GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

LỄ HỘI GION – TRẢI NGHIỆM NHỮNG LỄ HỘI TRONG LÒNG LỄ HỘI (Phần 1)

Đăng ngày: 30-07-2017, 14:03

Lễ hội Gion được biết đến như một trong những niềm tự hào của người dân cố đô Kyoto - Nhật Bản về bề dày lịch sử (hơn 1.200 năm); về độ dài của những ngày diễn ra lễ hội (lễ hội kéo dài suốt cả tháng 7 dương lịch hàng năm); về sự hào hoa phong nhã thể hiện ở những cỗ kiệu Yama và Hoko được trang hoàng lộng lẫy với những vật phẩm trang trí và đồ tạo tác có lịch sử từ thời Edo - thời đại mà Nhật Bản nổi tiếng với những sản phẩm thủ công truyền thống tinh xảo; và về tính cố kết cộng đồng của người dân phố cổ được bồi đắp qua nhiều thế kỷ, vẫn còn tồn tại đến ngày nay như viên ngọc quý trong lòng một thành phố Kyoto hiện đại.

1. Lễ dựng kiệu Hoko và Yama (từ mùng 10-15//7).

Đến với Kyoto vào những ngày tháng 7 thời tiết đỏng đảnh như một cô nàng khó tính, cái nắng chói chang kết hợp với những cơn mưa rào bất chợt, xối xả, tạo thành không khí hừng hực rất đặc trưng của vùng lòng chảo, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã kịp có mặt ngay từ những ngày đầu khi các cỗ kiệu Hoko cao tới vài chục thước đang được dựng lên trong lòng những con phố nhỏ trung tâm thành phố Kyoto. Nơi đây, thời gian như ngừng lại, lắng đọng ở khoảnh khắc người thợ mướt mồ hôi thắt thắt, buộc buộc sao cho những mối thừng đẹp đều tăm tắp và đủ bền để có thể cõng trên lưng kiệu cả chục người trong đội nhạc Hayashi, ở phút giây cả trăm người đứng xem dựng kiệu cùng ồ lên thán phục khi cây cột gỗ nặng vài tấn, cao 23 thước của cỗ kiệu Naginata được dựng lên theo phương thẳng đứng vuông góc với mặt đất.

Hình 1: Lắp kiệu Naginata-hoko trên đại lộ Shijo vào ngày 10/7/2017

LỄ HỘI GION – TRẢI NGHIỆM NHỮNG LỄ HỘI TRONG LÒNG LỄ HỘI (Phần 1)


Hình 2: Dựng cây cột gỗ trụ của kiệu Naginata dài 23m vào ngày 11/7/2017

LỄ HỘI GION – TRẢI NGHIỆM NHỮNG LỄ HỘI TRONG LÒNG LỄ HỘI (Phần 1)

Được mệnh danh là trung tâm của lễ hội Gion, vì vậy, 23 cỗ kiệu Hoko và 10 cỗ kiệu Yama được dựng và trang hoàng chau chuốt trong khoảng từ 3 đến 5 ngày trước lễ rước chính diễn ra vào 17/7. Những cỗ kiệu Hoko với kết cấu lớn, có bánh xe, có thể cõng cả 15-20 người múa kiếm và biểu diễn nhạc trên kiệu được dựng sớm trong 3 ngày từ mùng 10 đến 13/7. Sự thuần thục đáng ngạc nhiên của đội thợ lắp và trang trí kiệu đã cho “ra đời” những cỗ kiệu to lớn, uy nghi chỉ với các thanh gỗ và hàng nghìn mét dây thừng, khiến cho chúng tôi đoán rằng đây hẳn là công ty chuyên lắp đặt đồ gỗ được thuê, nhưng chúng tôi lại khá bất ngờ khi biết rằng nhiều người trong số họ là tình nguyện viên, là con, em những người dân phố cổ, và sự thuần thục chính là kinh nghiệm được đúc kết và truyền dạy trong nhiều thế hệ. Các cỗ kiệu Yama có cần để kéo hoặc khênh, với hình dáng nhỏ gọn, đơn giản hơn, chỉ cần lắp trong 1-2 ngày là xong nên công việc lắp kiệu Yama được bắt đầu muộn hơn, vào khoảng ngày 14-15/7. Trong năm nay, năm 2017, có 33 cỗ kiệu tham gia vào lễ diễu hành (Yama - Hoko junko) được chia làm 2 đợt, bao gồm Lễ hội trước (Mae matsuri) được tổ chức vào 17/7 và Lễ hội sau (Ato matsuri) được tổ chức vào ngày 24/7. Tương truyền, Lễ hội Gion được khởi nguồn từ lễ tế thần (御霊会 - Gyoryoe) để tiễu trừ bệnh tật, xua đi các oán linh (怨霊 - onryo) làm hại người dân đô thị Heian từ thế kỷ thứ 8, với lễ rước các vị thần trên những cỗ kiệu. Đã là “rước” đương nhiên phải có “tiễn”, chính vì vậy mà lễ rước kiệu ngay từ xa xưa đã được chia làm 2 lần để đón và tiễn các vị thần. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian vài thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, lễ hội Gion được đơn giản hóa chỉ với một lễ rước duy nhất vào 17/7. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, lễ hội Gion được kêu gọi phục hồi nguyên dạng, do đó hai lễ rước kiệu gồm một lễ đón Thần và một lễ tiễn Thần được tổ chức vào ngày 17 và 24/7.

Hình 3: Cỗ kiệu Niwatori-hoko (Kiệu gà) được dựng hoàn thiện trong ngày 14/7

LỄ HỘI GION – TRẢI NGHIỆM NHỮNG LỄ HỘI TRONG LÒNG LỄ HỘI (Phần 1)

2. Lễ hội Byobu matsuri (屏風Lễ hội trưng bày các tấm liếp)

Có lẽ, trong số trên dưới 400.000 du khách đến Kyoto xem lễ hội Gion hàng năm, có rất ít người biết đến Byobu matsuri - Lễ hội trưng bày những tấm liếp cổ, vốn là cách riêng để người dân Kyoto thưởng thức lễ hội Gion của họ. Mỗi năm, chỉ một lần duy nhất vào 3 ngày trước lễ rước kiệu (từ 14-16/7), các phố cổ đều mở “triển lãm” riêng quảng bá cho cỗ kiệu của họ, đó là triển lãm về những tấm thảm cổ, những tấm phên, liếp (屏風祭り- byobu) sẽ được trang trí trên những cỗ kiệu vào lễ rước chính. Phần lớn đây là những viện bảo tàng mỹ thuật cá nhân, những đồ cổ được trưng bày đều là tài sản riêng của các gia đình phố cổ, mỗi năm họ bày ra một lần duy nhất cho những người yêu thích nghệ thuật hội họa và nghề thủ công truyền thống Kyoto thưởng thức. Sự đóng góp của người dân phố cổ đều là tự nguyện, người cho mượn nhà để trưng bày, người cho mượn những đồ cổ gia truyền được bảo tồn qua nhiều thế hệ. Cũng có những phố kiệu lớn có hẳn một tòa nhà là trụ sở riêng để bảo quản các cỗ kiệu, đồ tạo tác và trưng bày chúng, như phố kiệu Naginata-hoko trên đại lộ Shijo. Phố kiệu Naginata không còn giữ được tên của nó, do nằm trên đại lộ chính của thành phố Kyoto, những người dân phố cổ sống ở đây hẳn là đã lui vào những căn nhà gỗ nhỏ hẹp nằm sâu trong ngõ, hoặc đã bán nhà đi nơi khác sinh sống. Tuy vậy, mỗi năm một lần họ lại quay trở về đây cùng bàn bạc, cùng chung sức, gánh nặng tài chính để tổ chức lễ rước kiệu của phố họ, như một cách hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên và bảo tồn văn hóa truyền thống của cố đô Kyoto. Khó có thể diễn tả được niềm tự hào, hân hoan biểu hiện trên những khuôn mặt nghiêm trang đầy trách nhiệm, khi những người dân phố cổ dựng sạp bày bán các sản phẩm thủ công, các đồ lưu niệm, những lá bùa gắn với lịch sử cỗ kiệu của họ. Mỗi phố kiệu, mỗi cỗ kiệu đều có ít nhất một gian hàng như thế. Tiền thu được từ việc bán hàng lưu niệm và vé vào cửa xem “Byobu matsuri” như vậy được quản lý bởi một tổ chức mà người dân phố cổ tình nguyện tham gia, có tên là “Hội phố kiệu” (山鉾町会 Yamahoko chokai), nguồn tài chính này sẽ được sử dụng để bảo quản và lắp kiệu trong năm tiếp theo.

Hình 4: Lễ hội Byobu matsuri bắt đầu từ đêm 14/7 và kéo dài đến đêm 16/7

LỄ HỘI GION – TRẢI NGHIỆM NHỮNG LỄ HỘI TRONG LÒNG LỄ HỘI (Phần 1)

Tuy nhiên, các tấm thảm và đồ tạo tác dù có tinh xảo, có được bảo tồn kỹ  đến đâu cũng không thể trường tồn mãi với thời gian, do vậy mà vài năm một lần, người ta lại làm mới các đồ tạo tác bằng cách mô phỏng chính xác chúng với những kỹ thuật thủ công truyền thống. Có những tấm thảm như tấm Goduran được bảo tồn từ khoảng thế kỷ 17, đến nay đã phai màu năm tháng, và chỉ còn được bày ra trong viện bảo tàng như một chứng tích lịch sử mà thôi. Phiên bản mới của tấm thảm này được sản xuất năm 2016 cũng đẹp sắc xảo và tinh tế không kém gì bản gốc, sẽ được trang hoàng trên cỗ kiệu Tsuki-hoko vào dịp lễ rước kiệu ngày 17/7/2017 này.

Hình 5: Tấm thảm Goduran cổ và mới được treo sát cạnh nhau trong “Bảo tàng mỹ thuật” của kiệu Tsuki-hoko

LỄ HỘI GION – TRẢI NGHIỆM NHỮNG LỄ HỘI TRONG LÒNG LỄ HỘI (Phần 1)

(Còn nữa)

Ngô Hương Lan, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


 




 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn