GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐÁNH GIÁ SỰ KIỆN VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN NÂNG CẤP QUAN HỆ LÊN “ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN”

Đăng ngày: 13-11-2024, 06:28

Ngày 27-11-2023, trên cơ sở những thành tựu nổi bật của quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực trong 50 năm qua, với tiềm năng hợp tác rộng mở và sự tin tưởng vững chắc vào tương lai tốt đẹp của quan hệ hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio đã nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác mới.

Nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản gồm 52 điểm, nhấn mạnh những thành tựu trong 50 năm qua và hướng tới một chương mới trong quan hệ song phương, vì hòa bình và thịnh vượng của cả hai nước, khu vực và thế giới.

Có thể nói, việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” lần này đã thể hiện quan hệ  toàn diện giữa hai quốc gia mà nội hàm “Đối tác chiến lược sâu rộng” chưa phản ánh hết được. Trên thực tế, giữa Việt Nam và Nhật Bản có sự tin cậy chính trị cao, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược, hai nước có mối quan hệ mật thiết , như ngài cựu đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio thậm chí đã nhận định “Việt Nam và Nhật Bản là đồng minh tự nhiên”.

Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” có điểm gì khác so với Tuyên bố chung“Đối tác Chiến lược sâu rộng vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á” được ký kết vào ngày 18/03/2014 giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo? Các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc phản ứng như thế nào đối với sự kiện này? Việc nâng cấp quan hệ có tác động gì đối với Việt Nam, Nhật Bản và khu vực? Và cuối cùng, hai nước phải làm gì để triển khai tuyên bố chung lần này đi vào thực chất và hiệu quả cho tương xứng với sự kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân hai nước

  1. 1. Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” ký ngày 27/11/2023 có gì khác so với Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ “Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á” được ký kết vào ngày 18/03/2014?

Đối tác chiến lược toàn diện được hiểu là cấp độ cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới , cho thấy sự tin cậy cao về chính trị  và cam kết một cách sâu rộng, mạnh mẽ và lâu dài nhất. Tính tới nay, Việt Nam đã có 6 đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (9/2023) và Nhật Bản (11/2023).

Sự khác biệt lớn so với tuyên bố 2014 là ở chữ “toàn diện”. Với sự khẳng định này, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có thể mở rộng hợp tác ra tất cả các lĩnh vực, trong đólĩnh vực an ninh- quốc phòng là lĩnh vực thể hiện lòng tin chiến lược ở mức độ cao nhất của hai quốc gia. Điểm mới trong tuyên bố lần này là nhấn mạnh hợp tác an ninh - quốc phòng một cách thực chất, hiệu quả trên cơ sở “Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản” và Nhật Bản hợp tác, hỗ trợ về công nghệ thiết bị cho Việt Nam thông qua chương trình “Viện trợ an ninh chính thức” (OSA). Hợp tác này nhằm duy trì trật tự quốc tế tự do và rộng mở trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực về những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Khuôn khổ quan hệ mới có 6 tăng cường gồm: tin cậy chính trị, liên kết giữa hai nền kinh tế, hợp tác về quốc phòng an ninh, hợp tác địa phương, hợp tác trên các lĩnh vực mới và hợp tác, phối hợp trên các diễn đàn đa phương và khu vực.

Về hợp tác kinh tế, tuyên bố lần này nhấn mạnh tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác để đảm bảo an ninh kinh tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045; Doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng trong hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng và điểm đến đầu tư triển vọng nhất trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hai bên phối hợp nâng cao hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hợp tác sử dụng viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản tại Việt Nam. Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản tích cực xem xét cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam (đường bộ, đường sắt, năng lượng…), chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế; thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ; tăng cường hợp tác nông nghiệp chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để thủy sản và hoa quả của Việt Nam vào Nhật Bản.

Về tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa người dân hai nước, góp phần vào sự phát triển bền vững, lâu dài của quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, hai bên đã nhất trí tăng cường kết nối nguồn nhân lực, hợp tác địa phương, du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Đặc biệt, việc tổ chức “Diễn đàn hợp tác địa phương” thường niên luân phiên tại các địa phương hai nước được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nới lỏng các thủ tục nhập cảnh đối với công dân Việt Nam.

Một điểm mới khác, nếu như Tuyên bố năm 2014 chỉ dừng lại ở mục tiêu “vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” thì Tuyên bố năm 2023 đã nâng cấp thành “vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Điều này cho thấy mối quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên tầm cao mới, không chỉ phục vụ lợi ích của hai quốc gia và dừng lại ở phạm vi khu vực mà còn góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác trên phạm vi  thế giới.

Tuyên bố năm 2023 ra đời sau Tuyên bố năm 2014 đến 9 năm. Trong thời gian này, tình hình khu vực và thế giới đã có nhiều biến đổi, đồng thời mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển xã hội,  an ninh- quốc phòng, văn hóa, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, môi trường, y tế, lao động, thông tin, truyền thông, giao thông-vận tải, xây dựng, tư pháp, giao lưu nhân dân, và hợp tác giữa các địa phương… đã ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Do đó, các lĩnh vực nêu trên cũng được tăng cường hợp tác theo hướng phù hợp với bối cảnh thế giới, khu vực và đáp ứng được lợi ích chung của hai quốc gia. Đặc biệt hợp tác trong một số lĩnh vực mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chưa được đề cập trong Tuyên bố trước đây cũng được lãnh đạo hai quốc gia cam kết tăng cường hợp tác trong thời gian tới.

  1. 2. Phản ứng của Mỹ, Trung Quốc trước việc Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”

Khác với báo chí Việt Nam đưa thông tin về việc nâng cấp quan hệ Việt - Nhật trên tất cả các lĩnh vực, ngoại trừ Thông tấn xã Trung ương Trung Quốc (CNA), các báo Nhật, Mỹ (The Washington Post, The Diplomat…), Trung Quốc (Global Times…) và nhiều báo Ấn Độ, Đài Loan, Hong Kong… chủ yếu thông tin về khía cạnh: Việt-Nhật nhất trí mở rộng hợp tác an ninh như chuyển giao công nghệ và quốc phòng, viện trợ quân sự thông qua cơ chế “Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA)” của Nhật Bản, tăng cường an ninh kinh tế trước ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong 50 năm qua, quan hệ Việt-Nhật trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao thường bị chịu tác động  không nhỏ bởi nhân tố: Mỹ, Trung Quốc. Hiện tại “sự trỗi dậy mạnh mẽ” của Trung Quốc và cạnh tranh chiến lược Mỹ -Trung được xem là hai nhân tố lớn tác động đến mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và sự kiện hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất nói riêng.

2.1. Phản ứng, quan điểm của Mỹ: “phù hợp với chiến lược, mục tiêu và kỳ vọng”

Mỹ và Nhật Bản có quan điểm tương đồng trong lợi ích  chiến lược khu vực nhằm kiềm chế  với ‘sự trỗi dậy’ của Trung Quốc cũng như tầm quan trọng của Việt Nam ở khu vực. Đối với Nhật Bản,  “Hiệp ước an ninh Nhật -Mỹ” là đồng minh quan trọng nhất, nguồn cung cấp an ninh,  “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của mình. Về phía Mỹ, , Mỹ luôn xác định Nhật Bản là trụ cột quan trọng trong chính sách đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trước đây và chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương; Tự do và rộng mở hiện nay.

Trong suốt lịch sử chiều dài 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao,  qua quan hệ Việt -Nhật đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trên thực tế, Nhật Bản vẫn luôn dõi theo dõi “động thái “của Mỹ để điều chỉnh  quan hệ với Việt Nam. Bởi vậy, thập niên 1980-1990, quan hệ hai nước từng có thời kỳ bị “đóng băng” . Sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam (1995), nhất là sau khi Mỹ thực hiện xoay trục châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tích cực tăng cường quan hệ với Việt Nam. Mặc dù Việt Nam-Nhật Bản đã có những cơ hội và động thái từ sớm, đến thập niên đầu của thế kỷ 21 quan hệ hai nước vẫn giới hạn ở những ngôn từ “vươn tầm”, “hướng tới”… quan hệ đối tác chiến lược và việc nâng cấp quan hệ diễn ra chậm hơn so với các nước là đối tác chủ chốt khác của Việt Nam. Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Nga (2001), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), nhưng với Nhật Bản phải tới 2009, cùng thời gian với Hàn Quốc và Tây Ban Nha, sớm hơn Anh (2010), Đức (2011), Thái Lan, Indonesia, Singapore, Pháp, Ý (2013) không nhiều... Tháng 9/2023, Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Theo The Diplomat, việc nâng cấp quan hệ Việt - Nhật lần này có thể coi là sự bổ sung cho việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất của Việt Nam với Mỹ trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Biden. Tương tự nhận định của tờ Thời báo Nihon Keizai Shinbun: sở dĩ Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng là vì cả hai đều lo ngại trước “sự trỗi dậy” của Trung Quốc, The Washington Post nhận xét việc Việt Nam nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Nhật Bản phản ánh mối lo ngại hội tụ của hai quốc gia về sức mạnh, ảnh hưởng và động thái ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt tại Biển Đông và Hoa Đông. Qua đây có thể nói sự kiện Việt-Nhật nâng cấp quan hệ lần này là phù hợp với sự kỳ vọng của Mỹ.

2.2. Phản ứng, quan điểm của Trung Quốc: “Đáng lo ngại“

Một số quan điểm phía Trung Quốc cho rằng, nhìn từ chính sách đối ngoại những năm gần đây của Nhật Bản, có thể thấy Nhật Bản đang cùng Mỹ đang thiết lập “chuỗi ngọc trai” phong tỏa  Trung Quốc. Ở phía bắc Trung Quốc, Nhật, Mỹ tăng cường quan hệ với Mông Cổ. Ở phía tây Trung Quốc, Nhật thiết lập nhiều thỏa thuận bổ sung chặt chẽ hơn với các nước Trung Á. Phía Đông Trung Quốc là liên minh Nhật - Hàn. Ở phía nam Trung Quốc, Nhật Bản cùng Ấn Độ hợp tác mật thiết và cùng chia sẻ thông tin tình báo. Hiện Nhật Bản thể hiện xu hướng đi theo Mỹ, nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức tương đương quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” Mỹ - Việt.

Một số nhà bình luận Trung Quốc cho rằng Đông Nam Á đã trở thành “chìa khóa” cho chính sách an ninh - quốc phòng mới của Nhật Bản thể hiện vai trò tích cực và chủ động hơn của đất nước Mặt trời mọc ở châu Á. Nhưng đồng thời, do Nhật Bản tự coi mình là “người phát ngôn khu vực” của “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ, chính sách đối với khu vực Đông Nam Á của nước này đã bộc lộ một khía cạnh đáng lo ngại.

Một số nhà phân tích Trung Quốc nhận xét, việc Nhật Bản “rêu rao, phóng đại” “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” hay can dự  vào công việc của Đông Nam Á đều khiến các nước trong khu vực phải “cảnh giác”. Mặc dù Nhật - Mỹ tăng cường “tấn công mê hoặc”  sâu rộng các nước Đông Nam Á, muốn họ hợp tác với “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, các nước Đông Nam Á vẫn theo đuổi chủ trương  “cân bằng" và không muốn chọn phe trước sự cạnh tranh chiến lược Mỹ = Trung. Tháng 8/2023, Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tình hữu nghị truyền thống đặc biệt “đồng chí, anh em” giữa nhân dân Trung Quốc và Việt Nam, khẳng định Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu. Thời báo Hoàn cầu dẫn lời giới quan sát viết, các nước Đông Nam Á là đối tác chung của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cả ba quốc gia này đều  là các nước “ hạt nhân” của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các nước ASEAN rõ ràng không sẵn lòng chọn phe giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Điều Nhật Bản nên làm bây giờ là tiếp tục thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng ở châu Á, trong đó có Đông Nam Á, thay vì “theo chân” Mỹ gây chia rẽ, làm tổn hại cho người khác và chính mình. “Thế giới nhận thấy rằng mặc dù  quan hệ  chính trị Trung-Nhật gần đây đã  phần nào “tan bang”, nhưng chính sách đối với Trung Quốc của Nhật Bản vẫn cho thấy sự phụ thuộc vào Mỹ và sự hiểu biết chiến lược của nước này về Trung Quốc còn thiên lệch”. “Trước đây, Nhật Bản đã nhắm tới các nước Đông Nam Á như Philippines và Malaysia làm mục tiêu của OSA. Hiện chính phủ Nhật Bản đang xem xét đưa Việt Nam trở thành ứng cử viên của chương trình “Hỗ trợ tăng cường an ninh chính phủ” này”.

Chưa có phản ứng chính thức từ phía Trung Quốc đối với sự kiện lần này, tuy nhiên cách đây 2 tháng, đáp lại việc quan hệ song phương Việt - Mỹ “nâng lên hai cấp độ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/9 phát biểu, “Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh phát triển quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc - Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trung Quốc tin rằng các nước đang phát triển quan hệ song phương không thể nhắm mục tiêu vào bên thứ ba hoặc gây tổn hại đến hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực”. Điều này cho thấy sự lo ngại của Trung Quốc trước việc Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lần này.

  1. 3. Việc nâng cấp quan hệ có tác động gì đối với Việt Nam, Nhật Bản và khu vực?

3.1. Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản và tác động tới Việt Nam

- Khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực, cho thấy Việt Nam ngày càng được các cường quốc coi trọng (gần đây Việt Nam cũng nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất với Hàn Quốc (2022) và Mỹ (2023)), đồng thời cho thấy Việt Nam là điểm đến an toàn và ổn định trên thế giới.

- Tạo điều kiện cho Việt Nam tranh thủ tận dụng các nguồn lực và tài trợ từ Nhật Bản, giúp phát triển các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, hợp tác nhân lực, giáo dục, hợp tác an ninh, du lịch, xuất khẩu lao động… hơn nữa, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp như hiện nay.

- Việt Nam có thêm đối tác tin cậy giúp cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhờ vào việc nâng tầm quan hệ lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”, Việt Nam có thể mở rộng hợp tác an ninh - quốc phòng với Nhật Bản, tiếp nhận sự viện trợ chính thức của Nhật Bản trong lĩnh vực quốc phòng, tiếp nhận chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng từ Nhật Bản, hướng tới các hoạt động huấn luyện chung, nâng cao năng lực cảnh sát biển, đảm bảo an ninh trên biển của Việt Nam.

- Việt Nam có vị trí bình đẳng và xứng đáng hơn trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

- Việt Nam có thêm tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ hơn từ Nhật Bản trên các diễn đàn quốc tế.

3.2. Tác động tới Nhật Bản

- Nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam là một thành tố quan trọng. Giúp cân bằng ảnh hưởng của Nhật Bản đối với sự gia tăng ảnh hưởng  của Trung Quốc trong khu vực; tranh thủ được sự ủng hộ của Việt Nam trong việc duy trì trật tự quốc tế tự do và rộng mở trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; tranh thủ được sự phối hợp của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực về những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, khi mà Việt Nam được nhận định là “quốc gia duy nhất thể hiện quan điểm nhất quán, đấu tranh kiên quyết, kiên trì đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải” trong khi Trung Quốc “đẩy mạnh chiến lược chia rẽ, phân hóa trong nội bộ các nước ASEAN”.

- Nhật Bản có thêm một đối tác tin cậy, sẵn sàng ủng hộ vai trò của Nhật Bản tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)…

- Nhật Bản có thêm một cứ điểm quan trọng trong hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng và có thêm điểm đến đầu tư an toàn, triển vọng trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Liên kết kinh tế giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, hiệu quả.

- Nhật Bản có một đối tác tin cậy và triển vọng, bổ khuyết cho Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề già hóa dân số, thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng khi mà Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có số lượng lao động thực tập sinh kỹ năng lớn nhất tại Nhật Bản vào năm 2016.

3.3. Tác động tới khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á

- Đối với khu vực Đông Nam Á, việc nâng cấp quan hệ Việt - Nhật lần này cũng tăng cường hơn nữa vai trò của ASEAN trên trường quốc tế, cho thấy các nước ASEAN luôn là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Sự nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” - một trong những cấp độ cao nhất của quan hệ ngoại giao, mở ra triển vọng hợp tác trong những lĩnh vực mới như an ninh - quốc phòng cũng giúp cho các nước ASEAN có thêm đối tác có tiềm lực trong lĩnh vực này. Việc Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ với Nhật Bản về kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng có thể trở thành một chất xúc tác kích thích xu hướng tương lai các nước Đông Nam Á có thể ngả dần về phía quan hệ với Mỹ và Nhật Bản

- Đối với khu vực Đông Bắc Á, đây là một khu vực phức tạp về địa chính trị. Trước đó không lâu, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất với Hàn Quốc, bây giờ là Nhật Bản. Điều này có thể dẫn tới những lo ngại của Trung Quốc, vốn là một cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra có thể tính tới phản ứng của CHDCNDTriều Tiên.

- Kịch bản sáng sủa nhất là Việt Nam với vị trí địa chính trị quan trọng, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và mạnh, lại là một cường quốc về dân số trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam với mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và bây giờ là Nhật Bản, có thể trở thành cầu nối kết nối sự hợp tác tích cực và toàn diện ở giữa khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Sự phát triển toàn diện và sâu sắc của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có thể thúc đẩy những xu hướng hợp tác mới trong khu vực.

  1. Kiến nghị đối với Việt Nam

- Về chính trị- ngoại giao: Hai bên cần duy trì các chuyến thăm cấp cao ít nhất 1-2 lần/năm. Những chuyến thăm thường xuyên lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao giữa hai nước đã góp phần vô cùng quan trọng cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết, lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia.  Việt Nam ủng hộ Nhật Bản trở thành “Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”;

- Về an ninh – quốc phòng: Xung đột quân sự giữa Nga và Ucraine cho thấy, Việt Nam bắt buộc phải đa dạng hóa nguồn nhập khẩu vũ khí. Một trong những điểm yếu lớn nhất trong phòng thủ biển của Việt Nam là thiếu máy bay săn ngầm P-3C Orion. Nhật Bản là địa chỉ đầy tiềm năng mà Việt Nam nên thúc đẩy đàm phán về vấn đề này. Đẩy nhanh việc Nhật Bản chuyển giao các thiết bị về công nghiệp quốc phòng cho Việt Nam, công nghệ đóng tàu quân sự cho Việt Nam. Chính phủ giao giao tập đoàn Viettel tiến hành tiếp nhận công nghệ quốc phòng của Nhật Bản, đặc biệt là sản xuất UAV.

- Về hợp tác kinh tế: Tận  dụng cơ hội hai quốc gia nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” để đón cơ hội đầu tư FDI mới từ Nhật Bản vào Việt Nam. Để làm đươc việc này, Việt Nam bắt buộc nhanh chóng phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Nếu không làm được điều này, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội của mình.

Hiện tại mặc dù Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao, nhưng vẫn có sự không phù hợp ở chỗ, chúng ta không có đủ nguồn nhân lực có kỹ năng. Trước cơ hội mới to lớn trong hợp tác kinh tế với Nhật Bản hiện nay, tất cả các cấp cần thực hiện triệt để Nghị quyết 50-NQ/TW năm 2019, trong đó ưu tiên tối đa hóa đào tạo cả phần mềm và phần cứng để phát triển kỹ năng của nhân lực trong nước, đưa đến sự tiến bộ thực chất của nền kinh tế đất nước: Xây dựng mô hình nhận chuyển giao từ FDI với quy trình cụ thể theo lộ trình, chủ động học hỏi, sẵn sàng nguồn lực để tiếp nhận, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI Nhật Bản với doanh nghiệp trong nước nhằm lan tỏa công nghệ giữa hai khu vực; Học hỏi mô hình những nước có cùng xuất phát điểm giống Việt Nam và thành công trong thu hút FDI Nhật Bản trong công nghiệp hóa như Malaysia, Thái Lan…

- Về hợp tác nguồn nhân lực: Vấn đề gây trở ngại lớn nhất đối với quan hệ Việt- Nhật hiện nay là tỷ lệ phạm tội của lao động Việt Nam tại Nhật Bản rất cao. Hiện nay khi Việt Nam trở thành đối tác số một của Nhật Bản trong vấn đề hợp tác nhân lực, cung ứng lao động cho Nhật Bản (tháng 1/2023 số người lao động Việt Nam ở Nhật Bản đã lên đến 462.384 người, cao nhất trong số lao động người nước ngoài tại Nhật Bản xét theo quốc tịch) trong tình hình Nhật Bản già hóa dân số và thiếu lao động trầm trọng thì việc mở rộng hơn nữa sự hiểu biết của người Nhật Bản về đất nước, con người Việt Nam để cùng chung sống, chia sẻ các giá trị, lợi ích và trách nhiệm là vô cùng quan trọng. Việc Việt Nam là nước có số người phạm tội nhiều nhất ở Nhật là đáng xấu hổ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, báo đài, TV Nhật Bản thường xuyên đăng tải các vụ việc người Việt Nam phạm tội trên đất nước Nhật Bản đã khiến một bộ phận không nhỏ người dân Nhật Bản có cái nhìn sai lệch, mất thiện cảm đối với người Việt Nam nói chung. Có lẽ, người dân Nhật Bản cũng cần nhìn nhận hình ảnh hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam đang lao động và học tập một cách nghiêm túc, cần mẫn tại, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động cũng như đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản. Việc xây dựng môi trường giúp cho thanh niên Việt Nam cảm thấy an tâm và hạnh phúc khi lựa chọn Nhật Bản là điểm đến để học tập và làm việc là cần thiết. Cùng với việc xóa bỏ các công ty trung gian, lừa đảo khiến người lao động Việt Nam bị dồn vào con đường phạm tội, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp thì việc xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam cũng rất quan trọng. Tới đây, rất cần những chương trình phát sóng riêng về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, hoặc việc xây dựng chương trình dạy tiếng Việt phát sóng trên truyền hình Nhật Bản sẽ góp phần nâng cao sự quan tâm, hiểu biết của người Nhật Bản về Việt Nam./.

(Bài viết được trích từ BÁO CÁO NHANH ĐÁNH GIÁ VÀ TƯ VẤN CHÍNH SÁCH  NHÂN SỰ KIỆN VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN NÂNG CẤP QUAN HỆ  LÊN “ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN” do Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản - Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thực hiện)

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn