GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CÁC VẤN ĐỀ VỀ TANG LỄ HIỆN ĐẠI HÓA: SO SÁNH ĐỐI CHIẾU VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN (phần 3)

Đăng ngày: 18-01-2018, 07:24

3. Quá trình hiện đại hóa tang lễ ở Nhật Bản

Ở phần trước, chúng tôi đã xác nhận về xu hướng chung của sự phát triển kinh tế và việc tham dự tang lễ ở một số nước châu Á. Ở phần này, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc về thực trạng tổ chức lễ tang ở Nhật Bản - một đất nước mà cùng với sự phát triển kinh tế, tình trạng già hóa dân số, ít trẻ em đang trở thành một vấn nạn.

Tang lễ ở Nhật Bản đã biến đổi theo một quá trình như thế nào để có được dạng thức như ngày nay? Người viết bài này đã có dịp trình bày sự biến chuyển của tang lễ ở Nhật Bản thời hiện đại qua các bài viết như “Nguyên bản và sự thay đổi của tang lễ hiện đại” (Shimane, 2010), “Y tế và chăm sóc sức khỏe trong xã hội không có sự liên kết giữa con người và con người” (Tác giả bài viết sử dụng cụm từ 「無縁社会」(“xã hội vô duyên”), người dịch chuyển thành “xã hội không có sự liên kết giữa con người và con người”). (Shimane, 2014).

Như đã trình bày trong bài viết “Nguyên bản và sự thay đổi của tang lễ hiện đại” (Shimane, 2010), hình thức nguyên bản của tang lễ Nhật Bản ngày nay phải được tìm hiểu bắt đầu từ thời Edo, trong các cộng đồng nông thôn truyền thống. Các nhà xã hội học nông thôn như Aruga Kizaemon và Takeuchi Toshimi cũng đã làm sáng tỏ trong các nghiên cứu trước đây rằng, mối quan hệ cộng đồng cố kết truyền thống được gọi là “nhóm tang lễ” đã bảo lưu được các tính chất và tập quán của nó cho đến những năm gần đây nhờ “tính báo đáp lẫn nhau” và “chế độ gia tộc” trong cộng đồng. Có thể thấy những điểm tương đồng trong tập quán tang lễ ở làng xã truyền thống của Việt Nam vốn được Suenari Michio khắc họa năm 1998. Ở Nhật Bản trước đây cũng đã từng tồn tại mối quan hệ xã hội mật thiết trong các thôn làng, điều mà người ta khó có thể hình dung được trong xã hội đô thị hiện đại ngày nay.

Người viết bài này cũng đã từng lý giải về hiện tượng này trong bài viết “Nguyên bản và sự thay đổi của tang lễ hiện đại” (Shimane, 2010), những người nắm giữ vai trò chủ chốt trong lễ tang truyền thống ở xã hội nông thôn Nhật Bản vốn là những hàng xóm và họ hàng, gia đình. Họ là những người đảm nhận hầu hết các phần việc quan trọng của một đám tang của thành viên trong cộng đồng mình, dựa trên nguyên tắc hỗ trợ lẫn nhau và sự kết nối giữa các thế hệ. Ở đây không có chỗ cho những nhà cung cấp dịch vụ tang lễ chuyên nghiệp, hoặc cùng lắm thì cũng chỉ là cung cấp hòm áo quan và các dụng cụ dùng trong nghi thức tôn giáo (Phật giáo) mà thôi.

Thế nhưng, hiện nay đã có sự chuyển đổi sang cơ cấu dịch vụ chuyên nghiệp, bởi cùng với sự phát triển dân số ở đô thị, tính lưu động của cư dân cũng tăng cao và việc duy trì mối quan hệ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau (tính báo đáp lẫn nhau) qua nhiều thế hệ trở nên vô cùng khó khăn. Kết quả là cộng đồng địa phương dần xa rời vai trò chủ thể của mình trong tang lễ, và ở đây có sự “thoát ly” khỏi việc tham dự đám tang của những người hàng xóm trong khu vực. Mori Kenji đã gọi đây là “Sự biến đổi lần thứ nhất” (Mori, 2014), nhưng người viết muốn đặt tên cho hình thức tang lễ có được từ thực trạng này là “tang lễ hiện đại”. Sự thay đổi này có lẽ được bắt đầu từ khi hình thành các đô thị cận đại thời Minh Trị, và hoàn thành dạng thức mới của nó vào những năm 1950 đến 1980, tức là thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao độ và mở rộng dân số tại các thành phố. Việc giúp đỡ bằng cách cung cấp nhân lực từ những người hàng xóm trong vùng ngày càng ít đi, thay vào đó là sự phát triển của lễ tang kiểu mới với hình thức phúng viếng của những người không thân quen lắm, hay chỉ có mối quan hệ trong công việc mà thôi. Cùng với sự đa dạng hóa vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ tang lễ chuyên nghiệp, hiện trạng các lễ tang sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp ngày càng gia tăng, có thể nói rằng một lễ tang ngày nay khó có thể tổ chức được nếu không nhờ vào các dịch vụ chuyên nghiệp.

Nhưng từ thập niên 1990, chúng ta bắt đầu thấy sự hình thành của một xu hướng mới. Thay thế cho các lễ tang lớn với nhiều người tham gia là các lễ tang với quy mô nhỏ được tổ chức chỉ trong gia đình hoặc họ hàng thân thích, gọi là “mật tang” (tang lễ tổ chức bí mật, ít người tham dự) hoặc “gia tộc tang” (tang lễ chỉ tổ chức với sự tham gia của vài người trong gia đình). Bên cạnh đó, thay thế cho những ngôi mộ đá phải được mua với rất nhiều tiền, xu hướng không cần mộ, rải tro hay hình thức “tự nhiên táng” (rắc tro cốt để hòa cùng thiên nhiên), “thụ mộc táng” (chôn tro cốt dưới gốc cây) đang tăng lên. Hiện tượng tang lễ không cần mộ xuất hiện, cũng có nghĩa là việc thờ cùng tổ tiên sẽ không được duy trì. Điều này sẽ đưa đến sự thay đổi những giá trị quan quan trọng trong lối sống người Nhật Bản.

Cũng có thể lý giải rằng nhu cầu mai táng ít tốn kém phát sinh có liên quan đến thời kỳ nền kinh tế bong bóng đổ vỡ, song nguyên nhân sâu xa là do ảnh hưởng của sự già hóa dân số và ít trẻ em. Inoue Haruyo (Inoue, 2003) đã chỉ ra rằng tình trạng ít trẻ em hiện nay đã khiến cho Nhật Bản không thể duy trì được chế độ gia đình mà các thành viên liên hệ mật thiết và trực tiếp với nhau, nó đưa đến sự nghi ngờ về khả năng duy trì các hình thức tang lễ và mai táng truyền thống, và cuối cùng, người ta đã tìm kiếm một giải pháp thực tế hơn.

Ngoài ra, sự già hóa dân số (tức là kéo dài tuổi thọ) đã làm cho con người ta có thể sống rất lâu sau khi về hưu. Họ không thể đòi hỏi sự hỗ trợ của tập thể cơ quan cũ sau khi đã thôi làm việc trên 20 năm. Sự tiến triển của tình trạng gia đình hạt nhân hóa (tức là gia đình chỉ gồm 2 thế hệ cha mẹ và con cái sống chung) và vấn đề dân số lưu động cũng làm cho mối quan hệ giữa con cái đã trưởng thành và bố mẹ họ thêm lỏng lẻo, xa cách. Và kết quả của tất cả những điều này là: ngay cả đồng nghiệp và họ hàng cũng rút lui khỏi các đám tang, cuối cùng, chỉ còn lại vài thành viên ít ỏi trong gia đình đảm nhận các công việc tang lễ. Các công ty dịch vụ chuyên nghiệp đã mở rộng và đa dạng hóa vai trò của mình, họ không những thay thế cho cộng đồng địa phương và tập thể cơ quan, mà thậm chí còn đảm trách cả những công việc mà đáng lẽ gia đình người quá cố phải làm. Có lẽ, ở các đô thị hiện đại ngày nay, một lễ tang sẽ khó có thể tổ chức được nếu như không có sự trợ giúp của các công ty dịch vụ tang lễ chuyên nghiệp. “Tang lễ hiện đại” của Nhật Bản đã hình thành như vậy (xem bảng dưới).

Bảng 3. Quá trình hiện đại hóa tang lễ ở Nhật Bản

CÁC VẤN ĐỀ VỀ TANG LỄ HIỆN ĐẠI HÓA: SO SÁNH ĐỐI CHIẾU VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN (phần 3)

CÁC VẤN ĐỀ VỀ TANG LỄ HIỆN ĐẠI HÓA: SO SÁNH ĐỐI CHIẾU VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN (phần 3)

(Bảng do người viết tự lập)

 

Tuy nhiên, ở đây, tác giả bài viết dự đoán rằng sự chuyển đổi của hình thái gia đình do xã hội siêu già hóa và phi hôn nhân sẽ đưa đến sự chuyển hóa lần thứ ba của các nghi thức tang lễ ở Nhật Bản. Nhu cầu mai táng không cần mộ như rải tro cốt, thụ mộc táng rõ ràng đang tăng lên.

Bước vào thập niên 2000, hình thức tang lễ chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, giữa những người gần gũi, loại bỏ sự tham gia của người ngoài đang gia tăng, số lượng các nhà tang lễ do các công ty dịch vụ tang lễ sở hữu cũng theo đó mà tăng lên. Các hình thức “trực táng”, tức là không tổ chức theo nghi lễ của một lễ tang và mai táng thông thường, hoặc gia đình hoàn toàn không đến tham dự mà phó thác toàn bộ việc tổ chức lễ tang cho công ty dịch vụ cũng đã xuất hiện. Ngoài ra, theo một số nguồn tin trên báo chí, đây đó cũng đã có hiện tượng gia đình giấu nhẹm đi cái chết của người thân để tiếp tục lĩnh tiền lương hưu… Khái niệm mà Mori đưa ra - “sự rút lui của gia đình” phải chăng chính là minh chứng cho những trường hợp nói trên.

Do giới hạn về dung lượng của bài viết, chúng tôi không thể đưa ra những luận cứ để minh chứng một cách tường tận, xu hướng gia đình không tổ chức tang lễ vẫn còn là thiểu số, tuy rằng sự “thoái lui” của đồng nghiệp và họ hàng trong các đám tang đang tiến triển một cách hiện hữu. Việc gia đình thoái lui khỏi tang lễ sẽ là vấn đề mà Nhật Bản phải đối mặt trong tương lai không xa. Nếu như chúng ta hình dung về “cuộc chuyển đổi lần thứ 3” của nghi thức tang lễ hiện đại với sự thoái lui cuối cùng của những người trong gia đình, thì có lẽ có thể suy đoán về hình thức “tang lễ cận tương lai” sẽ trở nên phổ biến trong tương lai như sau.

Về điều kiện xã hội, vấn đề xã hội già hóa tiến triển sẽ làm gia tăng các hộ gia đình mà hai thế hệ cha mẹ và con cái sống biệt lập với nhau. Các hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng già sống với nhau, và nếu một trong hai người ra đi trước, thì người còn lại cũng sẽ không đến sống chung với con cái. Do đó, các hộ gia đình người gia đơn thân sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, những hộ gia đình chỉ có một người sống độc thân không kết hôn cũng đang gia tăng hiện nay, họ sẽ trở thành những hộ người gia đơn thân trong tương lai. Các hình thái gia đình mới như gia đình mẹ đơn thân, gia đình kết hôn đồng giới có lẽ cũng đang gia tăng. Có nghĩa là các hình thái gia đình cũng ngày càng đa dạng hóa. Kết quả của những điều này, con người trong xã hội hiện nay không chỉ có khả năng xa rời việc thờ cúng tổ tiên, mà còn có xu hướng thoát ly khỏi các nghĩa vụ mang tính gia đình như tang lễ. Đó chính là “sự thoái lui của gia đình” khỏi lễ tang của chính người thân của họ.

Chính vì vậy, sự trợ giúp của mọi người trong lễ tang đang tiến triển theo xu thế ngày càng ít ỏi, và cuối cùng, điều tất yếu sẽ xảy đến là mỗi người đều phải tự chuẩn bị kinh phí cũng như các thủ tục tang lễ cho chính mình. Trong trường hợp không có sự hỗ trợ cơ bản từ gia đình, thì “người chủ chốt” sẽ phải ①Lên kế hoạch ủy thác việc tổ chức tang lễ cho các công ty dịch vụ, ②Nhờ đến “Mạng lưới hỗ trợ ngoài gia đình” (Inoue, 2003), ③ “Quyền được mai táng” được đảm bảo bởi xã hội (Mori, 2014), đó là những bước phải chuẩn bị cho sự ra đi. Cho dù là trường hợp nào đi nữa thì vai trò của những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cũng đang ngày càng gia tăng, họ không chỉ đảm bảo cho các nghi thức của một lễ tang, mà còn thực hiện mọi dịch vụ chăm sóc trước và sau cái chết một cách toàn diện (Phòng công nghiệp dịch vụ, Cục thông tin chính sách thương mại, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, 2011).

Kết luận

Bài viết trước hết đề cập đến sự biến đổi lớn của nghi thức tang lễ truyền thống trong xã hội Việt Nam vốn đang phát triển nhanh chóng. Cùng với đó, trên cơ sở kết quả của các cuộc điều tra nghiên cứu được thực hiện ở một số nước Đông Á, bài viết cũng chỉ ra sự biến đổi của nghi thức tang lễ có liên quan đến trình độ phát triển kinh tế như đã đề cập ở nhan đề bài viết. Cuối cùng, lấy quá trình hiện đại hóa tang lễ ở Nhật Bản làm ví dụ để phân tích, bài viết nêu lên sự thay đổi lớn của cộng đồng truyền thống, gia đình và nghi thức tang lễ ở Nhật Bản bắt nguồn từ xã hội già hóa ít trẻ em.

Từ việc làm sáng tỏ những điều trên, người viết cũng nhận thấy các mối quan hệ cộng đồng truyền thống như cộng đồng địa phương, tập thể cơ quan, nơi làm việc, gia đình… trong quá trình phát triển của xã hội, đang dần suy yếu tính cố kết của nó, đồng thời dần đánh mất những giá trị quan mà nó vốn nắm giữ. Thông qua một ví dụ về một giá trị quan truyền thống - người chết phải được tiễn đưa bởi cộng đồng địa phương, được mai táng và thờ cúng - đã mất đi, có thể “đọc được” sự chuyển biến của cả xã hội Nhật Bản.

Trong xã hội Nhật Bản từ nay về sau, các “thế hệ hậu chiến”, “thế hệ búp bê”, những thế hệ nắm giữ sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản rồi cũng sẽ đến lúc phải đối mặt với giai đoạn cuối đời của họ. Việc tạo cho họ sự an tâm tận hưởng trọn vẹn tuổi già sẽ giúp cho thế hệ kế tiếp họ yên tâm làm việc và cống hiến, tạo cho xã hội cơ sở để phát triển một cách ổn định và bền vững.

Mặc dù xã hội Việt Nam hiện nay đang ở thời kỳ “dân số vàng” về mặt nhân khẩu học, xong chẳng mấy chốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự già hóa dân số nhanh chóng và biến động về cơ cấu gia đình. Trước tình trạng đó, nếu chỉ sử dụng những giá trị quan của cộng đồng truyền thống vốn được vun đắp trong lịch sử thì chắc chắn sẽ không thể giải quyết được những vấn đề mới phát sinh, và duy trì được sự ổn định của xã hội như hiện nay. Có lẽ, việc kiến tạo một cơ chế có thể ứng phó với những vấn đề này là cần thiết để xã hội phát triển bền vững./.

SHIMANE KATSUMI

Người dịch: Ngô Hương Lan, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo

  1. 有賀喜左衛門、1934「不幸音信帳からみた村の生活」1968『有賀喜左衛門著作集V』未来社
  2. 井上治代、2003『墓と家族の変容』岩波書店
  3. 経済産業省商務情報政策局サービス産業室、2010、『安心と信頼のある「ライフエンディング・ステージ」の創出に向けて~新たな「絆」と生活に寄り添う「ライフエンディング産業」の構築~』
  4. 森謙二、2014『墓と葬送のゆくえ』吉川弘文堂
  5. Shimane, Katsumi (2010) ,"Hien trang va bien Doi cua tang le hien dai",(「現代的葬儀の原型と変遷」), Bai giang chuyen de nghien cuu Nhat ban: Lich su van hoa, xa hoi, ed. Phan Hai Linh, Dai hoc Quoc gia Ha noi, Nha xuat ban the gioi
  6. Shimane, Katsumi(2012), “The Experience of Death in Japan’s Urban Societies” in: Invisible Population: The Place of the Dead in East Asian Megacities, (ed.) Aveline-Dubach, Natacha, Lexington Books.
  7. Shimane, Katsumi(2014),"Xã hội vô cảm và giai đoạn cuối đời trong thời đại ít trẻ em- già hóa dân số ở Nhật Bản"(「「無縁社会」における医療と介護のあり方」), Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 310-320, 2014, Hanoi.
  8. 末成道男、1998『ベトナムの祖先崇拝――潮曲の社会生活』風響社
  9. 竹内利美、1942「村落社会における葬儀の合力組織」1990『竹内利美著作集』名著出版
  10. 山田慎也、2007『現代日本の死と葬儀――葬祭業の展開と死生観の変容』東京大学出版会

*This work was supported by the MEXT-Supported Program for the Strategic Research Foundation at Private Universities of Japanese Government, 2014-2018 (S1491003). “International Comparative Surveys on Lifestyle and Values” were designed and conducted by The Center for Social Well-being Studies, Institute for the Development of Social Intelligence, Senshu University in Japan, chaired by Professor Hiroo Harada, in collaboration with Social Well-being Research Consortium in Asia.

 


Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn