GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐẶC TRƯNG CỦA TRƯỜNG MẦM NON HỆ PHẬT GIÁO Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 5-04-2017, 09:44

Người Nhật trong con mắt người phương Tây đôi khi được miêu tả như những người không rõ ràng về tôn giáo. Điều đó là vì người Nhật Bản thể hiện niềm tin tôn giáo theo cách khác với người Mỹ. Đời sống tôn giáo của họ là sự pha trộn và kết hợp các tôn giáo, thường là sự hiện diện của Thần đạo lúc sinh ra và khi kết hôn, và vai trò của Phật giáo trong hành trình tới cái chết. Cho nên, trong lúc người phương Tây vẫn cho rằng người Nhật ít tinh thần tôn giáo thì niềm tin tôn giáo trong đa số người Nhật Bản đã có sẵn và được hun đúc từ khi họ bước vào trường mẫu giáo. Tuy vậy, Kitô giáo lẫn Phật giáo khi vào Nhật Bản đã được biến cải khá nhiều theo tinh thần Nhật Bản, ở giáo dục mầm non cũng vậy. Trường mầm non Kitô giáo hướng trẻ em tới việc tăng cường khả năng tự phát biểu, nuôi dưỡng tinh thần tự biết về chính mình và nuôi dưỡng sở thích cá nhân – từ quan điểm rằng mỗi người nên được đánh giá cao của Kitô giáo, nhưng họ cũng mong đợi trẻ em biết xây dựng mối quan hệ và tạo khả năng hoạt động tốt trong nhóm- xuất phát từ tinh thần Nhật Bản. Ngược lại, trường mầm non Phật giáo, với quan niệm của Phật giáo rằng con người có mặt trong cuộc đời này là vì Nghiệp; do đó cuộc đời không tránh khỏi những đau đớn và khổ sở, trẻ em cần phải được giáo dục sao cho các em có khả năng vượt qua những đau đớn khổ sở của cuộc đời, đồng thời tạo điều kiện giúp người khác cùng thoát ra khỏi những đau đớn khổ sở đó. Triết lý giáo dục áp dụng ở đây là Tứ nhiếp pháp: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự, đồng thời rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh và nền tảng kiến thức cần thiết. Kết hợp tinh thần Nhật Bản, các lớp mẫu giáo Phật giáo thường có nhiều học sinh; nhằm hạn chế tinh thần cá nhân chủ nghĩa của con người, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với tập thể, thúc đẩy sự cạnh tranh trên tinh thần Tứ nhiếp pháp luôn được nhắc nhở. Tuy có triết lý giáo dục khác nhau với cách thức hoạt động dường như trái ngược, nhưng trường mầm non Kitô giáo và Phật giáo ở Nhật Bản đều có mục tiêu chung: giáo dục thế hệ trẻ biết yêu thương, biết trân trọng chính mình và người khác, biết hòa nhập và hoạt động tập thể. Chính sự giáo dục sớm, từ bậc mầm non đã đem lại cho người Nhật tinh thần lạc quan, tính kiên nhẫn, tinh thần trách nhiệm với cuộc sống, vượt qua mọi thảm họa một cách bình tĩnh, đáng để cả thế giới ngưỡng mộ và học hỏi.

Như chúng ta đã biết, với triết lý từ bi, hỷ xả, khuyến khích con người hướng thiện, Phật giáo đã đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách đạo đức con người và hướng tới một xã hội bác ái. Để hoàn thiện nhân cách con người, điều quan trọng nhất là phải giáo dục cho họ một quan niệm đứng đắn về chữ "Đức" (徳,ở đây là đạo đức). Tại trường mẫu giáo Tennoji (Osaka), với ba mục tiêu "Đức, Thể, Tri" (徳,体,知- Toku, tai, chi), bản chất của "Đức" được phát triển thành sự quan tâm tới những người khác (いたわりの心- itawari no kokoro), thể hiện lòng tốt và quan tâm tới tất cả các sinh vật, bao gồm cả động vật và thực vật, cũng như con người. Thông điệp này được thể hiện qua các buổi cầu nguyện hàng tuần tại chùa cho các em học sinh, ngoài ra các em còn được hướng dẫn chăm sóc cây trồng vật nuôi, để phát triển tình yêu của mình tới tất cả mọi sinh vật.

Đối với trường mầm non Phật giáo Suma (tỉnh Hyogo), cầu nguyện hàng ngày cũng là hoạt động quan trọng để phát triển sự từ bi trong tâm thức. Phương châm giáo dục của nhà trường là: Thông qua một loạt các hoạt động, trẻ em sẽ thấm nhuần tinh  thần của Đức Phật. Mọi người đưa bàn tay cho nhau, kết nối với nhau khi cầu nguyện.. Các em học bài ca Phật giáo, học cách dâng hoa bàn thờ Phật.. Có thể các em chưa hiểu rõ ý nghĩa hoạt động của mình, nhưng những cảm xúc nhẹ nhàng được truyền đạt tới mọi người, nuôi dưỡng lòng từ bi một cách từ từ. Một khía cạnh khác để nuôi dưỡng lòng từ bi là nhấn mạnh sự biết ơn. Trong cuộc sống, người Nhật Bản chắp tay với nhau trước bữa ăn, và nói “Itadakimasu” (nguyên nghĩa là chỉ việc được nhận một điều gì đó). Khi tỏ lòng biết ơn, tức là chúng ta rất coi trọng điều ấy. Người Nhật ngày nay đang dần quên tầm quan trọng của hoạt động này, trong khi đó lại là nền tảng cuộc sống. Từ việc biết thể hiện lòng biết ơn của mình trước khi ăn, các em sẽ biết thể hiện lòng biết ơn đến cha mẹ của mình. Lòng biết ơn sẽ được hình thành như một thói quen.

Các trường mầm non Phật giáo ưu tiên việc cầu nguyện, song còn chú trọng nuôi dưỡng sức mạnh, tính quyết tâm cũng như lòng tử tế: "Nuôi dưỡng những đứa trẻ vui vẻ, sáng láng, và khỏe mạnh” (明るく素直元気な子供-Akaruku Sunao Genki na kodomo) là triết lý tổng thể của các trường này. Song không phải Phật giáo khuyên con người sống dễ dãi với mọi thứ, mà sống một cách mạnh mẽ mới là quan trọng. Khi sống mạnh mẽ, họ làm bất cứ điều gì với sự tự tin và quyết tâm[1].

Các trường mầm non Phật giáo quan niệm trẻ em chưa biết tôn trọng kỷ luật và cần phải được rèn luyện vào khuôn phép. Tại trường Tennoji, trẻ em tuổi lên 3 luôn được coi là thách thức đặc biệt vì các em chưa hiểu được nội quy trường, nên dễ "vô kỷ luật" và giáo viên thấy họ cần phải nỗ lực hết sức. Một giáo viên cho biết cô cố gắng rèn một em mỗi ngày. Đầu tiên cô cố gắng rèn luyện những em dường như dễ thích ứng… Đến tháng 7 (4 tháng sau khi bắt đầu năm học), tất cả các các em đã trở nên ngoan ngoãn và đỡ mất trật tự, trừ một vài em vẫn còn nghịch ngợm. Đến tháng 11, tức 7 tháng sau khi vào năm học, các em đã rất kỷ luật. Từ những học sinh nghịch ngợm, các em đã có thể tôn trọng nội quy lớp học một cách tự giác, song không phải qua sự giáo dục quá cứng nhắc hay sử dụng hình phạt, đây là một điều rất thành công ở giáo dục trong trường mầm non Phật giáo.

Với quan điểm khi con người không biết hòa nhập với xã hội sẽ có xu hướng hành động một cách ích kỷ, nên các trường mầm non Phật giáo chú trọng hướng các em tới hoạt động nhóm. Theo hiệu trưởng trường mầm non Suma, người Nhật có xu hướng lơ là kỷ luật, trừ khi họ được nhắc nhở. Khi phát triển cá tính của trẻ em, điều quan trọng là để chúng tự do chơi đùa, song trẻ em có xu hướng làm những gì chúng muốn, và tự coi mình làm trung tâm. Chúng có xu hướng không quan tâm tới tình yêu thương hay sự đồng cảm. Vì vậy người lớn cần phải rèn dũa các em. Đây là một khía cạnh rất quan trọng của giáo dục Nhật Bản, giáo dục sự yêu thương và hòa nhập với mọi người xung quanh.

Theo đó, hiệu trưởng trường Suma lập luận người Nhật có bản chất vị kỷ và họ cần có kinh nghiệm xã hội để trở thành "con người" thực sự chứ không phải là sống theo bản năng. Quan điểm này trái ngược với Kitô giáo, có lý tưởng rằng trẻ em là "món quà quý giá" từ Thiên Chúa. Điều thú vị là giáo dục mầm non Kitô giáo ở Nhật Bản giữ quan điểm này, trong khi các Phật tử đưa ra một cái nhìn tiêu cực hơn về bản chất con người, tương tự như của các nhà giáo dục Kitô giáo bảo thủ ở Hoa Kỳ. Quan điểm của nhiều người Kitô giáo ở Mỹ là người lớn phải thận trọng để ngăn chặn trẻ em khỏi sa vào tội lỗi, từ hậu quả của tội tổ tông.

Một chiến lược khác để tránh chủ nghĩa cá nhân là việc hoạt động nhóm càng nhiều càng tốt. Trong cuốn sách nhỏ cho các bậc cha mẹ, thầy hiệu trưởng nhấn mạnh rằng hầu hết các phụ huynh đều nghĩ rằng quy mô lớp học nhỏ, chẳng hạn như 5 hoặc 10 trẻ em mỗi giáo viên, tốt hơn cho con mình, song quan điểm của nhà trường không phải như vậy. Khi có 20 hoặc 30 bạn khác trong một lớp học, các em sẽ có nhiều động lực hơn để học hỏi bằng cách cạnh tranh với nhau. Vì vậy, quy mô lớp 5 hay 10 trẻ không phải là tốt. Từ lâu, việc quá bao bọc trẻ em đã không được tán thành[2].

Ngoài ra, môt mục tiêu quan trọng ở trường mầm non Phật giáo là tập trung vào điểm yếu của trẻ hơn là vào những điểm mạnh, mục tiêu này ghi rõ trong cuốn sách nhỏ cho phụ huynh: "Trẻ em cần được phát triển cân đối, tập trung vào các khía cạnh khác nhau để phát triển như: âm nhạc, trí thông minh, sáng tạo, và sức khỏe (khả năng thể chất). Trong trường mầm non có những nghệ sĩ tương lai và các học giả tương lai, có cả các vận động viên trong tương lai, nhưng nếu chỉ phát triển khả năng nổi trội nhất của từng em thì chưa chắc đã tốt. Nếu bạn chỉ phát triển khả năng âm nhạc của một đứa trẻ giỏi về âm nhạc, đứa trẻ ấy sẽ có khả năng tổng thể không cân bằng".

Về việc học tập kiến thức (知-tri), Phật giáo có truyền thống tập trung vào sự hiểu biết và niềm tin là chìa khóa để giải thoát những đau khổ trong cuộc sống, trái ngược với giáo lý Kitô giáo về tình yêu. Phật giáo cho rằng sự thiếu hiểu biết, kết hợp với dục vọng, ngăn cản con người vượt lên khỏi những đau khổ trong cuộc sống. Trong các trường mầm non Phật giáo tác giả Holloway đến nghiên cứu, học sinh được khuyến khích học tập kiến thức bên ngoài, bao gồm cả các bài tụng kinh Phật giáo thiêng liêng. Học chữ là một trong những nội dung chính của chương trình giảng dạy, bao gồm đọc chữ Kanji (chữ Hán) và viết chữ Hiragana (âm tiết đơn giản). Trẻ em tham gia vào đọc thơ và viết, qua đó hiểu được ngữ pháp cơ bản. Các em tham gia vào các hoạt động để "phát triển tri thức " (知の開発, tri no kaihatsu), trong đó nhà trường sử dụng một loạt các tài liệu để kích thích kỹ năng nhận thức cơ bản như nhận thức thị giác và trí nhớ, cũng như sắp xếp theo thứ tự. Ngoài ra, các em tham dự các lớp học nghệ thuật, ballet, tiếng Anh, nhạc và hợp xướng. Có thể với một số người nước ngoài, việc học nhiều môn như vậy là một gánh nặng với các em, nhất là mới ở lứa tuổi mầm non, nhưng thực ra chính việc “giáo dục sớm” một cách bài bản, từ từ, chứ không phải là nhồi nhét, lại tạo ra sự kích thích trí não và luyện kỹ năng một cách hiệu quả.

Về ý nghĩa của cơ thể (体-tai), trong dòng Thiền của Phật giáo, ngồi thiền và thở một cách chính xác, là bước đệm quan trọng để đạt tới ý thức cao hơn. Bằng cách thoát ra khỏi sự chi phối về thể chất, cảm xúc và suy nghĩ, người thiền đạt tới sự thống nhất của tâm trí và cơ thể, tách rời khỏi cái Tôi. Trong các trường mầm non Phật giáo, tư thế cơ thể luôn được coi trọng nhằm phát triển thể chất của trẻ em, các em được rèn ngồi thẳng lưng và giữ chân ngay ngắn lại với nhau. Tại trường mầm non Sannomiya (Kyoto), các em ngồi trên băng ghế chứ không phải là ghế dựa để tăng cường cơ bắp lưng và ngăn cản sự dịch chuyển. Vị trí và sự di chuyển cơ thể được chú ý kỹ lưỡng, khi giáo viên gọi một em phát biểu, em đó cần giơ tay cao khi nghe tên của mình. Do bận bịu học và luyện âm nhạc, học sinh ở trường mầm non Phật giáo không tham gia nhiều hoạt động thể chất. Khi tham gia các hoạt động này, các bài tập thể chất được áp dụng với sự hướng dẫn của giáo viên nhằm tạo nên thói quen cho trẻ.

Về mặt thể chất, trường mầm non Phật giáo còn quan tâm tới chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngoài việc tập thể dục. Theo thầy hiệu trưởng trường Sannomiya, trẻ em Nhật Bản bị thừa cân, mất dáng do không hoạt động và chế độ ăn uống nghèo nàn. Ông lên án những bà mẹ muốn con cái của họ được miễn tập thể dục vì "không đủ sức khỏe" mà không hiểu rằng khi không luyện tập, thể lực sẽ càng bị giảm sút. Trong cuốn sách nhỏ cho phụ huynh của trường mầm non Tennoji, mối liên hệ giữa dinh dưỡng, hoạt động nhóm, và nhận thức được nhấn mạnh: "Cách tổ chức ăn trưa hoàn hảo là mọi người đều ăn cùng một thực đơn, và đều ăn tất cả mọi thứ được dọn ra, qua đó chúng ta thể hiện lòng coi trọng mọi sinh vật sống mà cuộc sống chúng ta đang sử dụng".

Nguyễn Ngọc Phương Trang, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]Susan D. Holloway (1999),The Role of Religious Beliefs in Early Chilhood Education: Christian and Buddhism Preschool in Japan, 1999.

[2]Susan D. Holloway (1999) ,Tlđd.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thị Thu Giang (2010), “Cống hiến mang tính xã hội của giới Phật giáo Nhật Bản- Sự kết hợp giữa đào tạo tăng sư và giáo dục quốc dân ở các trường đại học Phật giáo”,  Bài giảng chuyên đề nghiên cứu Nhật Bản- lịch sử văn hóa- xã hội, tr. 147- 162, Nxb Thế giới, Hà Nội,.

2. Joseph M.Kitagawa (2002), Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Phạm Hồng Thái (2003), “Tìm hiểu chính sách tôn giáo của nhà nước Nhật Bản”, Nhà nước và giáo hội (Chủ biên: Đỗ Quang Hưng), tr. 315- 326, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

4. Phạm Hồng Thái (Chủ biên) (2005), Đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Inoue Nobutaka (2007), The possibility of education about religious culture in public schools, Kokugakuin University, Japan.

6. Asami Hiroshi (2004), “Trẻ em và giáo dục tôn giáo (幼児と宗教教育)”, Tạp chí Viện Nghiên cứu Văn hóa Tổng hợp Cao đẳng Nữ Aoyama Gakuin, số 12/2004.

7. Tachibanaki Toshiaki (2013), Tôn giáo và Giáo dục (宗教と学校), Nxb Kawade, Nhật Bản.

8. "Trần Hữu Thiên, Niềm tin tôn giáo và giáo dục mẫu giáo "Website: http://vanhoa phatgiao blog.com/giao-duc/niem-tin-ton-giao-va-giao-duc-mau- giao.html

9. Susan D. Holloway, “The Role of Religious Beliefs in Early Chilhood Education: Christian and Buddhism Preschool in Japan",  http://ecrp.uiuc.edu/v1n2/holloway. html, 1999.

10. Nhiều tác giả, “Nghiên cứu giáo dục liên quan tới tôn giáo ở trường học (学校における「宗教にかかわる教育の研究, p.1」)" http://:www.chu-ken.jp/pdf/kanko 78.pdf

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn