GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

THƠ HAIKU VÀ TRÒ CHƠI NHẬT BẢN ĐẦU NĂM MỚI (Phần 1)

Đăng ngày: 20-02-2018, 16:24

Thơ haiku, là thể thơ ngắn nhất của Nhật Bản có 17 âm tiết theo ngắt nhịp 5-7-5 âm. Thơ haiku giữ một vị trí rất quan trọng trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, là một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản và đang tiếp tục phát triển rộng rãi tại nhiều quốc gia.

Về đề tài, thơ haiku là những bài ca nói về sự thay đổi của bốn mùa, của thiên nhiên, thường được biểu hiện qua các từ khóa “quý ngữ” (kigo, 季語) – từ nói về mùa, về thiên nhiên. Trải qua bao nhiêu thăng trầm phát triển, kigo vẫn là một trong những quy luật cơ bản của thơ haiku.

Không chỉ nói về thiên nhiên bốn mùa, đề tài thơ haiku còn nói về các hoạt động văn hóa xã hội đang diễn ra trong đời sống hàng ngày. Tức là bốn mùa trong thơ haiku được nhận dạng không chỉ qua sự thay đổi của thiên nhiên, tiết trời mà còn thông qua các hoạt động văn hóa xã hội thích ứng với từng mùa đó. Chính nhờ thế bộ sưu tập quý ngữ trong thơ haiku ngày càng phong phú, đa dạng thoát khỏi sự bó buộc về thiên nhiên.

Đến Nhật Bản để tìm hiểu các đề tài của thơ haiku qua bộ quý ngữ, nhất là vào những ngày đầu năm mới, nhận thấy thơ haiku đã không bỏ sót các bản sắc văn hóa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tại Nhật Bản, năm mới theo tiếng Nhật gọi là “shinnen” (新年), tết Nhật Bản gọi là “shogatsu” (正月) tức đón Tết dương lịch. Tuy đón Tết theo lịch của phương Tây, nhưng những ngày đầu năm mới tại Nhật vẫn đầy ắp các phong tục, lễ hội, văn hóa truyền thống được bảo tồn từ xa xưa. Ngày nay, trong bối cảnh một đất nước hiện đại, các phong tục, trò chơi ra đời từ rất lâu vẫn được lưu truyền và tồn tại đến ngày nay.

Trong thơ haiku, bên cạnh hình ảnh của thiên nhiên, của chim muông, hoa lá, các thi sĩ thơ haiku còn gửi gắm tình cảm thể hiện qua các trò chơi truyền thống Nhật Bản. Chứng tỏ thơ haiku luôn gần gũi với đời sống thường ngày trên mọi phương diện.

Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, xin giới thiệu một số trò chơi truyền thống của Nhật Bản vào những ngày đầu năm mới mà người viết đã có cơ hội được trải nghiệm khi tìm hiểu về đề tài thơ haiku.

 

1. Karuta (歌留多) – Trò đố thẻ karuta

Thẻ “Karuta” là một trò chơi trong nhà của Nhật Bản, thường được chơi vào những ngày đầu năm mới.  “Karuta thịnh hành từ thời kỳ Minh Trị (Meiji, 明治1868 – 1912) và thời kỳ Chiêu Hòa (Showa昭和1926-1989)”[1].

Thẻ karuta có hai mặt. Một mặt in số hoặc chữ cái có hoa văn, mặt kia là bài thơ, tục ngữ hoặc về điều gì đó. Người quản trò sẽ đọc nội dung, người chơi phải nhanh tay chọn đúng thẻ nói về nội dung đó, ai lấy được nhiều thẻ nhất là người thắng cuộc.

THƠ HAIKU VÀ TRÒ CHƠI NHẬT BẢN ĐẦU NĂM MỚI (Phần 1)

Hình: Chơi trò đố thẻ “Uta Karuta”[2]

THƠ HAIKU VÀ TRÒ CHƠI NHẬT BẢN ĐẦU NĂM MỚI (Phần 1)

Hình: Chơi thẻ Karuta tại tỉnh Shiga[3]

Có rất nhiều loại thẻ karuta. Thẻ karuta dành cho thơ ca, dành cho trẻ em, nói về thiên nhiên, hoa lá, cây cỏ, về tục ngữ, văn hóa... với nhiều hình dạng, hoa văn khác nhau tùy theo các địa phương.

THƠ HAIKU VÀ TRÒ CHƠI NHẬT BẢN ĐẦU NĂM MỚI (Phần 1)

Hình: Các loại trò chơi thẻ[4]:

yasai seibutsu (Rau, thực vật), hana (hoa), Kyogen karuta (kịch Kyogen), mubeyama

Một trong những trò karuta phổ biến trong thơ ca là “Uta-karuta” (歌歌留多). “Vào đầu năm, trò “Uta-karuta” là trò chơi giữa nam nữ vào đầu năm mới. Trò chơi này được thịnh hành từ thời kỳ Minh Trị (Meiji, 1868 - 1912) đến thời kỳ Đại chính (Taisho, 1912-1926). Phổ biến nhất là “Uta-Karuta”của bộ thơ Hyakunin – Isshu (百人一首, Trăm nhà thơ waka) của Fujiwara no Teika”[5]. Hyakunin – Isshu là tuyển tập thơ quốc âm Nhật Bản ra đời khoảng năm 1235 của một trăm vị thi nhân. Bộ thơ gồm bộ tuyển 100 bài thơ hòa ca (和歌, waka - thơ 31 âm tiết)hay nhất và nói nhiều về tình yêu. Để chơi và thắng được trò “karuta”, đòi hỏi người chơi phải thuộc các bài thơ trong tuyển tập này. Bộ thơ Hyakunin – Isshu được giảng dạy từ bậc phổ thông cơ sở tại Nhật Bản. Trò chơi cũng là để giúp người chơi nhớ về những áng thơ bất hủ truyền thống.

THƠ HAIKU VÀ TRÒ CHƠI NHẬT BẢN ĐẦU NĂM MỚI (Phần 1)

Hình: Thẻ Uta Karuta[6]

Khi người ngâm thơ đọc một bài thơ ghi trên thẻ, người chơi phải nhanh chóng nhận dạng trên thẻ một nét chữ hoặc câu thơ đúng với nội dung được đọc. Có khi trên thẻ chỉ ghi một nửa bài thơ. Có khi trên thẻ không ghi đầy đủ bài thơ mà chỉ có hình ảnh hoặc thông tin của nhà thơ liên quan để người chơi phán đoán và chọn đúng thẻ.

THƠ HAIKU VÀ TRÒ CHƠI NHẬT BẢN ĐẦU NĂM MỚI (Phần 1)

Chơi trò Thẻ Uta – Karuta (Hình chụp tại Viện Nichibunken, ngày 8/2/2018)

歌留多読む恋はをみなのいのちにて(野見山朱鳥)

karuta yomu koihawo mina no inochi nite (Nomiyama Asuka)

đọc thẻ karuta

với các nàng

tình yêu là tất cả

(Quỳnh Như dịch)

Ngoài ra còn có loại thẻ karuta dành cho trẻ em. “Vào ngày Tết dầu năm, có loại trò chơi thẻ dành cho trẻ em được gọi là “iroha karuta”, trên thẻ có các chữ trong bảng chữ cái tiếng Nhật và có nhiều hình ảnh bắt mắt”[7]. Với loại này, thẻ thường được minh họa bằng một hình vẽ với một âm tiết kana ở một góc của thẻ.

THƠ HAIKU VÀ TRÒ CHƠI NHẬT BẢN ĐẦU NĂM MỚI (Phần 1)

(Chụp tại Viện Nichibunken, ngày 17/1/2018)

Khi nghe đọc nội dung thường bắt đầu bằng một âm tiết, như trong hình ở trên, quản trò sẽ đọc “matsu o tatenai shougatsu kazari” (không dựng nổi / cây thông / trang trí đầu năm), người chơi phải nhanh chóng tìm và lấy được thẻ có chữ của âm “ma” (ま)  được ghi trên góc thẻ. Trò chơi này nhằm giúp các em bắt nhanh thẻ, để nhớ nhanh bảng chữ cái tiếng Nhật.

Bên cạnh đó còn có nhiều loại đố thẻ karuta như “hanagaruta” (花がるた) là thẻ của các loài hoa của bốn mùa 12 tháng “hoa – điểu – phong – nguyệt (花鳥風月)”[8], hoặc thẻ “haiku karuta” (俳句歌留多, thẻ thơ haiku), hoặc “nagauta” “長唄歌留多”[9] (Thẻ thơ nagauta, một thể loại thơ dài của Nhật Bản).

Tuy là trò chơi nhanh tay nắm bắt thẻ, tưởng chừng đơn giản, nhưng trò chơi thẻ đều có các quy định nghiêm ngặt. Không chỉ cách chơi, các niêm luật mà còn cả về phong cách, thái độ, tác phong của người chơi…

Vừa chơi, chợt nghĩ đến thẻ “haiku karuta Việt – Nhật”. Bộ karuta haiku này sẽ gồm các bài thơ haiku tiếng Nhật nổi tiếng bên cạnh các bài thơ haiku Việt đã từng được trao giải trong các kỳ thi sáng tác thơ haiku tại Việt Nam. Được chứ sao không nhỉ.

Ví dụ một mặt thẻ có ghi nội dung “Giải nhất thơ haiku 2017”, chỉ ghi một dòng đầu của bài thơ “Bão đến”, hoặc thậm chí chỉ ghi chữ “Bão”.

Khi nghe quản trò đọc “Bão đến”, người chơi phải tìm thẻ có chữ “Bão đến” để nhận diện đúng bài thơ:

Bão đến

thuyền gối bãi

con mắt không khép.

(Hà Thiên Sơn, Giải nhất cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt – Nhật 2017)

Tuy được xem là trò chơi, nhưng trò karuta có ý nghĩa giáo dục rất cao. Giúp trẻ em, người mới học tiếng Nhật nhớ nhanh bảng chữ cái. Giúp người chơi hiểu biết, tăng thêm kiến thức về văn thơ, lịch sử, ca dao tục ngữ Nhật Bản.

歌留多とる皆美しくまけまじく(高浜虚子)

karuta toru mina utsukushiku makemajiku (Takahama Kyoshi)

cùng chơi

đố thẻ karuta

quyết không thua

(Quỳnh Như dịch)

Sau khi đón Tết tại nhà, đi chùa vào ngày đầu năm, người Nhật thường tổ chức chơi karuta tại nhà cùng gia đình, bạn bè vào ngày 2 tháng giêng. Tại các đền chùa cũng hay tổ chức trò chơi này để mọi người cùng thưởng thức trò chơi đầy trí tuệ này. Tivi vào những ngày đầu năm đều đưa thông tin, lịch trình, nơi diễn ra trò chơi này để khán giả đón theo dõi.

TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện tại Viện Nghiên cứu văn hóa quốc tế Nichibunken, Kyoto, 2/2018

(Bài viết được nhà thơ Sugiura Keisuke (杉浦圭祐) hỗ trợ diễn giải nghĩa các bài thơ haiku)

[1] Ishi Kanta (2000), 「歳時記の真実」(Sự chân thật của Tuế thời ký), Nhà xuất bản BungeiShunjuu, tr.978

[2] Mizuhara Shuoshi, Kato Shuson, Yamamoto Kenkichi (1981)「日本大歳時記―新年」(Đại Tuế Thời ký Nhật Bản – Năm mới), Kodansha, Japan, tr.84

[3] Mizuhara Shuoshi, Kato Shuson, Yamamoto Kenkichi (1981)「日本大歳時記―新年」(Đại Tuế Thời ký Nhật Bản – Năm mới), Kodansha, Japan, tr.86

[4] Mizuhara Shuoshi, Kato Shuson, Yamamoto Kenkichi (1981)「日本大歳時記―新年」(Đại Tuế Thời ký Nhật Bản – Năm mới), Kodansha, Japan, tr.89

[5] Gohon Haiku Saijiki (Tuế thời ký Haiku, 2007),「合本 俳句歳時記」, Nhà xuất bản Kadokawa Shoten, tr.978.

[6] Mizuhara Shuoshi,Kato Shuson, Yamamoto Kenkichi (1981)「日本大歳時記―新年」(Đại Tuế Thời ký Nhật Bản – Năm mới), Kodansha, Japan, tr.34

[7] Ishi Kanta (2000), 「歳時記の真実」(Sự chân thật của Tuế thời ký), Nhà xuất bản Bungei Shunjuu tr.978

[8] Mizuhara Shuoshi,Kato Shuson, Yamamoto Kenkichi (1981)「日本大歳時記―新年」(Đại Tuế Thời ký Nhật Bản – Năm mới), Kodansha, Japan, tr.84

[9] Mizuhara Shuoshi,Kato Shuson, Yamamoto Kenkichi (1981)「日本大歳時記―新年」(Đại Tuế Thời ký Nhật Bản – Năm mới), Kodansha, Japan, tr.89

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Gohon Haiku Saijiki (2007),「合本 俳句歳時記」, NXB Kadokawa Shoten.
  2. Ishi Kanta (2000), 「歳時記の真実」(Sự chân thật của Tuế thời ký), NXB BungeiShunjuu.
  3. Ishi Kanta (2010), 「俳句歳時記」 (Tuế thời ký thơ haiku), NXB Monoart
  4. Kemari Hozonkai (Hội bảo tồn Kemari) (2009), “Kemari”, Choyodo.
  5. Mizuhara Shuoshi,Kato Shuson, Yamamoto Kenkichi (1981)「日本大歳時記―新年」(Đại Tuế Thời ký Nhật Bản – Năm mới), Kodansha, Japan.
  6. Yamamoto Kenkichi (2016), 「ことばの歳時記 」 (Từ vựng của Saijiki), NXB Kadokawa.

 

 

 

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn