GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

HỘI ĐÀM BA BÊN MỸ - NHẬT - HÀN BÊN LỀ ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA 2018

Đăng ngày: 6-06-2018, 18:47

Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á lần thứ 17 hay còn được biết đến với tên gọi Đối thoại Quốc phòng Shangri-La 2018 đã chính thức khai mạc tại khách sạn Shangri-La (Singapore) ngày1/6. Bắt đầu từ năm 2002, Đối thoại Shangri-La (SLD) do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tài trợ được tổ chức thường niên tại Singapore. Diễn đàn thường quy tụ nhiều quan chức quốc phòng và học giả của khoảng hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia. Đối thoại năm nay có sự tham dự của các Bộ trưởng và các quan chức quốc phòng cấp cao đến từ gần 50 nước, trong đó nhiều nước cử Bộ trưởng Quốc phòng, như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, New Zealand, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào, Indonesia và Việt Nam, cùng giới chức lãnh đạo các tổ chức quốc tế, như Phó Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Rose Gottemoeller, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi. Tổng cộng có hơn 500 đại biểu chính thức là các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 40 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng, gần gấp đôi con số năm 2017 đã tham dự diễn đàn[1].

Đối thoại Shangri-La được diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, chính vì vậy Bán đảo Triều Tiên là một trong những chủ đề nổi bật, nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu cũng như giới phân tích. Trong cuộc hội đàm 3 bên với người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo và Nhật Bản Itsunori Onodera bên lề Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng con đường đi đến các cuộc đàm phán rất gập ghềnh. Ông Mattis nói: chúng tôi có thể dự đoán trước được một con đường gập ghềnh về các cuộc đàm phán. Vào thời điểm này, chúng tôi kiên định sẽ tăng cường củng cố sự hợp tác quốc phòng như một cách thức tốt nhất để bảo đảm hòa bình. Bên cạnh đó, ông Mattis còn nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng Triều Tiên chỉ được nới lỏng lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi nước này tiến hành thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa một cách có kiểm chứng và không thể đảo ngược[2].

Về phần mình, phát biểu tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhấn mạnh không nên thưởng cho Triều Tiên chỉ vì đồng ý đối thoại, mà cái chính là phải buộc Bình Nhưỡng có hành động cụ thể để loại bỏ hoàn toàn chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Ông Onodera cho biết, trước đây Triều Tiên đã từng kí kết thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân, nhưng sau đó vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển vũ khí. Bình Nhưỡng vào các năm 1994 và 2005 đã từng ký thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lại những lợi ích kinh tế lẫn ngoại giao. Tuy vậy, nước này năm 2006 lại tiến hành thử hạt nhân. Bộ trưởng Onodera phát biểu: Theo cách Triều Tiên cư xử trong quá khứ, không thể thưởng cho họ chỉ vì đã chấp nhận đối thoại. Đồng thời, ông Onodera nhấn mạnh, cách duy nhất để mang lại hòa bình là phải đảm bảo Bình Nhưỡng có những hành động cụ thể chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo ở mọi tầm bắn.

Có phần khác so với quan điểm từ phía Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo lại tích cực kêu gọi hỗ trợ đối thoại để giúp Bình Nhưỡng gia nhập cộng đồng quốc tế, đồng thời nhấn mạnh việc không nên nghi ngờ động cơ của ông Kim Jong-un. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo thừa nhận hiện vẫn có những tranh luận xoay quanh vấn đề giải trừ hạt nhân mà Triều Tiên đồng ý thực hiện, nhưng ông cho rằng nếu quá chú ý vào các bất đồng, thì đối thoại sẽ không bao giờ đạt kết quả. Ông Song phát biểu rằng: Cần đạt mục tiêu giải pháp hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, và tôi tin rằng ông Kim Jong-un sẽ cam kết điều này. Nếu mọi người tiếp tục nghi ngờ các động lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đó sẽ chỉ là một trở ngại đối với đối thoại và tiến bộ[3].

Kể từ sau khi lên nắm quyền, Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đặt ưu tiên hàng đầu là đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết những căng thẳng kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa hai nước và đem lại hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Tuy vẫn còn những bất đồng trong lập trường, song cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều khẳng định sẽ nỗ lực góp phần vào thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới tại Singapore. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Nhật Bản sẽ nỗ lực góp phần vào thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Phát biểu tại tỉnh Shiga, ông Abe khẳng định: Nhật Bản quyết tâm nỗ lực cao nhất để đây sẽ là một hội nghị thượng đỉnh lịch sử, giải quyết vấn đề hạt nhân, tên lửa và công dân Nhật bị bắt cóc. Theo kế hoạch, Thủ tướng Abe sẽ gặp Tổng thống Trump ngày 7/6 trước khi đến Canada dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển (G7) vào ngày 8 – 9/6 tới đây[4].

Đối thoại Shangri-La là cơ hội để các nhà lãnh đạo quốc phòng các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương gặp gỡ, thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực nổi bật cùng quan tâm, trình bày quan điểm, thể hiện tính minh bạch trong chính sách quốc phòng - an ninh của mỗi quốc gia, từ đó tạo dựng lòng tin trong các vấn đề mang tính chiến lược. Diễn đàn Shangri-La năm nay có thể coi là bước đệm để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Có thể thấy rằng, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên hiện vẫn là căn nguyên làm cho bầu không khí ở khu vực Đông Bắc Á và trên thế giới trở nên nóng bỏng. Cả thế giới, trong đó đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang ngộp thở, chờ đợi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ - Triều Tiên. Phải khẳng định rằng, nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công, sẽ không chỉ đưa các nước trên thế giới thoát khỏi miệng hố chiến tranh, mà bên cạnh đó còn mang lại những cơ hội quý giá chưa từng thấy cho hòa bình, thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

Trần Mỹ Hoa

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Bế mạc Đối thoại Shangri-La 2018

http://tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2018/51083/Be-mac-Doi-thoai-ShangriLa-2018.aspx

[2] Mattis warns Japan, S Korea of bumpy road to Trump-Kim summit

https://japantoday.com/category/politics/mattis-warns-of-bumpy-road-to-us-north-korea-nuclear-summit

[3] Japan, S Korea differ on how to deal with Kim Jong Un

https://japantoday.com/category/politics/Japan-S-Korea-differ-on-how-to-deal-with-Kim-Jong-Un

[4] Abe says Japan will make efforts for success of U.S.-N. Korea summit

https://japantoday.com/category/politics/update1-japan-will-make-efforts-for-success-of-u.s.-n.-korea-summit-abe

 

 

 

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn