề dẫn đòi hỏi chúng tôi sẽ còn trở lại ở những nghiên cứu sâu hơn.

Nguyễn Thị Mai Quyên, Viện Văn học

[1]Các cuộc Hội thảo du kí Quốc tế: Minnesota (1997), Pennysylvania (1999), Ohio (2001), Wisconsin (2004), Colorado (2006), Trường Đại  học Compuntense, ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha (2007), South Carolina (2010), Đại học Georgetown, Washington DC (2012),... (1). Du kí không những đã được các nhà nghiên cứu quan tâm mà còn được nhiều nước đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông (USA năm 1995, Hongkong 2005, Taiwan 2009,...).

[2] Bài giảng của Giáo sư Kuramato Kazuhiro, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế Nhật Bản (Nichibunken) trình bày trong 5 ngày (từ 5/10/2015 - 9/10/2015) trong khuôn khổ tài trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foudation) tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[3] 紀行(きこう)は、旅行の行程をたどるように、体験した内容を記した文, https://ja.wikipedia.org/wiki/%E7%B4%80%E8%A1%8C

[4] Thời Edo, đường xá đã được sửa sang, nhiều người ngược xuôi qua lại và việc đi du lịch trở thành khả thủ, khái niệm «du lịch gắn với sự vui chơi ra đời»

[5] “Truyện Ise”, đầu thế kỷ 10) của Ariwara no Narihira (在原業平) với 125 đoạn ngắn lấy thơ làm chủ yếu, xoay quanh cuộc đời tình ái và các chuyến đi xuống miền Đông trên con đường Tōkaidō (Đông Hải đạo)

[6] “Nhật ký Sarashina”, viết khoảng năm 1060, thực ra là hồi ký ghi lại những hồi tưởng về chuyến đi năm 1020 khi quan quốc ty Sugawarano Takasue kết thúc nhiệm kỳ làm tỉnh trưởng và trở về kinh đô mang theo con gái 13 tuổi (chính là nữ tác giả). “Người con gái nhà Sugawarano Takasue” (菅原孝標女), không rõ tên thật, vào những năm cuối đời đã đắm mình trong tưởng tượng, nhớ lại, thậm chí hư cấu để viết nên tác phẩm về cuộc hành trình dài 76 ngày trên cung đường 562,3km này.

[7] Cả hai tác phẩm đều viết về phong cảnh và sự tình trong chuyến đi công vụ trên con đường gần tương tự nhau từ Kyōto đến Kamakura men theo đường Tōkaidō, tức từ kinh đô nơi Thiên hoàng ngự trị đến Kamakura trung tâm của chế độ Mạc phủ. Cuốn đầu với một lộ trình 15 ngày trên chặng đường khoảng 513,1km và cuốn sau là 12 ngày với 492,3km.

[8] Tác phẩm của Abutsuni (阿仏尼) kể về chuyến đi kéo dài 14 ngày (14-29/10/1279) trên lộ trình khoảng 500,7km từ kinh đô tới Mạc phủ Kamakura nhằm theo đuổi việc tố tụng thừa kế tài sản

[9] Tác phẩm ra đời trước năm 1313 của người phụ nữ có tên hiệu Go-fukusain Nijyo (後深草院二) con gái Koga Masatada thuộc dòng họ Murakami Genji. Người phụ nữ này năm 14 tuổi được Thiên hoàng Go-fukakusa sủng ái nhưng bà vẫn qua lại với một số nhà quý tộc đương thời và không hề che dấu các mối liên hệ phòng the. Tuy nhiên về sau bà đã đi tu, và trong một chuyến đi kéo dài 1 tháng trên hành trình tương tự Izayoi nikki của Abutsune xuống Kamakura rồi lại trở về thăm thú các địa danh Nara, Atsuta, Ise, bà đã viết nên cuốn Towazugatari. Tác phẩm bộc bạch tình yêu thời trẻ của bà một cách thành thực, và đặc biệt bà dành trọn cuốn 4 để kể lại chuyến hành trình của mình.

[10] Được đánh giá là tác phẩm mang tính văn chương đầu tiên của Bashô, Nozarashi kikō viết trên hành trình dài về miền Tây Nhật Bản băng ngang qua 12 tỉnh nằm giữa Edo và Kyōto. Trong chuyến đi này, tác giả dành hầu như toàn bộ xúc cảm cho những cảnh ngộ khổ đau gặp thấy ven đường. Có lẽ bởi sự chân thành của cảm xúc mà du ký của ông được đương thời đón nhận, và đó là lý do để tác giả thực hiện chuyến hành trình thứ hai

[11] Tác phẩm ghi chép phần đầu chuyến lữ hành dài về miền Tây của nhà thơ trong hai năm 1687- 1688, bắt đầu  từ khi ông rời ngôi nhà bên bờ sông ở Edo cho đến khi về cố hương Ueno Iga; tiếp tục với các du ngoạn ngắn ở những danh thắng trong khu vực, và chấm dứt ở Akashi. Tác phẩm hình thành từ một số lượng haibun ngắn và hầu hết kết thúc bằng một bài haiku, được sắp xếp theo trật tự thời gian, lấy bốn mùa làm đề tài và các di tích danh thắng để vịnh. Điều đặc biệt là trong tác phẩm này người cầm bút luôn có ý thức trở về với thiên nhiên, theo bước thiên nhiên và làm bạn với bốn mùa .

[12] Tác phẩm viết về chuyến du ngoạn của Yari và Kita trong thời gian 13 ngày với quãng đường ước chừng 471,2km. Đó là quãng đường vất vả, trên đường đi nào là cưỡi ngựa, ngồi kiệu, đi thuyền. Người dân thời Edo thường đọc tác phẩm này và cũng muốn bản thân mình có chuyến đi như thế.

[13] Tạp chí Nam Phong, số 96

[14] Vũ Ngọc Phan (1952), Nhà văn hiện đại, Nxb. Vĩnh Thịnh, H, trang 29

[15] Nhà văn hiện đại, sđd, tr29

[16] Phạm Thế Ngũ (1998), Việt Nam văn học sử - giản ước tân biên, Nxb. Đồng Tháp tái bản năm 1998, Tập III Văn học hiện đại (1862-1945), trang 175

[17] Tầm Dương (1967), “Bàn về thể kí”, Tạp chí Văn học, Số 2, tr. 37

[18] Nam Mộc (1967), “Thể kí và vấn đề người thật việc thật”, Tạp chí Văn học, Số 6, tr.33-36

[19] Mã Giang Lân chủ biên (2000), Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900- 1945, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, trang 44

[20] Bùi Đức Tịnh (2004), Lược khảo lịch sử văn học Việt Nam từ khởi thủy đến cuối thế kỉ XX, (tái bản), Nxb. Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, trang 363

[21] Xin xem: Nguyễn Hữu Sơn (2007), “Thể tài văn xuôi du ký chữ Hán thế kỷ XVIII-XIX và những đường biên thể loại”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 810, phát hành ngày 10/02/ Nguyễn Hữu Sơn (2007), "Thể tài du kí trên tạp chí Nam Phong", Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Số 4-2007/  Nguyễn Hữu Sơn (2007), “Du ký về vùng văn hóa Sài Gòn – Nam Bộ trên Nam phong tạp chí”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, Số 619, phát hành ngày 20/10/ Nguyễn Hữu Sơn (2008), “Du ký viết về Sài Gòn – Gia Định nửa đầu thế kỷ XX từ điểm nhìn những năm đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Khoa học xã hội (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), Số 11/ Nguyễn Hữu Sơn (2008), “Du ký của người Việt Nam viết về nước Pháp và mối quan hệ Việt – Pháp giai đoạn cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX”, in trong Tuyển tập Báo cáo tóm tắt Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba Việt Nam hội nhập và phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện KHXH Việt Nam tổ chức), tháng 12/ Nguyễn Hữu Sơn (2009), “Du ký viết về Hà Tiên nửa đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, Số 688, phát hành ngày 20/9/ Nguyễn Hữu Sơn (2011), "Đạm Phương nữ sử và những trang du ký viết về xứ Huế", Tạp chí Kiến thức ngày nay, Số 751, phát hành ngày 20/6/ Nguyễn Hữu Sơn (2012), “Thơ du kí của Phan Thúc Trực”, Tạp chí Đại học Sài Gòn, Số 1/ Nguyễn Hữu Sơn (sưu tầm và biên soạn) (2013), Phạm Quỳnh – Tuyển tập du kí, Nxb. Tri thức, Hà Nội/ Nguyễn Hữu Sơn (2013), Du kí Việt Nam – tạp chí Nam Phong 1917-1934, (Tập 1, 2, 3), Nxb. Trẻ, Hồ Chí Minh

[22] Du kí Việt Nam – tạp chí Nam Phong 1917-1934, sđd, tr 13

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn