GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

QUAN HỆ CHIẾN LƯỢC NHẬT BẢN–PHÁP VÀ KHU VỰC ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG

Đăng ngày: 4-12-2019, 06:30

Năm 2019 là kỷ niệm 161 năm quan hệ hữu nghị Nhật-Pháp. Quan hệ hai nước bắt đầu mở ra từ Hiệp ước Thân thiện và Thương mại giữa Pháp và Nhật Bản được ký kết tại Edo (Tokyo ngày nay) vào ngày 9 tháng 10 năm 1858. Khi đó, đối với Nhật Bản mới từ bỏ chính sách bế quan tỏa cảng để hội nhập cùng cộng đồng quốc tế, Pháp là mô hình hiện đại hóa đáng để học hỏi. Năm 2019 có thể coi là năm quan hệ Nhật-Pháp, bắt đầu bằng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng (2+2) diễn ra tại thành phố Brest, miền Tây–Bắc Pháp. Lãnh đạo hai nước đã có chuyến viếng thăm lẫn nhau cùng tăng cường quan hệ song phương và nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ phòng thủ hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cũng trong năm này, Nhật Bản lần đầu tiên chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, trong khi Pháp chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố Biarritz, miền Tây Nam nước Pháp. Đối với cả hai nước, đây là cơ hội để khẳng định tầm ảnh hưởng và vai trò toàn cầu trên trường quốc tế.

Với Pháp, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là thực thể địa lý, con người, chiến lược và kinh tế bởi sự hiện diện của nước này ở cả hai đại dương với 5 lãnh thổ là New Caledonia, Polynesia, Wallis và Futuna, Đảo Reunion và Mayotte. Hơn 1,5 triệu công dân Pháp sống trong khu vực này. Không gian hàng hải của các vùng lãnh thổ chiếm khoảng 11 triệu km2, chiếm hơn 2/3 vùng đặc quyền kinh tế của Pháp, lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Đó là không gian mà trong đó Pháp duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ góp phần đảm bảo an ninh khu vực. Khoảng 8 nghìn nhân viên quốc phòng đang đóng quân trên khắp khu vực, khiến Pháp trở thành cường quốc châu Âu duy nhất tích cực có mặt không chỉ ở Thái Bình Dương mà còn ở Ấn Độ Dương[1].

Về căn bản, Pháp và Nhật Bản có điểm tương đồng là đề cao các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền trên trường quốc tế, cả hai đều cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp hòa bình. Hai nước coi nhau là đối tác chính trong các tổ chức quốc tế và các bên liên quan quan trọng cả trong khu vực tương ứng và trong cộng đồng quốc tế. Là các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương, Pháp và Nhật Bản cam kết hòa bình và ổn định trong khu vực. Quan hệ đối tác giữa hai nước tăng cường liên tục theo lộ trình chung từ năm 2013 đến nay, đặc biệt là các hội nghị thượng đỉnh hàng năm giữa hai nước. Về kinh tế, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Pháp tại Châu Á và là nhà đầu tư hàng đầu khu vực tại Pháp. Thương mại song phương đứng ở mức 15,6 tỷ euro trong năm 2016, với mức thâm hụt 3,14 tỷ euro cho Pháp[2].

Mặc dù ở xa về mặt địa lý, Pháp và Nhật Bản có chung một số lợi ích hội tụ, bắt đầu bằng sự gắn bó với các nguyên tắc tự do và luật pháp, và từ những lo ngại chung về các thách thức đơn phương đối với trật tự quốc tế, phổ biến hạt nhân, khủng bố quốc tế, cướp biển,…. Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cường quốc hạt nhân, đồng minh thân cận của Mỹ và cường quốc thường trú ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Pháp nổi bật là một đối tác phù hợp với một Nhật Bản muốn bình thường hóa tư thế quốc phòng và tăng cường vai trò quốc tế của mình cho hòa bình và ổn định khu vực.

Thách thức chung với Nhật Bản và Pháp hiện nay là sự trỗi dậy, cạnh tranh sức mạnh trong khu vực. Cụ thể là Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông, chi phối, thiết lập trật tự mới tại khu vực này. Trung Quốc triển khai chiến lược Vành đai Con dường mở rộng ảnh hưởng chính trị, duy trì sự ổn định của khu vực và khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng thông qua chiến lược này. Các khoản đầu tư của Trung Quốc dường như để tạo ra ảnh hưởng chính trị, giúp nước này mở rộng hiện diện quân sự và tạo ra một môi trường chiến lược có lợi cho Trung Quốc trong khu vực.

Điểm nhấn đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn quan hệ chiến lược mới và quan trọng hơn giữa hai nước Nhật – Pháp là chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống François Holland tới Nhật Bản vào tháng 6 năm 2013. Khi đó, Tổng thống Pháp Holland cho rằng quan hệ Nhật-Pháp là quan hệ “đối tác đặc biệt”, dẫn đến sự khởi đầu của các cuộc họp cấp Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng (2+2) của cả hai bên. Hợp tác thiết bị quốc phòng, hợp tác tình báo cũng đã tăng cường đặc biệt ở Châu Phi và Trung Đông như hợp tác thực tế ở Djibouti, nơi Pháp có sự hiện diện mạnh mẽ truyền thống và Nhật Bản duy trì cơ sở đầu tiên (và duy nhất) ở nước ngoài để hỗ trợ cho hoạt động chống cướp biển ở vùng Vịnh của Aden.

Hợp tác an ninh song phương vì thế đã được mở rộng, và dần được thể chế hóa. Ngoài cuộc họp 2 + 2 hàng năm, thỏa thuận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng, có hiệu lực kể từ tháng 12 năm 2016, đã mở đường cho nghiên cứu chung và phát triển công nghệ quét mìn dưới nước thế hệ mới. Vào tháng 7 năm 2018, hai nước đã chính thức ký kết Hiệp định thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA), nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Thượng viện Nhật Bản chính thức thông qua Hiệp định vào tháng 5 năm 2019 vừa qua[3]. Quân đội hai nước đã chuẩn bị những thủ tục liên quan để có thể cung cấp dịch vụ, vật phẩm cho nhau trong đó có nhiên liệu, thực phẩm, đạn dược. Đây là bước quan trọng để mở rộng hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR) và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các diễn tập chung đầy ý nghĩa.

Cho đến nay, phần lớn hợp tác song phương đã tập trung vào an ninh hàng hải, chủ yếu ở châu Á, nơi Nhật Bản tham gia khóa đào tạo chung HA/DR do Pháp tổ chức ở Nam Thái Bình Dương, và cả ở Vịnh Aden với sự tham gia của các hoạt động chống cướp biển đa quốc gia. Vào tháng 2 năm 2018, lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Trên biển của Nhật Bản đã có cuộc tập trận kiểm soát trên biển với tàu khu trục của Pháp Frigate Vendemiaire và vào mùa xuân năm 2018, hai máy bay P-1 của Nhật Bản đã tổ chức huấn luyện tuần tra trên biển ở Pháp.

Trong những năm gần đây, các cuộc tập trận chung đã được nâng cấp và mở rộng với các cuộc tập trận bốn bên. Như việc tổ chức tập trận chung giữa các tàu Nhật Bản, Pháp, Mỹ và Anh gần đảo Guam vào mùa xuân năm 2017, và được xem là một phần chương trình “Jean D’Arc” của Pháp. Ngày 16 tháng 5 năm 2019, các tàu chiến của Pháp, Nhật Bản, Australia và Mỹ lần đầu tiên tổ chức tập trận hải quân chung trên các vùng biển châu Á. Tham gia tập trận có tàu sân bay FS Charles de Gaulle của Pháp cùng các tàu hộ tống và 5 tàu hải quân khác, trong đó có một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ và một tàu ngầm của Australia[4].

Ngoài việc, thực hiện các hoạt động ghé thăm cảng và tập trận chung, Pháp-Nhật Bản đang tìm cách mở rộng sự phối hợp của họ trong các hoạt động hỗ trợ xây dựng năng lực hàng hải ở Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương và Châu Phi. Rõ ràng, sự ổn định của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là mối quan tâm chung quan trọng đối với hai nước. Với lực lượng hải quân, lãnh thổ và lực lượng quân sự được định vị trước ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Pháp có một vị trí đặc biệt nhất trong số các nước châu Âu có thể đóng góp cho an ninh và quản trị tốt hơn trong khu vực chiến lược này.

Các lĩnh vực hợp tác khác triển khai ở Châu Phi, nơi hai nước đã có các căn cứ ở Djibouti, kể từ năm 2011. Kế hoạch chung cho châu Phi năm 2015 tạo cơ sở cho sự hợp tác như tài trợ chung cho các trường giữ gìn hòa bình trên lục địa, trao đổi thông tin và bảo vệ công dân. Hợp tác với Pháp để hiểu rõ hơn về môi trường an ninh phức tạp ở châu Phi có vai trò quan trọng vì Tokyo muốn mở rộng sự hiện diện kinh tế ở đó, nhất là trong bối cảnh các cuộc tấn công khủng bố đang gia tăng như việc 10 công dân Nhật Bản đã chết trong vụ tấn công tại Algeri vào tháng 1 năm 2013. Năm 2016, tùy viên quốc phòng Nhật Bản được đào tạo tại Pháp. Đổi lại, Paris muốn thấy Nhật Bản đóng góp tài trợ cho một số hoạt động liên quan đến an ninh ở Sahel và Tây Phi, nhưng cũng mong đợi sự ủng hộ của Nhật Bản đối với việc Pháp tham gia một số diễn đàn hợp tác an ninh đa phương ở Đông Á, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Cộng (ADMM +). Hai nước thể hiện tham vọng về mối quan hệ an ninh lâu dài thông qua việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như vũ trụ (vệ tinh liên lạc phòng thủ băng tần X của Nhật Bản được phóng từ Guiana thuộc Pháp vào tháng 3 năm 2018), giám sát hàng hải và không gian mạng[5].

Năm 2018, nhân dịp quốc khánh pháp ngày 14/7, Thủ tướng Abe được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời tham gia với tư cách là khách danh dự, song do bận lo khắc phục thiên tai trong nước ông không thể có mặt mà thay vào đó là ngoại trưởng Taro Kono. Ngoài ra, 7 đại diện cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng tham gia cuộc diễu hành tại lễ kỷ niệm. Sự hiện diện của lực lượng phòng vệ Nhật Bản nhằm chứng minh với toàn thế giới quyết tâm Pháp-Nhật thắt chặt hợp tác quân sự. Nước Pháp với nhiều lãnh thổ trong khu vực Thái Bình Dương luôn rất quan tâm tới ổn định trong khu vực. Pháp cũng là một quốc gia chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chung với Nhật Bản.

Có thể thấy rằng việc mở rộng hợp tác an ninh của hai nước là sự hội tụ của hai xu hướng lợi ích: Thứ nhất là mong muốn đa dạng hóa các đối tác chiến lược của Nhật Bản để giúp duy trì trật tự tự do quốc tế và cân bằng với Trung Quốc. Thứ hai là Pháp quan tâm đến nâng cấp lãnh đạo quốc tế và mở rộng cam kết an ninh ở châu Á, lĩnh vực mà nước này muốn được thừa nhận là một bên liên quan có trách nhiệm. Do đó, sự hội tụ nhất định giữa chiến lược của hai quốc gia đối với Ấn Độ-Thái Bình Dương đang tạo ra động lực mới để phát triển hợp tác an ninh song phương.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

[1] Vai trò của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 29/11/2019, tr.5

[2] France and Japan

https://www.diplomatie.gouv.fr/en/country-files/japan/france-and-japan/

[3] Thượng viện Nhật Bản thông qua ACSA với Pháp và Canada

https://www.vietnamplus.vn/thuong-vien-nhat-ban-thong-qua-acsa-voi-phap-va-canada/568237.vnp

[4] Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Australia lần đầu tập trận hải quân chung

https://www.vietnamplus.vn/my-phap-nhat-ban-va-australia-lan-dau-tap-tran-hai-quan-chung/569633.vnp

[5] A New Japan-France Strategic Partnership: A View from Paris https://www.ifri.org/en/publications/editoriaux-de-lifri/lettre-centre-asie/new-japan-france-strategic-partnership-view


 

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn