GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐOÀN KỊCH TAKARAZUKA – MỘT BIỂU TƯỢNG CỦA VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG NHẬT BẢN

Đăng ngày: 17-12-2021, 16:20

Nhắc tới văn hóa Nhật Bản, chúng ta thường nghĩ tới Kimono, hoa anh đào (Sakura), các cô gái Geisha kiều diễm, nền ẩm thực đặc sắc…  Nhưng không phải người ngoại quốc nào cũng biết tới đoàn kịch Takarazuka với toàn diễn viên nữ- vốn có lịch sử hơn 100 năm. Ở Nhật Bản, Takarazuka (thường được nhắc với tên Takarazuka Revue) được đông đảo công chúng yêu thích, các ngôi sao của đoàn kịch đều trở thành những diễn viên phim truyền hình và điện ảnh nổi tiếng sau khi rời đoàn. Sức hút của Takarazuka lớn tới mức không khó để bắt gặp hình ảnh người hâm mộ xếp hàng dài chờ tới giờ được vào xem kịch ở bên ngoài nhà hát. Ngay cả những người Nhật không quan tâm tới kịch nghệ, khi được hỏi họ biết gì về Takarazuka, họ cũng có thể nói sơ qua vài điểm nổi bật như “Đoàn kịch toàn diễn viên nữ”, “Đoàn kịch diễn vở Hoa hồng Versailles”, “Nhảy theo hàng”… Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu lịch sử phát triển của Takarazuka.

1.Sự ra đời của Takarazuka

Takarazuka ra đời năm 1914, tại thành phố Takarazuka, tỉnh Hyogo, thời kỳ Thiên hoàng Taisho (1879-1926) trị vì. Người sáng lập ra đoàn kịch là ngài Kobayashi Ichizo- cũng là người thành lập công ty đường sắt Hankyu, lập nên Cửa hàng bách hóa Hankyu, và góp phần tạo dựng tập đoàn Toho lừng danh. Với mục đích thu hút khách đi tàu Hankyu của mình, ông đã xây dựng và mở rộng một cơ ngơi, lấy tên là “Takarazuka Shin Onsen” (Shin Onsen có nghĩa là “suối nước nóng mới”), trên cơ sở một khu nhà cũ tên là “Takarazuka Family Land” vào năm 1911. Đây là một ngôi nhà hai tầng theo phong cách “Vườn thiên đàng ” (Paradise) châu Âu, với một bể bơi trong nhà làm điểm nhấn. Tuy nhiên, do thời đó đã cấm nam nữ tắm suối nước nóng chung, cùng với việc thiếu trang thiết bị cho suối nước nóng, nên có thể nơi đây phải đóng cửa hai tháng mùa hè. Vì vậy, ông Kobayashi muốn tận dụng ngôi nhà thành một nơi biểu diễn giải trí, và đó chính là khởi đầu cho đoàn kịch Takarazuka.

Buổi biểu diễn đầu tiên vào ngày 1 tháng 4 năm 1914, với sân khấu được cải tạo lại từ bể bơi trong nhà. Bể bơi trở thành hàng ghế khán giả, còn phòng thay đồ trở thành sân khấu. Nội dung buổi diễn là hai vở ca kịch “Dom Brako” và “Daruma bồng bềnh”, dựa trên truyện cổ tích Momotaro, cùng điệu nhảy “Bươm bướm”. Các nghệ sĩ biểu diễn là 17 cô gái tuổi từ 12 tới 17.

Tôn chỉ hoạt động của đoàn kịch Takarazuka là “Trong sáng- Chính trực- Đẹp đẽ”, đó cũng chính là điều mà ngài Kobayashi Ichizo tâm niệm. Ông mong muốn đưa Takarazuka trở thành một đoàn kịch quốc dân, đem lại niềm vui và sự an tâm cho mọi gia đình. Với ông, diễn viên nữ của đoàn kịch phải có căn bản của kỹ thuật kịch nghệ, thêm vào đó biết nhảy, ca hát, nhằm đem tới một sân khấu hoa lệ rực rỡ như những giấc mơ, và không thể thiếu những lễ nghi phép tắc, vừa là một người phụ nữ cao quý, vửa là một người có phẩm giá trong xã hội. Qua bao đổi thay của thời đại, tinh thần đó vẫn in đậm trong Takarazuka.

2. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Takarazuka

Cơ cấu của Takarazuka gồm 5 đoàn kịch nhỏ chỉ có diễn viên nữ, lần lượt là các đoàn “Hoa”, “Trăng”, “Tuyết”, “Sao”, “Bầu Trời”, và một đoàn đặc biệt được gọi là “Senka” (Chuyên gia)- đoàn này gồm những người có thâm niên, họ không thuộc một đoàn cụ thể, mà có thể xuất hiện với tư cách đặc biệt ở buổi diễn của mỗi đoàn kia. Các nghệ sĩ của các đoàn không phải được tuyển chọn từ bên ngoài mà được đào tạo từ “Trường Âm nhạc Takarazuka” (宝塚音楽学校). Đây là ngôi trường đào tạo về kỹ thuật diễn kịch, cũng như các kỹ năng hát, nhảy, múa…trong hai năm, số lượng học viên được tuyển chọn kỹ lưỡng từ hơn 1000 hồ sơ mỗi năm chỉ tầm 40 người, vì vậy những cô gái được tuyển chọn đều đáp ứng được yêu cầu về năng khiếu và ngoại hình. Sau hai năm đào tạo cẩn thận, các học viện được trao bằng tốt nghiệp và phân về các đoàn kịch nhỏ, những học viên xuất sắc sẽ trở thành các ngôi sao của mỗi đoàn. Nếu như kịch Kabuki truyền thống có đặc điểm là nhân vật nữ hoàn toàn do diễn viên nam đóng, thì ở Takarazuka, nhân vật nam hoàn toàn do diễn viên nữ đảm nhiệm. Đương nhiên, các diễn viên nữ đều phải chưa lập gia đình, mỗi đoàn kịch có khoảng 80 diễn viên, chia thành nhóm chuyên đóng vai nam (Otoko yaku) và nhóm chuyên đóng vai nữ (Musume yaku). Hai diễn viên ngôi sao đảm nhận vai nam chính và nữ chính của mỗi đoàn được gọi là Top Star và Top Musume. Để phân biệt giữa hai nhóm, thường nhóm chuyên vai nam sẽ để tóc ngắn, nhóm chuyên vai nữ thường để tóc dài, việc phân theo nhóm nào dựa trên ý chí quyết tâm, âm vực giọng nói và giọng hát, cũng như chiều cao của các học viên. Nhóm chuyên vai nam thường có chiều cao và luyện âm vực trầm, còn nhóm chuyên vai nữ luyện âm vực trung bình. Trong quá trình học tập ở trường Âm nhạc Takarazuka, các học viện chịu sự huấn luyện gắt gao cũng như âm thầm cạnh tranh nhau quyết liệt, nhằm trở thành Top Star hoặc Top Musume sau này.

 

 

 

Nhằm chuyên môn hóa và tạo sức hút riêng biệt cho mỗi đoàn, các đoàn kịch nhỏ chia ra các đề tài biểu diễn khác nhau:

+ Đoàn “Hoa”: đây là một trong hai đoàn kịch nhỏ ra đời năm 1921 của Takarazuka, với vở diễn đầu tiên là “Mon Paris”. Đúng như tên gọi của mình, đoàn kịch được đầu tư quần áo cũng sân khấu lộng lẫy, hoa lệ, các vở kịch thường dựa theo các vở Opera nổi tiếng.

+ Đoàn “Trăng”: ra đời cùng năm với đoàn “Hoa”, đã từng công diễn vở “Parisette”, “Hoa thi tập”, “Hoa hồng Versailles”, “Cuốn theo chiều gió”…Đoàn thường công diễn các vở nhạc kịch phương Tây, nhạc kịch được coi là thế mạnh của đoàn.

+ Đoàn “Tuyết”: ra đời năm 1924, cùng năm với việc khánh thành Nhà hát lớn Takarazuka. Đoàn chuyên về các vở kịch mang hơi hướng các câu chuyện kể Nhật Bản vốn lay động trái tim con người, như “Chushingura”, “Rurouni Kenshin”. Đồng thời, năm 1996, đoàn công diễn thành công vở “Elisabeth”- vở nhạc kịch của tác gia người Áo nói về cuộc đời của hoàng hậu Elisabeth (Sisi) của Áo.

+ Đoàn “Sao”: thành lập năm 1933, cùng với sự ra đời của nhà hát Takarazuka Tokyo. Đoàn công diễn thành công vở “The Scarlet Pimpernel”- vở nhạc kịch lừng danh dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nam tước Emmuska Orczy, vào năm 2008. Giống với tên gọi “Sao” của đoàn, đây là một đoàn rất mạnh về các diễn viên chuyên vai nam, cùng với đoàn “Hoa”. Các diễn viên chuyên vai nữ của đoàn cũng khá nổi bật trong hệ thống Takarazuka.

+ Đoàn “Bầu trời”: Đoàn kịch trẻ tuổi nhất, ra đời năm 1998. Đoàn chuyên diễn ở nhà hát Takarazuka Tokyo, hấp dẫn bởi tính hiện đại và tươi mới, và phần điệp khúc mạnh mẽ trong các vở kịch. Đoàn đã công diễn thành công vở kịch nổi tiếng “Phantom” (Bóng ma trong nhà hát Opera)

3. Sức hút của Takarazuka

Takarazuka tạo nên một trào lưu trong những người hâm mộ, chủ yếu là nữ giới, họ theo dõi sát các vở kịch được công diễn, các Top star và Top Musume đều trở thành idol nổi tiếng, thậm chí sau khi rời đoàn kịch họ vẫn được hâm mộ cuồng nhiệt. Các buổi biểu diễn giới thiệu diễn viên mới của đoàn kịch đều được háo hức đón nhận. Không chỉ biểu diễn trong phạm vi Nhật Bản, các đoàn kịch nhỏ còn lưu diễn ở nước ngoài. Tại sao Takarazuka lại có sức hấp dẫn như vậy, có thể kể tới một số nguyên nhân chính:

Thứ nhất, các vở diễn của Takarazuka đều được đầu tư chỉn chu, quần áo, sân khấu đều hoành tráng, các màn nhảy, ca hát, múa…mang âm hưởng hiện đại, với dàn diễn viên trong một vở kịch khá đông đảo, tạo nên một buổi công diễn chất lượng. Diễn viên đều được đào tạo cẩn thận bài bản, lối trang điểm ấn tượng và khả năng diễn xuất đa dạng càng khiến khán giả say mê.

Thứ hai là tiếng nói nữ quyền: Nếu như các vở Kabuki chỉ có diễn viên nam, không có diễn viên nữ nào được tham gia, thì các vở diễn Takarazuka lại chỉ có diễn viên nữ. Điều này khẳng định sức mạnh của giới nữ, họ có thể tạo ra các tác phẩm sân khấu thành công dựa trên tài năng và lợi thế hình thể, cùng sự khổ luyện. Đây cũng là điều khiến Takarazuka được đông đảo người hâm mộ nữ yêu thích.

Thứ ba, nội dung diễn đa dạng : Các vở diễn của Takarazuka có đề tài đa dạng, từ các vở nhạc kịch, Opera phương Tây, tới các câu chuyện Nhật Bản, ngoài ra còn chuyển thể các manga nổi tiếng, như “Black Jack”, “ Hoa hồng Versailles”, “Ouke no monsho” (tên ở Việt Nam là truyện “Nữ hoàng Ai Cập”)… Gần đây, vở “City Hunter”- dựa trên manga nổi tiếng City Hunter của Nhật cũng được đoàn “Tuyết” công diễn. Khán giả yêu thích chủ đề nào cũng có thể đến với các vở diễn của Takarazuka.

Thứ tư, hình tượng người nam lý tưởng thể hiện qua các nhân vật nam do diễn viên nữ đóng (Otokoyaku): Đối với khán giả nữ, các nhân vật nam này là những hình mẫu nam giới lý tưởng của họ, vừa đẹp trai (một vẻ đẹp kiểu tomboy rất quyến rũ), vừa mạnh mẽ, tài năng, lại có sự dịu ngọt vốn có của giới nữ - điều mà các diễn viên nam đóng nhân vật nam trong các vở diễn bình thường không có được. Một số người cho rằng các Top Star nổi bật hơn Top Musume trong đoàn kịch, nhưng thực ra cả hai vai chính nam và nữ đều cần thiết và bổ trợ cho nhau, đem tới thành công cho vở diễn.

Đoàn kịch Takarazuka với năm đoàn kịch nhỏ và một đoàn đặc biệt (Senka), đã thực hiện hơn 900 lượt công diễn mỗi năm, chỉ riêng ở Nhà hát lớn Takarazuka và Nhà hát Takarazuka Tokyo, chưa kể các lượt công diễn tại nhà hát phụ (bên cạnh Nhà hát lớn Takarazuka) và các lượt lưu diễn. Một số ngôi sao nổi bật của Takarazuka như Ayaki Nao, Amami Yuki, Asumi Ryo…được coi là idol trong lòng các thiếu nữ.. Sức ảnh hưởng của Takarazuka trong văn hóa đại chúng được thể hiện qua một số nhân vật nữ tomboy nổi tiếng trong các bộ manga được lấy cảm hứng từ họ. Hình ảnh các tấm áp phích lộng lẫy giới thiệu về các vở diễn sắp ra mắt của Takarazuka, xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, là một điều quen thuộc và được mong chờ đối với nhiều người Nhật Bản.

Nguyễn Ngọc Phương Trang, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Giới thiệu về lịch sử 100 năm của Takarazuka, https://kageki.hankyu.co.jp/fun/about_takarazuka.html, truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021.
  2. Đoàn nhạc kịch toàn diễn viên nữ Takarazuka,

https://thetheatretimes.com/takarazuka-review-japanese-female-musical-theater-troupe/, truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021

  1. Sự ngưỡng mộ của nữ sinh trung học Zukaota đối với Takarazuka,

https://www.koukouseishinbun.jp/articles/-/7923, truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn