GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP NỘI DUNG SỐ CỦA NHẬT BẢN HAI THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI (phần 2)

Đăng ngày: 18-08-2020, 18:24

3. Những điểm căn bản trong nội dung chính sách phát triển công nghiệp nội dung số của Nhật Bản

(1) Tăng cường đầu tư nguồn vốn

Trong những năm vừa qua, ngân sách được Chính phủ Nhật Bản dành cho các hoạt động văn hóa thông qua Cục Văn hóa là khá lớn và có xu hướng tăng, năm 2004 là 101,6 tỷ yên (khoảng 924 triệu USD), Trong đó nguồn vốn dành cho công nghiệp nội dung số nằm trong 37,8% ngân sách chi cho xúc tiến văn hóa nghệ thuật. Nguồn ngân sách này được dùng hỗ trợ cho công tác phát triển công nghiệp nội dung số, nâng cấp cơ sở hạ tầng văn hóa. Ví dụ như: xây dựng nhà văn hóa; trường quay…tổ chức lễ hội quốc tế; tổ chức sự kiện văn hóa; đào tạo nhân tài… Mức ngân sách dành cho Cục văn hóa từ năm 2010 đến năm 2016 có tăng hàng năm, nhưng mức tăng ít, dao động trong khoảng dưới 104 tỷ yên (khoảng 950 triệu USD); từ năm 2017 đến nay, xu hướng tăng mạnh hơn; cụ thể, năm 2017 là 104, 273 tỉ yên (tăng 0,3%), năm 2018 là 107,729 tỉ yên (tăng 3.3%), năm 2019 là 133,051 tỉ yên (tăng 23,3%) [6].

Đầu tư cho sản xuất và lưu thông các sản phẩm công nghiệp nội dung số cần một nguồn kinh phí lớn. Chính vì vậy, bên cạnh nguồn ngân sách từ Chính phủ, từ  năm 2000 đã có sự đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân, công ty tư nhân, công ty chứng khoán, ngân hàng. Tháng 12/2004, Luật ủy quyền sở hữu tài sản trí tuệ đã được sửa đổi toàn diện. Theo qui định của bộ luật cho phép ủy thác quyền sở hữu tài sản trí tuệ, gồm cả quyền tác giả. Điều này, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư liên quan đầu tư vốn vào các ngành công nghiệp nội dung số. Năm 2004, cùng với việc Chính phủ ban hành những chính sách đãi ngộ thuế để tạo môi trường đầu tư cho công nghiệp nội dung số, hệ thống Ngân hàng Chính sách Nhật Bản đưa ra Chế độ Bảo chứng nợ và Cho vay đối với các ngành công nghiệp nội dung số nhằm tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này có điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn vốn đề phát triển.

(2) Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực:

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực luôn được coi là vấn đề trọng yếu trong chính sách phát triển kinh tế của các quốc gia của Nhật Bản. Điều 9 của Bộ luật cơ bản về chấn hung công nghiệp nội dung số ghi rõ: Nhà nước khuyến khích giáo dục liên quan đến sản xuất nội dung bởi các tổ chức cung cấp giáo dục đại học nhằm nuôi dưỡng nguồn nhân lực có thể tạo ra nội dung hấp dẫn hoặc sử dụng chúng một cách có hiệu quả; xây dựng các chính sách thúc đẩy trao đổi lẫn nhau giữa những người sản xuất nội dung trong nước và ngoài nước, tổ chức triển lãm nội dung hoặc đánh giá sản phẩm và các biện pháp cần thiết khác.

Hằng năm, bằng các chính sách hỗ trợ cho các hoạt động nghệ thuật (Biểu diễn nghệ thuật; Hỗ trợ kinh phí tổ chức lễ hội phim; Lễ hội Manga (truyện tranh); Lễ hội Anime (phim hoạt hình); Liên hoan điện ảnh; Festival nghệ thuật…) trên qui mô quốc tế và trong nước, với nhiều các hạng mục giải thưởng, đã khuyến khích các cá nhân, các tổ chức, đơn vị tham gia nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa.[7] Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng có những chính sách hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp nội dung số. Ngân sách hàng năm của Chính phủ Nhật Bản dành cho việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa trong những năm gần đây cũng liên tục gia tăng. Năm 2010, nguồn ngân sách này là 6,434 tỉ yên, năm 2019 là 8,630 tỉ yên (tăng 34%) [8]

Ngoài ra, chương trình phát hiện, bồi dưỡng, và thu hút nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa còn được đưa vào trong chương trình giáo dục phổ thông. Trẻ em trên toàn nước Nhật, ngay từ khi còn là học sinh mẫu giáo, tiểu học đã được học múa, hát, học vẽ... Học sinh trung học trở lên đã có những khóa học theo sở thích, theo năng khiếu như: đóng kịch, quay phim, chụp ảnh, đạo diễn… những chương trình học này đã giúp học sinh phát hiện ra năng khiếu của bản thân, định hướng phát triển khả năng của mình trong tương lai. Thông qua các hoạt động văn hóa được tổ chức từ địa phương, trường phổ thông phát hiện ra nhân tài để bồi dưỡng và đào tạo chuyên nghiệp…

Cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực trong nước, việc thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài cũng là một trong những trọng tâm trong chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp nội dung số của Nhật Bản trong những năm gần đây và đặc biệt là trong những năm tới. Vấn đề thu hút nhân tài từ hải ngoại đối với Nhật Bản càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh chung của toàn xã hội Nhật Bản, đó là tình trạng ngày càng thiếu nhân công lao động do xã hội già hóa, tỷ lệ trẻ em thấp… Hàng năm, thông qua các hoạt động, các chương trình cấp học bổng, Chính phủ Nhật Bản thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học và làm việc ở Nhật Bản. Trong Chiến lược “Cửa ngõ Châu Á” [9] được Chính phủ Nhật Bản đưa ra thảo luận từ năm 2008 – 2009, việc bồi dưỡng và thu hút nhân tài quốc tế cho sự phát triển công nghiệp nói chung cũng như cho công nghiệp nội dung số nói riêng được coi như 1 trong 7 trọng điểm chiến lược.

(3) Mở rộng thị trường trong và ngoài nước

Mở rộng thị trường là vấn đề được quan tâm rất sâu sắc và trở thành một trong những trọng tâm chính sách phát triển các ngành công nghiệp nội dung số của Nhật Bản hai thập niên vừa qua. Điều 12 của Luật cơ bản chấn hung công nghiệp nội dung số xác định rõ, nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy phân phối nội dung số một cách thuận lợi bằng nhiều phương tiện khác nhau thông qua việc cải thiện sự tiện lợi của Internet và các mạng truyền thông tiên tiến khác và đảm bảo an toàn và độ tin cậy cao [10].  Mặc dù công nghiệp nội dung số của Nhật Bản đã thu được những thành tựu to lớn về kinh tế cũng như về văn hóa và ngoại giao. Tuy vậy theo thống kê hàng năm, doanh thu từ công nghiệp nội dung số của Nhật Bản vẫn chủ yếu từ thị trường nội địa. Thị trường hải ngoại cho các ngành công nghiệp nội dung số của Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng. Để sản phẩm công nghiệp nội dung số của Nhật Bản có thể tiêu thụ được rộng rãi hơn trên thị trưởng hải ngoại thì nội dung thông tin của các sản phẩm cần được cải thiện, điều chỉnh; bên cạnh các giá trị truyền thống, các sản phẩm nội dung số của Nhật Bản phải thể hiện được tính phổ biến, tính quốc tế cao hơn nữa. Để thực hiện điều này, Nhật Bản chú trọng chính sách “mở” trong việc tiếp thu các thành tựu văn hóa hiện đại, cải biến chúng để làm giàu nền văn hóa hiện đại, tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp nội dung số nói chung cũng như cho các ngành nội dung số nói riêng. Nhật Bản chủ trương vừa cần bảo tồn và quảng bá văn hóa Nhật Bản với thế giới vừa cần tiếp tục thu nhận những tinh hoa của những nền văn hóa khác, như một sự “cộng, sinh” văn hóa nhằm xây dựng một nền văn hóa mới trong đó không chỉ là văn hóa Nhật Bản mà là sự giao thoa, hội tụ của nhiều giá trị văn hóa trên thế giới.

(4) Tăng cường thực thi luật bản quyền, chống sao tệ nạn chép bất hợp pháp

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nội dung số ra nước ngoài khiến Nhật Bản đang phải tăng cường các thiết chế bảo vệ bản quyền đối phó với tệ nạn sao chép bất hợp pháp. Theo khảo sát của Cục sáng chế Nhật Bản năm 2000, thì 33% sản phẩm vi phạm bản quyền của Nhật Bản được sản xuất ở Trung Quốc; 18,1% ở Hàn Quốc; 17,6% ở Đài Loan; còn lại là ở các nước khác. Trong thời gian qua, Nhật Bản đặc biệt coi trọng việc xây dựng cơ chế bản quyền không chỉ trong nước mà trên phạm vi quốc tế. Năm 2002 Hội đồng Chiến lược về Sở hữu trí tuệ trực thuộc văn phòng Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã được thành lập với mục đích thúc đẩy phát triển luật sở hữu trí tuệ của quốc gia, bao gồm cấp bằng công nghệ sáng chế, thiết kế, phim ảnh, và phần mềm video game…Tháng 8/2002, 19 tổ chức, đoàn thể liên quan đến công nghiệp nội dung đã thành lập “Tổ chức xúc tiến lưu thông sản phẩm nội dung (số) ở nước ngoài” (The Content Overseas Distribution Association /CODA). Tổ chức này đã đưa ra Ký hiệu lưu thông sản phẩm nội dung ở nước ngoài (CJ mark), tiến hành điều tra việc xuất bản lậu các sản phẩm công nghiệp nội dung của Nhật Bản ở các nước.

Bên cạnh những trọng điểm trong chính sách phát triển các ngành công nghiệp nội dung số của Nhật Bản như trên, về mặt phương hướng phát triển các ngành công nghiệp nội dung số cũng có những điểm đáng chú ý sau:

Thứ nhất là công nghiệp nội dung số tiếp tục được coi là một lĩnh vực trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế và quảng bá sức mạnh mềm của Nhật Bản ra thế giới do thế mạnh kết hợp giữa lợi ích kinh tế to lớn thu được và khả năng truyền bá văn hóa đại chúng sâu rộng của nó.

Thứ hai là chú trọng mô hình hợp tác, liên kết trong chính sách, trong thực tiễn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ công nghiệp nội dung số. Để việc thực hiện chính sách đạt hiệu quả tốt nhất, trong các chính sách, chiến lược công nghiệp nội dung số Nhật Bản đã đưa ra mô hình liên kết: lĩnh vực với lĩnh vực, công dân với công dân, địa phương với địa phương, chính quyền với chính quyền.

Thứ ba là bước vào thế kỷ XXI, chính sách phát triển công nghiệp nội dung số của Nhật Bản chuyển hướng mạnh vào thị trường Châu Á. Với sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong những thập niên gần đây của khu vực, nhu cầu hưởng thụ, tiêu dung các sản phẩm nội dung số của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN ngày một gia tăng.

4. Những tác động của chính sách công nghiệp nội dung số đối với thực tiễn phát triển ngành công nghiệp nội dung số tại Nhật Bản

Dưới tác động của những chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp nội dung số của chính phủ, lĩnh vực công nghiệp nội dung số của Nhật Bản đã đạt được những kết quả rất to lớn. Các sản phẩm nội dung số của Nhật Bản như manga, game và anime đã tạo nên sự cuốn hút, hấp dẫn đối với người tiêu dùng sản phẩm văn hóa trên toàn thế giới. Theo thống kê, có tới 60% các chương trình truyền hình về anime trên thế giới được thực hiện tại Nhật Bản. Do tác động của chính sách phát triển công nghiệp nội dung số, các ngành thuộc lĩnh vực này trong giai đoạn từ 2000 đến nay có sự phát triển nổi trội. Năm 2003, thu nhập các ngành công nghiệp nội dung có qui mô khoảng 100 tỷ USD, chiếm 2,2% GDP của Nhật Bản, mặc dù so với Mỹ và các nước phát triển khác thì tỉ lệ này vẫn còn là khiêm tốn.

Theo điều tra của Hiệp hội Công nghiệp nội dung Nhật Bản, riêng tổng kim ngạch thị trường của công nghiệp nội dung trong nước năm 2002 đạt 13.276, 6 tỷ yên (khoảng 120,6 tỉ USD). Đến năm 2006, mức kim ngạch này tăng lên đạt 13.989 tỷ yên (khoảng 127,1 tỉ USD). Như vậy, trong vòng 4 năm tổng kim ngạch của ngành công nghiệp nội dung Nhật Bản tăng 5,4%, trung bình mỗi năm tăng 1,3%. Thị trường công nghiệp nội dung trong nước liên tục được duy trì cho đến năm 2007 là 13.176,3 tỷ yên. Tuy nhiên, đến năm 2008 quy mô này bắt đầu giảm 2,4% còn ở mức 12.861,6 tỷ yên.

Từ năm 2009 đến 2014, tổng kim ngạch của riêng ngành công nghiệp nội dung lại tăng 5,4% từ 13.300 tỷ Yên lên 14.000 tỷ Yên, năm 2015 tổng kim ngạch này giảm sút nhưng vẫn đạt khoảng hơn 12.000 tỷ yên (khoảng 110 tỉ USD). Nguyên nhân của việc suy giảm hoặc chững lại của thị trường công nghiệp nội dung Nhật Bản được cho là bắt nguồn từ tình hình kinh tế trong nước trì trệ trong thời gian dài, người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu. Hơn thế nữa, sản phẩm công nghiệp nội dung số Nhật Bản lại đứng trước sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp nội dung số đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế gia tăng.

Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nội dung số của Nhật Bản ra thị trường nước ngoài vẫn bị đánh giá là còn nhiều yếu kém. Năm 2009, thị trường công nghiệp nội dung của Nhật Bản đạt khoảng 14.000 tỷ yên, nhưng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 2,4 tỉ USD (khoảng 266 tỉ yên) chiếm tỉ trọng 1,9%, trong khi đó xuất khẩu của công nghiệp nội dung của Mỹ đạt tới 17,8% [11]. Kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp nội dung Nhật Bản liên tục tăng lên trong những năm qua, năm 2013 đạt 13,8 tỷ USD chiếm tỉ trọng khoảng 10% tổng kim ngạch thị trường công nghiệp nội dung của Nhật Bản và chiếm 2,5% quy mô thị trường sản phẩm công nghiệp nội dung toàn cầu. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nội dung số của Nhật Bản ra nước ngoài còn rất lớn. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp nội dung số nói riêng những năm gần đây của Nhật Bản rất chú trọng việc mở rộng thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Việc mở rộng thị trường nước ngoài, ngoài mục đích kinh tế trực tiếp do ngành này mang lại, còn có những lợi ích kinh tế gián tiếp do tác động lan tỏa tích cực của các sản phẩm nội dung số đem lại. Ví dụ, phim hoạt hình đem lại tình cảm yêu mến đất nước, con người Nhật Bản, từ đó kích thích tiêu dùng hàng hóa Nhật Bản, kích thích du lịch Nhật Bản…Theo số liệu thống kê, hiệu quả trực tiếp của ngành công nghiệp nội dung số của Nhật Bản năm 2011 đạt khoảng 12 nghìn tỷ yên, nhưng hiệu quả gián tiếp của ngành này đạt 22,2 nghìn tỷ yên [12]. Để xúc tiến việc mở rộng thị trường quốc tế hơn nữa, JETRO và METI hàng năm đều tiến hành khảo sát, đánh giá thị trường công nghiệp nội dung số Nhật Bản ở các nước trên thế giới, đưa ra các phương châm chính sách và các phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp nội dung số nhằm quảng bá hơn nữa sản phẩm nội dung số của Nhật Bản ra thế giới. Nhật Bản ngày nay là một quốc gia có nền công nghiệp nội dung số đang trên đà tăng trưởng mạnh, phát triển tập trung vào những ngành có thế mạnh, nhất là manga, anime, game.... Đáng chú ý là trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nội dung số Nhật Bản đạt được những thành tựu to lớn ở trong nước thì thị phần ở nước ngoài còn rất khiêm tốn (2,5%). Sự phổ biến của sản phẩm công nghiệp nội dung chỉ tập trung tại một số quốc gia Châu Á mà còn ít được phổ biến tại các nước Châu Âu, Châu Mỹ.

Những kết quả tiến bộ mà công nghiệp nội dung số Nhật Bản có được là nhờ có tác động rất tích cực của những chính sách của Chính phủ nhằm tăng cường thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp đặc biệt này trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản còn đang gặp không ít khó khăn, tăng trưởng chậm chạp.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hệ thống chính sách của Nhật Bản cũng cho thấy, Sự quan tâm thực sự của Chính phủ Nhật Bản đã được khơi dậy khi bước sáng thế kỷ XXI, nhất là từ năm năm 2001 khi bộ máy quan liêu quốc gia kết hợp các phân ngành công nghiệp nội dung số khác nhau và nhận ra rằng đây là một ngành công nghiệp đem lại nguồn thu nhập khổng lồ và tiềm năng thị trường dồi dào ở trong và ngoài nước. Năm 2002, chính phủ Nhật Bản đã biến việc phát triển ngành công nghiệp nội dung thành một chiến lược quốc gia quan trọng. Một thập kỷ rưỡi sau, Nhật Bản có một lĩnh vực nội dung số lớn, sôi động và có lợi nhuận.

Phạm Thu Thủy

Phòng Kinh tế và Phát triển bền vững

[6] http://www.bunka.go.jp/seisaku/bunka_ gyosei/yosan/pdf/r1_yosan.pdf

[7] Hạ Lan Phi, công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản ở nước ngoài nhìn từ góc độ kinh tế, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á (4/2014)

[8] Hiệp hội công nghệ nội dung số Nhật Bản, Sách trắng về công nghiệp nội dung số năm 2019, 2018, 2017

[9] The Council for the Asian Gateway Initiative, Asian Gateway Initiative、May 16, http://japan.kantei.go.jp/gateway/kettei/070516doc.pdf

[10] Ministry of International Affaires and Communication, https://elaws.egov.go.jp/search/elawsSearch/elaws_search/lsg0500/detail
?lawId=416AC100000008

[11] 経済産業省「文化産業」大国に向けて:文化産業を21世紀のリーディング産業に。平成22年4月5日。

[12] 経済産業省(2013). クリエイティブ産業の現状と課題. (Bộ Kinh tế và Công nghiệp (2013). Hiện trạng và những vấn đề tồn đọng của ngành Công nghiệp Sáng tạo) www.meti.go.jp/committee/kenkyukai/shoujo/.../001_s01

_00.pdf

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn