GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TỔ CHỨC TÔN GIÁO KHOA HỌC HẠNH PHÚC Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 31-07-2019, 14:45

Khi nói tới vấn đề tôn giáo tham gia vào chính trị ở Nhật Bản, nhiều người trong chúng ta thường nghĩ tới tổ chức Phật giáo mới Soka Gakkai (創価学会- Sáng Giá Học Hội) và quan hệ của nó với đảng chính trị Komeito (公明党- Công Minh Đảng) - hiện đang giữ vai trò là một đảng trong liên minh cầm quyền ở Nhật. Tuy vậy, ngoài Soka Gakkai, còn có một tổ chức tôn giáo nữa ở Nhật cũng đã thành lập chính đảng riêng của mình. Đó là tổ chức Khoa học Hạnh Phúc (幸福の科学- Kofuku no Kagaku- tên tiếng Anh là Happy Science)

Tổ chức tôn giáo Khoa học Hạnh phúc ra đời ngày 6 tháng 10 năm 1986 và được chứng nhận là một pháp nhân tôn giáo vào ngày 7 tháng 3 năm 1991. Ryuho Okawa (sinh năm 1956), người sáng lập, giới thiệu mục đích của tổ chức là "Mang lại hạnh phúc cho nhân loại thông qua con đường truyền bá Sự thật"). Trước khi thành lập tổ chức này, Ryuho Okawa - vốn tốt nghiệp khoa Luật trường Đại học Tokyo - đã viết nhiều cuốn sách mang tính "thông điệp tâm linh" chuyển lời của các vĩ nhân như Chúa Giêsu, Khổng Tử và Đại sư Nhật Liên (đại sư khai tổ của phái Phật giáo Nhật Liên) tới với người đọc. Năm 1986, ông từ bỏ công việc tại một tập đoàn thương mại để theo đuổi mục đích lập ra tôn giáo của riêng mình. Năm 1987, bộ ba quyển Luật Mặt trời, Luật Vàng và Luật vĩnh cửu (The Laws of the Sun, The Golden Laws, The Laws of Eternity) được xuất bản, tạo thành bộ giáo lý cốt lõi của tổ chức Khoa học Hạnh phúc, cùng với quyển kinh điển cơ bản Pháp của Chánh niệm (The Dharma of the Right Mind).

Các giáo lý cơ bản của Khoa học Hạnh phúc là "Khám phá Chánh niệm" (Exploration of the Right Mind) và "Tứ chính đạo" (The Fourfold Path) cùng niềm tin vào El Cantare - Thần cao nhất của Trái đất, Chúa của tất cả các vị thần. Theo Okawa, để đạt được hạnh phúc, người ta phải thực hành các nguyên tắc Hạnh phúc được gọi là "Tứ chính đạo", bao gồm Tình yêu, Trí tuệ, Tự suy ngẫm và Tiến bộ (Love that gives, Wisdom, Self-Reflection and Progress). Khi tham gia Khoa học Hạnh phúc, tín đồ phải có niềm khao khát và ý chí kỷ luật để tìm kiếm được Sự thật và đóng góp hết mình vào việc thực thi tình yêu, hòa bình và hạnh phúc trên trái đất này". Họ có một niềm tin mạnh mẽ vào vị Chúa của Trái đất, El Cantare. Một phần của Ngài được cho là sinh ra trong hình hài của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni. Trong kinh Cựu Ước, El Cantare được biết đến với cái tên Elohim, và Ngài cũng là đại diện cho truyền thuyết cổ xưa “Cây của Sự Sống” (The Tree of Life). Tất cả các tôn giáo đều khởi thủy từ một nguồn - El Cantare, Ngài đã tạo ra thế giới này bằng tình yêu. Một phần của El Cantare nằm bên trong Okawa, người đang hướng dẫn nhân loại sáng tạo ra một thế giới hòa hợp và thịnh vượng. Mơ ước của Khoa học Hạnh phúc là tạo nên một thế giới lý tưởng, gọi là Utopia -  một thế giới của Chúa Trời, (a kingdom of God). Utopia là nơi mỗi cá nhân sống hết sức mình bằng cách thực hành Sự thật (Truth) - luật lệ chi phối toàn bộ vũ trụ. Thế giới đó bắt đầu trong tâm trí, khi vượt lên môi trường và hoàn cảnh xung quanh, chúng ta sẽ cảm nhận được hòa bình và hạnh phúc, sau đó nó thực sự hiện diện như một thiên đường trên Trái đất. Có thể nói, Utopia là giấc mơ ẩn sâu trong mỗi con người và có thể hiện thực hóa nó bằng cách tuân theo các nguyên tắc tạo nên Utopia[1].

Cơ sở vật chất tôn giáo của Khoa học Hạnh phúc bao gồm trụ sở chính, các nhà thờ, và các chi nhánh truyền giáo tại Nhật Bản và các quốc gia khác. Các nhà thờ được gọi là Shoja (精舎). Ngày 1 tháng 1 năm 1994, chi nhánh đầu tiên ở nước ngoài của tổ chức được thiết lập tại New York. Hiện nay có tổng cộng 33 Shoja trên toàn thế giới, chủ yếu là ở Nhật, ngoài ra là ở Hawai, Brasil và Úc [2]. Các Shoja có đặc trưng theo lối kiến trúc Châu Âu pha phong cách Hy Lạp, với các cột trụ tròn màu trắng, những mái vòm cửa sổ và hành lang cong. Bên trong các Shoja lớn là lễ đường tráng lệ, và cách bài trí ở những Shoja lớn tạo cảm giác cho người tới tham quan như đang ở trong một lâu đài châu Âu.

Số tín đồ của Khoa học Hạnh phúc thường không công khai, trong cuốn Niên giám Tôn giáo Nhật Bản các năm cũng không có số liệu về số tín đồ của tổ chức này. Số liệu công bố cập nhập gần đây nhất là trong bản công bố của tổ chức năm 2010, trong đó ghi số tín đồ ở tổng số 86 quốc gia trên thế giới là 12.000.000 người. Hiện nay tổ chức Khoa học Hạnh phúc ngoài các cơ sở thờ tự, còn thành lập Viện Khoa học Hạnh phúc (Happy Science Academy), Đại học Khoa học Hạnh phúc (Happy Science University), và Đảng Thực hiện Hạnh phúc (幸福実現党- Kofuku Jitsugen to, tiếng Anh là Happiness Realization Party), nhà xuất bản IRH Press, và ba công ty giải trí truyền thông, được gọi là New Star Production, ARI Production và HS Pictures Studio. Vào tháng 2 năm 2017, nữ diễn viên mới nổi Fumika Shimizu  gây xôn xao dư luận khi tuyên bố đột ngột rút lui khỏi công ty sản xuất giải trí cũ của mình để tham gia vào tổ chức này. Điều này khiến dư luận liên tưởng tới việc ngôi sao Tom Cruise tham gia vào giáo phái Scientology ở Mỹ.

Như đã trình bày ở phần trên, tổ chức Khoa học Hạnh phúc hướng tới một thế giới lý tưởng gọi là Utopia. Chúng ta có thể nhận ra khái niệm về Utopia dễ gây liên tưởng tới các vấn đề chính trị. Chỉ có hệ thống chính trị phù hợp nơi mọi người được tự do mới có thể cho phép tạo ra một thế giới lý tưởng trên trái đất như vậy. Đây là lý do tại sao Okawa tin rằng tôn giáo phải can thiệp vào các vấn đề của chính phủ. Ông bình luận không chỉ về các vấn đề trong nước, mà còn về các vấn đề địa chính trị trên thế giới. Tổ chức này không giấu giếm ý định tiến vào chính trường. Ngày 23/05/2009, Đảng Thực hiện Hạnh phúc được thành lập với  Jikido Aeba, 42 tuổi là người lãnh đạo. Đảng này tuyên bố sẽ xem xét lại bản Hiến pháp của Nhật Bản sau chiến tranh và sẽ “xây dựng khả năng phòng thủ đủ sức chống lại những vụ bắn thử hỏa tiễn của Triều Tiên.” Cuộc họp báo của Jikido Aeba được tổ chức vào thời điểm trùng hợp với vụ Triều Tiên cho nổ thử trái bom nguyên tử thứ hai. Đảng Thực hiện Hạnh phúc cho biết họ dự định đưa người ra ứng cử tại tất cả hơn 300 địa phương của Nhật Bản, tập trung vào các quan điểm chính trị bao gồm hỗ trợ cho việc mở rộng quân sự của Nhật Bản, hỗ trợ cho việc sử dụng răn đe hạt nhân và phủ nhận các sự kiện lịch sử như Vụ thảm sát Nam Kinh ở Trung Quốc. Một số chủ trương khác là về việc chi tiêu cơ sở hạ tầng, phòng chống thiên tai, phát triển đô thị và xây dựng đập. Họ cũng ủng hộ chủ nghĩa bảo thủ tài khóa, củng cố liên minh Mỹ-Nhật và lãnh đạo dựa trên phẩm chất đạo đức. Tính đến mùa xuân năm 2018, Đảng Thực hiện Hạnh phúc có 21 ủy viên hội đồng địa phương.

Tuy Đảng Thực hiện Hạnh phúc của tổ chức Khoa học Hạnh phúc chưa có những thành công nhất định như Đảng Công Minh của Soka Gakkai, song việc đường đường chính chính tham gia vào chính trị một cách công khai là một vấn đề rất đáng chú ý. Ở đây, chúng ta nhận thấy cũng giống như Soka Gakkai mong muốn xây dựng  Nhật Bản là một quốc gia mà Phật giáo giữ vị trí quan trọng ở đó (Phật hóa toàn nước Nhật), biến Nhật Bản thành nơi lý tưởng trên thế giới- nơi đã chuyển đổi dưới ánh sáng của Phật pháp; tổ chức Khoa học Hạnh phúc cũng mong muốn xây dựng một thế giới lý tưởng- Utopia. Điểm tương đồng giữa lý tưởng của hai tổ chức này là đều mong muốn đem giáo lý của tổ chức mình truyền bá khắp Nhật Bản cũng như xây dựng thế giới lý tưởng. Điều đó đã khiến cả hai tổ chức này thành lập các chính đảng của riêng mình, để có thể truyền bá giáo lý kết hợp vào trong hoạt động chính trị. Khác với giáo chủ Asahara của giáo phái Chân lý Aum có tham vọng chiếm lấy nước Nhật bằng con đường quân sự và khủng bố, hai tổ chức này khá bài bản khi thành lập các chính đảng và có phương hướng hoạt động rõ ràng.

 

[1] Alexandra Tothova (2013), New Religious Movements and Kofuku no Kagaku as an

example, University of Vienna (Summer Semester), tr.9.

[2] Theo trang Web về Shoja của tổ chức Khoa học Hạnh phúc: http://shoja.jp/shoja-areas/overseas-countries/

 

Nguyễn Ngọc Phương Trang

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo

1.Alexandra Tothova (2013), New Religious Movements and Kofuku no Kagaku as an example, University of Vienna (Summer Semester).

2.Ishikura Hiroshi (2008),  Tôn giáo mới Nhật Bản chưa phải là chuyện đã xong nếu chúng ta chưa hiểu –phía sau của phía sau thị trường khổng lồ hai trăm triệu người bị thuyết phục khi đọc , NXB Bunko Gingado, Nhật Bản.

3. Trang Web về Shoja của tổ chức Khoa học Hạnh phúc: http://shoja.jp/shoja-areas/overseas-countries/

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn