GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

BẢO TỒN NGHỀ NHUỘM TRUYỀN THỐNG KAGAYUZEN Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 15-08-2018, 16:58

Nhật Bản có hàng trăm nghề thủ công truyền thống với khoảng một trăm ngàn người theo nghề, bao gồm cả nghệ nhân và thợ thủ công. Theo thống kê năm 2012, cả nước Nhật Bản có 222 nghề thủ công truyền thống được công nhận là tài sản văn hóa phi vật thể và được bảo hộ[1]. Mặc dù Nhật Bản là một quốc gia phát triển, song việc bảo lưu truyền thống cũng được ý thức một cách sâu sắc. Bên cạnh các lễ hội truyền thống hiện đang được duy trì như một phần quan trọng của đời sống văn hóa cộng đồng như đã đề cập ở các bài viết trước, “nghề thủ công truyền thống” cũng được gìn giữ và phát triển, trở thành bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế địa phương. Theo nghĩa hẹp, truyền thống được hiểu là những tập quán, những quy ước cụ thể thuộc về văn hóa, đời sống sản xuất..., được con người trong một khu vực nhất định kế thừa từ đời này sang đời khác. Những bí quyết và kỹ thuật độc đáo của nghề thủ công truyền thống qua bàn tay con người được gìn giữ và kế tục. Trên thực tế, việc thẩm thấu và lưu truyền những bí quyết nghề này không chỉ là câu chuyện của những người trong nghề, nó được gìn giữ và lưu truyền bởi cộng đồng địa phương quanh nó, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, trở thành tập quán và hệ thống.

Tuy nhiên, nghề thủ công truyền thống trong xã hội Nhật Bản hiện nay đang đứng trước một số thử thách, đó là các sản phẩm thủ công suy giảm thị phần trước hàng hóa công nghiệp hiện đại, nguyên liệu của nghề thủ công cũng trở nên khan hiếm (ngành gỗ, đá, gốm), lực lượng lao động sụt giảm do giới trẻ di cư tới các thành phố lớn kiếm việc làm, hệ thống truyền nghề cũ như “tập sự - học nghề” đã sụp đổ, giá trị quan và lối sống thay đổi, sự quan tâm, yêu mến các vật dụng truyền thống dần phai nhạt… Trước thực trạng này, các làng nghề thủ công truyền thống đã làm gì? Vốn xã hội (mạng lưới quan hệ giữa những người theo nghề, vai trò của các tổ chức công dân) đã giúp ích gì cho việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản? Bài viết tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi trên qua phân tích hiện trạng bảo tồn nghề nhuộm Kagayuzen ở thành phố Kanazawa.

Sở dĩ chúng tôi chọn thành phố Kanazawa thuộc tỉnh Ishikawa làm nghiên cứu trường hợp vì đây là địa phương nổi tiếng với văn hóa võ sĩ đạo, các nghề thủ công truyền thống ở đây có quy mô lớn chỉ sau Kyoto. Thành phố Kanazawa là ví dụ đại diện cho làng nghề thủ công ở khu vực thành phố. Ở đây có 10 nghề thủ công truyền thống được công nhận ở cấp quốc gia như nghề nhuộm Kagayuzen, nghề làm đồ sứ Kutaniyaki, Nghề làm đồ gỗ sơn mài Yamanaka, nghề sơn mài Wajimanuri,  Nghề thêu Kaga... Ngoài ra, còn có 6 nghề thủ công truyền thống được công nhận ở cấp tỉnh và 20 nghề thủ công truyền thống chưa được công nhận, tổng cộng có 36 nghề thủ công và làng nghề đang hoạt động ở đây.

Về lịch sử hình thành nghề nhuộm Kagayuzen, cách đây khoảng 500 năm, vương quốc Kaga (ở phía Tây Nam tỉnh Ishikawa ngày nay) bắt đầu phát triển kỹ thuật nhuộm Umesome. Vào khoảng giữa thế kỷ 17, kỹ thuật nhuộm “iroemon” (nhuộm màu thiết kế hoa văn) đã ra đời, đó là khởi nguồn của nghề nhuộm Kagayuzen ngày nay. Sau đó, nghề nhuộm “Miyazaki yuzensai” - nguồn gốc của cái tên Kagayuzen, được du nhập từ Kyoto tới. Thiết kế hoa văn dệt được cải tiến và nguyên liệu được tìm tòi thêm, phát triển, hình thành nền tảng của nghề dệt Kagayuzen ngày nay. Điểm đặc sắc của Kagayuzen là những thiết kế hình họa tập trung vào hoa văn hoa lá cỏ cây tả thực. Kagayuzen nhuộm ngũ sắc (5 màu) được ví như một giai điệu đầy màu sắc mà chủ đạo là đường chỉ đỏ. Về kỹ thuật, chú trọng đến hai cách thể hiện “độ dày của đường viền” và kỹ thuật “sâu ăn”, khắc họa một cách tinh tế vẻ đẹp của tự nhiên.

Hình 1: Sản phẩm nhuộm Kagayuzen

BẢO TỒN NGHỀ NHUỘM TRUYỀN THỐNG KAGAYUZEN  Ở NHẬT BẢN

Mạng lưới hợp tác

Hình 2. Sơ đồ các công đoạn và mạng lưới hợp tác trong nghề nhuộm truyền thống Kagayuzen[2].

BẢO TỒN NGHỀ NHUỘM TRUYỀN THỐNG KAGAYUZEN  Ở NHẬT BẢN

Hình 2 biểu thị mạng lưới hợp tác trong nghề nhuộm Kagayuzen của tỉnh Ishikawa. Nhìn trên hình, Từ công đoạn ① “Thiết kế”, công đoạn ②“Dựng mẫu” (dựng mẫu kimono trên nền vải trắng), công đoạn ③ “Vẽ mẫu”, công đoạn ④ “Đặt chỉ hồ”, công đoạn ⑤ “Chải nước hồ” đến công đoạn ⑥ “tô màu” có thể do một nghệ nhân hoàn toàn đảm nhiệm. Họ nhận đơn đặt hàng từ Tonya (nhà phân phối) và thực hiện những công đoạn này tại nhà. Trước đây, công đoạn ③ và ④ do thợ thủ công, chủ yếu là những người phụ nữ nội trợ và thợ thủ công trong làng nghề đảm nhận. Tuy nhiên, đây là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao nên các chuyên gia (nghệ nhân) cũng tham gia vào công đoạn này. Họ làm việc tại nhà riêng của mình.

Công đoạn ⑦ đến ⑫ (công đoạn ⑦ Hấp màu nền, công đoạn ⑧ Lót keo (bơm keo vào những chỗ đã vẽ hoa văn để khi nhuộm không bị lem màu), ⑨Nhuộm, ⑩ Hấp màu (làm màu nhuộm ngấm vào vải), ⑪ Rửa nước, ⑫ Làm khô) là các công đoạn liên quan đến kỹ thuật nhuộm màu (trọng tâm là nhuộm nền), công đoạn này được truyền nghề qua các thế hệ, bố mẹ truyền nghề cho con cái... Nếu là “công ty gia đình”, những người thợ thủ công đều là người cùng dòng tộc, ngoài ra, có thể thuê thêm vài người thợ bên ngoài. Trước đây, có một công đoạn của quá trình nhuộm (công đoạn thứ ⑪ - rửa nước) được thực hiện ở những con sông trong vùng, như một yếu tố văn hóa của nghề, gọi là “phong vật thi” (yếu tố vùng miền của làng nghề), nhưng từ sau chiến tranh, nhiều dòng sông bị ô nhiễm, công việc này trở nên khó khăn. Từ thập niên 1970, các gia đình làm nghề nhuộm đều xây dựng các khu sản xuất, và các khu vực sản xuất này được “cộng đồng hóa”.

Tonya (nhà phân phối) có vai trò trong quá trình chế tác sản phẩm. Họ nắm được toàn bộ quy trình sản xuất, có quyền quyết định lựa chọn những người thợ thủ công nào làm việc và cộng tác với nhau trong quy trình này. Từ công việc đầu tiên: Đặt hàng, tư vấn mẫu mới dựa trên phản hồi của khách hàng về nhu cầu, sản phẩm và kỹ thuật chế tác... đến những công việc ngoài quy trình sản xuất, họ đều có vai trò và ảnh hưởng lớn. Tonya có quyền thẩm định thợ thủ công trở thành nghệ nhân hoạt động độc lập trong nghề nhuộm. Họ cũng giúp xây dựng mối quan hệ giao lưu “bề ngang” bên trong cộng đồng thợ thủ công làm nghề nhuộm dệt này. Trong một thành phố (hoặc làng nghề) có rất nhiều công đoạn nghề, rất nhiều thợ thủ công được phân công làm việc ở các công đoạn khác nhau, thông thường khó nắm bắt. Nhưng các Tonya (nhà phân phối sản phẩm) nắm được mạng lưới sản xuất này và kết nối họ với nhau trong quá trình tạo ra một sản phẩm.

Trong nghề nhuộm Kagayuzen xưa kia, người nghệ nhân (sư phụ) tiếp nhận đệ tử và truyền nghề (theo chế độ đệ tử đến nhà ăn, ở, làm cùng để học việc) trong vòng 7 năm. Sau khi học nghề xong, với sự giới thiệu của 2 người trong Hiệp hội nghề (một là nghệ nhân (sư phụ) và hai là tonya (chủ cửa hàng phân phối sản phẩm thủ công)), người thợ thủ công đó được đệ trình sản phẩm để Hiệp hội nghề đánh giá và phỏng vấn. Nếu được chấp nhận, họ sẽ tiến hành đăng ký con dấu riêng (đăng ký tên tuổi, số hiệu, con dấu, làng nghề) và trở thành một nghệ nhân hoạt động độc lập. Khi được phép hoạt động độc lập, họ sẽ bắt đầu nhận việc từ các đơn đặt hàng của cửa hàng phân phối sản phẩm mà người thầy của họ cộng tác bấy lâu. Mạng lưới liên kết, giúp đỡ này tồn tại lâu năm trong làng nghề.

Ngoài ra, còn có hình thức truyền nghề “Kế thừa trong gia tộc” (Ở Nhật Bản, họ phân biệt nghề lưu truyền trong gia đình và nghề lưu truyền trong Làng nghề (một khu vực nhất định)). Hình thức “Kế thừa trong gia tộc” là hình thức kế thừa nghề thủ công ở những người có chung tổ tiên và dòng tộc (VD: chi nhánh gia đình...). Kỹ thuật chỉ được truyền lại trong gia đình và bởi những người có mối quan hệ mật thiết. Hệ thống truyền nghề “bí truyền” như vậy đã tồn tại hàng ngàn năm tại các làng nghề thủ công ở Kyoto. Trong hệ thống truyền nghề xưa cũ ấy, không chỉ kỹ thuật được “bí truyền” trong gia tộc, mà mọi sinh hoạt cuộc sống của những người theo nghề đều đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý của “Ông chủ gia đình”. Nhưng hiện nay, cuộc sống của người thợ thủ công (nghệ nhân) không còn mối quan hệ mọi mặt phụ thuộc hoàn toàn vào người thầy (người chủ sản xuất) như trước đây. Hệ thống này bị mai một dần, các công ty gia đình, chi nhánh gia đình khó tồn tại trong xã hội hiện đại. Hiện nay, thợ giúp việc trong nghề nhuộm Kagayuzen là do người nghệ nhân chọn lựa, và mối quan hệ chủ yếu là “quan hệ công việc”. Tuy nhiên, việc xuất thân của người thợ thủ công (học nghề từ ai) vẫn rất được coi trọng, và việc có con dấu riêng trên sản phẩm của mình trở thành niềm tự hào lớn lao. Tóm lại, duy trì và kế thừa “bí quyết” nghề là việc quan trọng của làng nghề, nhưng mối quan hệ “phả hệ gia đình” giữa những người làm nghề đã chuyển dần thành quan hệ “cá nhân”.

Vai trò của các đoàn thể

Nhìn trên biểu đồ, ta thấy 12 công đoạn chính trong nghề nhuộm Kagayuzen được tổ chức thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn vẽ màu, và giai đoạn thứ 2 là giai đoạn nhuộm màu. Giai đoạn 1 (gồm bước 1-6) do Liên hiệp hội chấn hưng nghề nhuộm Kagayuzen[3] phụ trách, nếu có khó khăn sẽ đứng ra hỗ trợ. Công việc chính của Liêp hiệp hội là hỗ trợ các khu sản xuất thủ công (sanchi) và người nghệ nhân thủ công hình dung về kế hoạch sản xuất của họ từ khâu thiết kế sản phẩm, sản xuất, và bán sản phẩm ra thị trường, sao cho thúc đẩy được nghề nhuộm truyền thống Kagayuzen tiếp tục phát triển. Điều quan trọng nhất mà Liên hiệp hội làm cho làng nghề của họ, đó là cung cấp thông tin. Toàn bộ thông tin liên quan đến vùng sản xuất được Hội thu thập và cung cấp rộng rãi trên trang web. Hội còn thành lập Viện nghiên cứu về nghề nhuộm Kagayuzen để thiết kế những sản phẩm thủ công vừa giữa được yếu tố truyền thống, vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, design các mẫu mã, hoa văn mới cho bộ kimono truyền thống. Hội chính là nơi kết nối nguồn nhân lực liên quan đến nghề, không chỉ giới hạn ở làng nghề mà còn mở rộng trên toàn Nhật Bản. Hội cũng có chính sách đào tạo nhân lực cho làng nghề, thông qua mở các lớp học do nghệ nhân nổi tiếng dạy, tổ chức các sự kiện quảng bá cho làng nghề, mở fan club của Kagayuzen với số hội viên lên tới 1.100 người, ra Tạp chí về nghề nhuộm Kagayuzen, tổ chức các lớp học mặc kimono truyền thống cho trẻ em, xây dựng hội quán Kagayuzen...

Hình 3: Nơi trưng bày sản phẩm nhuộm Kagayuzen trong Khu tổ hợp nhuộm Kagayuzen


Giai đoạn 2 gồm các bước từ 7-12 là giai đoạn nhuộm, tất cả kỹ thuật truyền thống đều hội tụ ở giai đoạn này. Liên hiệp hội khu tổ hợp nhuộm Kagayuzen phụ trách giai đoạn 2. Khu tổ hợp được xây dựng năm 1970, với mục đích thúc đẩy sự phát triển của vùng nghề, nâng cao tính đặc sắc của vùng sản xuất. Có 22 cơ sở sản xuất tham gia vào khu tổ hợp, chuyển dần mô hình sản xuất hộ gia đình thành khu vực làng nghề, tạo điều kiện cho sự giao lưu giữa các nghệ nhân, đào tạo thợ thủ công, phát triển sản phẩm. Khu tổ hợp là niềm tự hào của thành phố Kanazawa về nghề truyền thống địa phương, đồng thời còn là nơi thu hút khách du lịch, phát triển du lịch với kinh doanh sản phẩm thủ công truyền thống.

Hình 4: Khu tổ hợp sản xuất Kagayuzen

BẢO TỒN NGHỀ NHUỘM TRUYỀN THỐNG KAGAYUZEN  Ở NHẬT BẢN

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1], [2] Bài giảng của GS.Higuchi Hiromi, Đại học Senshu tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á ngày 4/9/2015, Workshop “Tìm hiểu lịch sử - văn hóa - xã hội Nhật Bản” do Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản tài trợ.

[3] https://www.kagayuzen.org/



 


Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn