GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

LỄ HỘI GION – MỘT TRONG BA LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LỚN NHẤT NHẬT BẢN

Đăng ngày: 20-04-2017, 00:39

1. Giới thiệu khái quát về lễ hội Gion

Lễ hội Gion khởi nguồn từ các “nghi lễ” cúng tế thần để trừ dịch bệnh được tiến hành vào năm 869 (năm Jougan (貞観) thứ 11) ở đền Yasaka. Vào thời kỳ Loạn Onin (1467-1477), các lễ tuần hành rước kiệu bị gián đoạn. Song, sau đó trở đi, từ năm 1500 lễ hội được người dân Kyoto khôi phục lại và tiến hành cho đến ngày nay.  Vào thời Minh Trị, sự tồn tại của các phố quý tộc (貴町制度) bị bài trừ, việc duy trì các loại kiệu Yama - Boko sử dụng trong lễ hội lâm vào tình trạng khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của những người dân Kyoto, lễ hội vẫn tiếp tục được tổ chức định kỳ hàng năm. Sau đó, ngay cả khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra, lễ hội Gion vẫn được tiếp tục duy trì. Việc tổ chức lễ hội định kỳ vào tháng 7 hàng năm được kéo dài cho đến tận ngày nay, thu hút lượng khách du lịch khoảng 400.000 người tới Kyoto xem lễ hội mỗi năm.

Lễ hội Gion là một trong ba lễ hội lớn nhất ở Kyoto (cùng với lễ hội Aoi Matsuri tổ chức vào tháng 5 ở đền Uwakamo Jinja và đền Shimogamo Jinja và lễ hội Jidai Matsuri tổ chức vào tháng 10 ở đền Heian Jingu), ngoài ra, Gion Matsuri  còn nằm trong “Tam đại lễ hội Nhật Bản”, sánh ngang cùng Tenjin Matsuri của thành phố Osaka và Sanno Matsuri ở thủ đô Tokyo.

Thời gian tổ chức lễ hội Gion kéo dài trong khoảng 1 tháng. Từ ngày 1/7 khi bước vào tiết ăn chay, những lễ nghi thần đạo đã bắt đầu được tiến hành. Kể từ đêm 1/7, các đội nhạc truyền thống (お囃子) cũng bắt đầu tập luyện, và vào ngày mùng 2/7 có cuộc họp Liên hiệp hội Yama - Boko ở tòa thị chính Kyoto để quyết định thứ tự lễ tuần hành. Ngày mùng 7/7 có lễ rửa kiệu, và cùng ngày hôm đó người dân bắt đầu dựng kiệu Hoko. Kiệu Hoko là loại kiệu lớn, có cỗ kiệu cao tới 25 mét, phải dựng và trang trí trong nhiều ngày mới xong. Ngoài ra, Kiệu Yama là loại kiệu nhỏ hơn, cũng được dùng trong lễ tuần hành chính của lễ hội Gion chỉ cần lắp ráp trong 1 ngày là xong, vì vậy từ ngày 13/7 người dân mới bắt đầu lắp kiệu Yama.

Ngày 16/7 bắt đầu các lễ hội nhỏ (Yoiyama), ngày 17/7 là ngày hội chính - Tổ chức lễ diễu hành kiệu Yama - Boko tuần tự theo các tuyến phố Shijo - Torimaru - Shijo dori - Kawaramachi dori - Go Ike dori. Lễ tuần hành kiệu Yama - Boko nổi tiếng khắp nước Nhật, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Khi lễ rước kết thúc tại Shinmachi Goike thì kiệu Yama - Boko được trả về cho các tuyến phố Yama - Boko (là các phố cổ làm công việc bảo tồn các cỗ kiệu Yama - Hoko trong suốt hơn 500 năm qua). Sau đó, vào ngày 24/7 có lễ diễu hành ô hoa (花傘), ngày 29/7  người ta làm lễ tế thần và kết thúc lễ hội.

Hình 1: Kiệu Naginata Hoko

LỄ HỘI GION – MỘT TRONG BA LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG  LỚN NHẤT NHẬT BẢN

Loại kiệu lớn gọi là kiệu Hoko, có cỗ kiệu cao tới 25m, nặng 12 tấn, có 4 bánh xe và cần từ 40-50 người kéo kiệu. Có 9 cỗ kiệu Hoko được bảo tồn và tiếp tục sử dụng trong 500 năm qua.

Hình 2: Kiệu Suzuka Yama

LỄ HỘI GION – MỘT TRONG BA LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG  LỚN NHẤT NHẬT BẢN

Loại kiệu Yama là kiệu nhỏ hơn, trọng lượng khoảng 1-2 tấn, cần tới 20-25 người khiêng trên vai. Hiện nay có 23 cỗ kiệu Yama được bảo tồn và tiếp tục sử dụng hàng năm, kể từ năm 1500 đến nay.

2. Thị dân phố cổ Yama – Boko, những người giữ vai trò chính trong lễ hội

Trung tâm của lễ hội Gion chính là lễ rước kiệu Yama và kiệu Boko. Bảo quản và sử dụng những cỗ kiệu Yama - Boko này chính là những người dân phố cổ Yama - Boko. Hiện nay, có tất cả 32 cỗ kiệu Yama - Boko được lưu giữ, bảo tồn (ngoài ra, có 3 kiệu Yama đang nghỉ), mỗi kiệu Yama và Hoko đều do 1 khu phố chịu trách nhiệm bảo quản. Những người dân phố Yama - Boko liên kết lại trong tổ chức được gọi là Hội phố Yama - Boko, cử ra một người làm Hội trưởng phố Yama hoặc phố Hoko. Chi phí để tổ chức lễ hội Gion không dựa vào nguồn tài trợ của chính phủ hoặc của thành phố, mà dựa hoàn toàn vào sự đóng góp tự nguyện của những người dân nơi đây. Gần đây, một số phố do có sự giảm dân số sinh sống tại địa phương, đã tiến hành pháp nhân hóa tổ chức của họ, đồng thời đăng ký quyền sở hữu cỗ kiệu do khu phố họ chịu trách nhiệm bảo tồn, sau đó kêu gọi sự đóng góp từ các công ty trên địa bàn của họ. Tiêu biểu có phố Kankoku Boko (函谷鉾) đã kêu gọi sự đóng góp của các công ty như Daido seimei hoặc Asahi là những công ty gắn bó chặt chẽ với Kyoto, họ sử dụng khoản tiền đóng góp này để vận hành lễ hội (Để bảo quản và duy trì cả 2 loại Yama và Hoko, mỗi năm cần đến nguồn kinh phí khoảng 15 triệu yên). Ngoài ra, về những người tham gia vào việc duy tu, bảo tồn, dựng kiệu và rước kiệu, cũng có những cư dân phố cổ Yama-Boko chấp nhận sự tham gia của những cư dân mới sống trong các chung cư được xây dựng 15-20 năm trở lại đây, những cũng có khu phố không đồng ý điều này. Có thể nói, sự tự nguyện, tự chủ của người dân các phố Yama - Boko đóng vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì và tổ chức lễ hôị Gion cho đến ngày nay.

3. Vai trò của Liên hiệp hội Yama – Boko Gion trong Lễ hội Gion

Mặc dù chủ thể của lễ hội Gion là cư dân các phố Yama-Boko, nhưng đứng sau support cho họ là Liên hiệp hội Yama-Boko Gion.

Công việc chính của Liên hiệp hội là:

1) Là trọng tài tổ chức bốc thăm phân chia công việc trong lễ hội.

2) Phân bổ kinh phí trung bình cho từng phố Yama – Boko.

3) Làm trọng tài giải quyết các vấn đề phát sinh, tổ chức họp 32 Trưởng khu phố Yama-Boko.

Liên hiệp hội Yama - Boko Gion chỉ giữ vai trò trung gian hỗ trợ điều hành trong một khoảng thời gian nhất định chứ không trực tiếp can dự vào việc vận hành và tổ chức lễ hội Gion.

Mối quan hệ của những người dân phố cổ Yama-Boko là quan hệ liên kết, hợp tác với nhau thông qua Liên hiệp hội, “giống như tập hợp của các xí nghiệp vừa và nhỏ, có sự phối hợp nhẹ nhàng”(“Điều kiện để lễ hội tồn tại dài lâu - Nghiên cứu trường hợp lễ hội Gion”, Sasaki Ken, Đại học Waseda, 2007, tr.13).

4. Hệ thống vận hành lễ hội Gion

Thứ nhất, nguyên tắc tổ chức lễ hội Gion được Liên hiệp hội Yama - Boko Gion quy định một cách chặt chẽ: 1- Khi tổ chức lễ hội Gion, lựa chọn những phố Yama-Boko sẵng sàng tham gia vào việc tổ chức và diễu hành; 2-Người dân không tham gia ý kiến về cách thức vận hành lễ hội; 3-Duy trì nguyên tắc cạnh tranh công bằng, thi đua trong lễ hội.

Thứ hai, sở dĩ lễ hội Gion tồn tại được trong hơn 1000 năm qua là do nó được vận hành trên nguyên tắc: chất lượng, tự chủ và duy trì tính đặc sắc (giữ gìn truyền thống, bài trừ các yếu tố “ngoại lai” từ bên ngoài vào).

Trong lễ hội Gion, bất cứ Hội phố Yama - Boko nào cũng được quyền tham gia. Tất nhiên, hiện nay, con số các phố được tham gia lễ hội chỉ giới hạn ở 35 phố có quyền sở hữu và bảo tồn 35 cỗ kiệu Yama và Hoko. Cũng có sự thay đổi các phố Yama - Boko. Theo các tài liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu chúng tôi thì năm 1952 chỉ có 29 cỗ kiệu, nhưng năm 2006 đã có tới 32 cỗ kiệu được vận hành trong lễ hội (nay là 35 cỗ kiệu, nhưng 3 cỗ kiệu Yama đang được duy tu, bảo dưỡng). Về chất lượng, các cỗ kiệu trông như thế nào, cách rước ra sao đều có trên các tư liệu tranh, phim ảnh. Vì vậy, những người tham gia rước kiệu phải tham khảo để làm cho đúng với truyền thống. Một khi lễ hội được công nhận đạt tiêu chuẩn để có thể trình diễn cho khách tham quan đến xem đông đảo cũng chính là nó đã giữ được phẩm chất của một lễ hội truyền thống. Việc cung cấp một lễ hội chất lượng cao sẽ thu hút nhiều khách tham quan đến xem hội, nguồn thu nhờ đó mà tăng lên, đó cũng là nguồn kinh phí để tiếp tục bảo tồn các cỗ kiệu và nâng cao chất lượng lễ hội.

Nguyên tắc thứ hai là duy trì và phát huy tính tự chủ của người dân phố cổ Yama - Boko. Như trên đã phân tích, người dân sống trong những phố cổ này đóng vai trò quan trọng, chủ đạo trong việc tổ chức lễ hội Gion, Hiệp hội Yama-Boko không cần phải can thiệp vào việc họ tự nguyện hay không tham gia vào việc tổ chức lễ hội. Mặt khác, phần lớn các cỗ kiệu Yama-Boko dùng trong lễ hội Gion là do mỗi khu phố chịu trách nhiệm bảo tồn 1 cỗ kiệu. Ngoài một phần kinh phí nhất định để duy trì tu bổ ra thì tất cả mọi chi phí khác đều do người dân tự đóng góp. Nếu số tiền đóng góp không đủ chi cho lễ hội thì khu phố đó sẽ không thể tham gia diễu hành kiệu Yama - Hoko được. Để thu được nguồn kinh phí lớn đủ trang trải cho việc tu bổ, trang trí và vận hành kiệu trong lễ hội hàng năm, mỗi người dân đều có sự đóng góp rất lớn. Phỏng vấn về việc tổ chức lễ hội Gion, nhiều cư dân ở các phố cổ cho rằng “việc tổ chức, vận hành lễ hội là nhiệm vụ, là niềm tự hào của họ, vì vậy cho dù có khó khăn đến đâu, họ cũng cố gắng vượt qua”.

Nguyên tắc thứ ba, và cũng là nguyên tắc quan trọng để giữ gìn sự đặc sắc trong lễ hội, đó là ngăn chặn và bài trừ sự tham gia của “những người ngoài” vào việc tổ chức lễ hội. Trước hết, các khu phố đều hạn chế việc mượn và sử dụng kiệu của các lễ hội khác trong lễ hội Gion. Những cỗ kiệu Yama và Hoko đẹp lộng lẫy của lễ hội Gion, những vật phẩm trang trí và hoa chỉ dùng riêng cho các cỗ kiệu này đảm bảo được “tính đặc sắc, tính độc đáo” mà chỉ lễ hội Gion mới có, từ đó khách tham quan được thưởng thức một lễ hội Gion độc đáo, và kết quả là chính sự khác nhau của nó với các lễ hội khác đã thu hút du khách tiếp tục quay lại nơi đây để thưởng thức sự độc đáo ấy. Việc bảo vệ tính độc đáo và các tập quán cổ xưa khiến cho người dân phố cổ Yama - Boko có thể quảng bá được với khách xem hội “cái hay của lễ hội Gion”, từ đó đem lại nguồn thu cho các, góp phần tạo nên tính bền vững của lễ hội. Mặc khác, niềm tự hào được sản sinh ra trong quá trình những người dân vận hành lễ hội, nó chính là nguồn động lực lớn để họ trao truyền nhiệm vụ này cho thế hệ tương lai. Nếu đối với các bậc phụ lão, càng nhiều tuổi, họ càng cảm thấy niềm tin, sự gắn bó với tín ngưỡng dân gian và việc tế lễ, thì đối với các bạn trẻ, nhiều ý kiến cho rằng lý do khiến họ gắn bó với lễ hội này là vì “Yêu thích lễ hội”, “Tự hào được là một phần của lễ hội”...

Với chiều dài lịch sử hơn một ngàn năm, trải qua bao thăng trầm, biến cố, lễ hội Gion vẫn tiếp tục tồn tại như một trong những lễ hội cổ xưa nhất còn lưu giữ được ở Nhật Bản. Tuy nhiên, mặc dù được bảo tồn và được tổ chức cho đến ngày nay, lễ hội Gion vẫn đứng trước những thử thách mới: đó là sự giảm sút và biến mất tầng lớp thị dân trong các phố cổ Yama-Boko, những người nắm giữ vận mệnh của lễ hội, và đồng thời cũng là chủ thể có trách nhiệm lưu giữ, bảo tồn và tổ chức lễ hội; Đó còn là sự xuất hiện của tầng lớp cư dân mới từ bên ngoài vào, trên thực tế ở phố cổ Kikusui-Hoko, vào đầu những năm 2000 rất nhiều khu chung cư mới đã mọc lên, dân số cũng tăng gấp 15 lần, nhưng cư dân sống ở các khu chung cư mới đã chiếm đến hơn một nửa số dân trong phố cổ, vì vậy những cư dân gốc ở đây buộc phải đối phó với tình huống vận hành lễ hội theo kiểu mới. Có những khu phố ngăn chặn sự tham gia của các cư dân mới do lo sợ họ sẽ làm biến mất các phong tục truyền thống, nhưng cũng có những phố đã tích cực đón nhận các thành viên mới này và cùng với họ vận hành lễ hội.

Nhóm nghiên cứu: Ngô Hương Lan, Nguyễn Thị Thu Phương, Phùng Diệu Anh. Bài viết thể hiện một phần kết quả nghiên cứu của đề tài do quỹ Sumitomo tài trợ năm 2016 “Tính cộng đồng của lễ hội truyền thống nhìn từ góc độ vốn xã hội”.

 

Tài liệu tham khảo chính:

  1. 『祇園祭りー都市人類学ことはじめ』1976年、中古新書363。
  2. 本多健一著、2015年『京都の神社と祭り』』、中古新書2345。
  3. 『函谷鉾 : 祇園祭山鉾 』、2001あすの函谷鉾をつくる会
  4. 岡澤浩一, 則子 [編]、2008年、『京の熱い夏 : 2008年祇園祭長刀鉾稚児 = A passionate summer at the Gion Festival in Kyoto』
  5. 月刊『太陽』、1985年7月号
  6. 佐々木 健、2007年、「長く続くお祭りの条件―祇園祭を例に―」、早稲田大学商学部
  7. 河内将芳著、2007年、『祇園祭と戦国京都 』、角川学芸出版
  8. 梅原猛, 森谷尅久, 市田ひろみ監修、2002年、『京都暮らしの大百科 : まつり・伝承・しきたり12カ月 』、京都 : 淡交社出版
Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn