GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VẤN ĐỀ NGƯỜI KẾ THỪA TỪ SAU NĂM 1974

Đăng ngày: 10-08-2021, 02:42

1. Khái quát về nghề thủ công truyền thống Nhật Bản

Theo Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, các nghề thủ công (tiếng Nhật gọi là 伝統工芸 技術/Dento Kogei Gijutsu) được chia thành tám nhóm gồm: Gốm, dệt may, sơn mài, gia công kim loại, chế tạo búp bê, tre, gỗ và giấy. Trong mỗi nhóm này lại chia thành các nhóm nhỏ hơn. Đây là những ngành nghề sản xuất hàng hóa tiêu dùng bằng tay, dưới sự hỗ trợ của những công cụ đơn giản để tạo ra những sản phẩm phô bày được vẻ đẹp của sự khéo léo, cùng kỹ thuật truyền thống. Đó phải là một nghề được duy trì từ lâu đời, từ đời này sang đời khác, như các ngành: rèn nông cụ, chế biến lương thực thực phẩm, sơn mài, chạm khắc… Đây cũng là định nghĩa  được Hiệp hội các nghề thủ công Nhật Bản sử dụng. Những người đủ điều kiện làm việc trong ngành thủ công như các cá nhân được gọi là nghệ nhân; thợ thủ công, hoặc nếu là nhóm thì phải có giấy chứng nhận thợ thủ công, hoặc chứng nhận nhóm.

Theo Luật phát triển nghề thủ công truyền thống của Nhật Bản ban hành năm 1973, thì mỗi nghề đòi hỏi một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ năng chuyên ngành nhưng về cơ bản thì một sản phẩm thủ công truyền thống phải đạt được 5 tiêu chí sau đây:

(1) Là những sản phẩm được sử dụng chủ yếu trong cuộc sống hàng ngày. Được mọi người sử dụng trong một thời gian dài, trong các lễ hội và các sự kiện theo mùa với chức năng là vật dụng, những công cụ phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Mặc dù nó được cải tiến, nhưng mục đích sử dụng, nguyên vật liệu để tạo ra chúng, cũng như màu sắc, hoa văn, hình dạng vẫn được kế thừa và gắn chặt với đời sống sinh hoạt của người dân Nhật Bản.

(2) Công đoạn chính của quy trình sản xuất phải thực hiện thủ công (bằng tay). Một số nghề thủ công truyền thống có từ hàng trăm năm trước. Tuy ban đầu mọi giai đoạn của quá trình sản xuất đều được làm thủ công, nhưng trải qua thời gian, trong một xã hội hiện đại với sự phát triển của khoa học kỹ thuật các ngành nghề thủ công đã có kết hợp với phương thức sản xuất cơ giới hóa. Vì vậy, những nghề được gọi là ngành nghề thủ công truyền thống thì những giai đoạn chính trong quá trình sản xuất phải làm thủ công.

(3) Được sản xuất bởi các kỹ năng và kỹ thuật truyền thống. Hàng thủ công truyền thống phải được sản xuất bằng các phương pháp và kỹ thuật truyền thống. Các kỹ năng và kỹ thuật truyền thống phải được kế thừa và cải tiến từ 100 năm trở lên. Hay nói cách khác, thợ thủ công đã mài giũa kỹ năng của họ và thừa hưởng các kỹ thuật chế tác, cũng như những tri thức lựa chọn nguyên, vật liệu.

(4) Sử dụng nguyên liệu truyền thống. Nguyên vật liệu sử dụng cho sản xuất hàng thủ công truyền thống phải là các nguyên, vật liệu mang đặc tính tự nhiên, đã được lựa chọn và kiểm tra cẩn thận trong hơn 100 năm và được truyền lại cho đến ngày hôm nay.

(5) Khu vực sản xuất được hình thành trong một khu vực nhất định. Nghề thủ công truyền thống có liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân địa phương, nguyên, vật liệu được lấy trong khu vực đó và được sử dụng như là sự kế thừa văn hóa vật chất của địa phương, thể hiện được sản vật đó được tạo ra từ khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương đó và ngành nghề đó được ra đời và phát triển như một ngành tiểu thủ công của địa phương[1]. Có nghĩa là sản phẩm đó phải được sản xuất trong một khu vực nhất định (sanchi) trong đó có ít nhất 10 cơ sở sản xuất và 30 người theo nghề.

Những cơ sở sản xuất mà tạo ra nhưng sản phẩm đạt 5 tiêu chí trên thì được gọi là khu vực sản xuất hàng thủ công truyền thống. Tuy nhiên, để được gọi là nghề thủ công truyền thống, thì nghề đó bắt buộc phải có trên 30 người tham gia sản xuất sản phẩm đó[2].

Theo quy định này, tính đến tháng 11/2017, tại Nhật Bản có 230 khu vực sản xuất có nghề thủ công truyền thống được công nhận[3]. Song trên thực tế, do điều kiện lịch sử làm gián đoạn, một số nghề thủ công đã ra đời và tồn tại từ lâu chưa được Chính phủ xem xét công nhận, nhưng vẫn được nhân dân Nhật Bản coi như nghề thủ công truyền thống[4].

Như vậy có thể thấy, nghề thủ công truyền thống được cấu thành từ 2 yếu tố không thể thay thế, đó là:

1. Tính thủ công: Các công đoạn sản xuất chủ yếu được làm bằng tay.

2. Tính truyền thống: các kỹ thuật sản xuất đã được kế thừa từ đời này sang đời khác. Các sản phẩm này gắn liền với đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người dân, không chỉ phục vụ trong đời sống thường ngày mà còn là biểu tượng trong các nghi lễ và những dịp đặc biệt.

2. Những khó khăn trong việc đào tạo nghề thủ công truyền thống Nhật Bản

Sau năm 1945, bối cảnh kinh tế xã hội Nhật Bản có nhiều thay đổi lớn, ảnh hưởng tới nghề thủ công truyền thống nói chung và đào tạo thợ thủ công truyền thống nói riêng. Nhiều khó khăn đặt ra vẫn đang tồn tại, khó có thể giải quyết nhanh chóng như:

1. Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề tỷ lệ sinh giảm, tốc độ già hóa dân số nhanh. Điều này tất yếu  gây nên hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến số lượng nguồn lao động thủ công truyền thống: Năm 2009, số lượng thợ thủ công truyền thống liên tiếp giảm, chỉ còn khoảng 1/3 so với năm 1974, tỷ lệ lao động thủ công từ 50 tuổi trở lên chiếm 64%, lao động dưới 30 tuổi chỉ chiếm 5,6% [5]. Như vậy, thời gian chuyển giao công nghệ thủ công giữa các lớp thế hệ không còn nhiều.

2. Môi trường làm việc của thợ thủ công truyền thống không tạo được nhiều sức thu hút đối với giới trẻ: Theo nghiên cứu điều tra chi tiết của Tổ chức Thanh niên Công nghiệp truyền thống Kyoto [6] cho thấy, đa phần giới trẻ đều cho rằng thợ thủ công là người bảo thủ, ít giao tiếp. Họ làm việc trong môi trường bẩn, cực khổ, mức lương không cao, không kể có sự chênh lệch mức lương tùy từng nghề hay từng khu vực khác nhau và dễ bị thất nghiệp khi nghề bị suy thoái. Ngoài ra, mức lương của thợ thủ công nữ vẫn luôn được trả thấp hơn nam giới.

3. Tâm lý việc làm của giới trẻ: Giai đoạn đầu thế kỷ 21 nhiều thanh niên Nhật Bản đang có sự thay đổi cách nghĩ về cuộc sống một cách tiêu cực hơn, tỷ lệ những người trả lời “tôi muốn tránh trách nhiệm càng nhiều càng tốt” hoặc “tôi thực sự không muốn làm những điều đòi hỏi phải có sự cố gắng hay rèn luyện” đang tăng lên. Khi được hỏi về công việc lý tưởng, hơn 50% người được hỏi trả lời: “Đó là công việc có thu nhập ổn đinh” hay: “Đó là công việc mà tôi cảm thấy thú vị”[7]. Bởi vậy, đối với việc rèn luyện trong nhiều năm để trở thành thợ thủ công truyền thống nhưng lại nhận được thu nhập bấp bênh thì việc trở thành một lao động văn phòng đã thực sự trở thành lựa chọn được ưu tiên hơn.

4. Suy thoái chung của các ngành sản xuất thủ công truyền thống: Nhu cầu đối với ngành thủ công truyền thống đã chậm lại do những thay đổi gần đây trong lối sống và sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ nước ngoài. Hàng thủ công vốn không thể cạnh tranh về số lượng bởi không thể sản xuất hàng loạt, nguyên liệu và công nghệ kỹ thuật phức tạp, hơn nữa nguồn nguyên liệu tự nhiên lại ngàng bị hạn chế. Lối sống cũ với những phong tục tặng quà truyền thống trong các dịp lễ đang giảm dần. Người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm tiện lợi hơn là những sản phẩm thủ công đắt tiền. Bởi vậy, các công ty hay các xưởng sản xuất thực sự đứng trước bài toán thay đổi khó khăn. Hệ quả là, cả số lượng công ty và số lượng nhân viên đang tiếp tục giảm khi giá trị sản xuất giảm. Giá trị sản xuất đạt đỉnh 541 tỷ Yên vào năm 1983, đến năm 2015 chỉ còn 102 tỷ Yên và số lượng lao động giảm từ 288.000 người năm 1983 xuống còn 65.000 người năm 2015[8].

Tất cả những yếu tố trên khiến việc tìm kiếm nguồn nhân lực kế thừa nghề thủ công truyền thống càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, một số tín hiệu đáng chú ý là một bộ phận giới trẻ đặt sự quan tâm của mình vào việc trở thành thợ thủ công truyền thống khi họ muốn tạo ra những sản phẩm từ đầu tới cuối thay vì làm việc trong các công đoạn riêng lẻ của các nhà máy, công ty sản xuất hiện đại. Ngoài ra, niềm tự hào về nghệ thuật truyền thống của dân tộc cũng khơi gợi nhiều thiện cảm của giới trẻ khi tiếp cận với nghề. Đặc biệt là, đối với người Nhật Bản, hình ảnh một bậc thầy thủ công truyền thống luôn là biểu tượng được kính trọng, bên cạnh mức thu nhập cao mà họ nhận được sau nhiều năm kinh nghiệm (khoảng hơn 10 triệu Yên mỗi năm)[9].

Trong điều kiện nền kinh tế tri thức phát triển, nhiều nhóm thợ thủ công truyền thống cũng thay đổi tư duy sáng tạo, họ liên kết với nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, mở rộng thị trường cho các sản phẩm truyền thống Nhật Bản, ví dụ như trường hợp nhà sản xuất Kimono kết hợp với các thương hiệu thời trang Gucci, Chanel…. Hoặc xây dựng hình ảnh thương hiệu thủ công truyền thống, thay đổi một số chi tiết cho phù hợp và bán sản phẩm ra nước ngoài, ví dụ như sử dụng kỹ thuật rèn kiếm Katana để làm kéo, dao, dụng cụ cắt móng…. Điều này đã đem lại mức thu nhập cao hơn cho thợ thủ công và khơi dậy những hi vọng mới vào nghề truyền thống này.

Hơn nữa, Chính phủ cũng ban hành một số chính sách thiết thực nhằm bảo tồn và tăng sức mạnh khai thác thủ công truyền thống. Hàng năm, Chính phủ đã giành một khoản ngân sách đáng kể hỗ trợ cho các dự án phát triển nghề, đào tạo lớp thợ trẻ và các hoạt động quảng bá sản phẩm thủ công… Gần đây, năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đã cũng cấp ngân sách khoảng 360 triệu yên cho 236 khu vực sản xuất thủ công truyền thống[10].

Ngoài ra, trong chiến dịch “Cool Japan” được thực hiện từ năm 2010, chính phủ cũng kì vọng đưa hình ảnh thủ công truyền thống Nhật Bản làm đại sứ, gây thiện cảm với bạn bè thế giới. Từ đó, các sản phẩm mang “bóng dáng” Nhật Bản được ưa chuộng hơn trên thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm thủ công truyền thống cũng mở rộng cơ hội trên toàn cầu. Trong chiến dịch này, hàng năm chính phủ đều cấp một khoản kinh phí để hỗ trợ nghề thủ công truyền thống, ví dụ, năm 2018, Quỹ đã dành 700 triệu yên cho các dự án hỗ trợ các khu vực sản xuất thủ công truyền thống riêng lẻ, xây dựng mạng lưới giữa người bán và người tiêu dùng trong và ngoài nước; hỗ trợ phát triển nhu cầu phổ biến thông tin ra nước ngoài[11].

Như vậy, rõ ràng rằng, nghề thủ công truyền thống là tinh hoa văn hóa dân tộc Nhật Bản, là ngành sản xuất đem lại nhiều lợi ích trong quá khứ, song hiện nay đang đứng trước nguy cơ biến mất. Bối cảnh xã hội và những số liệu về giá trị sản xuất đã thể hiện một bức tranh ảm đạm cho ngành thủ công truyền thống. Song, trong đó, với sự hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ và những cố gắng của lớp thế hệ thợ thủ công hiện đại, nghề thủ công truyền thống vẫn đang tiếp tục được giữ gìn và thắp lên những hi vọng mới về triển vọng trong tương lai.

Nguyễn Ngọc Anh

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]伝統的工芸品産業の振興に関する法律 (Luật về việc thúc dẩy nghề thủ công truyền thống)

https://elaws.egov.go.jp/search/elawsSearch/elaws_search/lsg0500/detail?lawId=349AC1000000057

[2] 製造産業局 生活製品課 伝統的工芸品産業室, 伝統的工芸品産業支援補助金 平成30年度予算額 3.6億円( Phòng thủ công truyền thống Cục công nghiệp sản xuất sản phẩm đời sống, Ngân sách trợ cấp cho ngành công nghiệp thủ công truyền thống năm 2018 : 360 triệu Yên) , http://www.mlit.go.jp/common/001263362.pdf

[3] 伝統工芸品とは?伝統工芸業界の現状と生産高推移、職人後継者について, https://shikinobi.com/traditionalcrafts-info

[4] 伝統工芸品とは?伝統工芸業界の現状と生産高推移、職人後継者について (Hàng thủ công truyền thống là gì? Hiện trạng của ngành công nghiệp thủ công truyền thống, những thay đổi trong sản xuất và kế thừa từ nghệ nhân), https://shikinobi.com/traditionalcrafts-info

[5] [6], YAMAMOTO Shunichiro (2009), Revitalization of Traditional Craft Industry through the Entry of Youth Power in Kyoto City, Japan

[7] Nguyễn Duy Dũng (2007), Kinh nghiệm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc của Nhật Bản, Nxb Khoa học Xã hội, tr.123

[8] 伝統工芸士の年収を詳しく解説 (Chi tiết về thu nhập hàng năm của thợ thủ công truyền thống), https://heikinnenshu.jp/creative/dentoukogeshi.html

[9] 「伝統的工芸品」とは, https://www.meti.go.jp/policy/mono_info_service/mono/nichiyo-densan/index.html

[10] 製造産業局 生活製品課 伝統的工芸品産業室, 伝統的工芸品産業支援補助金 平成30年度予算額 3.6億円( Phòng thủ công truyền thống Cục công nghiệp sản xuất sản phẩm đời sống, Ngân sách trợ cấp cho ngành công nghiệp thủ công truyền thống năm 2018 : 360 triệu Yên) , http://www.mlit.go.jp/common/001263362.pdf

[11] 経済産業省の取組について, (Về nỗ lực Bộ kinh tê, Thương mại và Công nghiệp)

https://www.bunka.go.jp/seisaku/bunkashingikai/seisaku/15/04/pdf/r1398035_07.pdf

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn