GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

MỘT SỐ LƯU Ý TRONG GIAO TIẾP LIÊN VĂN HÓA GIỮA NGƯỜI VIỆT NAM VỚI NGƯỜI NHẬT BẢN (QUA KHẢO SÁT CÁC HÀNH VI CHÀO, KHEN, TỪ CHỐI)

Đăng ngày: 14-03-2017, 10:21

Văn hóa Nhật Bản là nền văn hóa mang tính tập thể cao. Do đặc điểm địa lý tự nhiên của một quốc đảo, việc sống quây quần, phụ thuộc lẫn nhau để chống chọi với thiên nhiên đã tạo nên tính cách dân tộc coi trọng tập thể, tránh mọi sự chia tách cá nhân ra khỏi tập thể. Từ đây hình thành những đặc điểm văn hóa ứng xử được phản ánh vào trong ngôn ngữ của người Nhật Bản. Sự coi trọng tập thể, ý thức tập thể được biểu hiện trước hết ở việc người Nhật Bản sử dụng rất nhiều “kimari monku” (cụm từ cố định) trong giao tiếp, nó cũng phản ánh mức độ phụ thuộc lẫn nhau cao của những người nói ngôn ngữ này. Điều này có thể  thấy rõ nhất trong từ ngữ chào hỏi của người Nhật. Có đến 70% lời chào hàng ngày là “kimari monku”, mà các nhà ngôn ngữ học gọi chúng là “Lời chào mang tính quy phạm mạnh” và “lời chào mang tính quy phạm yếu”. Còn lời chào “phi quy phạm”, tức là lời chào mang dấu ấn cá nhân được sử dụng không nhiều, và phải thông qua ngữ cảnh cụ thể mới có thể nhận diện được.

Chưa có dân tộc nào mà ngay lần đầu tiên gặp nhau, việc “nhờ cậy” lẫn nhau trở thành một câu nói không thể thiếu. Người phương Tây nói “Nice to meet you” hoặc các cách nói tương tự, người Việt Nam khi làm quen cũng thường có câu “Rất vui được làm quen/Rất hân hạnh được biết anh/chị”. Chỉ có người Nhật cúi đầu rất thấp, lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói 「どうぞよろしくお願(ねが)いします。」(Mong được anh/chị giúp đỡ/chiếu cố), và người nhận được câu chào này cũng lập tức đáp lại「こちらこそ。どうぞよろしくお願いします。」 (Chính chúng tôi mới phải nhờ cậy anh/chị) với cái cúi đầu còn thấp hơn nữa để biểu lộ thành ý. Có thể đối với người Việt chúng ta, đó là một câu nói khá cứng nhắc, gượng ép, song chúng ta cần lưu ý đặc điểm này và nguồn gốc sâu xa của nó để ứng xử phù hợp trong lần đầu tiếp xúc với người Nhật Bản. Những câu chào với hình thức hỏi thăm, nhận xét trực diện vào trạng thái, hoạt động, hay ngoại hình của đối tượng giao tiếp vốn được ưa dùng trong tiếng Việt (VD: Anh đi đâu đấy?; Chị dạo này béo lên nhỉ!; Đã có gì mới chưa? (hỏi về tình trạng hôn nhân))... thể hiện sự quan tâm của người Việt đến đối tượng giao tiếp, song cần tuyệt đối tránh trong giao tiếp với người Nhật Bản.

Cùng với đặc trưng “tính phụ thuộc”, “tính tập thể” cao của tiếng Nhật, thì việc tránh biểu lộ yếu tố cá nhân trở thành một hệ quả tất yếu. Nhiều nghiên cứu cho thấy văn hóa giao tiếp của người Nhật Bản là nền văn hóa tương tác dựa vào người nghe, lấy người nghe làm trung tâm với tính quy ước hóa cao độ của  ngôn ngữ. Một lần nữa ta lại bắt gặp yếu tố này trong cách biểu hiện hành vi từ chối của người Nhật. Các cách nói ám chỉ:「今日はちょっと…」(Hôm nay thì hơi...), hay bỏ lửng không nói hết câu:「用事があって…」(Có chút việc...) để người nghe phán đoán ra ý đồ từ chối và chấp nhận nó là cách hành xử tế nhị, được người Nhật đánh giá cao, song lại có thể gây hiểu lầm đối với người Việt Nam vì sự mập mờ của nó. Điểm khác nhau cơ bản trong văn hóa từ chối của người Việt Nam và người Nhật Bản chính là ở yếu tố “cá nhân”. Như đã phân tích ở phần trên, người Nhật khi từ chối thường chọn cách nói mập mờ, nêu lý do chung chung, tránh nói về những lý do riêng tư, mang tính cá nhân và để đối tượng tự hiểu ra hàm ý từ chối. Trong khi đó, người Việt thường có xu hướng giải thích cặn kẽ, cho dù là việc công hay việc riêng, càng giải thích cặn kẽ bao nhiêu càng chứng tỏ sự thành thật của lời biện minh khi từ chối, và do đó lời từ chối dễ được đối tượng giao tiếp chấp nhận.

Ở hành vi khen, “yếu tố cá nhân” cũng tác động khác nhau trong tiếng Nhật và tiếng Việt. Người Nhật tránh lời khen trực tiếp, tránh nhận xét về trạng thái hoạt động hoặc ngoại hình của đối tượng giao tiếp. Khi khen, họ thường sử dụng chiến lược giao tiếp cảm ơn, biểu lộ sự thán phục, khâm phục của mình như là một cách bày tỏ khen ngợi. Khác với người Nhật, người Việt hay khen ngoại hình, thậm chí lấy sự thay đổi về ngoại hình của đối tượng giao tiếp làm chủ đề khen. Ở đây, cái tôi cá nhân của người Việt được bộc lộ rõ nét - thước đo giá trị của cá nhân người nói được sử dụng để nhận định về năng lực, tính cách, vẻ bề ngoài của đối tượng. Chính vì vậy, người Việt Nam học tiếng Nhật cần lưu ý đặc điểm này trong giao tiếp để tránh mắc lỗi khi “khen” người Nhật.

Yếu tố không gian “trong - ngoài” cũng đặc biệt quan trọng trong giao tiếp của người Nhật Bản. Thói quen sống trong tập thể, trong “nhóm” của mình khiến cho người Nhật luôn phân biệt không gian “trong - ngoài” trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Sự phân biệt không gian như vậy được phản ánh vào ngôn ngữ, từ hệ thống kính ngữ, từ ngữ biểu thị việc cho - nhận đến các hành vi ngôn ngữ như chào, khen, từ chối. Có thể thấy không gian trong - ngoài được phân định rõ nét trong hệ thống các lời chào tương đối phức tạp của người Nhật Bản: chào người trong gia đình khác với chào người bên ngoài, chào trong công ty khác với ngoài xã hội… Người Việt Nam chúng ta chỉ có một kiểu chào thông dụng cho mọi đối tượng, vào mọi thời gian, mọi hoàn cảnh giao tiếp. Sự khác biệt này cần phải được để ý trong giao tiếp liên văn hóa.

Văn hóa giao tiếp của người Việt là nền văn hóa tương tác dựa vào người nói (speaker), lấy người nói làm trung tâm - yếu tố cá nhân của người nói chi phối mạnh mẽ tới cách thức giao tiếp và cách thức lựa chọn chiến lược lịch sự trong giao tiếp, khác với văn hóa giao tiếp Nhật Bản là nền văn hóa tương tác dựa vào người nghe. Qua các hành vi chào hỏi, khen, từ chối… chúng ta đều có thể thấy rõ điều này. Lời chào của người Việt có yếu tố xác định ngôi nhân xưng (Em chào chị; Cháu chào bác…), tức là xác định rõ vị thế của người nói. Lời nhận xét (Dạo này béo lên nhỉ!), khen tặng (Hôm nay em xinh thế!) của người nói đối với người nghe như một lời chào cũng được sử dụng phổ biến trong tiếng Việt, có nghĩa là việc áp đặt hệ giá trị của người nói đối với người nghe là một việc phổ biến trong tiếng Việt. Tất nhiên, yếu tố này trong lời khen càng được thể hiện rõ rệt. Hành vi khen được dùng một cách thường xuyên cũng cho thấy sự hiện diện mạnh mẽ của người nói - tức là người khen. Việc khen phụ thuộc vào cảm xúc của người nói, chứ không phụ thuộc vào việc phán đoán xem người nghe - người được khen có thích, có thoải mái với lời khen ấy không là một đặc điểm của hành vi khen trong tiếng Việt. Bên cạnh đó, hành vi từ chối của người Việt Nam cũng có những đặc điểm chứng tỏ sự hiện diện của người nói nhiều hơn là người nghe, đó chính là các chiến lược từ chối ưa dùng như: ngăn cản, trình bày lý do riêng tư xoay quanh người nói, xin thông cảm (xin sự thông cảm của người nghe - người bị từ chối đối với mình)… Tất cả những điểm trên đều cho thấy sự khác biệt với văn hóa giao tiếp của người Nhật Bản.

Văn hóa giao tiếp của người Nhật Bản tương tác dựa vào người nghe (hearer), lấy người nghe làm trung tâm. Điều này được thể hiện rõ trong các hành vi giao tiếp tiêu biểu như chào, khen, từ chối. Ngôn ngữ thể hiện lời chào của người Nhật được quy ước hóa cao độ, ít in dấu ấn cá nhân người nói, không cho thấy ngôi giao tiếp cụ thể. Đặc biệt, tính phụ thuộc trong lời chào thể hiện qua những cụm từ như xin được giúp đỡ (どうぞよろしくお願いします), cảm ơn về sự giúp đỡ của đối tượng giao tiếp (この間どうもありがとうございました), nhắc đến việc mình luôn nhận được sự chăm sóc của họ (いつもお世話になっております)... cũng nhấn mạnh sự “có mặt” của người nghe nhiều hơn là người nói. Lời khen trong tiếng Nhật không được sử dụng với tần suất cao như trong tiếng Việt, theo khảo sát của chúng tôi. Trong giao tiếp của người Nhật, việc khen phụ thuộc nhiều vào quan hệ thân - sơ giữa những người tham gia giao tiếp; nếu không bắt được tín hiệu rằng người được khen sẽ thoải mái, vui vẻ chấp nhận lời khen của mình, người nói sẽ không dễ dàng thốt ra lời khen. Đối với hành vi từ chối cũng vậy, khi từ chối, để tránh gây khó xử, tránh làm “mất mặt” đối tượng giao tiếp, người nói - tức người từ chối sẽ dùng các chiến lược từ chối không rõ ràng, dùng tín hiệu ngôn ngữ “ám chỉ” để người nghe hiểu ra ý định từ chối của mình rồi từ đó đi đến chấp nhận nó. Tất cả những điều này phải chăng đều cho thấy vai trò trung tâm của “người nghe” (hearer) trong giao tiếp của người Nhật Bản.

Như vậy, khi người Việt Nam giao tiếp với người Nhật Bản, cần lưu ý một số điểm như sau để tránh mắc lỗi giao tiếp:

1. Tránh thể hiện “cái tôi” của bản thân, tránh đưa các chủ đề riêng tư, cá nhân vào câu chuyện nếu không có quan hệ thân thiết với đối tượng giao tiếp.

2. Tôn trọng lĩnh vực cá nhân, riêng tư của đối tượng giao tiếp, cần tôn trọng và quan sát kỹ phản ứng của người đối thoại, để có chiến lược lịch sự phù hợp trong giao tiếp.

3. Luôn thể hiện tinh thần khiêm tốn học hỏi, nhờ cậy ở đối tượng giao tiếp nhằm tạo sự “phụ thuộc” lẫn nhau đối với đối tượng giao tiếp, từ đó có thể hòa nhập vào “nhóm” của họ.

4. Tránh những nhận xét hoặc các câu hỏi liên quan đến ngoại hình, hoạt động, trạng thái hiện tại của đối tượng giao tiếp vì đó là lĩnh vực “riêng tư” cần được tôn trọng.

5. Tránh những lời nói thẳng thừng, trực diện nếu câu chuyện có thể làm đối tượng giao tiếp khó xử, bị tổn thương hay “mất mặt”, thay vào đó sử dụng các chiến lược ám chỉ, để đối tượng tự hiểu và chấp nhận.

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Theo đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Đặc trưng văn hóa ứng xử của người Việt Nam và người Nhật Bản qua một số hành vi”, TS.Ngô Hương Lan, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, 2016.

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn